Kiến nghị Chính phủ có ưu đãi về đất, tín dụng, thuế để phát triển trường NCL

19/08/2022 06:43
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoài Nam, bình quân mỗi năm trẻ em tại thành phố tăng gần 10.000 em.

Chiều ngày 18/8, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có đoàn giám sát làm việc với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về tình hình thực hiện các chính sách của pháp luật đối với giáo dục mầm non tại khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố.

Đoàn giám sát do bà Nguyễn Thị Mai Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội dẫn đầu.

Về phía Thành phố Hồ Chí Minh có ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu, làm việc với đoàn giám sát.

Nội dung buổi làm việc tập trung vào 3 vấn đề chính: Góc nhìn toàn cảnh về giáo dục mầm non, mức độ đáp ứng nhu cầu của người dân, đánh giá tổng thể về triển khai chính sách pháp luật, chính sách đặc thù cho giáo dục mầm non và những vấn đề còn vướng mắc cần đặt ra trong thời gian tới.

Ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo tại buổi làm việc (ảnh: P.L)

Ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo tại buổi làm việc (ảnh: P.L)

Báo cáo tại buổi làm việc này, ông Lê Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mỗi năm, bình quân trẻ mầm non tại thành phố tăng khoảng gần 10.000 em.

Tính đến hết năm học 2021 – 2022, toàn thành phố có 3.112 cơ sở giáo dục mầm non, trong đó có 468 cơ sở giáo dục mầm non công lập và 883 trường mầm non ngoài công lập.

Toàn thành phố có 16 khu chế xuất, khu công nghiệp và 24 trường mầm non nằm ở vị trí liền kề, hay bên trong khuôn viên của khu chế xuất, khu công nghiệp đã được xây dựng, đưa vào sử dụng để giữ trẻ là con của các công nhân làm việc tại đây, và cả trẻ em tại địa phương.

Để tạo điều kiện cho bậc học này phát triển, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định triển khai chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế, nhằm khuyến khích xã hội hóa trong việc đầu tư, phát triển trường, lớp mầm non ngoài công lập tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Ông Lê Hoài Nam còn cho rằng, cần “luật hóa” trách nhiệm của các doanh nghiệp, tránh chỉ là việc kêu gọi, vận động khiến hiệu quả không được như mong đợi.

Ngoài ra, cần xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, đoàn thể, nhà đầu tư về chính sách vay vốn, đất đai, chế độ hỗ trợ đối với giáo viên hợp đồng trong các cơ sở giáo dục mầm non.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, ngoài mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp áp dụng cho dự án giáo dục ở mức tương đối thấp thì các dự án giáo dục chưa được sự hỗ trợ nào đặc biệt trong quá trình đầu tư.

Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị tham mưu Chính phủ điều chỉnh Nghị định 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.

Bên cạnh đó, thành phố đề nghị xem xét, điều chỉnh Thông tư số 13 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Ban hành quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường nhiều cấp học.

Ngoài ra, cũng cần đề xuất điều chỉnh Thông tư 02 về Ban hành danh mục đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học cho giáo dục mầm non.

Một số nội dung trong hai thông tư này cho đến nay chưa phù hợp với điều kiện thực tế.

Việt Dũng