Một số thí nghiệm ở sách KHTN 6, bộ Chân trời sáng tạo được cho là có sai sót

23/10/2022 06:42
Cao Nguyên (ghi)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thí nghiệm Xác định thành phần phần trăm thể tích oxygen trong không khí, sách Khoa học tự nhiên 6, bộ Chân trời sáng tạo, được cho là có nhiều sai sót.

Một giáo viên ở tỉnh An Giang đã chia sẻ băn khoăn xung quanh thí nghiệm trong sách Khoa học tự nhiên 6, bộ Chân trời sáng tạo.

Theo đó, thí nghiệm Xác định thành phần phần trăm thể tích oxygen trong không khí (bài 10, trang 50, hình 10.3), sách Khoa học tự nhiên 6, bộ Chân trời sáng tạo (Cao Cự Giác - Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) có điểm bất ổn.

"17 năm dạy học, tôi rất hiếm khi phát hiện cái chưa chính xác của sách giáo khoa cả 4 khối 6, 7, 8, 9. Năm nay tôi dạy môn Khoa học tự nhiên, mới 6 tuần, nhận thấy khá nhiều vấn đề "bất ổn". Ví dụ điển hình: Thí nghiệm Xác định thành phần phần trăm thể tích oxygen trong không khí, bài 10 trang 50, hình 10.3", giáo viên này chia sẻ.

Theo đó, sách giáo khoa hướng dẫn làm thí nghiệm như sau:

Chuẩn bị: Nước màu (cho thêm ít giọt dung dịch kiềm), ống thủy tinh và chậu thủy tinh có gắn cây nến.

Thực hiện:

- Cho ít nước màu vào chậu thủy tinh.

- Đốt nến cháy, sau đó úp ống thủy tinh lên trên ngọn nến. Đánh dấu mực nước trong ống ngay sau khi úp và sau khi nến tắt. Quan sát hiện tượng và rút ra nhận xét.

Thí nghiệm Xác định thành phần phần trăm thể tích oxygen trong không khí. (Ảnh: Võ Hoàng Bình)

Thí nghiệm Xác định thành phần phần trăm thể tích oxygen trong không khí. (Ảnh: Võ Hoàng Bình)

Theo vị giáo viên này cho biết, cách giải thích cả 3 ý (câu hỏi 5, 6, 7 sách giáo khoa) trong sách giáo viên đều sai, bởi những lí do sau đây:

Thứ nhất, "nến tắt là do khí oxygen trong ống thủy tinh đã bị đốt cháy hết". Oxygen giúp duy trì sự cháy chứ bản thân nó không bị cháy. Trong khí quyển đâu đâu cũng có oxygen, nếu oxygen có thể cháy thì chỉ cần một ngọn lửa là Trái Đất này cháy như cây rọi giác gió (cây mồi lửa giác hơi), không còn một thứ gì.

Thứ hai, "ngọn nến cháy tiêu thụ hết oxygen trong ống làm cho áp suất bên trong ống giảm". Sự cháy tiêu thụ bao nhiêu oxygen thì sinh ra bấy nhiêu carbon dioxide thì làm gì có chuyện hụt thể tích mà giảm áp suất?

Nguyên nhân nước trong ống dâng lên là: khi bị đốt nóng, các phân tử chất khí bên trong ống chuyển động nhanh lên làm tăng áp suất đẩy bớt không khí ra ngoài, khi nến tắt nhiệt độ giảm xuống, các phân tử chuyển động chậm lại, áp suất giảm thấp hơn bên ngoài, áp suất khí quyển đẩy nước trong ống dâng lên để cân bằng áp suất.

Thứ ba, "tỉ lệ chiều dài mực nước và chiều dài ống thể hiện phần trăm thể tích oxygen trong không khí". Bên trong ống có cây nến chiếm một phần thể tích, nến càng to (càng mập) thì mực nước bên trong sẽ dâng lên càng cao nên đâu thể tính theo cách này được.

Bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của giáo viên này, thầy Mai Văn Túc - giáo viên Vật lý, Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định, lỗi thí nghiệm Xác định thành phần phần trăm thể tích oxygen trong không khí, thầy đã phân tích trực tiếp với Chủ biên lĩnh vực Hóa học.

Thầy Túc cũng đã làm thí nghiệm và quay video có độ dài gần 10 phút (*) để chứng minh rằng, thí nghiệm Xác định thành phần phần trăm thể tích oxygen trong không khí (sách Khoa học tự nhiên 6) là sai về bản chất.

Cũng theo vị giáo viên ở An Giang, một ví dụ khác ở hình 3: Hơi nước (Bài 8: Các thể của nước, trang 37 hình 8.2) cần phải xem lại. Tác giả sách giáo khoa cho biết phần khói nước bay bay trên cốc nước nóng là hơi nước. Và đây cũng là ý nghĩ của nhiều người và nhiều giáo viên.

Bài 8: Các thể của nước. (Ảnh: Võ Hoàng Bình)

Bài 8: Các thể của nước. (Ảnh: Võ Hoàng Bình)

"Thực chất không phải. Hơi nước là chất khí có chiết quang giống như không khí, tức là chúng ta không thể nhìn thấy hơi nước trong không khí. Cái mà ta nhìn thấy (khói nước, sương mù,...) là những giọt nước li ti do hơi nước ngưng tụ trong không khí, tức là nước ở thể lỏng chứ không phải thể khí (hơi nước).

Nước thể lỏng chiết quang hơn không khí nên ta mới nhìn thấy nó trong không khí. Khói nước phụt ra từ vòi ấm đang sôi mà ta nhìn thấy là do hơi nước bên trong bay ra bị giảm nhiệt độ đột ngột ngưng tụ lại. Khói nước bay là là bao quanh cục nước đá là do hơi nước trong không khí gặp lạnh ngưng tụ lại, độ ẩm càng cao thì khói nước càng nhiều.

Quý thầy cô cần cẩn thận nghiên cứu kỹ tránh dạy sai kiến thức. Không phải sách giáo khoa, sách giáo viên viết sao thì dạy vậy", giáo viên này nhắn gửi với các đồng nghiệp.

Chia sẻ với người viết liên quan đến một số thí nghiệm được cho là có sai sót trong sách Khoa học tự nhiên 6 - bộ Chân trời sáng tạo, một giáo viên là tổ trưởng chuyên tổ Vật lí bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, các phân tích trên hoàn toàn chính xác.

"Cuốn sách này có nhiều nội dung sai sót thì làm sao giúp học sinh "phát triển phẩm chất và năng lực", "giúp không ngừng sáng tạo trước thế giới tự nhiên rộng lớn", "tạo cơ hội vận dụng kiến thức vào cuộc sống hằng ngày" như các tác giả sách kì vọng?

Các tác giả sách giáo khoa cần nhanh chóng công khai những sai sót này lên các phương tiện truyền thông để giáo viên và học sinh nắm được. Tôi biết, nhiều giáo viên, hoc sinh vẫn dạy và học thí nghiệm này nhưng tất cả đều không nhận ra những sai sót sơ đẳng", vị tổ trưởng này nêu ý kiến.

Nội dung quan điểm trong bài viết thể hiện góc nhìn của một giáo viên ở An Giang. Để làm sáng tỏ vấn đề, đảm bảo khách quan và đa chiều, Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời các thầy cô, các tác giả có liên quan viết bài phân tích làm rõ, bài viết xin gửi về email: toasoan@giaoduc.net.vn.

(*) Video thí nghiệm Xác định thành phần phần trăm thể tích oxygen trong không khí: https://www.youtube.com/watch?v=CCNtMSvzFEM (nguồn: Mai Văn Túc)

Cao Nguyên (ghi)