Thầy Túc: sách giáo khoa Khoa học tự nhiên lớp 6 có nhiều lỗi sai nguy hiểm

06/07/2021 06:48
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo thầy Túc: “Đây không thể gọi là sách tích hợp, mà là sách dạy làm các thí nghiệm sai một cách thô thiển, sai đó có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng".

“Khi sách Khoa học tự nhiên lớp 6 được đưa ra, tôi đã đọc rất kỹ và phát hiện ra bị nhiều lỗi biên soạn. Nếu học sinh tự đọc kiến thức ở đâu đó mà sai thì có thể còn chưa đáng lo, nhưng nếu sách giáo khoa sai thì dẫn đến dạy học sinh sai, điều này hậu quả sẽ rất lớn.

Ngay như cái tên là “Kết nối tri thức với cuộc sống”, tôi đọc nhưng chưa thấy có gì khác với bộ sách hiện hành, vậy tại sao lại lấy tên như vậy?

Kết nối tri thức với cuộc sống có nghĩa phải đưa được kiến thức, phải hiểu đúng để vận dụng vào cuộc sống”, thầy Mai Văn Túc - giáo viên Vật Lý, Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Thầy Mai Văn Túc - giáo viên Vật Lý, Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) Ảnh: Tùng Dương.
Thầy Mai Văn Túc - giáo viên Vật Lý, Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) Ảnh: Tùng Dương.

Từ năm học 2021-2022, học sinh lớp 6 sẽ được học 1 trong 3 cuốn sách Khoa học Tự nhiên là bộ Cánh diều của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và bộ Chân trời sáng tạo của Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam.

Về vấn đề này, thầy Túc nói: “Tôi đã đọc, nghiên cứu rất kỹ và phát hiện ra nhiều lỗi sai trong cuốn Khoa học tự nhiên của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Có thể nói là hàng trăm lỗi sai từ cơ bản đến nghiêm trọng về kiến thức Vật lý trong cuốn sách này.

Tôi ví dụ, bài thí nghiệm về lực cản của nước. Bộ thí nghiệm này có rất nhiều lỗi sai nghiêm trọng như sau:

1. Chỉ với mục đích là chỉ ra cho học sinh lớp 6 biết khi một vật chuyển động trong không khí, trong nước thì xuất hiện lực cản tác dụng lên vật và lực cản của nước tác dụng lên vật mạnh hơn mà tác giả phải thực hiện một thí nghiệm rất phức tạp. Điều đáng nói là thí nghiệm này sai về nhiều mặt. Cụ thể về mặt kinh tế, tốn kém thời gian, công sức tiền của để chế tạo. Tốn kém thời gian, công sức của hàng chục triệu giáo viên và học sinh chuẩn bị và tiến hành thí nghiệm mà nhưng lại nhận được kiến thức sai.

2. Việc dùng lực kế có giới hạn đo 5,0N và độ chia nhỏ nhất 0,1N để đo lực cản của không khí tác dụng lên xe lăn có độ lớn cỡ 0,01N là không đo được. Đây là một lỗi tối kị trong giáo dục. Bài trước dạy các em khi tiến hành đo phải ước lượng độ lớn của lực để chọn dụng cụ đo phù hợp, ngay bài sau thì chính tác giả lại vận dụng sai căn bản vào thí nghiệm này.

3. Ở chủ đề các phép đo, sách giáo khoa đã hướng dẫn học sinh cách đọc kết quả khi đo lực là đặt mắt nhìn theo hướng vuông góc với thân lực kế tại vị trí của cái chỉ thị. Vậy trong trường hợp này, lực kế đang chạy các em làm sao đọc được số chỉ? Số chỉ của lực kế nếu đọc được thì đó chủ yếu là lực ma sát lăn tác dụng lên xe lăn và ròng rọc (tôi đã làm thí nghiệm với loại xe lăn và ròng rọc tốt nhất trên thị trường). Điều này hầu hết giáo viên Vật lý nào cũng biết. Vậy người thiết kế bài thí nghiệm đã mắc lỗi sai căn bản trong thực hành là đo nhầm đối tượng cần đo.

4. Trong hướng dẫn thí nghiệm, tác giả có nói kéo từ từ lực kế để xe lăn chuyển động ổn định. Để lực cản tác dụng lên xe lăn đạt được trạng thái ổn định thì thí nghiệm này không làm được vì quãng đường quá ngắn. Hơn nữa không có bằng chứng nào cho biết xe chuyển động ổn định (chính tổng chủ biên đã nói khoa học là phải có số liệu đo cụ thể).

5. Lực kế ống dùng trong thí nghiệm chỉ được phép đo thuận theo phương thẳng đứng, khi đo mà lực kế bị nghiêng thì kết quả đo sẽ sai. Trong thí nghiệm này, tác giả còn hướng dẫn đo ngược.

6. Lực cản tác dụng lên xe phụ thuộc vào tốc độ của xe; vậy khi xe chuyển động trong không khí và trong nước thì cơ sở nào khẳng định xe chuyển động trong không khí có tốc độ như khi chuyển động trong nước ? So sánh không cùng mốc.

7. Cuối cùng điều gì khẳng định khi tiến hành thí nghiệm thì xe lăn đang chuyển động theo phương ngang? Thiếu cơ sở khoa học.

Vậy, chỉ bài thí nghiệm này đã mắc phải 7 lỗi căn bản, nếu cứ để những lỗi sai này mà dạy học sinh thì những thế hệ sau sẽ nghĩ gì về những người đã soạn ra chúng?

Thí nghiệm về lực cản của nước trong sách Khoa học tự nhiên lớp 6. Ảnh: NVCC.
Thí nghiệm về lực cản của nước trong sách Khoa học tự nhiên lớp 6. Ảnh: NVCC.

Thí nghiệm quá nguy hiểm, bị hiểu sai

Trong chương 3 bài 1 về một số vật liệu, thầy Túc đã chỉ ra sự nguy hiểm về lỗi sai trong bài thí nghiệm tìm hiểu khả năng dẫn điện của vật liệu (ảnh minh họa): “Thí nghiệm này không chỉ sai dẫn đến những hậu quả nguy hiểm cho người mà nó còn làm sai lệch nhận thức của giáo viên và học sinh.

Trong sách nói nếu kẹp vật liệu thử để nối kín mạch điện mà bóng đèn không sáng, và từ đó kết luận vật liệu thử là cách điện thì đây là một kết luận sai. Lý do để bóng đèn không sáng không phải chỉ do vật thử không dẫn điện, mà do cường độ dòng điện chưa đủ mạnh để đốt cho bóng đèn phát sáng.

Nếu bây giờ học sinh làm theo, 2 tay nắm vào hai kẹp vật liệu, bóng đèn không sáng và các em tự tin cơ thể người không dẫn điện rồi cầm tay vào dây điện 220V thì hậu quả sẽ ra sao? Vậy có nghĩa là ta đã kết nối sai tri thức với cuộc sống – Thật sự phản giáo dục”.

Thí nghiệm oxygen, ảnh NVCC.

Thí nghiệm oxygen, ảnh NVCC.

Với thí nghiệm xác định thành phần phần trăm thể tích của Oxygen trong không khí. Thầy Túc nói: “Việc các nhà làm sách đưa các thông tin liên quan đến kết quả thí nghiệm hầu hết các thông số không đo được này vào sách giáo khoa lớp 6 là việc làm sai. Thí nghiệm này ngoài những lỗi sai bản chất thì còn có thể gây sai lệch nhận thức của giáo viên và học sinh.

Thứ nhất: Lượng oxy trong cốc cháy nhiều hay cháy ít còn phụ thuộc chính chất cháy và ngay cả cùng là nến, lượng oxy cháy cũng phụ thuộc số cây nến được đốt.

Thứ hai: Đối với nến cháy, nồng độ oxy chỉ cần hạ xuống 1 mức nhất định, sự cháy sẽ dừng lại.

Thứ ba: Không khí nóng ở phía trên, ngăn cản hiện tượng đối lưu đem khí lạnh giàu oxy đến chỗ nến cháy. Do vậy còn một lượng khí lạnh giàu oxy ở phía dưới.

Thứ tư: Khí CO2 sinh ra nóng và ở trên cao, dự đoán là khó xuống để nước có kiềm hấp thụ. Mặt khác, phản ứng CO2 với kiềm xảy ra như thế nào và có xảy ra hoàn toàn không cũng là một thông tin chưa rõ ràng.

Thứ năm: Lúc cây nến cháy, không khí lân cận đã nóng và ngay sau khi ta úp chiếc cốc lại, áp suất khí trong bình và ngoài bình bằng nhau. Khi nến tắt, nhiệt độ khí trong bình hạ xuống làm áp suất hạ xuống và kéo khối nước lên là đáng kể”.

Kết luận sai về thí nghiệm tìm hiểu khả năng dẫn điện của vật trong sách Khoa học tự nhiên lớp 6. Ảnh: NVCC.

Kết luận sai về thí nghiệm tìm hiểu khả năng dẫn điện của vật trong sách Khoa học tự nhiên lớp 6. Ảnh: NVCC.

Thầy Túc nhấn mạnh: “Đây không thể gọi là sách tích hợp, mà là sách dạy làm các thí nghiệm sai một cách thô thiển, có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, hậu quả làm sai lệch nhận thức của giáo viên và học sinh. Tôi thiết nghĩ, khi viết sách, nếu chỉ thừa một chữ không cần thiết trong sách giáo khoa thôi đã hậu quả hàng chục triệu giáo viên, học sinh phải đọc, hoặc viết thừa chữ. Vậy có rất nhiều những lỗi sai như thế thì hậu quả hữu hình và vô hình sẽ lớn đến mức nào … Tại sao đội ngũ thẩm định bao nhiêu người như vậy lại “không phát hiện” ra những lỗi đó?

Tất cả những điểm sai trong sách như vậy sẽ dẫn đến hệ lụy: Nếu các nhà khoa học trên thế giới nhìn vào thấy những kiến thức sai như vậy thì họ đánh giá thế nào về nền giáo dục của chúng ta?

Tôi thiết nghĩ, những kiến thức mà nhân loại đã khám phá ra, chúng ta phải hiểu đúng rồi từ đó phát minh thêm nhiều cái mới, nhưng nay có mỗi việc là phải hiểu đúng mà chúng ta không làm nổi thì sao có được phát minh mới.

Cần phải phải biên soạn lại sách giáo khoa Khoa học tự nhiên lớp 6 ít nhất là lĩnh vực Vật lý, việc biên soạn lại là tốn tiền, đau xót nhưng là không thể không làm bởi nếu không hậu quả còn lớn hơn rất nhiều do hàng trăm lỗi sai trong sách gây ra".

Tùng Dương