Tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu, giáo viên băn khoăn bao giờ bị cắt thâm niên?

26/10/2022 06:32
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi Nhà nước triển khai chính sách cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết 27-NQ/TW thì giáo viên sẽ bị cắt thâm niên.

Thời gian vừa qua, nhận được thông tin Chính phủ đề xuất tăng lương cơ sở từ 1,490,000 triệu đồng/tháng lên 1.800.000 triệu đồng/ tháng từ ngày 1/7/2023, bạn đọc là giáo viên trên cả nước bày tỏ sự vui mừng. Tuy nhiên, nhiều thầy cô băn khoăn, Nhà nước tăng mức lương cơ sở lên 1.800.000 đồng/tháng thì lúc nào giáo viên sẽ bị cắt phụ cấp thâm niên.

Theo các quy định hiện hành của pháp luật có liên quan đến chế độ, chính sách đối với viên chức (giáo viên) và bằng sự hiểu biết của bản thân, người viết xin cung cấp đến bạn đọc một số thông tin có liên quan đến phụ cấp thâm niên nhà giáo.

Tăng mức lương cơ sở khác với chính sách cải cách tiền lương

Ngày 20/10/2022, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 và Kế hoạch tài chính 3 năm 2023-2025.

Về dự toán ngân sách Nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết Chính phủ kiến nghị chưa thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW trong năm 2023.

Tuy nhiên từ ngày 1/7/2023, thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (khoảng 20,8%); tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách Nhà nước đảm bảo khoảng 12,5% và hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công và tăng chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%, theo Báo VOV.VN. [1]

Như thế, Nhà nước tăng mức lương cơ sở lên 1.800.000 đồng/tháng cho cán bộ, công chức, viên chức thì giáo viên vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên theo quy định hiện hành.

Ảnh minh họa: AN/giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: AN/giaoduc.net.vn

Ngày 01/8/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 77/2021/NĐ-CP [2] quy định chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo, gồm các đối tượng như sau:

- Viên chức ngành giáo dục đào tạo mang mã số có các ký tự đầu là V.07 và viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp có mã số ký tự đầu là V.09 thuộc danh sách trả lương của cơ quan có thẩm quyền, đang giảng dạy tại cơ sở công lập được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động.

- Nhà giáo thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thí nghiệm tại các tàu huấn luyện, xưởng trưởng, trạm, trại, trung tâm thực hành, phòng thí nghiệm, phòng bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông, thường xuyên, nghề nghiệp, đại học công lập.

Nghị định 77/2021/NĐ-CP quy định thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên được xác định bằng tổng các thời gian (trích):

- Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong cơ sở giáo dục công lập;

- Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong cơ sở giáo dục ngoài công lập với giáo viên có thời gian trước đây giảng dạy tại cơ sở giáo dục ngoài công lập.

- Thời gian đi nghĩa vụ quân sự mà trước khi đi đang hưởng phụ cấp thâm niên nghề.

Sẽ bỏ phụ cấp thâm niên khi Nhà nước thực hiện cải cách tiền lương

Theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW [3] của Bộ Chính trị, khi thực hiện cải cách tiền lương thì sẽ bỏ phụ cấp thâm niên vượt khung của nhà giáo. Đây cũng là quy định tại Luật Giáo dục năm 2019. [4]

Ngày 22/10, Quốc hội dành thời gian thảo luận tại tổ về kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2022, kế hoạch năm 2023.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khi thảo luận tại tổ cho biết: "Nếu điều kiện đất nước năm 2023 có sự phát triển kinh tế xã hội tốt và năm 2024 tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định, bền vững, không bị tác động bởi các yếu tố khách quan như năm 2020 - 2022 thì có thể triển khai được chính sách cải cách tiền lương", theo Báo Thanh Niên. [5]

Có thể nhận thấy, sau cải cách, chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức sẽ có những thay đổi lớn như sau:

Thứ nhất, bãi bỏ mức lương cơ sở: Theo Mục 3.1.c Phần II Nghị quyết 27-NQ/TW, sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và áp dụng mức lương cụ thể đối với cán bộ, công chức, viên chức; mức lương cụ thể này sẽ được tính căn cứ theo vị trí việc làm của từng đối tượng.

Có thể hiểu, người dù mới được tuyển dụng/bổ nhiệm nếu đáp ứng được yêu cầu công việc tại vị trí việc làm đó sẽ được lương tương xứng với công sức và kết quả làm việc. Riêng những người giữ chức vụ lãnh đạo được hưởng lương theo chức danh, chức vụ đang giữ.

Như vậy, tiền lương theo vị trí việc làm là tiền lương được trả theo đúng năng lực thực chất, khả năng đáp ứng yêu cầu công việc của cán bộ, công chức, viên chức, thay vì phụ thuộc vào thâm niên công tác, bằng cấp như hiện tại.

Thứ hai, trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm: Nghị quyết 27-NQ/TW nhấn mạnh, về chính sách cải cách tiền lương, đối với khu vực công, Nhà nước trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước và nguồn thu sự nghiệp dịch vụ công, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động.

Trong đó, đối với bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo sẽ thực hiện theo nguyên tắc: Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau; Điều kiện lao động cao hơn bình thường.

Thứ ba, áp dụng hệ thống bảng lương mới: Theo Nghị quyết này, sẽ có 05 bảng lương mới dành cho cán bộ, công chức, viên chức.

Cụ thể (trích): 01 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo; 01 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo...

Ví dụ, ở trường mầm non, phổ thông công lập sẽ có các bảng lương như sau: bảng lương dành cho cán bộ quản lí (có phụ cấp chức vụ theo hệ số), bảng lương giáo viên và bảng lương nhân viên.

Thứ tư, sẽ có cơ cấu tiền lương mới cho công chức, viên chức: Theo Điểm a Khoản 3.1 Phần II Nghị quyết 27-NQ/TW, cơ cấu tiền lương mới từ năm 2021 gồm: lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương).

Đồng thời, bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Thứ năm, bỏ phụ cấp thâm niên của cán bộ, công chức, viên chức: Nhằm sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương thì trong thời gian sắp tới sẽ bãi bỏ một số loại phụ cấp như:

- Phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để đảm bảo tương quan tiền lương với cán bộ, công chức);

- Phụ cấp chức vụ lãnh đạo (do các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị thực hiện xếp lương chức vụ);

- Phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội; phụ cấp công vụ (do đã đưa vào trong mức lương cơ bản);

- Phụ cấp độc hại nguy hiểm (do đã đưa điều kiện lao động có yếu tố độc hại, nguy hiểm vào phụ cấp theo nghề).

Thứ sáu, bãi bỏ hàng loạt các khoản chi ngoài lương: Mục 4 Phần III Nghị quyết 27-NQ/TW nêu rõ thực hiện các giải pháp tài chính, ngân sách là nhiệm vụ đột phá để tạo nguồn lực cho cải cách chính sách tiền lương và trong đó có việc bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước như: tiền bồi dưỡng họp; tiền bồi dưỡng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án; hội thảo... Thực hiện khoán quỹ lương gắn với mục tiêu tinh giản biên chế cho các cơ quan, đơn vị.

Thứ bảy, cán bộ, công chức, viên chức tại nhiều tỉnh được hưởng thu nhập tăng thêm: Theo quy định tại Mục 3.1.d Phần II Nghị quyết 27-NQ/TW, mở rộng áp dụng cơ chế thí điểm đối với một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tự cân đối ngân sách và bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương (tăng thêm không quá 0,8 lần).

Nhìn chung, Nhà nước đã có phương án xây dựng cách tính lương mới sau khi bỏ phụ cấp thâm niên. Theo đó, lương của giáo viên sẽ không giảm mà thậm chí còn có thể tăng do có thêm tiền thưởng.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vov.vn/chinh-tri/trinh-quoc-hoi-tang-luong-co-so-cho-can-bo-cong-chuc-len-18-trieu-dongthang-post978557.vov

[2] https://luatvietnam.vn/giao-duc/nghi-dinh-77-2021-nd-cp-206646-d1.html

[3] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Nghi-quyet-27-NQ-TW-2018-cai-cach-chinh-sach-tien-luong-doi-voi-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-382336.aspx

[4] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Luat-giao-duc-2019-367665.aspx

[5] https://thanhnien.vn/can-tang-luong-cang-som-cang-tot-post1513492.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên