Khi nào đồng lương đáp ứng yêu cầu cuộc sống tối thiểu thì giáo viên mới an tâm

05/09/2022 06:57
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dù đã có quyết định bổ sung biên chế giáo viên của Bộ Chính trị nhưng tuyển dụng được hay không còn phụ thuộc vào nguồn tuyển.

Những năm qua, trong khi số lượng học sinh tăng lên không ngừng thì số lượng giáo viên lại giảm.

Xu hướng tăng - giảm trái ngược này đã cho thấy, tỷ lệ học sinh trên một giáo viên liên tục tăng. Điều này khiến nhiều chuyên gia lo lắng đến việc đảm bảo chất lượng giáo dục. Đặc biệt, trong năm học 2022 – 2023, rất nhiều địa phương đang than khó vì thiếu giáo viên và chưa tuyển dụng đủ số lượng giáo viên.

Khó tuyển dụng giáo viên vì thiếu nguồn tuyển

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thủ Dầu Một cho biết, hiện nay các cơ sở đào tạo khối sư phạm đủ năng lực để đào tạo giáo viên, nhưng các đơn vị sử dụng vẫn thiếu nhiều giáo viên.

Các trường sư phạm hầu như chỉ tuyển sinh theo chỉ tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhưng chỉ tiêu được giao cũng rất ít. Còn tuyển sinh theo cơ chế đặt hàng thì vẫn còn những rào cản nên các trường sư phạm không thể đào tạo đáp ứng nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động.

Trường Đại học Thủ Dầu Một hiện đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh đồng ý cấp ngân sách cho trường để chi trả cho sinh viên sư phạm, song đơn đặt hàng đào tạo vẫn còn rất ít.

Hiện nhiều địa phương đang thiếu nhiều giáo viên Tin học, tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật. Đối với môn Âm nhạc, Mỹ thuật, nhà trường mới tuyển sinh trong 2 năm gần đây.

Lý do chính khiến các địa phương hiện nay khó khăn trong tuyển giáo viên là do thiếu nguồn tuyển.

Trong khi hiện nay cơ chế đặt hàng còn chưa thực hiện được, một số địa phương không chi trả ngân sách cho đào tạo sinh viên sư phạm nên các trường sư phạm không dám đào tạo nhiều.

Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hiệp cho rằng, để thực hiện được cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116, đảm bảo đáp ứng nhu cầu nhân lực cho ngành sư phạm, nhà nước phải chi trả ngân sách đầy đủ cho sinh viên sư phạm. Cần phải có hướng mở cho các trường sư phạm vì hiện nay đa số các trường đều ở thế bị động trong tuyển sinh.

Trường Đại học Thủ Dầu Một hiện cũng nhận đặt hàng từ một số đơn vị ngoài công lập, khi sinh viên ra trường sẽ có việc làm ngay. Đây là một hướng đi mới nhằm đào tạo đáp ứng nhu cầu sử dụng giáo viên hiện nay.

Trao đổi về vấn đề nguồn nhân lực ngành sư phạm, ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, đội ngũ giáo viên là nhân tố quan trọng quyết định chất lượng hoạt động giáo dục, đào tạo. Chính vì vậy, bên cạnh việc đảm bảo số lượng thì còn phải đảm bảo chất lượng cho đội ngũ này.

Vừa qua, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Đây là một việc làm cần thiết để bổ sung nhân lực cho ngành giáo dục.

Bấy lâu nay, chúng ta đang vận dụng có phần “máy móc” trong việc tinh giản biên chế. Rõ ràng có những ngành cần giảm biên chế nhưng ngành giáo dục mang tính đặc thù riêng, số lượng biên chế lại phụ thuộc vào số lượng học sinh, yêu cầu phát triển của nhà trường, định mức giờ dạy của mỗi giáo viên,… Chính vì vậy, cần phải có giải pháp khác để bổ sung biên chế cho ngành giáo dục.

Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Trong giai đoạn triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, điều chúng ta cần quan tâm đó chính là bài toán đội ngũ. Đội ngũ giáo viên bao gồm những người đang và sẽ được đào tạo tại các trường sư phạm và số giáo viên đang công tác trong ngành. Đối với sinh viên đang và sẽ theo học tại các trường sư phạm thì cần đào tạo theo hướng đổi mới, nhưng số giáo viên hiện đang giảng dạy thì cũng cần phải đào tạo lại, còn việc bồi dưỡng giáo viên hiện nay vẫn chưa thực sự đạt được hiệu quả.

Quyết định của Bộ Chính trị là rất cần thiết, kịp thời. Tuy nhiên, muốn tuyển được số lượng thì cũng cần phải có đội ngũ đã được đào tạo tương ứng, tức là phải có nguồn tuyển đảm bảo. Nhưng trong một thời gian ngắn thì chúng ta chưa đảm bảo được nguồn tuyển này. Đây là một bài toán nan giải hiện nay.

“Thực hiện chương trình mới có những môn học mới, nhiều địa phương cũng đang khó khăn trong việc tìm nguồn giáo viên đáp ứng những môn học này.

Phải chăng, thời gian qua, chúng ta chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa đơn vị tuyển dụng và đơn vị đào tạo giáo viên. Lẽ ra, đơn vị sử dụng lao động cần nghiên cứu, khảo sát và dự báo nhu cầu giáo viên (từng môn học, từng cấp học) theo từng năm và kế hoạch trong 5 – 10 năm để có sự chủ động trong đặt hàng cho các trường sư phạm.

Nói vậy để thấy, Bộ Chính trị đã có chủ trương rất đúng nhưng ngành giáo dục có tuyển được giáo viên hay không lại là một câu chuyện khác, vì điều này phụ thuộc vào nguồn tuyển của mình có thể đáp ứng không”, ông Nguyễn Văn Ngai chia sẻ.

Nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, chúng ta hiện nay đang xảy ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Có những môn học thiếu giáo viên nhưng cũng có môn thừa giáo viên, do chúng ta chưa chủ động, chưa làm tốt công tác dự báo, xây dựng kế hoạch, chiến lược.

Cải thiện đời sống giáo viên để họ chuyên tâm với công tác giáo dục

Lý giải việc tuyển dụng giáo viên khó khăn, ông Nguyễn Văn Ngai cho biết, nghề giáo là một dạng lao động đặc thù và khá phức tạp. Từng bậc học, cấp học đã có quy định số tiết giảng dạy hàng tuần nhưng giáo viên không chỉ làm việc trong chừng ấy thời gian, công việc của giáo viên không chỉ đứng lớp dạy học.

Để truyền đạt kiến thức cho học sinh, giáo viên phải nghiên cứu, soạn bài, chấm bài, đánh giá học sinh,… thầy cô cũng phải tham gia các hoạt động giáo dục với học sinh theo yêu cầu phân công của từng cơ sở.

Với giáo viên chủ nhiệm còn cần thời gian để sâu sát từng học sinh trong quá trình học tập. Như vậy, thầy cô cần rất nhiều thời gian để tập trung hoàn thành công việc theo yêu cầu của nhà trường. Đây là một nghề rất vất vả.

Vấn đề giáo viên nghỉ việc ngoài nguyên nhân công việc nặng nhọc, đồng lương chưa tương xứng thì có một bộ phận giáo viên lớn tuổi, đã có quá trình gắn bó với nghề nhiều năm, vẫn còn yêu nghề, nhưng không có khả năng đáp ứng tốt với yêu cầu đổi mới của giáo dục hiện nay (như đã quen nếp dạy, phương pháp dạy cũ, không thích nghi với phương pháp dạy theo yêu cầu mới thậm chí là ngại đổi mới, không thành thạo trong việc sử dụng thông tin, ngại thực hiện hồ sơ, sổ sách dạy học theo yêu cầu mới, …).

Ông Ngai cho rằng, để giáo viên an tâm với công việc và đầu tư nhiều thời gian cho công việc thì nhà nước cũng cần tính toán để lương nhà giáo đảm bảo được cuộc sống tối thiểu.

So với trước đây, đồng lương giáo viên hiện nay đã có cải thiện và khá hơn nhưng so với điều kiện sinh hoạt, và trong thời buổi vật giá leo thang thì không đáp ứng được yêu cầu cuộc sống tối thiểu. Chính điều này, nhiều giáo viên phải làm thêm, kiếm thêm thu nhập, trong đó có một bộ phận giáo viên dạy thêm.

Chúng ta nên có một khảo sát tỉ mỉ về lao động của giáo viên (thời gian lao động, mức sống của giáo viên) để có chính sách, chế độ với người thầy thật hợp lý, để họ chuyên tâm cho công việc, từ đó chất lượng giáo dục mới được nâng cao.

Bên cạnh chính sách đãi ngộ cũng cần có quy định ràng buộc về trách nhiệm của giáo viên, có khen thưởng đồng thời có nhắc nhở, kỷ luật đối với những giáo viên vi phạm quy định, quyền lợi và trách nhiệm luôn phải song hành với nhau.

Nếu làm tốt việc chăm lo đời sống cho đội ngũ giáo viên, chúng ta cũng sẽ thu hút được những sinh viên giỏi theo học ngành sư phạm, từ đó chúng ta có nguồn tuyển chất lượng cao trong tương lai.

Phạm Minh