Giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học ở TP.HCM lương thấp nhưng tiết nghĩa vụ lại cao

29/08/2022 12:15
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lương của giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học tại Thành phố Hồ Chí Minh còn thấp, nhưng tiết nghĩa vụ lại cao.

Phòng Giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh) vừa có báo cáo gửi lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố về tình hình xây dựng các đề án dạy tiếng Anh ở cấp tiểu học tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, hiện nay, cấp tiểu học tại thành phố áp dụng các chương trình giảng dạy tiếng Anh: Tiếng Anh tăng cường trên 2 tiết/tuần đối với chương trình lớp 1,2,3 (năm học 2022 – 2023) sau 2 tiết tự chọn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chương trình tiếng Anh tăng cường 8 tiết/tuần đối với các chương trình lớp 4,5 (chưa thay đổi so với Chương trình giáo dục phổ thông 2018).

Tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam (8 tiết/tuần).

Giáo viên dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học (ảnh minh họa: Báo Cà Mau)

Giáo viên dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học (ảnh minh họa: Báo Cà Mau)

Ngoài ra còn có một số phần mềm bổ trợ tham gia, phối hợp vào các hoạt động giảng dạy tiếng Anh tại các trường tiểu học đã được Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố thẩm định chất lượng.

Các kết quả đã đạt được: Các Phòng Giáo dục và Đào tạo, cán bộ quản lý chuyên môn của các trường đã quản lý về mặt chất lượng tốt hơn các tiết dạy tiếng Anh của giáo viên trong nước, giáo viên bản ngữ, tiết dạy có phần mềm bổ trợ, các tiết dạy đồng giảng có sự phối hợp giữa giáo viên bản ngữ và giáo viên tiếng Anh của trường.

Dưới hình thức xã hội hóa, việc phối hợp với các trung tâm cung cấp giáo viên bản ngữ vào nhà trường tiểu học, cung cấp thêm phần mềm bổ trợ giúp tăng chất lượng chuyên môn, giảm số lượng giáo viên trong nước, giảm biên chế giáo viên.

Chất lượng dạy và học tiếng Anh tiểu học được xã hội đánh giá cao, thông qua các kỳ thi chứng chỉ quốc tế.

Khuyến khích các trường ra đề kiểm tra cuối học kỳ theo định dạng và trình độ của các đề thi chuẩn quốc tế.

Đẩy mạnh xã hội hóa trong dạy và học ngoại ngữ. Đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học ngoại ngữ.

Tính đến nay, toàn thành phố đã có hơn 97,2% học sinh được học môn tiếng Anh ở cả 5 khối lớp tiểu học.

Dù vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh vẫn nhìn nhận có một số tồn tại: Con số về nhu cầu giáo viên tiếng Anh chưa được tính đúng với nhu cầu thực tế, khi 100% học sinh tiểu học được học ngoại ngữ (số học sinh tăng cơ học hàng năm rất lớn, không thể dự báo trước được vì phụ huynh di dời chỗ ở theo công ăn việc làm, có nghĩa là khi không có việc, họ rút con về quê).

Vì vậy, khi thiếu giáo viên, Phòng Giáo dục và Đào tạo cùng với nhà trường không thể tuyển giáo viên hợp đồng vì không có kinh phí.

Cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học ngoại ngữ còn chưa đồng đều ở các trường, việc thiếu phòng học dẫn đến việc xây dựng phòng học tiếng còn hạn chế.

Lương của giáo viên tiếng Anh còn thấp (lương của giáo viên mới ra trường chỉ khoảng hơn 3 triệu Việt Nam đồng). Số tiết dạy nghĩa vụ còn tương đối cao (23 tiết/tuần), nên các quận, huyện rất khó tuyển giáo viên, hoặc giữ chân giáo viên giỏi, có kinh nghiệm, đặc biệt ở các vùng xa xôi khó khăn.

Ở các nơi này, việc tuyển giáo viên tiếng Anh đủ tiêu chuẩn hầu như không thể thực hiện được, việc tuyển giáo viên mới và đào tạo lại để các giáo viên này có kỹ năng dạy tiếng Anh tiểu học phải tiến hành hàng năm, dẫn đến sự bất ổn về nhân sự.

Qua thực trạng trên, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng giảm số tiết nghĩa vụ của giáo viên dạy tiếng Anh, vì dạy tiếng Anh tiểu học rất cực, không thể dạy 23 tiết nghĩa vụ/tuần với số lượng trên 3 triệu 1 tháng (chỉ khoảng 18 tiết/tuần là vừa đủ).

Điều này sẽ khiến không tuyển được giáo viên mới và giữ được giáo viên giỏi.

Việt Dũng