Bắt đầu từ ngày 7/11, khoa Mỹ thuật công nghiệp và Kiến trúc (Trường Đại học Hòa Bình) tổ chức triển lãm “Sắc màu tri ân” nhằm chào mừng năm học mới 2022-2023; chào đón các tân sinh viên và hưởng ứng kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Chia sẻ về triển lãm, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Họa sĩ, Thạc sĩ Lê Văn Thân - Trưởng khoa Mỹ thuật công nghiệp và Kiến trúc (Trường Đại học Hòa Bình) cho biết, buổi triển lãm bao gồm 150 tác phẩm tới từ các giảng viên, sinh viên của khoa (10 tác phẩm của giảng viên, 140 tác phẩm của sinh viên). Đây là những đồ án, sản phẩm mới nhất của thầy và trò trong năm học vừa qua. Đặc biệt, các tác phẩm, sản phẩm thể hiện những thành quả trong công tác giảng dạy và học tập của khoa ngay trong chính giai đoạn dịch Covid - 19 bùng phát trở lại.
Những tác phẩm, sản phẩm triển lãm dạng tĩnh như logo, tranh, sản phẩm thời trang, truyện và những sản phẩm dạng động như video, phim hoạt hình,..
Các tác phẩm, sản phẩm trưng bày tại triển lãm "Sắc màu tri ân" |
“Triển lãm là hoạt động đem lại ý nghĩa thiết thực, là món quà khoa Mỹ thuật công nghiệp và Kiến trúc dành tặng nhà trường, các thầy cô giáo và cũng là cơ hội để thầy và trò có cơ hội giao lưu, nhìn nhận tổng quát về các ngành đào tạo của khoa.
Bên cạnh đó, thông qua từng sản phẩm của các chuyên ngành sẽ là cơ hội để sinh viên cọ sát, trao đổi, học tập lẫn nhau, để phấn đấu, đắm mình trong không gian nghệ thuật sáng tạo.
Mỗi tác phẩm, sản phẩm đều là sự sáng tạo, “đứa con tinh thần” của thầy và trò nhằm chào mừng năm học mới, chào đón tân sinh viên và đồng thời cũng là để hưởng ứng 40 năm kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Triển lãm như một cách giới thiệu về khoa Mỹ thuật công nghiệp và Kiến trúc - một khoa đào tạo mang tính chất trí tuệ và sáng tạo, ứng dụng vào đời sống xã hội cao”, Thạc sĩ Lê Văn Thân nói.
Đánh giá về các tác phẩm, sản phẩm triển lãm, Trưởng khoa Mỹ thuật công nghiệp và Kiến trúc cho hay, bản thân thấy ấn tượng nhất với các sản phẩm của sinh viên chuyên ngành Thiết kế Đồ họa, Thiết kế Thời trang và Thiết kế Nội thất vì các sản phẩm mang tính chất ứng dụng lớn. Có những sản phẩm như thiết kế quán cà phê, trang phục áo dài cách tân nhưng vẫn mang hồn Việt, văn hóa Việt Nam thông qua màu sắc, các họa tiết.
Cùng chia sẻ về triển lãm “Sắc màu tri ân”, Thạc sĩ Tào Hương - giảng viên môn Mỹ thuật cơ sở của Trường Đại học Hòa Bình cho rằng, buổi triển lãm có cả các tác phẩm của giảng viên nhằm truyền cảm hứng nghệ thuật cho sinh viên. Bên cạnh đó, đây cũng là một cách để các thầy cô khẳng định thành quả lao động của mình, tiếp thêm động lực để các em sinh viên thấy rằng, nếu các em chăm chỉ phấn đấu thì tương lai các em hoàn toàn có thể làm ra, sáng tạo ra được những sản phẩm tương tự và có thể là hơn thế.
Các giảng viên của khoa Mỹ thuật công nghiệp và Kiến trúc (Trường Đại học Hòa Bình) |
Những tác phẩm, sản phẩm của triển lãm đều là kết quả trong quá trình học tập. Chính vì vậy, công tác vận động các em sinh viên tham gia rất thuận lợi.
“Khi tôi hay bất kỳ một giảng viên nào của khoa nhìn lại những thành quả của các em sinh viên tại triển lãm này đều cảm thấy rất vui và tự hào vì sự tiến bộ của các em.
Thực tế, trước khi vào khoa có những sinh viên chưa từng vẽ hoặc được tiếp xúc rất ít với mỹ thuật. Các em này thường mang tâm lý bối rối, lo ngại không biết bản thân có làm được không. Tuy nhiên, thấy được các tác phẩm, sản phẩm của các anh chị đi trước như này, tôi tin rằng, các em sẽ tự tin hơn nhiều vì trong quá trình học tập, bản thân các em cũng có thể tạo ra được những thành quả như thế. Đây cũng là mục tiêu của triển lãm”, Thạc sĩ Tào Hương chia sẻ.
Đến với triển lãm này, em Đặng Thúy Nga, cựu sinh viên khoa Mỹ thuật công nghiệp và Kiến trúc đã chia sẻ cảm xúc bâng khuâng, háo hức khi nhìn ngắm các tác phẩm, sản phẩm tới từ các thầy cô và sinh viên trong khoa. Bản thân Nga cũng là một người trưởng thành ngay từ những buổi triển lãm như này.
“Em cảm thấy rất bất ngờ với những sản phẩm của các bạn sinh viên của khoa. Đây là những sản phẩm có sự đầu tư cả về tính thẩm mỹ và ứng dụng. Bản thân em cũng là người được rèn luyện, trưởng thành từ chính những triển lãm như này”, Nga nói.
Mới đây, với tác phẩm minh họa truyện "Công chúa Liễu Hạnh", Nga là một trong số các tác giả có tác phẩm được trưng bày triển lãm trong “Cuộc thi và Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ 5 - năm 2022”. Bộ truyện hướng tới đối tượng là thiếu nhi trong độ tuổi 7-12 tuổi và mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc vì giúp mọi người hiểu hơn về tín ngưỡng của Việt Nam, cụ thể là tín ngưỡng thờ mẫu.
Một số hình ảnh của triển lãm “Sắc màu tri ân”:
Triển lãm “Sắc màu tri ân” sẽ kéo dài đến hết ngày 25/11 |