Thực trạng thiếu hàng trăm ngàn giáo viên, giáo viên nghỉ việc diễn ra ở khắp đất nước, nhiều địa phương không có nguồn tuyển, tuyển không đủ chỉ tiêu,…khiến việc thực hiện chương trình giáo dục gặp nhiều khó khăn, thách thức, các địa phương và giáo viên vất vả.
Tuy vậy, tại nhiều địa phương trong cả nước lại có tình trạng giáo viên hợp đồng nhiều năm, hợp đồng mà không biết khi nào mình được xét tuyển chính thức,…với đồng lương ít ỏi, không được nâng lương, không có các khoản phụ cấp…là một bất cập lớn.
Giáo viên hợp đồng 20 năm, lương 2,6 triệu
Ngày 20/11, Báo điện tử Vnexpress đăng tải bài viết “Thầy giáo hợp đồng gần 20 năm làm thợ hồ để kiếm sống”. [1]
Bài viết nêu một bất cập vô cùng lớn về thầy giáo Nguyễn Duy Trình ở Nghệ An sau gần 20 năm đi dạy, thầy vẫn trong diện hợp đồng, hưởng lương 2,6 triệu đồng mỗi tháng và phải làm phụ hồ, thợ điện để lo cuộc sống.
Vợ thầy là giáo viên mầm non, bản thân thầy 20 năm vẫn dạy hợp đồng với đồng lương ít ỏi 2,6 triệu mỗi tháng, cuộc sống vô cùng vất vả, gian khó.
Vì là giáo viên hợp đồng nên không biết khi nào thầy sẽ bị cắt hợp đồng hoặc năm sau có thể không được ký tiếp hợp đồng trong khi bản thân là giáo viên giỏi có nhiều giấy khen, bằng khen.
Một giáo viên giỏi, nhiều thành tích nhưng suốt 20 năm chỉ là giáo viên hợp đồng không được ký hợp đồng chính thức theo Nghị định 115/2020/NĐ-CP và không được hợp đồng đặc cách theo công văn số 5378/BNV-CCVC ngày 5/11/2019 của Bộ Nội vụ là điều vô cùng đáng tiếc, bất cập.
Ngành Nội vụ, giáo dục ở Nghệ An nên xem xét lại toàn diện sự việc vì sao đến giai đoạn hiện nay vẫn còn tồn tại các trường hợp giáo viên hợp đồng, có giáo viên hợp đồng 20 năm vẫn chỉ hưởng đồng lương ít ỏi 2,6 triệu đồng mỗi tháng.
Mong ước lớn nhất của thầy Trình và các giáo viên hợp đồng khác chính là được xét tuyển vào viên chức để tiếp tục công tác, cống hiến trong ngành và được trở thành người thầy thực thụ, để có thể hưởng các chế độ như giáo viên bình thường, để có thêm một phần thu nhập từ các khoản phụ cấp viên chức để chăm lo cho bản thân và gia đình.
Thầy Nguyễn Duy Trình làm phụ hồ để có thêm kinh phí trang trải cuộc sống- Ảnh minh họa Vnexpress.net |
Bấp bênh thân phận những giáo viên hợp đồng “vô thời hạn”
Giáo viên hợp đồng là giáo viên chưa được tuyển dụng chính thức, các trường học khi thiếu giáo viên chưa tuyển được giáo viên chính thức sẽ tiến hành tuyển dụng nhân viên hợp đồng. Đây cũng chính là yếu tố tạm thời nên giáo viên hợp đồng sẽ không được hưởng phúc lợi, chế độ hay mức lương giống như giáo viên biên chế hay chính thức.
Như vậy, giáo viên hợp đồng không phải là viên chức. Do đó, giáo viên hợp đồng không được hưởng các chế độ của viên chức như phụ cấp ưu đãi, thâm niên, chức vụ,…
Theo người viết được biết, không chỉ tại Nghệ An mà tại nhiều nơi khác vẫn còn tình trạng giáo viên hợp đồng, giáo viên hợp đồng rất nhiều năm, mọi người thường gọi vui là giáo viên hợp đồng “vô thời hạn” nhưng không được xét tuyển, xét tuyển đặc cách vào viên chức khiến nhiều giáo viên vô cùng thiệt thòi.
Mặc dù, Bộ Nội vụ có Công văn 5378/BNV-CCVC nêu rõ, đối tượng giáo viên được tuyển dụng đặc cách là những người đang làm hợp đồng lao động theo vị trí việc làm, giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập, đã có thời gian ký hợp đồng lao động có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, làm công việc giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn trước ngày 31/12/2015, trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng.
Bộ Nội vụ cũng yêu cầu, sau khi thực hiện tuyển dụng đặc cách đối với đối tượng nêu trên, nếu vẫn còn chỉ tiêu biên chế thì các địa phương thực hiện việc tuyển hoặc xét tuyển công khai theo quy định của Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Công văn của Bộ Nội vụ cũng chỉ rõ, đối với các địa phương đã thực hiện tuyển dụng đặc cách đối tượng nêu trên và thực hiện tuyển dụng theo pháp luật về viên chức đủ số chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao, mà vẫn còn giáo viên hợp đồng lao động thì chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.[2]
Tuy nhiên, khi triển khai lại gặp nhiều vướng mắc do các địa phương có nơi không đóng đầy đủ chế độ bảo hiểm cho giáo viên, có nơi lại thiếu chỉ tiêu hoặc có chỉ tiêu nhưng lại tinh giản biên chế 10% theo chủ trương chung.
Ngoài Nghệ An, tại nhiều địa phương cũng có tình trạng giáo viên hợp đồng lâu năm phải làm phụ hồ, bán hàng online, chạy grap, bồi bàn,…để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, bám trụ với nghề.
Nhiều nơi, giáo viên dạy trên 20 tiết/tuần nhưng mỗi tiết được chi trả chưa tới 50.000 đồng/mỗi tiết, thu nhập chỉ xoay quanh 2-3 triệu đồng mỗi tháng.
Tuy nhiên, công việc của họ vô cùng bấp bênh, thu nhập thấp nhưng họ có thể bị chấm dứt hợp đồng bất cứ lúc nào, 3 tháng nghỉ hè thì lại không có lương và đương nhiên không được thưởng hoặc được hưởng các khoản phúc lợi, thu nhập tăng thêm,…khiến cuộc sống của họ vô cùng bi đát, đáng thương.
Với tình hình kinh tế khó khăn, vật giá tăng cao nếu không sớm tuyển dụng đặc cách cho những giáo viên trên, trong đó có những giáo viên giỏi, nhiều thành tích họ sẽ bỏ nghề, bỏ công việc mà mình yêu thích, đam mê và cống hiến hết mình thời gian qua, ngành giáo dục có thể mất nhiều giáo viên giỏi khi thiếu nhiều giáo viên.
Rất mong, các địa phương rà soát các văn bản pháp luật liên quan, có cơ chế chính sách, trình cơ quan có thẩm quyền như Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo để tiếp tục xét tuyển đặc cách những giáo viên hợp đồng, giáo viên thỉnh giảng có thời gian công tác, cống hiến trong ngành giáo dục để chấm dứt tình trạng giáo viên 20 năm lương 2,6 triệu, tuyển được giáo viên đáp ứng nhu cầu của ngành trong thời gian tới.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://vnexpress.net/thay-giao-hop-dong-gan-20-nam-lam-tho-ho-de-kiem-song-4538141.html?fbclid=IwAR0vb3-hHoDmIJNd-dCXbzfs_nXeakfHpwiclV0vp_T7ndrMVmX_xUr4XAQ&gidzl=QvxcPQK9LtjgWU1cfnvNUcYFv6Yz6m1x8jc_QEbEMo0WYUizlaeEBd3PlZ6-JG5-8ucrPMJxfeOheGfHU0
[2] https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Giao-duc/Cong-van-5378-BNV-CCVC-2019-tuyen-dung-dac-cach-doi-voi-giao-vien-da-co-hop-dong-lao-dong-427904.aspx
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.