Giáo viên hợp đồng Hà Nội chỉ được xét tuyển không được đặc cách

12/06/2020 06:19
Vũ Ninh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên hợp đồng Hà Nội không được xét đặc cách theo công văn 5378 mà thực hiện xét tuyển theo Nghị định 161/2018/NĐ-CP.

Giáo viên hợp đồng Hà Nội không được xét đặc cách theo công văn 5378 mà thực hiện xét tuyển theo Nghị định 161/2018.

Ngày 9/6/2020, tại buổi họp giao ban Thành ủy Hà Nội, bà Vũ Thu Hà – Giám đốc Sở Nội vụ cho biết:

“Còn 2034 trường hợp thì chúng tôi xét tuyển có ưu tiên, tức là tạo điều kiện cho các thí sinh này là được xét tuyển đặc cách, có chỉ tiêu ở 3 cấp học: mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.

Tuy nhiên, việc rà soát các đối tượng sẽ được tiến hành theo hình thức rà soát chỉ tiêu để đảm bảo là đủ chỉ tiêu cho các nhóm đối tượng này, tức là không phải cạnh tranh”.

Thông tin này đã khiến nhiều giáo viên hợp đồng hiểu lầm rằng: 2034 giáo viên hợp đồng tại Hà Nội sẽ được xét đặc cách theo công văn 5378 của Bộ Nội vụ.

Để hiểu cho đúng việc xét tuyển giáo viên hợp đồng tại thành phố Hà Nội phải dựa theo công văn số 2362/QĐ-UBND: Phê duyệt chỉ tiêu và ban hành Kế hoạch tổ chức xét tuyển vào viên chức các cơ sở giáo dục…

Theo đó việc tuyển dụng viên chức ngành giáo dục đảm bảo công khai, khách quan, dân chủ, công bằng và đúng quy định pháp luật.

Thực hiện đúng theo tinh thần công văn số 1923/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ về việc thống nhất phương án xét tuyển đặc cách về đối tượng giáo viên hợp đồng lao động tại công văn số 1134/UBND-SNV.

Công văn số 1923/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ nêu rõ: Việc tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên hợp đồng theo chủ trương của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ không yêu cầu thực hiện theo quy trình tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP.

Tuy nhiên để nâng cao chất lượng tuyển dụng thì việc Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội triển khai thực hiện phương án xét tuyển đặc cách nêu tại công văn số 1134/UBND-SNV thuộc thẩm quyền của Ủy ban Nhân dân Thành phố.

Giáo viên hợp đồng Hà Nội tại cơ quan Bộ Nội vụ (Ảnh: Đức Minh)

Giáo viên hợp đồng Hà Nội tại cơ quan Bộ Nội vụ (Ảnh: Đức Minh)

Trong công văn số 2362/QĐ-UBND nêu rõ hình thức tuyển dụng theo 2 vòng quy định tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP.

Nội dung xét tuyển theo 2 vòng:

Vòng 1: Kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn của người dự tuyển đăng ký tại Phiếu đăng ký dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm, nếu phù hợp thì người dự tuyển được tham dự vòng 2.

Vòng 2: Thực hành thông qua giảng dạy để kiểm tra về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người dự tuyển.

Như vậy để trả lời rõ ràng cho giáo viên hợp đồng được biết rằng: Sẽ không có chuyện 2034 giáo viên hợp đồng được xét tuyển đặc cách (xét đặc cách) theo công văn 5378 của Bộ Nội vụ.

Phương án được Thành phố Hà Nội đưa ra đó là xét tuyển viên chức 2 vòng theo Nghị định 161/2018/NĐ-CP.

Một số thông tin ban đầu cho rằng: Giáo viên hợp đồng Hà Nội sẽ được đặc cách theo công văn 5378 khiến giáo viên mừng hụt.

Thực chất với phương án xét tuyển mới đây dự kiến không có gì thay đổi so với phương án được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nêu tại công văn số 1134/UBND-SNV.

Trước thông tin này nhiều giáo viên tỏ ra hụt hẫng vì sau một vòng kêu cứu lại quay về phương án xét tuyển ban đầu theo Nghị định 161/2018/NĐ-CP.

Thời gian đầu, việc thực hiện xét tuyển đặc cách cho giáo viên hợp đồng căn cứ theo Nghị định 161/2018/NĐ-CP.

Tuy nhiên theo đại diện của Sở Nội vụ cho biết: Không có bất cứ ai trong tổng số gần 3000 giáo viên hợp đồng tại Hà Nội đủ điều kiện để được xét đặc cách.

Vướng mắc nằm ở điều kiện: Giáo viên ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật, giảng dạy trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.

Sự mệt mỏi của giáo viên hợp đồng Hà Nội sau một năm kêu cứu (Ảnh: Đức Minh)

Sự mệt mỏi của giáo viên hợp đồng Hà Nội sau một năm kêu cứu (Ảnh: Đức Minh)

Để khắc phục điều này, Thành phố Hà Nội đã có văn bản xin ý kiến của Bộ Nội vụ tháo gỡ vướng mắc trên.

Chính vì thế Bộ Nội vụ đã ban hành công văn 5378/BNV-CCVC về việc tuyển dụng đặc cách giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước.

Dựa theo công văn 5378 của Bộ Nội vụ nhiều địa phương đã tiến hành xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng lâu năm cho giáo viên hợp đồng.

Trong khi đó Thành phố Hà Nội vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm vấn đề trên dù đã hơn 1 năm vụ việc được dư luận biết đến.

Điều này nảy sinh nhiều hệ lụy trong đó có giáo viên bị cắt hợp đồng phải tìm đường mưu sinh bằng công việc khác.

Hi vọng sự việc sẽ sớm được Thành phố giải quyết, giáo viên hợp đồng mới có thể vui (Ảnh: Đức Minh)

Hi vọng sự việc sẽ sớm được Thành phố giải quyết, giáo viên hợp đồng mới có thể vui (Ảnh: Đức Minh)

Cô giáo P.H.T, giáo viên hợp đồng Ba Vì tâm sự: “Sự việc giáo viên hợp đồng chưa được Thành phố giải quyết khiến cho gần 90 giáo viên tại Ba Vì rơi vào tình cảnh khó khăn.

Có những giáo viên phải làm thuê, làm mướn để mưu sinh tình cảnh rất thảm thương.

Một số giáo viên được mời thỉnh giảng nhận 19.600 đồng.

Hiệu trưởng thương giáo viên cho thêm 400 đồng nữa để đủ 20.000 đồng nhưng bị Phòng giáo dục thu hồi lại 400 đồng.

Hiện nay con đường sống duy nhất của giáo viên hợp đồng Hà Nội là Thành phố thực hiện xét đặc cách theo công văn 5378 của Bộ Nội vụ.

Mặc dù Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ …đã cho hướng mở không cần xét đặc cách theo Nghị định 161 nhưng không hiểu vì sao Thành phố Hà Nội vẫn giữ nguyên phương án này khiến giáo viên gặp nhiều khó khăn”.

Vũ Ninh