GS.TS Trần Đăng Xuyền vinh dự nhận giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ

25/11/2022 09:25
Thanh Thủy
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngày 23 tháng 11 năm 2022, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và công nghệ đã long trọng tổ chức Lễ trao tặng giải thưởng Nhà nước về Khoa học và công nghệ, lần thứ VI.

Với cụm công trình: “Chủ nghĩa hiện thực và cá tính sáng tạo nhà văn”, GS. TS Trần Đăng Xuyền (bút danh Trần Đăng Suyền) đã vinh dự được nhận giải thưởng này.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Giải thưởng Nhà nước cho GS.TS Trần Đăng Xuyền.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Giải thưởng Nhà nước cho GS.TS Trần Đăng Xuyền.

Cụm công trình “Chủ nghĩa hiện thực và cá tính sáng tạo nhà văn” gồm ba công trình: Chủ nghĩa hiện thực Nam Cao; Nhà văn, hiện thực đời sống và cá tính sáng tạo; Chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX đã nghiên cứu văn học Việt Nam từ góc độ các vấn đề lý luận cơ bản như tầm quan trọng của cá tính sáng tạo nhà văn, giá trị của chủ nghĩa hiện thực trong văn học, các tác giả lớn, tiêu biểu của chủ nghĩa hiện thực, góp phần quan trọng tổng kết giá trị văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.

Công trình Chủ nghĩa hiện thực Nam Cao.

Công trình Chủ nghĩa hiện thực Nam Cao.

Trong công trình Chủ nghĩa hiện thực Nam Cao, những vấn đề của chủ nghĩa hiện thực trong sáng tác của Nam Cao, từ quan điểm nghệ thuật, cốt truyện, kết cấu, các kiểu xung đột nghệ thuật, thời gian và không gian, thế giới nhân vật, nghệ thuật miêu tả tâm lý đến nghệ thuật trần thuật của nhà văn, đều được nghiên cứu khá toàn diện và hệ thống.

Từ góc độ của chủ nghĩa hiện thực, tác giả công trình coi đó là hệ quy chiếu, để soi sáng toàn bộ thế giới phong phú và đặc sắc của Nam Cao, đồng thời làm rõ sự cách tân lớn lao của nhà văn đầy tài năng này đối với chủ nghĩa hiện thực và với văn xuôi Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Công trình cũng góp phần làm rõ vấn đề phương pháp sáng tác, xác định đóng góp của nhà văn lớn Nam Cao đối với sự phát triển của chủ nghĩa hiện thực phê phán mang những đặc điểm riêng của dân tộc, làm sáng tỏ và vạch ra những khuynh hướng chung của sự vận động của chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Công trình là một bước tiến về nghiên cứu Nam Cao, thể hiện rõ sự đổi mới tư duy nghiên cứu Nam Cao, có đóng góp quan trọng vào việc nghiên cứu nhà văn lớn Nam Cao.

Từ nghiên cứu trường hợp Nam Cao, GS. TS. Trần Đăng Xuyền đã mở rộng, đào sâu nghiên cứu trào lưu văn học hiện thực trong công trình Chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.

Trong nền văn xuôi quốc ngữ, văn học hiện thực có vị trí đặc biệt quan trọng và đóng góp to lớn vào quá trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc. Trào lưu văn học này đã tập hợp được nhiều cây bút đầy tài năng và đã đóng góp cho lịch sử văn học nước nhà nhiều tác phẩm xuất sắc, không chỉ có tiếng vang trong nước mà còn được dịch và nghiên cứu ở nhiều nước trên thế giới. Vì thế, nghiên cứu Chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX là nghiên cứu một trong những trào lưu văn học bề thế nhất, với những thành tự to lớn về tư tưởng và nghệ thuật sẽ còn ảnh hưởng tích cực và lâu dài đối với sự phát triển nền văn học dân tộc.

Công trình đã nghiên cứu sâu sắc những chặng đường của chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX trong mối quan hệ chặt chẽ giữa chúng với nhau và trong mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau với các trào lưu văn học khác. Đồng thời, công trình cũng khảo sát chủ nghĩa hiện thực Việt Nam như một hiện tượng văn học dân tộc trong mối tương quan với văn học thế giới.

Những phương diện cơ bản của chủ nghĩa hiện thực Việt Nam: từ sự hình thành, quá trình vận động và phát triển, nguyên tắc phản ánh đời sống và quan điểm nghệ thuật, cảm hứng chủ đạo và những xung đột chủ yếu, các thể loại chính (phóng sự, truyện ngắn, tiểu thuyết), thế giới nhân vật và nghệ thuật điển hình hóa đến ngôn ngữ nghệ thuật, đều được khảo sát kĩ lưỡng, phân tích sâu sắc, giàu sức thuyết phục.

Công trình Nhà văn, hiện thực đời sống và cá tính sáng tạo

Công trình Nhà văn, hiện thực đời sống và cá tính sáng tạo

Công trình Nhà văn, hiện thực đời sống và cá tính sáng tạo, là tập tiểu luận – phê bình, tập trung nghiên cứu một số tác phẩm, tác giả và hiện tượng văn học Việt Nam hiện đại từ góc độ cá tính sáng tạo và phong cách nghệ thuật. Đây là cuốn sách tập hợp những bài viết của GS. TS. Trần Đăng Xuyền từ năm 1979 đên năm 2002 (những lần tái bản có bổ sung thêm), phê bình, nghiên cứu những tác phẩm vừa xuất hiện; đào sâu, bổ sung những phát hiện mới về một số tác giả đã thành danh.

Những tiểu thuyết mới xuất hiện của Ma Văn Kháng, phong cách thơ Phạm Tiến Duật, Hoàng Nhuận Cầm, cá tính sáng tạo của Vũ Trọng Phụng, nét riêng trong tập thơ Thanh ca của Xuân Diệu, thế giới nghệ thuật thơ Trần Đăng Khoa thời kỳ niên thiếu, sự xuất hiện của thế hệ thơ trẻ thời kỳ chống Mỹ như Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Bằng Việt, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Nguyễn Đức Mậu, Thanh Thảo… đều được đề cập đến trong tập sách này.

Có thể nói, cụm công trình Chủ nghĩa hiện thực và cá tính sáng tạo nhà văn là một nghiên cứu nghiêm túc, công phu, có giá trị khoa học và thực tiễn to lớn. Công trình Chủ nghĩa hiện thực Nam Cao là một chuyên luận xuất sắc, một cột mốc, bước tiến mới trong nghiên cứu sự nghiệp văn học của nhà văn lớn Nam Cao. Công trình Chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX được nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xếp vào “mảng sách chất lượng cao” và khẳng định: “Các sách tham khảo chất lượng cao do các nhà khoa học đầu ngành, các nhà giáo dục có kinh nghiệm, các nhà nghiên cứu tâm huyết… tham gia biên soạn; trong đó có những công trình phải mất cả một đời người. Việc tổ chức và biên soạn mảng sách này thể hiện rõ sự cố gắng, tâm huyết của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Đồng thời, chính những cuốn sách này sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao uy tín, vị thế của Nhà xuất bản” (Lời Nhà xuất bản, in trong: Trần Đăng Suyền, Chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, NXB Giáo dục Việt Nam, 2013, tr. 5). Công trình này đã được trao giải thưởng Sách hay - giải thưởng của Hiệp Hội sách Việt Nam.

Cụm công trình của GS. TS Trần Đăng Xuyền được trích dẫn nhiều trong các nghiên cứu, trên tạp chí trong nước và nước ngoài, có ảnh hưởng lớn, sâu sắc trong giới nghiên cứu văn học và trong lĩnh vực đào tạo, được ứng dụng trong đào tạo cao học tại nhiều cơ sở giáo dục trong cả nước.

Cho đến nay, GS. TS. Trần Đăng Xuyền đã giảng dạy các chuyên đề về chủ nghĩa hiện thực, về cá tính sáng tạo và phong cách nghệ thuật nhà văn cho các cơ sở đào tạo như Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Sư phạm và Trường Đại học Khoa học thuộc Đại học Huế, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa khọc xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Các tư tưởng học thuật của của GS. TS. Trần Đăng Xuyền còn được ứng dụng trong việc hướng dẫn luận án Tiến sĩ và luận văn Thạc sĩ. Tác giả công trình đã hướng dẫn thành công 14 luận án Tiến sĩ ở các cơ sở đào tạo như trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Thái Nguyên, Học viện khoa học Xã hội thuộc Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam. Hiện đã có 6 luận án đã được in thành sách (trong đó có 1 luận án của NCS người Trung Quốc); tất cả đều giới chuyên môn và xã hội đánh giá cao.

Thanh Thủy