Trước tình trạng ngộ độc thực phẩm xảy ra tại một số trường học trên cả nước thời gian qua, ngày 29/11, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Đà Nẵng đã phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị đánh giá và định hướng công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các trường học trên địa bàn thành phố.
Đà Nẵng tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn trong trường học để tránh trường hợp ngộ độc thực phẩm. Ảnh: AN |
Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm Đà Nẵng, hiện thành phố này có khoảng 1.137 bếp ăn tập thể và 54 căng tin (trong trường học) gồm: 231 bếp ở mầm non; 803 bếp ở nhóm trẻ gia đình; 98 ở tiểu học; 5 bếp ăn tập thể và 54 căn-tin ở các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, Cao đẳng, Đại học và Trung tâm nghề nghiệp.
Từ đầu năm 2022 đến nay, các đơn vị chức năng đã tiến hành kiểm tra 975 bếp ăn tập thể, căng tin trong các trường học. Qua kiểm tra hầu hết các bếp ăn tập thể đều đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn an toàn thực phẩm theo quy định.
Trong giai đoạn từ năm 2018-2022, Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã phối hợp với các đơn vị, tiến hành kiểm tra, lấy 124 mẫu nước uống trực tiếp được xử lý qua hệ thống lọc tại các trường học trên địa bàn thành phố, kiểm tra các chỉ tiêu hóa lý, vi sinh vật. Kết quả 30 mẫu không đạt, có chỉ tiêu vi sinh vật vượt giới hạn cho phép.
Theo Nguyễn Tấn Hải - Trưởng ban Ban quản lý An toàn thực phẩm Đà Nẵng thì các bếp ăn tập thể trường học đã có sự đầu tư cơ bản về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến.
“Hầu hết nhân viên chế biến thức ăn trong các trường học được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm. Vì vậy hoạt động sơ chế, chế biến suất ăn tại phần lớn các bếp ăn, căn-tin trong trường học đã đảm bảo được các tiêu chí cơ bản theo yêu cầu.
Qua kiểm tra thì nguồn nguyên liệu mua có ghi chép nguồn gốc, có sổ theo dõi, giám sát hàng ngày; thực phẩm chế biến ăn ngay, thức ăn lưu giữ, bảo quản đảm bảo nhiệt độ, hợp vệ sinh. Trong nhiều năm không có các vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học”, ông Hải cho hay.
Tuy vậy, theo ông Hải, công tác quản lý an toàn thực phẩm cũng gặp nhiều khó khăn như nhân lực kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm trong trường học còn hạn chế về số lượng. Hiện hầu hết các trường thường chỉ có một cán bộ kiêm nhiệm phụ trách theo dõi bếp ăn tập thể.
Ngoài ra, nguồn thực phẩm cung cấp cho bếp ăn tập thể khó kiểm soát triệt để từ quá trình nuôi trồng, thu hoạch, vận chuyển, phân phối, chế biến.
Mặc dù công tác giáo dục truyền thông đã rất tích cực nhưng vẫn chưa thay đổi được những thói quen, tập quán lạc hậu trong thu mua, sơ chế, chế biến thức ăn…
Ông Hải cho biết thêm, trong thời gian đến, các đơn vị chức năng sẽ tăng cường tuyên truyền, tập huấn; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức về an toàn thực phẩm cho giáo viên, nhân viên cấp dưỡng, học sinh.
Đồng thời, khuyến khích các trường học và cơ sở giáo dục ưu tiên chọn mua thực phẩm tươi sống có dán tem QR Code, gắn mã truy xuất để kiểm tra thông tin về sản phẩm, thực phẩm được chứng nhận OCOP.
Bên cạnh đó, các đơn vị sẽ kiểm tra định kỳ về việc thực hiện chế độ kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn nhằm phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời các sự cố mất an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong trường học.