PGS lỡ nhận hướng dẫn 6 NCS trong 2 năm, đang dang dở thì nghỉ hưu theo NĐ 50

16/12/2022 06:34
PGS.TS Ngô Tứ Thành
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Áp dụng những quy định về tuổi hưu mới, nhiều trường đại học bỗng dưng "mất trắng" giáo sư, phó giáo sư. 

Nghị định 50/2022/NĐ-CP ngày 2/8/2022 với nội dung chính là giảm tuổi nghỉ hưu của Giáo sư từ 70 xuống 65. Về lâu dài đây là chủ trương đúng nhằm cụ thể hóa Bộ Luật Lao động 2019, không cho phép giáo sư kéo dài nghỉ hưu quá 5 năm. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi đã có những vấn đề nảy sinh.

1. Thực hiện Nghị định 50/2022/NĐ-CP, có trường đường đột "mất trắng" giáo sư

Theo công văn số 282/ĐHBK-TCHC ngày 7/12/2022 [1], thực hiện Nghị định 50/2022/NĐ-CP (gọi tắt Nghị định 50), Trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh có đến 13 giáo sư/phó giáo sư, sinh từ năm 1954 đến 1962 cùng nghỉ hưu từ ngày 1/1/2023 (xem hình 1).

Hình 1: Danh sách 13 giáo sư/phó giáo sư cùng nghỉ hưu từ 1/1/2023

Hình 1: Danh sách 13 giáo sư/phó giáo sư cùng nghỉ hưu từ 1/1/2023

Trong số 5 giáo sư phải nghỉ hưu, đáng chú ý có nhà giáo nhân dân Trần Doãn Sơn [2] – Giải thưởng Hồ Chí Minh, vừa được bổ nhiệm giáo sư tháng 5/2022, hơn nửa năm đã ngậm ngùi chia tay giảng đường để làm cán bộ hưu trí.

Trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh có 11 giáo sư, 130 phó giáo sư [3], chỉ nhanh như “một nốt nhạc” theo Nghị định 50, trong 1 năm đã giảm gần 1 nửa tổng số giáo sư của trường. Theo ước tính của giới chuyên môn, ít nhất 5 năm nữa Trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh mới phục hồi lại số giáo sư như năm 2022. Vì trong vòng 5 năm tới, trường không có nhiều ứng viên tiềm năng để nâng chuẩn giáo sư. Khác với đào tạo nghề, các lao động giản đơn, đội ngũ giáo sư/phó giáo sư không dễ gì đào tạo ngày một, ngày hai mà có được. Nhà trường cần sự kế tục có kế hoạch, từ từ thay thế giáo sư/phó giáo sư để không tạo ra hẫng hụt đột ngột.

Do khuôn khổ bài báo, tác giả chỉ đưa ra ví dụ nhỏ như ở hình 1, các trường đại học khác cũng bị "mất trắng" giáo sư/phó giáo sư khi triển khai Nghị định 50, đặc biệt khối trường xã hội và nhân văn.

2. Hậu quả sau khi đồng loạt cho về hưu giáo sư/phó giáo sư theo Nghị định 50

Việc các giáo sư, phó giáo sư về hưu theo quy định mới của Nghị định 50 dẫn đến những hậu quả có thể thấy ngay.

Có cơ sở đào tạo tiến sĩ phải dừng

Theo thông tư 09/2017/TT-BGDĐT [4], tại Điều 3, điều kiện mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ: "Có ít nhất 1 giáo sư và 3 tiến sĩ hoặc 2 phó giáo sư và 3 tiến sĩ là giảng viên cơ hữu ngành..."

Thực hiện Nghị định 50, các giáo sư sinh từ năm 1952 đến 1958, tương ứng các tuổi 65, 66, 67, 68, 69, 70 cùng về hưu cuối năm 2022 đầu năm 2023; các phó giáo sư sinh từ năm 1955 đến 1958, tương ứng các tuổi 65, 66, 67 cùng về hưu cuối năm 2022 và đầu năm 2023

Đây là điều quá bất ngờ, các cơ sở đào tạo chưa có kế hoạch chuẩn bị giáo sư/phó giáo sư trẻ thay thế, nên bị hao hụt số giáo sư/phó giáo sư quá lớn. Chiếu theo thông tư 09/2017/TT-BGDĐT, sau ngày thực hiện Nghị định 50 (sau 15/8/2022) nhiều cơ sở đào tạo sẽ không đủ điều kiện đào tạo tiến sĩ, không đủ điều kiện hướng dẫn nghiên cứu sinh. Nếu thanh, kiểm tra, các cơ sở đào tạo không đủ điều kiện về đội ngũ giảng viên cơ hữu trình đủ chuẩn giáo sư, phó giáo sư sẽ có nguy cơ bị đình chỉ đào tạo tiến sĩ.

Các nghiên cứu sinh có thể rơi cảnh “đem con bỏ chợ”

Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT ngày 04/04/2017 [5], tại Điều 11, tiêu chuẩn người hướng dẫn nghiên cứu sinh độc lập: “Người hướng dẫn độc lập phải là giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu của cơ sở đào tạo”.

Do không chuẩn bị tinh thần về việc có Nghị định 50, trước ngày 15/8/2022 (ngày Nghị định 50 có hiệu lực), các giáo sư/phó giáo sư gần tuổi 65 khi đang là giảng viên cơ hữu đã “vô tư” nhận hướng dẫn nghiên cứu sinh. Sau ngày 15/8/2022, các giáo sư/phó giáo sư tuổi 65 trở thành cán bộ hưu trí, không còn là giảng viên cơ hữu, không còn mang danh giáo sư/phó giáo sư, không đủ tư cách pháp nhân để đứng tên hướng dẫn nghiên cứu sinh. Các nghiên cứu sinh của các giáo sư/phó giáo sư này sẽ rơi cảnh “đem con bỏ chợ”.

Như ở ví dụ hình 2, do không biết sẽ có Nghị định 50 nên từ năm 2020 đến tháng 8/2022, một phó giáo sư đã "lỡ nhận" 6 nghiên cứu sinh.

Hình 2: Danh sách hướng dẫn 6 nghiên cứu sinh của một phó giáo sư

Hình 2: Danh sách hướng dẫn 6 nghiên cứu sinh của một phó giáo sư

Hàng tuần, hàng tháng phó giáo sư này làm việc với nghiên cứu sinh ở phòng bộ môn. Nếu đến hết năm nay phó giáo sư về hưu, phải bàn giao công việc, cả chìa khóa phòng bộ môn, cả 6 nghiên cứu sinh có rơi vào cảnh "bơ vơ"?

Các nhóm nghiên cứu mạnh bị ảnh hưởng rất nhiều

Giáo sư/phó giáo sư đến tuổi 60, nếu được kéo dài phải bàn giao công tác quản lý nhưng thường vẫn được mời tham gia đề tài khoa học. Vì giáo sư/phó giáo sư ngoài năng lực giảng dạy, nghiên cứu và công bố thì còn là uy tín về mặt chuyên môn học thuật đối với cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế. Đây là yếu tố rất quan trọng để thu hút nhân tài, tập hợp đội ngũ, nhất là các cán bộ trẻ, tạo nên các nhóm nghiên cứu, trường phái học thuật. Những giáo sư/phó giáo sư uy tín thường là “con chim đầu đàn” trong trường phái học thuật.

Trước đó, thực hiện Nghị định 141/2013, khi giáo sư được gia hạn đến 70 tuổi, trong kế hoạch phát triển nhân sự, công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, nhà trường vẫn cho giáo sư gần 65 tuổi làm chủ nhiệm các đề tài dài hơi 3,5 năm cấp Bộ, cấp Nhà nước hoặc làm trưởng nhóm nghiên cứu mạnh. Nay đột ngột cho giáo sư/phó giáo sư về hưu theo Nghị định 50, không kịp tìm người thay thế, lãnh đạo nhà trường lúng túng không có hướng giải quyết, còn giáo sư/phó giáo sư có tâm lý “buông xuôi”, các đề tài khoa học dài hơi, các nhóm nghiên cứu mạnh mất luôn người đứng vai trò chủ đạo, chỉ đường.

3. Hướng đề xuất thực hiện Nghị định 50 phù hợp

Điều 3, Nghị định 50 đưa ra nguyên tắc thực hiện việc nghỉ hưu như sau: “Việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức không quá 5 năm (60 tháng), tính từ thời điểm viên chức đủ tuổi nghỉ hưu theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP".

Theo người viết, đối tượng thực hiện Nghị định 50 năm 2022 là những giáo sư/phó giáo sư sinh các năm 1961,1962, 1963… trở đi, không phải các giáo sư/phó giáo sư sinh các năm 1952 đến 1960.

Việc dựa vào Điều 6 Nghị định 50, sau ngày 15/8/2022 phủ định Nghị định 141/2013 để đổi sang đối tượng thực hiện Nghị định 50 là các giáo sư/phó giáo sư sinh trước năm 1961 - theo người viết là không phù hợp.

Cần có thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 50 theo hướng không “xóa trắng” giáo sư như một số đại học đã thực hiện.

Nghị định 50 đã ban hành được 5 tháng, nhưng vẫn chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể, một số trường “cực đoan” thực hiện đã gây ra xáo trộn tiêu cực như đã trình bày ở mục 1 và 2. Bộ Nội vụ cần có thông tư hướng dẫn cụ thể sao cho không để xảy ra những trường hợp đáng tiếc tương tự.

Người viết có một số kiến nghị, Nghị định 50 phải đồng bộ với các quy chế, quy định của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Các Thông tư 09/2017/TT-BGDĐT và Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT cần điều chỉnh lại cho phù hợp Nghị định 50.

Từ năm 2023, Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước không tiếp nhận hồ sơ xét giáo sư/phó giáo sư cho ứng viên có tuổi gần 65.

Tài liệu tham khảo

[1]. Công văn số 282/ĐHBK-TCHC ngày 7/12/2022, về việc nghỉ hưu trong năm 2023 của Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh

[2] https://thanhnien.vn/bo-nhiem-chuc-danh-giao-su-cho-chu-nhan-cua-giai-thuong-ho-chi-minh-post1460066.html

[3]. Thông điệp Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh https://hcmut.edu.vn/ho-so-nang-luc

[4]. Thông tư 09/2017/TT-BGDĐT

[5] Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT ngày 04/04/2017

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

PGS.TS Ngô Tứ Thành