Những nghịch lý "tiến thoái lưỡng nan" ở quy định về tăng tuổi nghỉ hưu cho GS

27/09/2022 06:36
PGS.TS Ngô Tứ Thành
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chỉ những giáo sư/ phó giáo sư đang là giảng viên cơ hữu của cơ sở đào tạo mới được đứng tên là giảng viên hướng dẫn.

Thực chất Nghị định 50/2022/NĐ-CP là giảm tuổi lao động của các giáo sư?

Theo Nghị định 141/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học ban hành ngày 24/10/2013 (Nghị định 141), từ năm 2013, Giáo sư nam nghỉ hưu tối đa ở tuổi 70.

Bài viết “Số lượng giảng viên là phó giáo sư, giáo sư có xu hướng ngày càng giảm” trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã tổng kết như sau:

”Theo báo cáo kết quả năm học 2021-2022, Phó Giáo sư Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Đội ngũ giảng viên toàn thời gian, tính đến 31/12/2021 có 0,89% là giáo sư; 6,21% là phó giáo sư, 25,19% trình độ tiến sĩ, 60,35% trình độ thạc sĩ và 7,36% trình độ đại học.”

“Đánh giá về số liệu trên, Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Bình, Hiệu trưởng Trường Đại học CMC cho rằng tổng số lượng phó giáo sư, giáo sư chỉ chiếm hơn 7% trong tổng số đội ngũ giảng viên đại học. Trong khi đó, cuối năm 2010, theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng số lượng phó giáo, giáo sư chiếm 8%. Như vậy, sau 12 năm, số lượng này có xu hướng giảm đáng kể.”

Nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức không quá 5 năm (60 tháng). (Ảnh minh họa: TTXVN phát)

Nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức không quá 5 năm (60 tháng). (Ảnh minh họa: TTXVN phát)

Số lượng giáo sư, phó giáo sư giảm như vậy, nhưng ngày 2/8/2022, Nghị định 50/2022/NĐ-CP (viết tắt là Nghị định 50) quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập tuy đề cập đến việc tăng tuổi về hưu, nhưng thực chất nội hàm là giảm tuổi về hưu của giáo sư (nam) từ 70 xuống còn 65.

Cụ thể:

Điều 3, Nghị định 50 đưa ra nguyên tắc thực hiện việc nghỉ hưu như sau: “Việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức không quá 5 năm (60 tháng), tính từ thời điểm viên chức đủ tuổi nghỉ hưu theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu.”

Cần làm rõ thuật ngữ “đủ tuổi nghỉ hưu” trong Nghị định 50.

Do “lịch sử” để lại, có 02 loại “đủ tuổi nghỉ hưu”. “Đủ tuổi nghỉ hưu” theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP (viết tắt Nghị định 135) và “đủ tuổi nghỉ hưu” trước Nghị định 135 quy định tuổi nghỉ hưu.

“Đủ tuổi nghỉ hưu” trước Nghị định 135, nam 60, nữ 55

Theo Nghị định 135, từ năm 2021, mỗi năm tuổi nghỉ hưu của lao động bình thường của lao động nam sẽ cộng thêm 3 tháng… của lao động nữ sẽ cộng thêm 4 tháng.

Như vậy, đối tượng thực hiện Nghị định 50 năm nay là những giáo sư, phó giáo sư sinh các năm 1961,1962, 1963…1972

Ví dụ: Giáo sư Nguyễn Văn A, sinh tháng 4/1962 thì đến tháng 10/2022 “đủ tuổi nghỉ hưu” theo Điều 3 Nghị định 135 và áp dụng Nghị định 50 để được làm thủ tục kéo dài thêm 5 năm. Giáo sư Nguyễn Văn A, sau tháng 10/2022 sẽ về hưu tháng 10/2027.

So với các giáo sư lớn tuổi hơn, khi áp dụng Nghị định 50, tuổi về hưu của Giáo sư A đã giảm 5 năm.

Nhìn rộng ra, tăng tuổi nghỉ hưu lao động nói chung và tăng tuổi nghỉ hưu của giáo sư nói riêng là xu hướng không thể cưỡng lại trên phạm vi toàn thế giới.

Trong khi đó, hiện nay, Nghị định 50 đang hạn chế kéo dài tuổi nghỉ hưu của giáo sư.

Tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” của Nghị định 50

Ví dụ khác, Giáo sư Nguyễn Văn B, sinh tháng 10 năm 1957, “đủ tuổi nghỉ hưu” vào tháng 10 năm 2017. Theo Nghị định 141, Giáo sư B được kéo dài tuổi nghỉ hưu đến tháng 10 năm 2027 nhưng chia làm 2 đợt. Đợt 1 kéo dài đến tháng 10 năm 2022, đợt 2 từ 2022 đến 2027.

Theo điều 6 Nghị định 50, sau ngày 15/8/2022, Nghị định 141/2013/NĐ-CP hết hiệu lực. Đồng nghĩa Nghị định 50 phủ nhận Giáo sư nghỉ hưu ở tuổi 70 của Nghị định 141.

Theo quy định, Giáo sư B không thể áp dụng vào điều 3 Nghị định 50.

Vậy Giáo sư Nguyễn Văn B sẽ về hưu ở tuổi 70 hay 65? Về hưu tháng 10/2022 hay tháng 10/2027?

Đến tháng 10 năm 2022, Giáo sư B đủ 65 tuổi nếu vẫn được ký gia hạn thêm 5 năm, có mâu thuẫn với điều 7 Nghị định 50 không?

Nếu để Giáo sư B áp dụng vào Điều 3 Nghị định 50, tháng 10/2022 về hưu ở tuổi 65 có đúng với điều 169 Bộ luật lao động 45/2019/QH14 không? [1]

Đây là những nghịch lý, “tiến thoái lưỡng nan” rất cần được lãnh đạo Bộ Giáo dục giải đáp tường minh.

Tâm sự của những người trong cuộc về Nghị định 50

Ngày 20/11/2009, tại lễ trao giấy chứng nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân giao nhiệm vụ:

"Giáo sư/ phó giáo sư phải giúp Chính phủ đào tạo 10 nghìn giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020”.

Từ đó đến nay, “luật bất thành văn”, các giáo sư/ phó giáo sư trẻ tuổi hay giáo sư/ phó giáo sư đang ở tuổi kéo dài đều định hướng tập trung phục vụ công tác hướng dẫn nghiên cứu sinh và đào tạo Tiến sĩ trong nước là nhiệm vụ chính trị trọng tâm.

Giáo sư/ phó giáo sư là tầng lớp trí thức, rất nhạy cảm và có lòng tự trọng cao. Rất hiếm giáo sư/ phó giáo sư xin xỏ được kéo dài tuổi về hưu. Nhiều giáo sư/ phó giáo sư sau khi đủ 60 tuổi, nhưng cơ sở đào tạo ít nghiên cứu sinh, ít học viên cao học,… đã xin không gia hạn kéo dài để nhận sổ hưu, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ ở lại được hướng dẫn nghiên cứu sinh, hướng dẫn cao học….

Theo Luật Giáo dục 2019, để giảng dạy trình độ đại học chỉ cần giảng viên có trình độ Thạc sĩ. Do vậy cơ sở đào tạo nào không có cao học, không có nguồn tuyển nghiên cứu sinh thì không gia hạn tuổi về hưu cho giáo sư/ phó giáo sư.

Hoặc các giáo sư/ phó giáo sư những năm trước khi đủ tuổi nghỉ hưu nếu không có các công trình nghiên cứu đặc biệt, không có ai liên hệ xin làm nghiên cứu sinh thì cũng không đủ điều kiện để được gia hạn kéo dài tuổi về hưu. Quy chế này đã được thống nhất ở tất cả các trường đại học trong cả nước [2].

Vì vậy Nghị định 50 giảm tuổi về hưu của giáo sư/ phó giáo sư có cần thiết? Những trường đại học top đầu của Việt Nam, nơi có nguồn tuyển nghiên cứu sinh lớn, đang thiếu giảng viên hướng dẫn nghiên cứu sinh thì Nghị định 50 đang cản trở việc kéo dài tuổi nghỉ hưu của giáo sư/ phó giáo sư.

Có ý kiến đề xuất: tất cả các giáo sư/ phó giáo sư đến 60 tuổi thì nhận sổ hưu, sau đó nếu cơ sở đào tạo nào có nhu cầu tuyển giảng viên hướng dẫn nghiên cứu sinh thì làm hợp đồng với giáo sư/ phó giáo sư đã về hưu.

Theo tôi, đề xuất này không khả thi, vì:

Giáo sư/ phó giáo sư là chức danh khoa học được bổ nhiệm có thời hạn. Khi về hưu thì không còn chức danh giáo sư/ phó giáo sư mà chỉ được gọi “nguyên là giáo sư/ phó giáo sư….” và không còn tư cách để hướng dẫn nghiên cứu sinh.

Chỉ những giáo sư/ phó giáo sư đang là giảng viên cơ hữu của cơ sở đào tạo mới được đứng tên là giảng viên hướng dẫn. Các cán bộ hưu trí chỉ được là hướng dẫn phụ.

Chỉ những giáo sư/ phó giáo sư đang là giảng viên cơ hữu của cơ sở đào tạo mới được có phòng làm việc riêng, có chìa khóa vào phòng thí nghiệm để tiến hành thực nghiệm đề tài. Các cán bộ hưu trí muốn đến làm việc phải đăng ký trước và làm nhiều thủ tục khác.

Vì quá nhiều thủ tục hành chính rờm rà trên, nên các giáo sư/ phó giáo sư khi đã nhận sổ hưu, vì lòng tự trọng và bản lĩnh của người trí thức, thường không quay lại xin làm giảng viên hợp đồng.

Những nỗi niềm tâm sự của các giáo sư/ phó giáo sư mong rằng sẽ được Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo lắng nghe.

Tài liệu tham khảo:

[1] Điều 169-Bộ luật lao động số 45/2019/QH14, kỳ họp Quốc hội thứ 8 thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2019.

[2] Điều 30: kéo dài thời gian công tác của giảng viên, Quyết định số 2195/QĐ-ĐHBK, ban hành Quy chế công tác cán bộ năm 2021

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

PGS.TS Ngô Tứ Thành