Tôi đã đề nghị giáo viên, Tết không giao bài tập về nhà cho con

09/01/2023 06:32
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nghỉ Tết năm nay là ngay sau khi hoàn thành học kì I, nên để cho học sinh nghỉ ngơi thoải mái, chuẩn bị tâm thế vui vẻ, hào hứng vào học kì II.

Nghỉ tết, giáo viên lại lo lắng sau khi hết tết học sinh không bắt nhịp được với học hành, vì vậy, không ít giáo viên ra bài tập về nhà, đề cương ôn tập dịp Tết cho học sinh.

Giáo viên nói gì về việc ra bài tập Tết, đề cương ôn tập Tết cho học sinh

Cô giáo Nguyễn Thị Anh chia sẻ “Học sinh nghỉ Tết âm lịch, như ở Bà Rịa - Vũng Tàu là hơn 10 ngày, nếu không có bài tập về nhà, đề cương ôn tập cho học sinh, học sinh sẽ mất thói quen học bài. Vì thế khi đi học lại, các em sẽ mất một hai ngày mới bắt kịp nhịp độ học tập.

Vì vậy, năm nào tôi cũng dành thời gian ra ra bài tập, đề cương ôn tập vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán cho học sinh”.

Ngược lại, thầy giáo Nguyễn Văn Trung lại có quan điểm khác: “Nghỉ Tết, là thời gian nghỉ ngơi, trải nghiệm cuộc sống của học sinh, ra bài tập về nhà, đề cương ôn tập cho học sinh dịp này là không phù hợp.

Tết, hãy để học sinh có thời gian học những điều sách vở không viết, thầy cô không dạy, chưa dạy, chỉ có trong cuộc sống, trong thực tế mới có.

Tôi ví dụ đơn giản thế này, học sinh đón Tết với bố mẹ, với ông bà nội ngoại, với cô chú có gì đặc biệt, khác nhau.

Nếu cứ ôm theo bài vở để đón Tết, chỉ có ở nhà, đâu về nhà với ông bà nội ngoại, cô chú để đón Tết, để trải nghiệm và thắt chặt sợi dây tình cảm máu thịt ruột rà.

Con người mà không có sợi dây tình cảm máu thịt ruột rà thì sao “lớn” lên được, trưởng thành được?

Học sinh phải học nhiều thứ khác ngoài sách vở mới trưởng thành được, mình cứ bắt ép học sinh học suốt, không có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, trải nghiệm, là … phản giáo dục.

Nên tôi phản đối chuyện ra bài tập, đề cương ôn tập Tết cho học sinh”.

Thăm dò nhiều đồng nghiệp, người viết cũng nhận được ý kiến không giống nhau, người ủng hộ, người phản đối, người thì bảo cấp trên chỉ đạo sao, làm vậy.

Học sinh được vẽ tranh chữ nói về ước vọng ngày xuân - Nguồn giaoducthoidai.vnHọc sinh được vẽ tranh chữ nói về ước vọng ngày xuân - Nguồn giaoducthoidai.vn

Phụ huynh nghĩ gì khi con mình phải làm bài tập, có đề cương ôn tập dịp Tết

Người viết đưa câu hỏi này cho anh Lê Khắc Cường, kĩ sư xây dựng, nhà có hai con, con đầu học lớp 10, con thứ hai học lớp 3.

Anh Lê Khắc Cường chia sẻ: “Hồi cháu đầu học tiểu học, trung học cơ sở, còn có giáo viên giao bài tập, đề cương ôn tập Tết để cháu học.

Tôi đã trực tiếp gọi cho giáo viên, nêu rõ quan điểm, tôi không đồng ý việc quy định con tôi làm bài tập, ôn theo đề cương dịp này.

Đã nhiều năm, tôi không yêu cầu con hoàn thành bài tập khi nghỉ Tết của giáo viên, có giáo viên chỉ im lặng, có giáo viên nhắc “Vậy anh phải chịu trách nhiệm về kết quả của cháu”.

Tôi không cãi lại, nhưng bản thân tôi ngày trước cũng vậy, Tết đến, xuân về chỉ mong được vui chơi, tâm trí đâu mà học, có học cũng chỉ là đối phó, hình thức, không có chất lượng.

Năm nay, các cháu chưa nghỉ Tết, nên chưa thấy có bài tập, đề cương ôn tập. Quan điểm của tôi vẫn thế, thầy cô giao hay không, nếu có, tôi vẫn không bắt các cháu … học Tết”.

Ý kiến của nhiều phụ huynh khác cũng có sự đồng cảm, nhất trí với anh Lê Khắc Cường.

Đôi điều kiến nghị:

Thực tế hiện nay, chưa có bất cứ văn bản pháp luật nào quy định không hay có giao bài tập, đề cương ôn tập dịp Tết cho học sinh, người viết có kiến nghị:

Thứ nhất, ngành giáo dục nên có chỉ đạo chung về việc có hay không giao bài tập, đề cương ôn tập dịp Tết cho học sinh, tạo sự thống nhất trên cả nước.

Thứ hai, trong lúc chưa có chỉ đạo chung, các cơ sở giáo dục không nên giao bài tập, đề cương ôn tập trong Tết cho học sinh.

Thứ ba, với phụ huynh, học sinh nghỉ Tết nhưng bố mẹ nên nhắc các cháu vui chơi an toàn, tránh các công trường xây dựng, hố sâu, đập nước …

Thực tế, không ít vụ tai nạn thương tích, đuối nước thương tâm đã xảy ra khi học sinh được nghỉ học, tụ tập vui chơi ở các công trường xây dựng, hố sâu, đập nước...

Thứ tư, các công trình xây dựng, nơi nguy hiểm cho học sinh cần được rào chắn, có cảnh báo, nghiêm cấm các em tụ tập đá bóng…

Thứ năm, bố mẹ tuyệt đối làm gương cho con cái, không mua, sử dụng pháo nổ, tuyệt đối cấm con em chế tạo pháo nổ.

Bố mẹ là tấm gương chấp hành luật pháp, đặc biệt là việc đốt pháo nổ trong dịp tết, bố mẹ, người thân trong gia đình không đốt pháo sẽ giúp chính con em mình tránh xa pháo nổ.

Thứ sáu, nhà trường cần tuyên truyền cho học sinh về thông tin nhà nước nghiêm cấm đốt pháo nổ, mua bán, tàng trữ, chế tạo pháo nổ. Ngoài ra có thể tổ chức các hoạt động trải nghiệm về Tết, phong tục Tết, để học sinh hiểu hơn về lịch sử dân tộc.

Nghỉ Tết là dịp nghỉ trùng với sau khi hoàn thành học kì I, nên để cho học sinh nghỉ ngơi thoải mái, chuẩn bị tâm thế vui vẻ, hào hứng vào học kì II.

(*) Nội dung, văn phong bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Lê Mai