Ngày 8/1/2023, trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, tác giả Nguyễn Nhật Minh đã có bài viết “Không phân định kiến thức ở trung học cơ sở, học sinh sao biết chọn tổ hợp môn lớp 10?”.
Trong bài viết này, tác giả đưa ra quan điểm rằng, khi học hết trung học cơ sở, học sinh không phân định được kiến thức Vật lý, Hóa học, Sinh học, học sinh lấy cơ sở nào mà chọn tổ hợp môn ở lớp 10?
Ngay sau khi bài báo đăng, một số cán bộ quản lý, giáo viên cấp trung học cơ sở tại Hải Phòng đã có những chia sẻ về vấn đề này.
Học sinh lớp 7 Trường Trung học cơ sở Đồng Hoà (quận Kiến An, Hải Phòng) học môn Ngữ văn theo chương trình giáo dục phổ thông mới. (Ảnh: Lã Tiến) |
Theo hiệu trưởng một trường Trung học cơ sở tại quận Ngô Quyền (Hải Phòng), trước đây, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006, học sinh học các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý riêng biệt với mục tiêu để học chuyên sâu từng môn.
Nhưng ở Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tích hợp các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học vào một quyển sách gọi là môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử, Địa lý vào môn Lịch sử và Địa lý.
“Việc tích hợp môn học là hoàn toàn phù hợp xu thế, chỉ có vấn đề là công tác chuẩn bị nhân sự chưa thực sự kỹ lưỡng.
Thứ nhất, có những thầy, cô giáo trước đây chỉ được đào tạo về môn Vật lý, hoặc Toán - Lý nên nếu giờ dạy thêm Sinh học và Hoá học trong môn Khoa học tự nhiên là hết sức khó khăn.
Giải pháp được đưa ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu những thầy cô dạy môn Vật lý phải học thêm môn Hoá học, Sinh học qua chương trình bồi dưỡng chứng chỉ (và thực hiện tương tự với các thầy cô thuộc phân môn khác của môn tích hợp, thầy cô dạy chuyên phân môn nào, sẽ tham gia bồi dưỡng chứng chỉ các phân môn còn lại).
Về việc dư luận cho rằng 3 môn Vật lý, Hoá học, Sinh học không có sự tích hợp kiến thức thì tôi cho rằng: có những nội dung hoàn toàn về Vật lý thì không thể tích hợp được.
Ví dụ, môn Khoa học tự nhiên có 35 tiết thì có đến 20 tiết chuyên sâu về Vật lý, không thể tích hợp được mà chỉ có khoảng 5 bài tích hợp được kiến thức phân môn khác…
Ở cấp 2, không gọi là môn học Vật lý, Hoá học, Sinh học mà gọi chung là môn Khoa học tự nhiên nhưng về mặt kiến thức, học sinh vẫn biết đang học phân môn Vật lý, Hoá học hay Sinh học và giáo viên cũng có trách nhiệm giúp học sinh phân biệt kiến thức.
Thứ hai, khi lên cấp 3 mà học phân môn chuyên sâu và được chia tổ hợp thì cũng chia: tổ hợp Khoa học tự nhiên trong đó gồm các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học và tổ hợp Khoa học xã hội gồm có Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật,…”, vị hiệu trưởng này nói.
Thực tế, giai đoạn này là giai đoạn quá độ, ngành giáo dục các địa phương chưa chuẩn bị xong về đội ngũ dạy tích hợp nên nhiều lúc vì cơ cấu của mỗi trường khác nhau nên có sự bố trí giáo viên dạy tích hợp khác nhau, nhưng chỉ là trong giai đoạn này thôi. Khoảng 3 năm nữa mới bồi dưỡng hết được giáo viên dạy môn tích hợp.
Còn theo lãnh đạo Trường Trung học cơ sở Đằng Lâm (quận Hải An, Hải Phòng), việc phân định kiến thức ở cấp trung học cơ sở là do giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý đảm nhiệm.
Khi học môn tích hợp, nếu giáo viên mà không phân định kiến thức, không phân môn thì học sinh sẽ rất thiệt thòi.
Vì vậy, trong quá trình dạy học, đến chuyên đề nào, giáo viên phân định bằng việc giới thiệu cho học sinh đâu là chuyên đề về Sinh học, đâu là Vật lý, Hoá học, dần dần, học sinh sẽ nhận biết được rõ ràng các phân môn.
Bên cạnh đó, nếu học sinh học tích hợp thì các em chỉ biết đang học môn Khoa học tự nhiên chứ không biết mình giỏi ở phân môn Vật lý hay Hoá học, Sinh học để sau này chọn tổ hợp ở cấp trung học phổ thông.
Khắc phục việc này chỉ có ở giáo viên giảng dạy, phải phân định rõ cho học sinh hiểu các phân môn. Khi nhận xét đánh giá cuối năm môn tích hợp thì giáo viên phải ghi rõ học sinh có thế mạnh phân môn nào.
Cán bộ, giáo viên cấp trung học cơ sở tại Hải Phòng mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có hướng dẫn thi vào lớp 10 đối với học sinh học chương trình mới. (Ảnh: Lã Tiến) |
Liên quan đến ý kiến của tác giả Nguyễn Nhật Minh về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10, lãnh đạo Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) cho rằng, khi chương trình giáo dục phổ thông mới phủ đến lớp 9 thì tất nhiên sẽ có sự thay đổi.
Đến giai đoạn đấy, kỳ thi vào lớp 10 vẫn có những môn thi như bây giờ là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài tổ hợp (như một số địa phương đã thực hiện), trong đó nên có cả kiến thức của Lịch sử, Địa lý, Sinh học,… để tránh tình trạng học sinh học lệch.
Hiệu trưởng một trường Trung học cơ sở ở quận Hải An mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có hướng dẫn về kỳ thi vào lớp 10 đối với học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc này sẽ giúp các địa phương, giáo viên sớm có định hướng giảng dạy.
“Tôi cũng nghe nhiều giáo viên tâm sự khi dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2006, ngay từ lớp 6, giáo viên đã biết phải nhấn mạnh gì trong quá trình giảng dạy để phục vụ cho việc thi vào lớp 10 còn bây giờ thì chưa biết.
Không riêng môn tích hợp, ngay cả chương trình môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh đến bây giờ các thầy, cô giáo cũng chưa biết phải “xoáy” vào nội dung nào vì chưa biết lớp 8, lớp 9 học cái gì, chưa có sách, nên rất khó để đưa ra khái quát tổng thể nội dung kiến thức”, vị hiệu trưởng này nói.