Giáo viên kiến nghị thành lập nhóm hỗ trợ dạy các môn tích hợp

09/01/2023 06:39
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chỉ đạo ngành giáo dục các địa phương thành lập nhóm hỗ trợ giúp giáo viên dạy các môn tích hợp vượt qua khó khăn trước mắt.

Ngày 13/12/2022, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến năm học 2022-2023.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, nhấn mạnh trong việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29-NQ/TW thì triển khai Chương trình mới là một trong những việc lớn nhất, dài nhất, khó khăn nhất, thách thức nhất và sẽ tạo ra những thay đổi sâu sắc nhất cho giáo dục.

“Chúng ta đang trong giai đoạn chuyển đổi, cải cách nên hàng ngày, hàng giờ phải lắng nghe việc triển khai thực tế như thế nào, giáo viên lên lớp có khó khăn gì. Trong thời gian còn lại triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có thể tính đến việc thành lập nhóm hỗ trợ nhanh cho giáo viên”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ. [1]

Người viết - giáo viên đang giảng dạy bậc phổ thông, nhận thấy việc dạy và học các môn tích hợp (đặc biệt là môn Khoa học tự nhiên) ở bậc trung học cơ sở đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều giáo viên kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thành lập nhóm hỗ trợ giúp các nhà trường giải quyết những khó khăn, vướng mắc như sau.

Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Thứ nhất, các kế hoạch hướng dẫn về chuyên môn ở cấp trung học cơ sở như Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH ngày 23/6/2021 và Công văn số 3699/BGDĐT-GDTrH ngày 27/8/2021 cũng chưa thực sự cụ thể, rõ ràng, chủ yếu là giao quyền chủ động cho nhà trường.

Vì thế, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn và chuyển email về Sở Giáo dục và Đào tạo thì Sở Giáo dục và Đào tạo chuyển tiếp về Phòng Giáo dục và Đào tạo.

Nhận được công văn, Phòng Giáo dục và Đào tạo chuyển tiếp về hiệu trưởng các nhà trường trung học cơ sở. Cuối cùng hiệu trưởng chuyển về tổ chuyên môn và giáo viên phải loay hoay xoay sở thực hiện.

Thứ hai, hiện nay ở các Sở Giáo dục và Đào tạo, hầu hết không có chuyên viên về các môn tích hợp, chỉ có chuyên viên các phân môn, ví dụ Vật lí, Hóa học, Sinh học... phụ trách chung. Và mỗi khi giáo viên gặp khó khăn trong việc dạy các môn tích hợp cũng không biết phải hỏi ai.

Ở Phòng Giáo dục và Đào tạo lại càng khó khăn hơn khi chỉ có một chuyên viên phụ trách tất cả các môn học cấp trung học cơ sở. Trong lúc triển khai chuyên môn rất cần những người “đứng mũi chịu sào” nhưng gần như việc này đang bỏ ngỏ.

Ở các trường trung học cơ sở chủ yếu có 2 tổ chuyên môn là Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, các tổ trưởng chuyên môn cũng không đủ kiến thức, năng lực để bao quát tất cả các môn mà mình phụ trách.

Ngoài ra, Nội dung giáo dục địa phương được sắp xếp ở nhiều tổ chuyên môn khác nhau. Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp thì phân công cho giáo viên chủ nhiệm giảng dạy nên hoạt động này không thuộc về một tổ chuyên môn nào cả.

Thứ ba, việc giao quyền tự chủ cho các nhà trường khi nghe qua thì có vẻ khách quan, khoa học, nhưng phải chăng lãnh đạo các cấp của ngành giáo dục cũng đang loay hoay trong mớ bòng bong của chương trình mới.

Thực tế ở các địa phương có sự triển khai và phân công chuyên môn khác nhau. Một số trường phân công giáo viên dạy đúng chuyên môn cho các phân môn nhưng hệ quả là giáo viên xếp lượt đợi nhau.

Có trường "ép" giáo viên dạy toàn bộ môn tích hợp để dễ xếp thời khóa biểu, và cũng có trường phải phá bỏ trật tự tuyến tính của sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên để bố trí đồng thời 3 phân môn, nên có hiện tượng hôm nay học sinh học thầy A (bài 1), ngày mai học cô B (bài 15).

Môn Lịch sử và Địa lý phải xây dựng kế hoạch và thời khóa biểu thay đổi sau 4, 5 tuần thực hiện, có trường một tuần điều chỉnh thời khóa biểu 1 lần khiến giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh than trời vì thời gian biểu dạy và học bị đảo lộn.

Thứ tư, yêu cầu về cơ sở vật chất, phương tiện, đồ dùng, thiết bị dạy học của Chương trình mới phải hiện đại, nhưng thực tế, đến các trường ở thành phố, thị xã, thị trấn vẫn chưa có đủ các phòng chức năng, phòng bộ môn thì nói gì đến vùng sâu vùng xa?

Và giải pháp tình thế là, giáo viên phải tận dụng đồ dùng của Chương trình cũ để dạy Chương trình mới nên khó nâng cao chất lượng chuyên môn cho học sinh.

Chưa kể, sĩ số lớp học rất đông, nhiều trường hơn 50 học sinh/ lớp, giáo viên rất khó chú trọng rèn năng lực, kĩ năng cho học sinh.

Bên cạnh đó, một số chuyên đề, chủ đề của Hoạt động trải nghiệm như: tham quan, cắm trại, sinh hoạt tập thể, câu lạc bộ, hoạt động phục vụ cộng đồng cần được thực hành, tổ chức ở ngoài thực địa, đi thực tế thì hầu hết các nhà trường không có kinh phí để tổ chức.

Hầu hết giáo viên bậc trung học cơ sở đều mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm có giải pháp để giải quyết các bất cập, khó khăn, vướng mắc của 2 môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.

Trước mắt, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương nhanh chóng thành lập nhóm hỗ trợ nhanh cho giáo viên dạy môn "tích hợp" để giải quyết hàng loạt vướng mắc như bài viết đã nêu.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vneconomy.vn/thao-go-kho-khan-cho-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên