Không chỉ đổi mới chương trình ĐH, cách dạy các môn đại cương cũng cần thay đổi

06/02/2023 06:40
Khánh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không chỉ đổi mới chương trình đào tạo, theo chuyên gia, phương pháp giảng dạy các môn đại cương cũng cần thay đổi để cung cấp kiến thức cho SV hiệu quả hơn.

Trước việc có nhiều sinh viên bỏ học sau một vài học kỳ, hiện nay, nhiều trường đại học đã chủ động xây dựng chương trình đào tạo theo hướng cởi mở, linh hoạt, ứng dụng nhiều hơn để nâng cao sự hứng thú cho sinh viên.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Song, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Miền Đông cho hay: những năm trước đây, trường cũng gặp tình trạng các sinh viên bỏ học do thời gian đầu của chương trình đào tạo đại học gồm nhiều môn đại cương, có những em cảm thấy việc học kiến thức rất khô cứng, khó hiểu.

Ảnh minh họa: Phạm Minh

Ảnh minh họa: Phạm Minh

Do vậy, bắt đầu từ 01/06/2021, trường đã có những điều chỉnh về chương trình đào tạo để giúp sinh viên không bị chán nản trong quá trình học. Sau đó, qua phản hồi của sinh viên, đa số các em thích học tập theo chương trình được sửa đổi và hai năm nay thì tỉ lệ sinh viên bỏ học vì chương trình khô cứng đã không còn nhiều.

Ví dụ như ngay từ năm thứ nhất, bên cạnh các môn học cơ sở, trường tăng thời lượng môn tiếng Anh giao tiếp để thêm sự sôi nổi trong giờ học; các môn học mang tính giới thiệu ngành, chuyên ngành như học phần giới thiệu về Blockchain và các môn học mang tính trải nghiệm ngành nghề cũng được đan xen vào chương trình.

Tuy nhiên, theo thầy Song, các trường đại học dù sắp xếp, thiết kế lại chương trình đào tạo cho linh hoạt hơn cũng phải tùy theo từng ngành đào tạo và không thể sửa tùy tiện, đổi hay đảo ngược trật tự các môn. Các môn học cơ bản, tiên quyết thì vẫn bắt buộc phải học trước.

Cũng theo Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Miền Đông, ngoài sửa đổi chương trình học, thì phương pháp giảng dạy của các giảng viên trong trường cũng được đổi mới.

Kể cả các môn lý thuyết cũng đều có sự đồng hành giảng dạy từ phía người giảng đến từ cơ quan, doanh nghiệp để giúp người học hiểu được doanh nghiệp cần gì cũng như cho các em biết về những tình huống thực tế nghề nghiệp, để khi ra trường, người học hoàn toàn đủ kiến thức và kỹ năng, tâm thế khi bắt đầu vào làm việc tại các doanh nghiệp.

Ví dụ như ngành công nghệ kỹ thuật ô tô, sẽ có đại diện các công ty, đơn vị, xưởng kỹ thuật ô tô đến giảng dạy; hay ngành dược của trường cũng được đại diện từ phía các nhà thuốc đến thỉnh giảng, hướng dẫn (tất nhiên, người được mời thỉnh giảng, ngoài yêu cầu về bằng cấp còn yêu cầu về kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm).

“Trừ các trường đào tạo theo định hướng nghiên cứu nhiều hơn, các trường đại học khác có thể tham khảo cách sắp xếp chương trình học như của Trường Đại học Công nghệ Miền Đông để giúp các em ra trường có thể tiếp cận được luôn với doanh nghiệp cũng như đi làm được ngay.

Tuy nhiên, với việc thay đổi chương trình, các trường phải sắp xếp một cách hợp lý, tùy theo tính chất các ngành đào tạo của trường mình”, thầy Song nói.

Cũng bàn về vấn đề trên, một chuyên gia về giáo dục đại học cho rằng: khác với bậc phổ thông, đối với bậc đại học, chương trình đào tạo sẽ do chính nhà trường xây dựng dựa trên cơ sở yêu cầu về chuẩn chương trình theo quy định hiện hành.

Theo vị chuyên gia này, chương trình đào tạo bậc đại học được thiết kế cần phải xuất phát từ việc điều tra tình hình thực tế nhu cầu xã hội, sau đó mới hình thành kết quả điều tra để nhà trường cùng các cán bộ, giảng viên phân tích, xây dựng chương trình phù hợp, hình thành nên diện mạo của đối tượng được đào tạo.

Từ đó mới hình thành nên mục tiêu đào tạo, đối tượng được đào tạo của ngành học sẽ được cung cấp những kiến thức, kỹ năng nào, chuẩn đầu ra thế nào,... và sau cùng sắp xếp lại trật tự để có một chương trình học phù hợp, phát triển những năng lực khác nhau của người học.

Do vậy, cùng một ngành đào tạo nhưng các trường đại học khác nhau sẽ xây dựng nên chương trình học khác nhau để phù hợp với đặc thù từng trường cũng như để phục vụ nhu cầu tuyển dụng của xã hội.

Chương trình học bậc đại học có thể sắp xếp theo cách: xây dựng chương trình sinh viên học các môn đại cương trước rồi mới học các môn chuyên ngành. Đây là cách đào tạo rất kinh tế, do người học các ngành khác nhau có thể học chung với nhau khi trường tổ chức các lớp học môn đại cương.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường đại học hiện nay đã bố trí cho sinh viên học các môn đại cương và chuyên ngành song song với nhau từ năm đầu, theo hướng, thời lượng học các môn đại cương nhiều hơn và những năm cuối thì thời lượng các môn chuyên ngành tăng lên. Cách đào tạo này sẽ hợp lý hơn.

Do vậy, bên cạnh việc sắp xếp chương trình học đại học, nhà trường cần phải quan tâm đến cách dạy các môn đại cương để làm sao thu hút, hấp dẫn được người học, hạn chế tình trạng các em bị chán nản.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng, nếu các trường đại học sửa đổi chương trình theo hướng “đảo ngược” cơ học, không tính toán sự phù hợp khối lượng kiến thức các môn, các học phần, cho sinh viên học các môn chuyên ngành từ đầu quá nhiều thì lại rất có thể: chương trình đào tạo đại học sẽ theo hướng chương trình đào tạo nghề hóa.

Chương trình đại học phải hài hòa, kết hợp cả kiến thức và kỹ năng để hình thành nên diện mạo đào tạo cụ thể cho người học thì nhân lực được đào tạo ra mới được bền vững, không bị lỗi thời dù thực trạng xã hội có bị thay đổi thế nào. Những chương trình đào tạo mang tính hàn lâm có thể ra trường chưa thạo nghề được ngay nhưng một khi đã quen việc thì sẽ phát triển bền vững hơn.

Khánh An