Trước đây, hầu như sinh viên năm nhất phải bắt đầu việc học đại học với toàn bộ các môn đại cương tổng quát, dẫn đến tình trạng nhiều em tự ý bỏ học khi mới trải qua một học kỳ. Lí do đưa ra thường là: chương trình đại cương khó, kiến thức vĩ mô nhiều, phần lớn là học lý thuyết...
Theo đó, để tạo hứng thú cho người học, nhiều trường đại học hiện nay đã tiếp thu ý kiến từ các lãnh đạo các khoa, bộ môn, giảng viên nhà trường để xây dựng chương trình học phù hợp với việc tiếp cận kiến thức của sinh viên.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về chương trình học hiện tại của trường, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trung Thành, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học An Giang cho biết, áp lực đối với sinh viên năm nhất thì hầu như trường nào cũng gặp phải, trong đó có tình trạng nhiều em cảm thấy chán nản, muốn nghỉ học do phải học liên tục các môn đại cương cùng lúc trong suốt năm học.
Sinh viên Trường Đại học An Giang học nhóm tại thư viện trường (Nguồn: Fanpage nhà trường). |
Những năm trước, Trường Đại học An Giang cũng gặp phải vấn đề tương tự, do đó, lãnh đạo các khoa, bộ môn nhà trường đã đề xuất trường cần có những thay đổi tích cực để phù hợp với việc tiếp thu kiến thức của sinh viên năm nhất.
Theo đó, trong 5 năm trở lại đây, trường đã thiết kế, sửa đổi các chương trình học để giảm bớt áp lực này cho các em, tỉ lệ sinh viên năm nhất bỏ học từ cũng được giảm đi đáng kể.
Hiện, chương trình học của Trường Đại học An Giang có khoảng 130 đến hơn 150 tín chỉ tùy theo từng ngành, trong đó, các môn cơ sở ngành cũng chỉ chiếm khoảng 15%.
Hơn nữa, cộng thêm sự thu hút của thị trường lao động, tỉ lệ tuyển sinh đầu vào của trường cũng rất cao, năng lực học của các em sinh viên những năm gần đây cũng tốt hơn trước kia.
“Để giảm gánh nặng cho các em năm nhất, chúng tôi đã xây dựng “Hội nghị học tốt” vào đầu mỗi năm học. Trong các hội nghị này, các em sẽ được lắng nghe sự chia sẻ kinh nghiệm từ các giảng viên, các cựu sinh viên và những sinh viên các khóa trên.
Thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu chương trình học, các bạn sinh viên năm nhất sẽ đỡ bỡ ngỡ hơn trong việc mới tham gia học tập tại môi trường đại học cũng như hiểu rõ hơn để có sự yêu thích với ngành học mình đã lựa chọn", thầy Thành nói.
Ngoài ra, thầy Thành cũng chia sẻ, trường còn bổ sung các học phần giới thiệu ngành, cơ sở ngành (khoảng 1 đến 2 học phần) trong học kỳ I năm nhất để “xê dịch” các môn đại cương sang những học kỳ sau, tránh trường hợp phải học quá nhiều môn đại cương gây áp lực cho các em, hầu như các môn học này đều khá “khó nhằn”.
Đối với các môn giới thiệu ngành, để giúp các em hiểu và tiếp cận dần với chuyên ngành, các sinh viên năm nhất của Trường Đại học An Giang sẽ được đi quan sát, kiến tập tại các cơ sở nghề nghiệp liên quan đến ngành học của mình.
Ví dụ, những bạn học các chuyên ngành thuộc khoa nông nghiệp của trường với những buổi học của môn giới thiệu ngành sẽ được tham quan tại các trang trại nông nghiệp, xem cách người lao động tại các cơ sở làm việc để hiểu hơn về ngành học.
Cũng chia sẻ về chương trình học hiện tại của trường, Tiến sĩ Đỗ Trọng Đăng, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Phú Yên cho hay:
"Thực trạng sinh viên gặp khó khăn, chán nản khi năm nhất học toàn môn đại cương đã xảy ra tại nhiều cơ sở giáo dục. Thông thường, số sinh viên nghỉ học cũng chủ yếu là đang học năm nhất đại học.
Bởi việc chuyển trường đại học hiện nay không còn khó như trước kia, nếu mới học năm nhất mà cảm thấy chán nản, nguy cơ các em chuyển trường khác là chuyện rất dễ. Do đó, nếu các trường không xem xét, đánh giá và sửa đổi chương trình học cho phù hợp sẽ rất dễ xảy ra tình trạng trên".
Cũng theo thầy Đăng, trong những năm gần đây, Trường Đại học Phú Yên đã sửa đổi chương trình học để giúp người học được hứng thú hơn như tăng cường đan xen các môn cơ sở ngành song song với các môn học đại cương.
Bên cạnh đó, trường cũng giảm tải các môn học đại cương có thể dùng chứng chỉ để tốt nghiệp như tin học văn phòng cơ bản và các học phần ngoại ngữ đại cương để giảm bớt áp lực cho các em.
Ví dụ như các bạn sinh viên học ngành Công nghệ thông tin trước kia phải học 4 học phần tiếng Anh thì giờ chỉ cần học 1 học phần tiếng Anh chuyên ngành còn 3 học phần tiếng Anh đại cương sẽ được giảm tải.
Việc giảm tải các học phần như vậy sẽ giúp sinh viên giảm được gánh nặng với các môn đại cương cũng như tăng thời lượng kiến thức chuyên ngành nhiều hơn, giúp các em nắm vững được kiến thức chuyên ngành của mình.
Không những vậy, Trường Đại học Phú Yên cũng tăng cường các hoạt động ngoại khóa để tăng tính hứng thú cũng như tạo môi trường năng động, sáng tạo. Theo đó, người học sẽ được tiếp cận các doanh nghiệp, các trường học,... sớm hơn so với trước đây. Nhờ vậy mà mấy năm nay, điểm học tập mỗi kỳ của các em sinh viên nhà trường đều được cải thiện đáng kể.
Thầy Đăng mong rằng, các cơ sở giáo dục đại học nên thiết kế chương trình đào tạo gắn liền với thực tiễn, bởi các môn học đại cương hay chuyên ngành đều quan trọng và cần thiết nhưng làm sao để các em có thể tiếp thu được kiến thức, nắm vững được kĩ năng để sau này ra trường làm việc, trở thành nhân lực chất lượng cao giúp ích cho chính bản thân và cho cả xã hội.