Ngày 8/10, Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực TSC (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phối hợp cùng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Công ty Cổ phần Giáo dục và Phát triển Nghề nghiệp BnD Edu tổ chức buổi hội thảo với chủ đề: "Hướng nghiệp suốt đời - Gắn kết gia đình, nhà trường, người học, người lao động và doanh nghiệp trong kỷ nguyên 4.0".
Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội); ông Bùi Văn Linh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực (Bộ Giáo dục và Đào tạo); Phó Giáo sư Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội)...
Cùng các diễn giả của chương trình gồm: Phó Giáo sư Nguyễn Quang Liệu, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội); ông Trần Phương, phụ trách Phòng Nghiên cứu và Dự báo (Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo); Phó Giáo sư Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc Gia Hà Nội); ông Nguyễn Thanh Bình, đồng sáng lập Hệ sinh thái Giáo dục và Nghề nghiệp VitanEdu.
Ban tổ chức tặng hoa các đại biểu tham dự. Ảnh: Trần Lý |
Hội thảo còn có sự góp mặt của lãnh đạo các bộ, ban, ngành, Sở Giáo dục và Đào tạo, các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông tại Hà Nội và nhiều tỉnh/thành lân cận; cùng nhiều em học sinh, sinh viên.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Bùi Văn Linh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực nhấn mạnh, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, dưới sự chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trung tâm đang nỗ lực phối hợp các Sở Giáo dục và Đào tạo, các đại học, các chuyên gia trong toàn quốc triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ đào tạo kỹ năng toàn diện, giáo dục hướng nghiệp cho hơn 24 triệu học sinh, sinh viên trong gần 55.000 cơ sở giáo dục, trong đó có 250 trường đại học.
Ông Bùi Văn Linh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trần Lý |
Ông Bùi Văn Linh đánh giá, các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện các chỉ đạo của Bộ về công tác hướng nghiệp, phân luồng... đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; giúp người học đánh giá đúng hơn về phẩm chất, năng lực bản thân, từ đó có các quyết định phù hợp trong quá trình học lên cao và phát triển nghề nghiệp trong tương lai.
“Công tác hướng nghiệp càng chất lượng, việc phân luồng sẽ càng hiệu quả, chất lượng hơn. Một giải pháp rất cần thiết để thực hiện thành công hoạt động giáo dục hướng nghiệp, đó là chúng ta thực hiện xã hội hóa, có sự tham gia của DN Edutech, cung ứng nội dung số hoá, công cụ, phần mềm, chuyên gia, nguồn lực tốt để hỗ trợ giáo viên, nhà trường thực hiện công tác này.
Mục đích của tọa đàm hôm nay là để triển khai các giải pháp chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, với mong muốn trang bị thêm các kiến thức, tri thức, phương pháp tốt cho các nhà trường triển khai chất lượng hơn trong thời gian tới”, ông Linh cho hay.
Theo thống kê của Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Trung tâm MOET-TSC) năm 2021, số sinh viên tốt nghiệp làm đúng ngành đào tạo là 56%, số còn lại là chỉ liên quan đến ngành đào tạo (25%), thậm chí không liên quan đến ngành đào tạo (19%).
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong quý II năm 2022, xu hướng tuyển dụng của thị trường lao động đối với nhân lực trình độ đại học là 49,7%, cao đẳng và trung cấp là 30,5% trong khi nhu cầu của người tìm việc có trình độ đại học là 61,1%, cao đẳng và trung cấp là 33%...
Các con số thống kê đều cho thấy có sự chênh lệch đáng kể giữa cung và cầu lao động cả về cơ cấu trình độ và chuyên môn đào tạo. Điều này phần nào phản ánh những bất cập trong công tác hướng nghiệp, phân luồng trong các cơ sở giáo dục cũng như quá trình tự định hướng và lựa chọn nghề nghiệp của người học.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe 04 tham luận gồm:
Hướng nghiệp suốt đời: Chìa khóa giúp cá nhân xây dựng hành trình nghề nghiệp;
Hoạt động góp phần nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong nhà trường;
Mô hình triển khai hướng nghiệp tại Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội;
Giới thiệu hệ sinh thái VitanEdu của BnD.
Các diễn giả tại phiên thảo luận của hội thảo. Ảnh: Trần Lý |
Ngay sau đó, tại phiên thảo luận, các diễn giả đã bàn về vai trò của gia đình trong công tác hướng nghiệp và giải pháp gắn kết gia đình - nhà trường - người học - người lao động và doanh nghiệp.
Phó Giáo sư Trần Thành Nam nhấn mạnh gia đình có vai trò quan trọng trong công tác hướng nghiệp. Muốn hướng nghiệp được cho con thì bản thân bố mẹ phải có kiến thức và sự tìm hiểu.
“Nhà trường có trách nhiệm giáo dục phụ huynh bên cạnh việc giáo dục học sinh, sinh viên về công tác này, phải đưa được nội dung hướng nghiệp vào chương trình dạy và phải có những tiết định hướng nghề nghiệp xuyên suốt từ cấp tiểu học lên trung học, phổ thông rồi tới đại học.
Tôi mong muốn, công tác hướng nghiệp sẽ có sự can thiệp của các doanh nghiệp, đồng thời doanh nghiệp cũng phải góp phần đưa những kiến thức này đến phụ huynh. Bản thân phụ huynh phải biết được con đường hướng nghiệp sẽ đi qua các mốc như thế nào, cần những yếu tố gì.
Tôi không đòi hỏi phụ huynh phải trở thành các chuyên gia tư vấn nhưng phải có kiến thức nhất định để góp phần định hướng, giải đáp được thắc mắc và đưa cho con lời khuyên tốt nhất. Bố mẹ, thầy cô, doanh nghiệp, xã hội cần phải hỗ trợ, nâng cao tầm nhận thức về mặt giáo dục, có như vậy, công tác tư vấn, hướng nghiệp mới trở nên chuyên nghiệp”, Phó Giáo sư Trần Thành Nam nhấn mạnh.