Cuối tháng 3, Ninh Bình tổ chức thi thử bài thi đánh giá năng lực cho HS lớp 12

03/03/2023 10:45
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lịch thi diễn ra trong các ngày từ 28/3 đến 30/3/2023, các đơn vị chủ động bố trí các ca thi, đáp ứng tối đa nhu cầu thi thử của học sinh.

Ngày 2/3, Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình ra văn bản số 273/SGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn tổ chức thi thử bài thi đánh giá năng lực cho học sinh, học viên lớp 12 năm học 2022 - 2023.

Theo đó, trong văn bản gửi hiệu trưởng các trường trung học phổ thông và giám đốc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn, Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình nhấn mạnh, công tác xét tuyển đại học năm 2023, cùng với kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông của học sinh, một số đại học, học viện tổ chức kì thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để xây dựng phương thức xét tuyển quan trọng.

Văn bản này cũng nêu rõ, các đại học có tổ chức kì thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Việt Đức, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, các trường đại học, học viện thuộc Bộ Công an...

Ngoài ra, đề án tuyển sinh đại học của nhiều trường đại học khác cũng sử dụng kết quả của các kì thi này, đặc biệt là kết quả của kì thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Các thí sinh làm bài thi đánh giá năng lực. Ảnh minh họa: vnuhcm.edu.vn

Các thí sinh làm bài thi đánh giá năng lực. Ảnh minh họa: vnuhcm.edu.vn

Qua đó, nhằm giúp học sinh làm quen với cấu trúc bài thi, nội dung thi, hình thức thi, Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình hướng dẫn tổ chức thi thử bài thi đánh giá năng lực cho học sinh, học viên lớp 12 năm học 2022-2023, cụ thể:

Đối tượng dự thi gồm các học sinh lớp 12 các trường Trung học phổ thông và học viên lớp 12 các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên có nhu cầu tham gia thi thử.

Bên cạnh đó, bài thi được xây dựng dựa trên dạng thức bài thi đánh giá năng lực học sinh Trung học phổ thông ban hành kèm theo Quyết định số 01/QĐ-KT ngày 03/01/2023 của Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội.

Qua đó văn bản này cho biết, cấu trúc bài thi sẽ gồm 3 phần:

Phần 1: Tư duy định lượng (Lĩnh vực Toán học) gồm 50 câu hỏi (gồm 35 câu hỏi trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn và 15 câu hỏi trắc nghiệm điền đáp án), thời gian làm bài tối đa 75 phút.

Phần 2: Tư duy định tính (Lĩnh vực Ngữ văn – Ngôn ngữ) gồm 50 câu hỏi trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn, thời gian làm bài tối đa 60 phút.

Phần 3: Khoa học (Lĩnh vực Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội) gồm 50 câu hỏi (trong đó 47 câu hỏi trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn và 3 câu hỏi trắc nghiệm điền đáp án), thời gian làm bài tối đa 60 phút.

Điểm tối đa toàn bài thi: 150 điểm (mỗi phần 50 điểm). Tổng thời gian tối đa làm bài thi: 195 phút. Độ khó của các câu hỏi trong đề thi tăng dần từ mức độ nhận biết đến mức độ vận dụng và được phân định theo tỉ lệ: 20% nhận biết, 60% thông hiểu, 20% vận dụng.

Nội dung thi nằm trong chương trình cấp trung học phổ thông, chủ yếu là chương trình lớp 12, bao gồm:

Phần 1 và Phần 2: Kiến thức trong chương trình lớp 10, lớp 11 và lớp 12 lần lượt chiếm 10%, 20% và 70%.

Phần 3: Kiến thức trong chương trình lớp 11 và lớp 12 lần lượt chiếm 30% và 70%.

Các thí sinh làm bài thi trên máy vi tính. Các đơn vị có thể tổ chức thi trực tuyến trên các website như: olm.vn, 789.vn, k12online.vn, trên Google form hoặc các nền tảng hỗ trợ thi trực tuyến khác. Các đơn vị chủ động nghiên cứu, lựa chọn nền tảng, liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ để có cách thức tổ chức thi phù hợp với điều kiện nhà trường.

Lịch thi diễn ra trong các ngày từ 28/3 đến 30/3/2023, các đơn vị chủ động bố trí các ca thi, đáp ứng tối đa nhu cầu thi thử của học sinh.

Đối với công tác tổ chức thi, văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình yêu cầu, Phòng Giáo dục Trung học chịu trách nhiệm tổ chức ra đề thi, bàn giao đề thi và hướng dẫn chấm thi cho các đơn vị.

Đồng thời, tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc việc bảo mật đề thi, đăng tải đề thi lên nền tảng hỗ trợ thi trực tuyến và quy trình tổ chức coi thi tại các hội đồng. Thống kê kết quả thi toàn tỉnh, phân tích, đánh giá kết quả.

Đối với các trường trung học phổ thông, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh này được yêu cầu, thành lập Hội đồng tổ chức thi thử cho học sinh (lựa chọn công nghệ, tập huấn nghiệp vụ thi, tải đề thi lên hệ thống, coi thi, lên điểm, thống kê, phân tích kết quả thi.

Chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, công nghệ, trang thiết bị, phương tiện cần thiết phục vụ cho Hội đồng thi làm việc. Tổ chức cho học sinh đăng kí dự thi. Căn cứ số lượng học sinh đăng kí dự thi lập danh sách thí sinh dự thi, bố trí các ca thi hợp lí, đáp ứng tối đa nhu cầu dự thi của học sinh.

Về kinh phí thực hiện, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình sẽ chi trả kinh phí cho các phần việc thực hiện tại Sở (nếu có). Các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, Trung tâm giáo dục thường xuyên - tin học và ngoại ngữ tỉnh này có tổ chức thi thì sẽ chi trả kinh phí cho các phần việc được thực hiện tại đơn vị đúng quy định hiện hành.

Trung Dũng