Thủ tướng với thanh niên: Chúng ta còn thiếu nhiều kỹ năng sống, kỹ năng nghề

22/03/2023 11:28
Theo baochinhphu.vn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sáng 22/3,Thủ tướng dự và chủ trì Hội nghị đối thoại với thanh niên năm 2023, chủ đề "Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0".

Cùng dự và đối thoại với Thủ tướng Chính phủ có các đồng chí Bộ trưởng các Bộ: Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạc và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Bộ Xây dựng, và Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các ban của Đảng, các ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam.

Hội nghị được kết nối tới trụ sở Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thường trực Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên và Hội sinh viên các tỉnh.

Các vấn đề Thủ tướng đối thoại với thanh niên tại Hội nghị được tổng hợp từ các ý kiến gửi qua Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và một số kênh khác...

Tại chương trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng hoa chúc mừng Đoàn Thanh niên Cộng Hồ Chí Minh; tặng quà cho 10 Gương mặt Trẻ tiêu biểu năm 2022 và 10 Gương mặt Trẻ triển vọng năm 2022.

Các đồng chí Bí thư Trung ương Đoàn nhận hoa chúc mừng của Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các đồng chí Bí thư Trung ương Đoàn nhận hoa chúc mừng của Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bắt đầu đối thoại, nhiều chủ đề về xây dựng nguồn lực 4.0, đổi mới giáo dục đại học được các đại biểu thanh niên đặt câu hỏi cho Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.

Doanh nhân trẻ Phạm Nhật Thành đặt câu hỏi: Hiện nay, trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, có nhiều công nghệ mới được ứng dụng để giúp tối ưu hoá quy trình như công nghệ số, công nghệ thông tin tích hợp, trí tuệ nhân tạo, cuộc cách mạng này mang lại rất nhiều cơ hội mới nhưng cùng với đó là không ít thách thức cho lực lượng lao động trẻ Việt Nam. Xin Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ thông tin về những quyết sách quan trọng để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên số?

Trước khi giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ, trong không khí phấn khởi của cuộc đối thoại khiến mỗi người tham dự đều muốn "ngày nào cũng là ngày thanh niên, tháng nào cũng là tháng thanh niên, năm nào cũng là năm thanh niên". Nhân dịp kỷ niệm 92 năm ngày Thành lập Đoàn, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới tất cả các đại biểu tại các điểm cầu.

Về câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: Trong thời gian vừa qua, nhận thức vai trò quan trọng của nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Đảng ta đã có những quyết sách lớn như Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo. Đây là đổi mới quan trọng để phát triển giáo dục và đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao. Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục sửa đổi, tạo những điều kiện quan trọng để mở đường cho các trường đại học cũng như đào tạo trình độ đại học chất lượng cao.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn (bên trái) trả lời câu hỏi của các đại biểu thanh niên - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn (bên trái) trả lời câu hỏi của các đại biểu thanh niên - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu đưa giáo dục quốc gia cung cấp được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao ngành giáo dục và đào tạo xây dựng và triển khai nhiều đề án, chương trình, trong đó có một đề án quan trọng là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; đang xây dựng và triển khai thí điểm mô hình giáo dục đại học số và bước đầu có 5 trường đại học thuộc nhóm công nghệ kỹ thuật đã đăng ký tham gia đề án này. Ngoài ra, có những đề án khác như đề án xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục mở, đề án nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển công nghệ cao.

Toàn ngành giáo dục cũng đang triển khai đề án quan trọng là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo và nhiều chương trình, đề án, dự án khác với mục tiêu chung là không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo từ bậc phổ thông đến bậc đại học với những kỹ năng, phẩm chất, năng lực có thể giúp cho thanh niên, học sinh đáp ứng được yêu cầu của công việc trong lao động, trong thời đại công nghiệp 4.0.

Bổ sung thêm câu trả lời, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đất nước ta đang thực hiện khát vọng lớn tới năm 2045 là nước phát triển, có thu nhập cao, chúng ta đang thực hiện 3 trụ cột lớn: Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa (để phát huy tối đa đại đoàn kết, năng lực của mỗi người dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại), xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân (mọi chính sách đều hướng tới người dân và mọi người dân tham gia thực hiện các chính sách, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật), xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (tôn trọng quy luật khách quan, quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh nhưng có sự can thiệp của Nhà nước khi cần thiết). Thủ tướng nhắc tới những diễn biến mới trên thị trường thế giới như tình hình hệ thống ngân hàng tại Mỹ, Thụy Sĩ… cho thấy có nhiều vấn đề khó lường, khó dự báo với hậu quả có thể kéo dài, Chính phủ các nước phải can thiệp ngay.

Mặt khác, Thủ tướng nhấn mạnh, quan điểm xuyên suốt là coi con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là nguồn lực, động lực phát triển, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, phát triển văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị, xã hội.

Thủ tướng nhấn mạnh: Đất nước ta có truyền thống lịch sử ngàn năm và trong thế kỷ trước, chúng ta phải trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh để giành độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, sau đó, phải trải qua nhiều năm năm cấm vận kéo dài. Nhưng nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân, sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, chúng ta đã vượt qua các khó khăn để phát triển và đến nay chúng ta phải tiếp tục phải vượt qua các khó khăn, thách thức.

Theo Thủ tướng, cuộc sống lúc nào cũng có thời cơ, thuận lợi đan xen khó khăn và thách thức, chúng ta phải luôn giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, không quá lạc quan trước cơ hội và thuận lợi, không bi quan trước khó khăn, thách thức, tháo gỡ các khó khăn, vượt qua các thách thức bằng tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên bằng tay khối óc của mình, không trông chờ, ỷ lại, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể.

"Tôi tin chắc là với khí thế của tuổi trẻ, thế hệ trẻ ngày nay sẽ vượt qua các khó khăn, thách thức như cha ông chúng ta đã làm và không có gì cản trở được sự phát triển của thanh niên chúng ta", Thủ tướng nhấn mạnh.

Đại biểu thanh niên Vũ Như Quỳnh, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam, Trường Đại học Thương mại đặt câu hỏi: Thực tế hiện nay, dù các trường đại học đã có nhiều hoạt động tăng cường để nâng cao kỹ năng thực hành xã hội cho sinh viên, nhưng để thực hiện chiến lược "đổi mới căn bản và toàn diện" đối với giáo dục, chúng cháu thấy các giải pháp để nâng cao khả năng sáng tạo, tư duy ứng dụng của sinh viên còn rất nhiều hạn chế. Vậy, thời gian tới, để sinh viên Việt Nam sánh ngang tầm về năng lực và trí tuệ với sinh viên trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển, giáo dục đại học trong thời gian tới sẽ được đổi mới ra sao?

Đại biểu thanh niên Vũ Như Quỳnh, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Trường Đại học Thương mại nêu câu hỏi về giáo dục đại học - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đại biểu thanh niên Vũ Như Quỳnh, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Trường Đại học Thương mại nêu câu hỏi về giáo dục đại học - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời: Bạn Vũ Như Quỳnh bày tỏ những băn khoăn là các trường đã đào tạo tăng cường các vấn đề kỹ năng, hướng đến năng lực thực hành đáp ứng yêu cầu xã hội, tuy nhiên còn rất nhiều việc phải làm. Về câu hỏi này của bạn, xin được trao đổi như sau.

Để cho thanh niên có thể đáp ứng tốt nhu cầu việc làm trong thời đại 4.0, vấn đề bạn nêu liên quan tới toàn bộ chất lượng giáo dục đại học chứ không chỉ một khâu nào cả. Hiện nay nền giáo dục của chúng ta đang đổi mới từ giáo dục phổ thông cho đến giáo dục đại học. Trong giáo dục phổ thông rất nhiều năng lực, kỹ năng mới đã được đưa vào dạy bắt buộc từ lớp 3, chẳng hạn các môn tin học, ngoại ngữ, và các kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, phát triển bản thân... Năng lực của người lao động phải được hình thành từ những năm đầu phổ thông chứ không thể đợi đến đại học. Khi vào đại học rồi, cần tăng cường thêm kiến thức nghề, năng lực chuyên môn khác.

Hiện nay các trường đại học đang rất tích cực tăng cường thêm lĩnh vực đào tạo chuyên ngành về công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và rất nhiều những ngành khác liên quan đến cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Còn đối với sinh viên nói chung trong các chương trình đào tạo mới theo quy định cũng đều tăng cường hướng đến sự kết nối các trường đại học với các doanh nghiệp, đặc biệt là ngoài các kỹ năng nền còn yêu cầu trang bị các kỹ năng mềm, năng lực về công nghệ thông tin, về ngoại ngữ và rất nhiều năng lực để kết nối làm việc nhóm cùng nhiều các kỹ năng khác nữa. Để cho người lao động có thể thích ứng được tốt nhất thì đó là giải pháp tổng thể mà các trường đại học tùy theo lĩnh vực đào tạo khác nhau đều đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ sinh viên tốt nhất theo yêu cầu trong thời gian sắp tới.

Trả lời thêm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Đảng, Nhà nước xác định giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu, có rất nhiều chính sách ưu tiên. Đất nước ta đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, có nhiều việc phải làm, trong khi nguồn lực có hạn, đây là đặc điểm mà chúng ta cần chia sẻ. Khi bắt đầu đổi mới, ước tính GDP cả nước khoảng 4 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 100 USD, nhưng đến năm 2022, quy mô GDP hơn 409 tỷ USD, GDP bình quân đầu người 4.110 USD. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đã tăng 12 bậc, từ vị trí 77 vào năm 2022 lên vị trí 65 trong năm 2023. Điều này cho thấy sự nỗ lực, cố gắng của Đảng, Nhà nước, toàn quân, toàn dân chúng ta.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Trong điều kiện khó khăn, chúng ta vẫn nâng cao tiềm lực, năng lực đào tạo của các cơ sở, nâng cao chất lượng các giáo trình, chương trình đào tạo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Trong điều kiện khó khăn, chúng ta vẫn nâng cao tiềm lực, năng lực đào tạo của các cơ sở, nâng cao chất lượng các giáo trình, chương trình đào tạo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Thủ tướng, nền giáo dục phải đặt trong hoàn cảnh như vậy của đất nước, bám sát tình hình thực tế để thấy, trong điều kiện khó khăn, chúng ta vẫn nâng cao tiềm lực, năng lực đào tạo của các cơ sở, nâng cao chất lượng các giáo trình, chương trình đào tạo, vừa đáp ứng yêu cầu mới của thế giới vừa phù hợp hoàn cảnh đất nước. Bên cạnh sự chăm lo của Đảng, Nhà nước về chủ trương, đường lối, sự lãnh đạo, chỉ đạo, nguồn lực, sự đùm bọc của nhân dân, nỗ lực của mỗi người là điều quan trọng nhất.

"Các cụ nói khéo ăn thì no, khéo co thì ấm, tức là với nguồn lực có hạn, chúng ta phải sử dụng làm sao phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước, phát huy tinh thần tự lực, tự cường từ khó khăn để vươn lên, làm thế nào để phát triển năng lực sáng tạo, tư duy ứng dụng của mỗi người. Điều chúng ta còn thiếu nhiều là kỹ năng sống và kỹ năng nghề, kiến thức có thể được đào tạo, truyền thụ qua nhiều kênh khác nhau nhưng phải làm sao để chúng ta có kỹ năng sống thích ứng với mọi điều kiện hoàn cảnh và khi làm việc thì có kỹ năng nghề cao, có khả năng cạnh tranh", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho biết, ông đã nhiều lần chia sẻ với lãnh đạo Trung ương Đoàn, cần tạo nhiều phong trào gắn với lợi ích của thanh niên, của quốc gia, các phong trào sẽ "sống" được khi hài hòa được giữa lợi ích cá nhân với lợi ích quốc gia. Thủ tướng ví dụ như phong trào học ngoại ngữ, phong trào học công nghệ thông tin để có một thế hệ lao động có thể đạt đẳng cấp quốc tế. Hoặc phong trào bảo vệ môi trường từ mỗi xã phường để cả nước xanh, sạch, đẹp.

Theo baochinhphu.vn