Muốn trở thành nước công nghiệp phát triển, giáo dục phải là quốc sách hàng đầu

12/12/2021 06:46
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” đã được nêu ra từ rất sớm nhưng đến nay các chiến lược, kế hoạch và chính sách chưa thể hiện được tinh thần đó.

Đương thời, Nhà Chính trị văn hóa Phạm Văn Đồng từng bày tỏ quan điểm thực hiện “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, ông cho rằng: “Nói hàng đầu có nghĩa là hàng thứ nhất và còn có nghĩa là đi trước một bước. Hiện nay, ở nước ta, nhân dân đòi hỏi một cách thiết tha, một cách khẩn trương, một cách thiết thực cả hai: giáo dục phải xếp hàng thứ nhất và đi trước một bước chứ nhất định không để nó ở hàng bét và lẹt đẹt theo sau”.

Quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu” cũng được đưa ra trong Nghị quyết số 04-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá VII) về Tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo, ngày 14/01/1993.

Nghị quyết số 04-NQ/TW xác định: “Cùng với khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đã được Đại hội VII xem là quốc sách hàng đầu. Đó là một động lực thúc đẩy và là một điều kiện cơ bản bảo đảm việc thực hiện những mục tiêu kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ đất nước. Phải coi đầu tư cho giáo dục là một trong những hướng chính của đầu tư phát triển, tạo điều kiện cho giáo dục đi trước và phục vụ đắc lực sự phát triển kinh tế - xã hội. Huy động toàn xã hội làm giáo dục, động viên các tầng lớp nhân dân góp sức xây dựng nền giáo dục quốc dân dưới sự quản lý của Nhà nước”.

Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo tiếp tục khẳng định: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội”.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng cho rằng, ngân sách đầu tư cho giáo dục ở nước ta còn rất khiêm tốn. (Ảnh: Thùy Linh)

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng cho rằng, ngân sách đầu tư cho giáo dục ở nước ta còn rất khiêm tốn. (Ảnh: Thùy Linh)

Trong cuộc trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nói, Nghị quyết số 29-NQ/TW là một nghị quyết tốt, đúng hướng, ra đời đã 8 năm rồi, nhưng rất tiếc là đến nay vẫn chưa có một đề án tổng thể về mặt chuyên môn để thực hiện, việc đổi mới còn chắp vá và thiếu đồng bộ, cá biệt có những việc làm chưa phù hợp với tinh thần nghị quyết, kết quả đổi mới đạt được không đáng kể, hết sức khiêm tốn, nền giáo dục cơ bản vẫn như cũ, thậm chí có những biểu hiện báo hiệu sự bất cập và xuống cấp chưa dừng lại. Lâu nay các chiến lược, kế hoạch và chính sách chưa thể hiện được đúng tinh thần “giáo dục là quốc sách hàng đầu”.

Ngân sách đầu tư cho giáo dục còn khiêm tốn

Theo Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, ngân sách đầu tư cho giáo dục nước ta còn rất nhỏ bé, chiếm tỷ lệ trong GDP rất thấp so với các nước. Theo báo cáo của các cơ quan trong nước và quốc tế, Việt Nam đầu tư cho giáo dục đại học mới bằng 0,33% GDP (có tính toán khác mới chỉ đạt 0,24% GDP?). Ở nhiều nước tỉ lệ này cao hơn gấp 2 đến 6 lần so với 0,33% của Việt Nam. ( Ví dụ, Thái Lan 0,64; Trung Quốc 0,87; Hàn quốc 1,0; Singapore 1,0; Malaysia 1,13; Poland 1,22; Pháp 1,25; Anh 1,29; Australia 1,54; New zealand 1,63; Finland 1,89).

Việt Nam bình quân đầu tư cho 1 sinh viên là 316 USD; trong khi các nước đầu tư cao hơn Việt Nam từ 2 đến 5 lần, cụ thể như Indonesia là 682 USD; Thái Lan là 1121 USD; Malaysia là 2505 USD; Singapore là 11639 USD; Australia là 12182 USD; Anh là 16603 USD).

Mức độ tiếp cận đại học (tỉ lệ nhập học) của số học sinh đã qua phổ thông trung học của Việt Nam mới có 28%, thấp nhất khu vực Đông Nam Á.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng nhận định, chừng nào các chiến lược, kế hoạch và chính sách giáo dục vẫn chưa thực sự là quốc sách hàng đầu thì Việt Nam sẽ không thể trở thành nước công nghiệp phát triển được.

Để có thể thật sự là “quốc sách hàng đầu”, trước tiên nền giáo dục cần nhận được sự quan tâm hàng đầu của các lãnh đạo chủ chốt quốc gia. Rất cần thiết có các quyết nghị chuyên đề về những “giải pháp và chính sách” để thực thi quốc sách này, đồng thời trong các chiến lược phát triển của quốc gia cần xác định giáo dục ở vị trí hàng đầu và có giải pháp tương thích.

Trước mắt cần tập trung xây dựng ngay một chiến lược phát triển giáo dục đại học đủ tầm và khả thi, để 20 -25 năm tới bảo đảm được nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ cho yêu cầu tối thiểu của một nước công nghiệp phát triển.

Trong đó cần giải quyết một số chủ trương về quy mô và chất lượng, loại hình trường, quản lý và quản trị đại học, chính sách đất đai, tài chính, cơ chế và thể chế, tổ chức bộ máy và cán bộ.

Riêng nguồn ngân sách đầu tư cho giáo dục nên phân biệt rõ để biết chính xác bao nhiêu (không cộng lẫn các khoản chi tiêu cho các lĩnh vực khác vào cho giáo dục), đồng thời phải cải cách phương thức đầu tư cho giáo dục để đạt hiệu quả cao nhất trong tổng số tiền hạn hẹp và mở cơ chế để thu hút mạnh đầu tư vào giáo dục.

Việc phát triển giáo dục đại học nhất thiết phải hướng đến chất lượng đào tạo (không hạ chuẩn để có số lượng), để từ đó mà cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Đồng thời, cần sớm tăng tỷ lệ số lao động đã tốt nghiệp đại học trong cơ cấu lao động theo độ tuổi. Nước ta tỷ lệ này hiện nay mới khoảng 12%, trong khi các nước phát triển có tỷ lệ này là 35% - 40%.

Để thực hiện mục tiêu một nước công nghiệp phát triển như tinh thần đại hội XIII thì trong vòng 20-25 năm tới phải nâng tỷ lệ lao động có trình độ đại học lên gấp đôi hiện nay (khoảng 25%), để sau đó tiếp tục nâng lên nữa. Đây sẽ là tiêu chí đầu tiên mà nếu không có nó thì không thể thành một nước công nghiệp phát triển. Như vậy, quy mô của giáo dục đại học sẽ phải tăng rất nhiều và cấp bách.

Một số vấn đề trọng tâm của ngành giáo dục cần giải quyết

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng nhấn mạnh: “Hướng đến tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết Trung ương một cách nghiêm túc, cần đặt ra câu hỏi “Vì sao việc thực hiện cuộc đổi mới giáo dục chưa thành công” và trả lời cho câu hỏi đó, chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật”.

Đặc biệt, có 3 vấn đề trọng tâm của ngành giáo dục cần phải được giải quyết.

Thứ nhất là việc xây dựng hệ thống giáo dục quốc dân và mạng lưới cơ sở giáo dục đại học.

Xây dựng hệ thống giáo dục quốc dân cần bám vào các tiêu chí: công bằng, chất lượng, hiệu quả và thống nhất. Theo đó, cần một hệ thống mở, thực học, liên thông và phân luồng hợp lý; xóa bỏ những thang bậc, những cắt khúc tạo ra không công bằng, chạy theo số lượng mà ít quan tâm chất lượng, kém hiệu quả và ảnh hưởng tính thống nhất của hệ thống.

Trong đó có sự phân công sứ mệnh và phối hợp công việc, có các trường trọng điểm, trường đẳng cấp quốc tế và trường địa phương, giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp, giáo dục học thuật và giáo dục chuyên nghiệp, hệ thống sư phạm, có cấp độ đào tạo theo quy định quốc tế của UNESCO để tiện cho việc hội nhập thị trường toàn cầu (Theo ISCED – 2011).

Về mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, các đại học quốc gia và đại học vùng cần được hoàn thiện theo hướng là một đại học thống nhất chứ không phải dưới dạng “liên hiệp trường” có cấp quản lý trung gian, bảo đảm phát huy được sức mạnh tổng hợp chung và thế mạnh riêng có của từng trường thành viên.

Cần tạo điều kiện để phát triển một số trường có đẳng cấp cao của thế giới (đẳng cấp quốc tế), trong tốp 100 và 200, kể cả trường công lập và ngoài công lập, vừa để nâng cao chất lượng đại học, vừa xây dựng thương hiệu quốc gia.

Hiện nay, các trường cao đẳng sư phạm đang hết sức khó khăn, cần phải xác định rõ sứ mệnh và nhiệm vụ của các trường này, mở cơ chế cho họ được đào tạo giáo viên tiểu học và trung học cơ sở. Bởi lẽ, họ đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, cần giúp họ thực hiện đa ngành trong đào tạo,phấn đấu có lộ trình và khi đủ điều kiện thì nâng lên thành trường đại học để đào tạo giáo viên theo chuẩn mới… Bởi các trường địa phương này còn cần thiết lâu dài và là mắt xích không thể thiếu trong mạng lưới giáo dục quốc gia để bảo đảm sự công bằng xã hội.

Bên cạnh đó, cần có thêm nhiều trường đại học nữa, đặc biệt là giáo dục ngoài công lập, và điều hòa phân bổ rộng ra trên địa bàn cả nước, không nên tập trung thêm nhiều ở hai thành phố lớn để đỡ phải giải quyết những vấn đề liên quan. Làm được điều này sẽ có tác động tốt cho sự phát triển của các địa phương trên cả nước.

Ngoài ra, cần thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục đại học, trước nhất là trả các trường cao đẳng trở về với bậc học đại học, không nên để phân tán, cắt khúc và chồng chéo như hiện nay. Như vậy mới có thể giải quyết tốt vấn đề liên thông, phân luồng và phân tầng trong hệ thống mở, tránh mâu thuẫn về thể chế quản lý giữa các Bộ.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện xã hội hóa giáo dục đại học, nhất là phát triển các trường ngoài công lập. Hiện nay, khu vực này mới chiếm tỷ lệ khiêm tốn, khoảng 18% số sinh viên, trong khi ở nhiều nước phát triển, tỷ lệ trường ngoài công lập đến trên 70%.

Việt Nam trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, muốn giáo dục phát triển nhất định phải đi tiếp theo hướng xã hội hóa, mở rộng khu vực ngoài công lập. Nên thoáng mở về thủ tục lập trường gắn với việc kiểm soát chặt chẽ về điều kiện hoạt động và chất lượng đào tạo. Đồng thời có các chính sách về mặt bằng và thuế đối với các trường ngoài công lập.

Bên cạnh đó, khuyến khích mạnh việc phát triển loại hình trường ngoài công lập không vì lợi nhuận. Loại hình trường này chỉ tập trung một mục tiêu về chất lượng đào tạo và phát triển trường, không vướng bận mục tiêu phân chia lợi tức, có cơ chế quản trị năng động, dễ tiếp ứng nhanh nhạy với thực tiễn, dễ tiếp cận các nguồn tài chính của quốc tế đầu tư cho giáo dục.

Đối với số trường công gặp khó khăn trong nhiều năm qua, nên chuyển sang trường ngoài công lập không vì lợi nhuận, vừa để phát huy tiềm năng sẵn có của trường công đã xây dựng trước đó, vừa sử dụng lợi thế của cơ chế tự chủ cao của trường ngoài công lập.

Thứ ba, cần thực hiện tự chủ đại học một cách thực chất và quản trị đại học theo tinh thần tự chủ.

Tự chủ đại học hiện nay đang còn nhiều lúng túng, luật pháp không đồng bộ, cản trở lẫn nhau, chỉ đạo và triển khai tiền hậu không thống nhất, nửa vời, đang có sự lẫn lộn và xung đột giữa cơ chế tự chủ với cơ chế chủ quản, trong khi cơ chế chủ quản vẫn mạnh hơn, nghĩa là chưa có được tự chủ theo đúng nghĩa. Nếu kéo dài tình trạng này, thì chủ trương của Đảng và Nhà nước về tự chủ đại học mặc dù rất đúng đắn nhưng có khả năng phá sản, giáo dục đại học Việt Nam sẽ không có lối ra để có thể nhanh chóng trưởng thành.

Giải quyết tình trạng này nằm ngoài khả năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mà cần phải có chỉ đạo của cấp cao, giao cho các cơ quan liên quan thực hiện theo chức năng của mình.

Cần có tổng kết nghiêm túc việc làm thí điểm tự chủ trong thời gian qua để rút kinh nghiệm, sửa sai những việc chưa đúng, hoàn thiện cơ chế chính sách và tiếp tục chỉ đạo thực hiện một cách kiên định và có kết quả.

Ngoài ra, cần mở rộng diện các trường được tự chủ và động viên biểu dương những cán bộ dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung như tinh thần Kết luận 14 của Bộ Chính trị. Trước mắt cần sớm ban hành một nghị định riêng về vấn đề tự chủ đại học, sau đó tiếp tục nghiên cứu để ban hành một luật riêng về tự chủ.

Phạm Minh