Vĩnh Phúc: Cái ôm hòa giải của hai cô trò sau sự việc giáo viên cắt tóc nữ sinh

23/03/2023 17:18
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Hai bên đều nhìn nhận ra những phần sai của mình, dẫn đến sự việc không mong muốn bị đẩy đi quá xa, gây ảnh hưởng về tâm lý, tinh thần cho không chỉ cô và trò.

Sáng 23/3, một tổ công tác của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc đã về làm việc tại Trường Trung học phổ thông Đội Cấn (huyện Vĩnh Tường) liên quan đến vụ việc giáo viên cắt tóc học sinh trên lớp.

Trong buổi làm việc, cô giáo và bố mẹ của học sinh L.N.L.P đã chia sẻ, trao đổi trên tinh thần cởi mở, lắng nghe và cầu thị.

Hai bên đều nhìn nhận ra những phần sai của mình, dẫn đến sự việc không mong muốn bị đẩy đi quá xa, gây nhiều ảnh hưởng, hệ luỵ về mặt tâm lý, tinh thần cho không chỉ cô và trò.

Theo ý kiến của đại diện phụ huynh, phía giáo viên và gia đình học sinh đã hòa giải, tìm được tiếng nói chung, sự việc cũng nên được nhanh chóng khép lại, những thông tin tiêu cực tránh bị chia sẻ tràn lan, sẽ càng gây ảnh hưởng tâm lý của học sinh.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: vinhphuc.edu.vn.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: vinhphuc.edu.vn.

Diễn biến sự việc

Trong sáng 23/3, Trường Trung học phổ thông Đội Cấn đã triệu tập cuộc gặp, lắng nghe, trao đổi trực tiếp giữa cô giáo chủ nhiệm, học sinh L.N.L.P cùng bố mẹ của em, và các thầy cô trong ban giám hiệu nhà trường. Buổi làm việc đồng thời có sự chứng kiến, tham gia của Trưởng ban đại diện Cha mẹ học sinh của trường, của lớp 10A10, tổ công tác của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, chiều 22/3, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc nhận được thông tin từ Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đội Cấn báo cáo sơ bộ về sự việc cô giáo L.T.H.L - chủ nhiệm lớp 10A10 đã có hành động cắt tóc một nữ sinh ngay trên lớp. Clip ghi lại sự việc đã được chia sẻ với tốc độ nhanh chóng trên các trang mạng, thu được những bình luận, soi xét trái chiều.

Tối 22/3, Sở Giáo dục và Đào tạo đã nhận được bản tường trình của cô giáo L.T.H.L và báo cáo của nhà trường. Cụ thể, sau Tết Nguyên đán, một số học sinh lớp 10A10 quay trở lại trường lớp với màu tóc được nhuộm light sáng như màu khói, màu vàng, không đúng với nội quy của trường.

Cô giáo chủ nhiệm đã nhiều lần nhắc nhở, quán triệt trực tiếp tại lớp, trên nhóm lớp và nhóm phụ huynh học sinh. Đa số các em học sinh đã chấp hành nhuộm lại màu tóc tự nhiên, duy chỉ còn nữ sinh L.N.L.P. Trước thông tin Đoàn trường có đợt kiểm tra nền nếp vào ngày 23/3, ngày 17/3, cô giáo đã gọi riêng em P ra hành lang để nhắc nhở và ra thời hạn, em P cũng đã hứa với cô giáo buổi chiều về sẽ nhuộm lại.

Ngày 20/3, cô tiếp tục nhắn trên nhóm lớp yêu cầu các học sinh chấp hành, để hôm sau cô sẽ tiếp tục kiểm tra, “em nào chưa nhuộm lại thì cô sẽ cắt bỏ nhé” - cô viết.

Về phần mình, P cho biết, chiều 21/3, em có ra hàng để yêu cầu nhuộm lại nhưng thợ tóc báo do tóc yếu nên chờ dài hơn sẽ cắt bỏ. Sáng 22/3, trước khi cô chủ nhiệm kiểm tra, em P đã nhờ một số bạn cắt bỏ phần light sáng màu ở dưới gáy nhưng không hết.

Khi kiểm tra, cô L đã rất bực, muốn xử lý làm gương nên nhờ một học sinh trong lớp đi mượn kéo cắt một lọn tóc phía trên của học trò. Cô cũng yêu cầu học sinh quay lại video gửi cho phụ huynh trong nhóm lớp biết việc cô phạt học sinh trên lớp.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, nhận thấy hành động của mình là nóng nảy và sai trái, 15 giờ chiều 22/3, cô đã đến gia đình em P, gặp ông bà nội và bố em để nói chuyện và xin lỗi gia đình.

Về phía em P, sau khi video cô giáo cắt tóc lan toả chóng mặt trên mạng xã hội tối qua, nhận được nhiều ý kiến đa chiều, em P đã khóc, buồn và chia sẻ với bố mẹ, không muốn đến lớp nữa.

Cái ôm hòa giải của hai cô trò

Tại buổi làm việc, cô giáo và bố mẹ của học sinh L.N.L.P đã chia sẻ, trao đổi trên tinh thần cởi mở, lắng nghe và cầu thị. Hai bên đều nhìn nhận ra những phần sai của mình, dẫn đến sự việc không mong muốn bị đẩy đi quá xa, gây nhiều ảnh hưởng, hệ luỵ về mặt tâm lý, tinh thần cho không chỉ cô và trò.

Các bên đều bày tỏ nguyện vọng, mong muốn sự việc được cảm thông; tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục, quản lý học sinh, làm tốt hơn công tác liên lạc giữa cô giáo và phụ huynh học sinh; áp dụng các biện pháp giáo dục tích cực, không để xảy ra những sự việc tương tự.

Hai cô trò cùng xin lỗi và hàn gắn trước sự chứng kiến của tập thể lớp và phụ huynh học sinh. Ảnh: vinhphuc.edu.vn.

Hai cô trò cùng xin lỗi và hàn gắn trước sự chứng kiến của tập thể lớp và phụ huynh học sinh. Ảnh: vinhphuc.edu.vn.

“Các em (học sinh lớp 10A10) cũng bằng tuổi con gái thứ hai của tôi. Mối quan hệ cô trò từ đầu năm đến nay luôn vui vẻ, không có mâu thuẫn, ghét bỏ gì. Chỉ vì mong muốn các em trưởng thành, có ý thức kỷ luật nên trong lúc nóng giận, tôi đã có hành động bột phát, tôi xin rút kinh nghiệm sâu sắc và rất mong được sự đồng cảm, xây dựng và xoa dịu vết thương để cô - trò tiếp tục hành trình học tập của mình” - cô L.T.H.L xúc động nói.

Chia sẻ tại cuộc gặp, chị Nguyễn Thị Tuyết - Trưởng Ban đại diện Cha mẹ học sinh của lớp 10A10 cho biết: “Qua quá trình nhận lớp từ đầu năm học đến nay, cô giáo chủ nhiệm là người rất quan tâm, có trách nhiệm và sát sao đôn đốc, dạy bảo học trò từ nền nếp đến học tập.

Tuy nhiên, việc hành xử đi quá giới hạn của mình, cô giáo phải rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, để giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở rất nhiều lần, em P cũng phải nhận ra bài học cho mình. Tôi mong cô giáo - học sinh và phụ huynh của em sớm vượt qua sự việc này để mọi thứ trở về được như cũ, thầy trò tập trung phấn đấu dạy và học để đạt kết quả cao nhất trong học kỳ 2”.

Chị Phùng Thị Nụ - Trưởng Ban đại diện Cha mẹ học sinh Trường Trung học phổ thông Đội Cấn nhìn nhận: “Có thể thấy, tình cảm của cô với trò rất tốt, nhưng cách xử lý nóng vội, thiếu bình tĩnh của cô giáo đã dẫn đến sự việc như trên.

Với học trò, quy định của nhà trường như vậy, các em phải chấp hành, nhất là cán bộ lớp, có gương mẫu thì mới nói được các bạn. Tôi rất hiểu tâm tư của cha mẹ em P. Cô giáo đã nhận ra cái sai của mình. Việc cần làm lúc này là để con ổn định tâm lý, giúp con hoà đồng, vượt qua mặc cảm, phấn đấu học tập, vì tương lai phía trước”.

Anh Lã Văn Mạnh và chị Nguyễn Thị Phương Dung - bố mẹ của em P cũng chia sẻ về sự việc đáng tiếc vừa qua.

“Các con đang ở lứa tuổi vị thành niên, còn ngang bướng, khó bảo, cần có sự phối hợp, liên lạc chặt chẽ giữa thầy cô, gia đình và nhà trường. Nếu cô giáo có ý kiến kịp thời và trực tiếp với phụ huynh, chúng tôi sẽ biết để đôn đốc, dạy bảo cháu thêm, khi ấy, sự việc khó xử và đáng tiếc này sẽ không xảy ra.

Mối quan tâm hàng đầu của gia đình hiện nay là làm sao sớm ổn định tâm lý cho cháu, lấy lại được tình cảm yêu mến của cô trò như trước. Cô trò đã nhận lỗi với nhau và rút kinh nghiệm, gia đình chúng tôi không có kiện cáo hay ý kiến gì khác” - anh Lã Văn Mạnh nói.

Sau buổi làm việc, cô L.T.H.L và em L.N.L.P đã lên lớp học, trước sự chứng kiến của các bạn, của phụ huynh học sinh và một số thầy cô, hai cô trò đã nhận lỗi, rút kinh nghiệm và trao nhau cái ôm khép lại sự việc.

Bài học về tình huống sư phạm cho giáo viên toàn ngành

Theo lịch làm việc, chiều 23/3, ông Phạm Khương Duy - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến với thủ trưởng các phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên để thông tin về sự việc và quán triệt chỉ đạo thực nghiêm Quy tắc ứng xử văn hoá học đường, Điều lệ trường trung học, tăng cường triển khai thực hiện giáo dục tích cực trong toàn ngành, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, bảo vệ an ninh, an toàn cho trẻ em, học sinh trên không gian số.

Bên cạnh đó, Sở cũng yêu cầu Trường Trung học phổ thông Đội Cấn cần tổ chức họp hội đồng sư phạm để thông tin đầy đủ sự việc, kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân có liên quan và báo cáo bằng văn bản về Sở để phối hợp, giải quyết.

“Sự việc xảy ra đáng tiếc, không mong muốn đối với cả giáo viên, học sinh, gia đình và xã hội, làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục nói chung.

Đây là bài học mà giáo viên toàn ngành cần soi chiếu, không để xảy ra sự việc đáng tiếc tương tự; thực hiện nghiêm các quy định của ngành, tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ, luôn chủ động sử dụng các biện pháp giáo dục tích cực, kiểm soát tốt cảm xúc cá nhân, phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh và các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường” - Phó Giám đốc Phạm Khương Duy nêu bật.

Ngân Chi