Trường công quá tải, có lớp mẫu giáo sĩ số đến 40 trẻ
Là trường mầm non công lập duy nhất trên địa bàn phường Thuận Giao, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương, Trường Mầm non Hoa Mai 4 luôn trong tình trạng quá tải sĩ số, một phần do cơ sở vật chất xuống cấp, phần nữa do thiếu giáo viên đứng lớp.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Phan Thị Tuyết Anh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai 4 cho biết: “Bản thân tôi đã về trường công tác được 20 năm, nhưng ngôi trường này còn có lịch sử xây dựng từ lâu hơn thế. Theo tôi được biết, trường đã được xây dựng trên 30 năm, với thời gian đó, cơ sở vật chất của trường hiện tại đã xuống cấp rất nhiều.
Cô Phan Thị Tuyết Anh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai 4 (thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương). Ảnh: Mộc Trà. |
Mặc dù, mỗi năm đều tiến hành tu bổ, sửa chữa cơ sở vật chất, trong năm 2019, đã mở rộng thêm 4 lớp học, nhưng hiện tại, trường chỉ có thể sử dụng 9 lớp học. Có những phòng học đã xuống cấp, không thể dùng làm lớp học cho trẻ, nên chúng tôi tận dụng làm kho chứa đồ.
Về đội ngũ, năm học 2022-2023, Trường Mầm non Hoa Mai 4 có 16 giáo viên, thậm chí, đến cuối năm học, có 2 cô nghỉ thai sản nên con số thực tế lại thấp hơn. Trên địa bàn cũng như trên toàn tỉnh Bình Dương, tỉ lệ dân nhập cư rất cao nên nhu cầu thực tế gửi trẻ của phụ huynh cũng rất lớn. Số lượng trẻ dao động từ 300-315, sĩ số bình quân của nhóm trẻ là 20 trẻ, của lớp mẫu giáo là trên 35 trẻ đến 40 trẻ. Với điều kiện như vậy, nhà trường cũng không đáp ứng 2 giáo viên/lớp, đặc biệt, có những khi giáo viên đau ốm hay nghỉ thai sản, đều trở nên rất khó khăn”.
“Mặc dù chính quyền địa phương cũng rất nhiệt tình sâu sát, hằng năm lên kế hoạch tuyển thêm nhân sự, nhưng gặp phải cạnh tranh rất lớn. Trên địa bàn, các nhóm trẻ và trường ngoài công lập hiện cũng mở rất nhiều, với chế độ đãi ngộ tốt hơn trường công lập nên dễ tuyển dụng được nhiều giáo viên hơn, dẫn đến trường công “khan hiếm” nguồn tuyển.
Năm học 2022-2023, trường có 9 lớp học, nhưng chỉ có 16 giáo viên. Ảnh: Mộc Trà. |
Mặt khác, khi có thông tin về nâng tuổi nghỉ hưu, giáo viên cũng cảm thấy nản lòng hơn, khó theo nghề. Giáo viên mầm non mà 55 tuổi đã rất khó khăn trong việc dạy trẻ cũng như tổ chức các hoạt động múa hát, thể dục, nhiều cô cũng không trụ nổi đến tuổi nghỉ hưu, thường xin nghỉ sớm... Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhà trường gặp khó trong việc đảm bảo đủ đội ngũ giáo viên đứng lớp” - nữ Hiệu trưởng bày tỏ.
Trao đổi với phóng viên, cô Nguyễn Thị Ngọc Yến - chuyên viên phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thuận An (tỉnh Bình Dương) cho biết: “Thiếu giáo viên hiện vẫn đang là một thách thức lớn đối với ngành giáo dục tỉnh Bình Dương, cũng như đối với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thuận An nói riêng.
Có những thời điểm, nhu cầu của toàn thành phố là tuyển 76 giáo viên, nhưng chỉ có 8 người nộp hồ sơ, sau đó là chỉ 7 người đi thi. Đến khi nhận nhiệm sở thì còn được 4 người, nhưng một thời gian không lâu sau, chỉ độ 2-3 tháng, thì trong 4 người đó lại có người xin nghỉ.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Yến - Chuyên viên phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thuận An (tỉnh Bình Dương). Ảnh: Mộc Trà. |
Vì vậy, hầu như các trường đều đang rất thiếu giáo viên. Trong năm học 2022-2023 vừa qua, trên địa bàn thành phố có 15 trường công lập mà trường nào cũng thiếu giáo viên, trường nào cũng còn trống phòng học do phải gom lớp.
Vì vậy, có những trường mới xây, có 20 phòng học nhưng vì không có giáo viên nên chỉ có 7 lớp hoạt động, với 11 giáo viên, đó là Trường Mầm non Hoa Mai 2. Tương tự, cũng có những trường có 20 phòng học mà chỉ có 9 lớp hoạt động, như Trường Mầm non Bình Hòa và Trường Mầm non Hoa Cúc 9. Trường Mầm non Hoa Mai 3 cũng có 8 lớp học mà chỉ có 11 giáo viên...
Định mức giáo viên trên lớp đối với mầm non chưa được 1.7, tính cả giáo viên nghỉ chế độ thai sản. Vì vậy, mới có những trường mầm non mà sĩ số lớp lên đến hơn 40 trẻ, lớp nào ít nhất là 36 trẻ/lớp”.
Nhiều giáo viên, cán bộ quản lý trình độ đại học xin nghỉ việc
Lý giải một phần nguyên nhân, cô Nguyễn Thị Ngọc Yến cho biết: “Có tình trạng này là bởi giáo viên đã thiếu càng thêm thiếu, do hằng năm vừa có giáo viên nghỉ hưu vừa có giáo viên nghỉ việc.
Thời gian qua, trên địa bàn thành phố, tình trạng giáo viên các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở có trình độ đại học xin nghỉ việc không phải là hiếm. Thậm chí, có cả cán bộ quản lý và giáo viên trình độ thạc sĩ cũng xin nghỉ để làm việc khác... Có những giáo viên xin nghỉ để đi làm công nhân, vì lương công ty vừa vào đã khoảng 10 triệu đồng, trong khi có những giáo viên mới ra trường thì mức lương chỉ bằng một nửa.
Có những giáo viên mầm non gắn bó gần 20 năm mà lương chỉ hơn 7 triệu đồng thì sao đủ sống, nhất là khi phải nuôi 2-3 đứa con? Thành ra, có những giáo viên một là xin nghỉ trong trường công lập để chuyển ra các cơ sở giáo dục ngoài công lập, hai là đi làm công việc khác”.
Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai 4 mong nhà trường sớm được sửa sang, cải tạo hoặc xây mới một số dãy nhà để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh trên địa bàn. Ảnh: Mộc Trà. |
Theo số liệu thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thuận An cung cấp, từ tháng 1/2022 đến tháng 12/2022, trên địa bàn thành phố có 85 giáo viên, cán bộ quản lý xin nghỉ việc. Trong đó, có 68 người có trình độ đại học. Riêng với bậc mầm non, có 26 giáo viên mầm non xin nghỉ việc, trong đó có 18 giáo viên trình độ đại học.
Gặp khó khi có chuyện “2 người, 4 chức danh”
Bên cạnh những khó khăn trên, cô Phan Thị Tuyết Anh cũng chia sẻ thêm: “Trường Mầm non Hoa Mai 4 hiện đang có chuyện “2 người, 4 chức danh”: văn thư kiêm thủ quỹ, kế toán kiêm nhân viên y tế, trong khi không phải một người có thể giỏi hết các chuyên môn khác nhau, nhưng vì thiếu người nên vẫn phải làm, mà chế độ lại rất thấp. Thậm chí, thu nhập có khi thấp hơn bảo vệ, cấp dưỡng.
Chính vì vậy, nhân viên đã thiếu lại càng thêm thiếu, nhiều lúc, Phó Hiệu trưởng còn phải kiêm thêm các nhiệm vụ này”.
Đây không phải vấn đề của riêng Trường Mầm non Hoa Mai 4, trên địa bàn thành phố Thuận An, còn nhiều trường mầm non công lập đang trong tình trạng này.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Yến cũng đề cập đến chế độ cho nhân viên y tế ở trường mầm non trên địa bàn: “Hiện nay, trong các trường học hiện nay không có biên chế y tế. Vì thế, cần xem xét về vấn đề biên chế nhân viên y tế trong trường học. Đồng thời, cũng quan tâm hơn đến nhân viên kế toán, văn thư, thủ quỹ... Trên địa bàn thành phố có 15 trường công lập, 7 trường không có biên chế, phải hợp đồng, trong khi đó có những trường không có kế toán, phó hiệu trưởng phải kiêm nhiệm”.
Hiện tại, Trường Mầm non Hoa Mai 4 đang có một số dãy nhà xuống cấp, trong đó, một số phòng học cũ đã xuống cấp và quá nóng, không thể cho trẻ học. Vì vậy, nữ Hiệu trưởng cho biết: “Nhà trường rất mong muốn những dãy nhà này có thể được xây mới, nhưng nguồn kinh phí tu sửa được phân bổ rất thấp. Bên cạnh đó, bản thân các phụ huynh ở đây cũng chủ yếu là công nhân và lao động nghèo, cuộc sống vẫn còn rất khó khăn nên không thể vận động đóng góp, hỗ trợ.
Có những dãy nhà xuống cấp, những phòng học quá cũ và nóng, học sinh không học được, nhà trường tận dụng làm kho chứa đồ. Ảnh: Mộc Trà. |
Thậm chí, chẳng hạn như năm học 2022-2023 vừa qua, vì ban đầu có văn bản miễn thu học phí học kỳ I, nhưng sau khi nghỉ Tết xong, lại phải thu, nên phụ huynh phải đóng dồn cùng lúc học phí của cả học kỳ I và học kỳ II, như vậy mà đã “làm khó” nhiều phụ huynh rồi, có những phụ huynh còn không đóng được, phải cho con nghỉ học... Như vậy, chuyện xã hội hóa ở đây cũng trở thành một “bài toán khó”!
Chính vì vậy, nhà trường rất mong nhận được sự quan tâm hơn nữa để sớm được xây mới hoặc cải tạo cơ sở vật chất, đảm bảo môi trường giáo dục tốt cho học sinh. Trên địa bàn phường Thuận Giao chỉ có duy nhất Trường Mầm non Hoa Mai 4 là trường công lập mà cơ sở vật chất chưa đáp ứng được thì rất thiệt thòi cho trẻ”.
Ngoài ra, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai 4 cũng nhấn mạnh: “Tuy trường nằm trong thành phố, nhưng mức sống lại không cao như thành phố Thủ Dầu Một, chúng tôi mong có sự quan tâm hơn nữa đến chế độ cho đội ngũ giáo viên, nhân viên nhà trường. Bởi, nếu cứ có nhiều chế độ hấp dẫn, ưu tiên hệ thống giáo dục ngoài công lập, vô tình sẽ đẩy nhân lực công lập ra ngoài công lập ngày càng nhiều.
Đồng thời, cũng quan tâm hơn đến độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên, nếu giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm hơn 5 năm như đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có thể cũng tạo thêm động lực cho các cô giáo có thể gắn bó hơn với nghề”.
Về đầu tư sửa chữa cơ sở vật chất, chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thuận An lý giải: “Do trên địa bàn thành phố có nhiều trường học có nhu cầu cần sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất, mà kinh phí cấp thì hạn chế, nên có khi phải 2-3 năm mới quay vòng lại được. Trong khi đó, các nhà trường lại không được kêu gọi xã hội hóa, mà muốn kêu gọi cũng khó vì các trường nằm trên địa bàn nhiều công ty, xí nghiệp nhưng trẻ thường là con công nhân nghèo, sau mùa dịch lại đang gặp khó khăn, có người còn thất nghiệp... không thể hỗ trợ”.