Giáo viên phấn khởi khi có thêm khoản hỗ trợ, động viên
Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ đã thống nhất đề xuất tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non (10%) và tiểu học (5%). Phương án này đang chờ Bộ Tài chính cho ý kiến.
Trước thông tin này, nhiều giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đều phấn khởi đón nhận và bày tỏ sự vui mừng.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông (Hà Nội) cho rằng: “Đối với giáo viên mầm non và tiểu học, công việc thường rất vất vả, thời gian lên lớp ngày hai buổi, nhất là với các cô giáo mầm non không bao giờ chỉ đứng lớp 8 tiếng, có khi phải lên lớp từ 7 giờ sáng đến 5-6 giờ chiều mới trả trẻ, dọn dẹp xong...
Còn với bậc tiểu học, nhất là tại các thành phố lớn, thường đứng trước thách thức về sĩ số lớp. Hiện tại, với bậc mầm non và tiểu học, Hà Đông đang thiếu khoảng 300 giáo viên ở mỗi cấp học. Đối với tiểu học, hầu hết một cô đang phải đứng một lớp với 50 học sinh, thậm chí có những nơi trên 50 học sinh/lớp. Tối về, các cô còn phải dành thời gian chuẩn bị bài giảng có khi đến rất muộn.
Bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông (Hà Nội). Ảnh: Ngân Chi. |
Trong khi đó, tổng thu nhập của giáo viên mầm non hiện nay chỉ bình quân khoảng 4-6 triệu đồng, đa số khoảng 60-70% là như vậy, nên gần như “lương không đủ sống”. Nếu tăng phụ cấp ưu đãi thì giáo viên sẽ có thêm một khoản hỗ trợ, như vậy sẽ rất tốt, góp phần động viên các cô yên tâm công tác”.
Không giấu được niềm vui trước thông tin trên, cô giáo Nguyễn Thị Nga - giáo viên tại Trường Mầm non Lạc Hồng (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) bày tỏ: “Giữa lúc giá cả thị trường đang “leo thang” từng ngày, giá nhiều mặt hàng tăng, các chi phí sinh hoạt khác cũng tăng,... đề xuất tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên quả thực đã giúp chúng tôi cảm thấy được san sẻ rất nhiều. Trước những cơn “bão giá”, nếu giáo viên sớm được tăng phụ cấp, nâng tổng thu nhập hằng tháng lên, chắc hẳn, những áp lực cuộc sống cũng được “xoa dịu” phần nào, chúng tôi cũng yên tâm công tác hơn.
Tôi cũng từng thấy một số bạn đồng nghiệp, trước đây, vì đồng lương eo hẹp mà phải chật vật bươn trải thêm nghề này nghề kia để nuôi được “ngọn lửa” đam mê với nghề “ươm mầm”. Nếu sớm được tăng thu nhập, cuộc sống cũng sẽ sớm được cải thiện, các cô cũng có thể yên tâm gắn bó với nghề...”.
Giáo viên mầm non đang mong mỏi được tăng phụ cấp ưu đãi như đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ. Ảnh minh họa: Ngân Chi. |
Có thêm động lực thu hút nguồn tuyển giáo viên
Cùng chia sẻ liên quan đến đề xuất trên, bà Phạm Hoa Hòa - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) cho hay: “Thông tin về đề xuất tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non và tiểu học đang khiến các thầy cô cảm thấy rất phấn khởi. Mặc dù có thể phần tăng không nhiều lắm, nhưng cũng phần nào góp phần san sẻ với những vất vả của các thầy cô.
Tại Thủ Dầu Một, cũng như tại các địa bàn khác của tỉnh Bình Dương, nhiều cơ sở giáo dục đang trong tình trạng quá tải sĩ số, học sinh đông, trong khi đội ngũ và cơ sở vật chất không đáp ứng, nhất là theo chuẩn chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với bậc tiểu học... Chính vì vậy, các thầy cô đều rất vất vả. Có nhiều người nghĩ rằng, chỉ có giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn mới gặp nhiều vất vả, tuy nhiên, giáo viên ở thành thị cũng có những áp lực riêng.
Bà Phạm Hoa Hòa - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương). Ảnh: Ngân Chi. |
Trước đây, với thu nhập chính của mình, giáo viên không sống được với nghề, có những thầy cô sẽ phải xoay xở thêm các công việc “tay trái” để vun vén gia đình. Nếu thu nhập tăng thêm, dù ít dù nhiều, cuộc sống của các thầy cô cũng phần nào được cải thiện hơn...”.
“Mặt khác, nếu tăng phụ cấp ưu đãi tức là tổng thu nhập của các thầy cô cũng được tăng lên. Đây có thể sẽ là một điểm thu hút tuyển dụng được người trẻ vào sư phạm nhiều hơn.
Bởi vì như ở Bình Dương hiện nay, giáo viên mầm non và tiểu học đang thiếu rất nhiều, nhất là bậc mầm non. Hệ thống giáo dục công lập đang gặp phải cạnh tranh rất lớn từ các trường, các cơ sở ngoài công lập, hầu hết các cô giáo ra trường đều muốn vào các cơ sở giáo dục ngoài công lập, do thu nhập hấp dẫn hơn. Cũng có cô giáo tâm sự thẳng thắn rằng “thu nhập ở trường công lập thấp quá”... Đó là một lý do khiến hệ thống giáo dục công lập gặp khó khăn trong nguồn tuyển.
Vậy nên, tôi hy vọng, sau khi giáo viên mầm non và tiểu học được tăng phụ cấp, các thầy cô cũng phần nào an tâm hơn với sự san sẻ đó, có thêm động lực để gắn bó với ngành hơn, thu hút được nhiều đội ngũ trẻ hơn” - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Dầu Một chia sẻ.