Đưa môn Văn xét tuyển ngành y: Cần căn cứ về khoa học trước khi đưa ra đột phá

23/05/2023 15:00
Huệ Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo ĐB Nguyễn Thị Việt Nga, đưa môn Văn vào xét tuyển ngành y cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, phải có câu trả lời bằng khoa học trước khi đưa ra điểm đột phá.

Lâu nay, ngành y thường chỉ tuyển sinh một tổ hợp truyền thống đó là B00 (Toán, Hóa, Sinh), ngành dược tuyển Toán, Hóa, Sinh hoặc Toán, Lý, Hóa.

Tuy nhiên, trong mùa tuyển sinh năm nay, một số trường đại học đã mở rộng khối xét tuyển ngành y không có môn Sinh học hoặc không có môn Hóa học mà thay bằng môn Văn học.

Theo thông tin từ đề án tuyển sinh năm 2023, có 4 trường sử dụng tổ hợp có môn Văn để xét tuyển bao gồm: Trường Đại học Văn Lang (thành phố Hồ Chí Minh), Trường Đại học Võ Trường Toản (Hậu Giang), Trường Đại học Tân Tạo (Long An) và Trường Đại học Duy Tân.

Thông tin này đang nhận được sự quan tâm của dư lận và tạo ra những luồng ý kiến trái chiều.

Liên quan đến nội dung này, trao đổi với phóng viên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương chia sẻ: “Hiện, có một vài trường đại học phía Nam có thay đổi tổ hợp xét tuyển, thay vì tổ hợp xét tuyển ngành y là Toán, Hóa, Sinh như truyền thống thì thêm môn Văn vào và bớt một môn khối tự nhiên đi.

Nếu xét về góc độ khoa học, tôi cho rằng, chúng ta phải có sự nghiên cứu thật kỹ.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: Hải Đăng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: Hải Đăng.

Bởi, trên thực tế hiện nay đang có tình trạng các trường, đặc biệt là các trường ngoài công lập muốn thu hút tuyển sinh bằng mọi giá. Và vì thu hút tuyển sinh bằng mọi giá nên có những trường đưa ra rất nhiều tổ hợp khác nhau để tuyển sinh.

Nhìn ở góc độ người học, cũng có hiệu ứng tích cực, đó là tạo thêm điều kiện cho thí sinh có sự lựa chọn. Việc các trường đưa môn Văn vào tuyển sinh trong tổ hợp của ngành y cũng có một mặt tích cực. Bởi, trước nay chúng ta cũng đã nói nhiều về vấn đề y đức, tuy không phải phổ biến nhưng dư luận xã hội rất quan tâm.

Theo tôi, trong ngành y, các em sinh viên có điểm cao về môn Sinh học, thì thường có xu hướng cũng học khá các môn tự nhiên. Thêm môn Văn thì thêm một yêu cầu cao hơn đối với thí sinh ngành y. Không những môn Sinh giỏi và các bộ môn tự nhiên đạt được yêu cầu nhất định mà các khối ngành xã hội, đặc biệt là môn Văn cũng đạt được yêu cầu nhất định”.

“Tuy nhiên, với sự “nở rộ” của quá nhiều tổ hợp thì nếu không cẩn thận lại trở thành tình trạng “vẽ” ra quá nhiều tổ hợp để tuyển sinh bằng mọi giá, thu hút thật nhiều sinh viên. Và tôi vẫn rất lo ngại khi “nở rộ” tổ hợp xét tuyển như vậy, sẽ có thể dẫn đến tình trạng “vơ bèo vạt tép”, hạ thấp chất lượng tuyển sinh” - nữ đại biểu bày tỏ.

Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cũng cho rằng: “Trước khi quyết định, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, phải có câu trả lời bằng khoa học trước khi đưa ra điểm đột phá. Tổ hợp truyền thống của ngành y (Toán, Hóa, Sinh) đã tồn tại rất nhiều năm. Trên thực tế, giáo dục của nhiều nước cũng có phương thức tuyển sinh tương tự. Chắc chắn, đây là cơ sở khoa học rất vững chắc.

Mặc dù, trở thành một thầy thuốc, ngoài việc trị bệnh cứu người thì công việc của ngành cũng rất đa dạng… tuy nhiên, không phải vì thế mà lấy thêm các môn khác để đưa vào tổ hợp xét tuyển. Nếu làm như vậy, sẽ có rất nhiều môn khác cũng có thể được tính đến, như thế thì tổ hợp xét tuyển ngành y sẽ vô cùng cồng kềnh”.

Môn Văn được đưa vào xét tuyển đối với một số ngành thuộc khối sức khỏe tại Trường Đại học Duy Tân. Ảnh chụp màn hình.

Môn Văn được đưa vào xét tuyển đối với một số ngành thuộc khối sức khỏe tại Trường Đại học Duy Tân. Ảnh chụp màn hình.

“Khi quyết định đưa một môn nào đó vào xét tuyển không giống với thông lệ từ trước đến nay. Đặc biệt, lại quá khác như môn Văn, so với môn Toán, môn Hóa… Khi xây dựng đề án tuyển sinh, các cơ sở giáo dục đại học phải có sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, có sự nghiên cứu về mặt khoa học, phải có ý kiến đánh giá của các nhà khoa học, các chuyên gia giáo dục, có sự khảo sát, lấy ý kiến rộng rãi. Không phải năm nay thích thì đưa vào, sang năm không thích thì bỏ ra.

Bởi, bất cứ một sai lầm nào cũng đều phải trả giá rất đắt, nhưng sai lầm trong giáo dục. Đặc biệt, với ngành y thì hậu quả khôn lường, không thể sửa chữa trong ngày một ngày hai.

Cho nên, thay vì có thể đưa thêm môn vào tổ hợp xét tuyển, bớt môn truyền thống đi thì nên xem xét, rà soát lại chương trình giáo dục đại học của ngành y. Có thể bổ sung thêm một số kỹ năng mềm cho sinh viên ngành y, ngoài chương trình các em đã được đào tạo từ trước đến nay” - nữ đại biểu nhấn mạnh.

Huệ Phương