Nhân dịp Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 và Tháng hành động vì trẻ em năm 2023, chiều ngày 30/05, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, tặng quà thầy cô giáo và các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt tại Trường Phổ thông dân lập Hermann Gmeiner và Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập thuộc Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập thuộc Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương. |
Chia sẻ với Thủ tướng và các đại biểu, Tiến sĩ Lê Thị Thúy Hằng - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập cho biết, năm 2003, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương được Bộ Giáo dục và Đào tạo trao nhiệm vụ đào tạo giáo viên ngành giáo dục đặc biệt và thí điểm đề án can thiệp sớm, giáo dục phổ thông cho học sinh khuyết tật bằng phương pháp ngôn ngữ kí hiệu. Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thành lập và có nhiệm vụ thực hiện nhiệm vụ thí điểm được giao.
Hiện nay, Trung tâm là cơ sở duy nhất có hệ thống các lớp can thiệp sớm, giáo dục phổ thông và đào tạo trình độ cao đẳng cho người khuyết tật bằng ngôn ngữ kí hiệu, góp phần đáp ứng cơ hội được tiếp tục học tập của một bộ phận học sinh khuyết tật khi các địa phương chưa có đủ đội ngũ giáo viên sử dụng ngôn ngữ kí hiệu trong dạy học.
Tiến sĩ Lê Thị Thúy Hằng - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập chia sẻ tại buổi gặp mặt. |
Nhà trường có 30 giảng viên có chuyên ngành đào tạo giáo dục đặc biệt, và tham gia đào tạo sinh viên khuyết tật trình độ cao đẳng ngành thiết kế đồ họa; 35 giáo viên can thiệp sớm và giáo dục phổ thông cho học sinh khuyết tật, các giảng viên, giáo viên có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, trong đó có 01 tiến sĩ.
Hằng năm, Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ giáo dục hòa nhập hơn 200 học sinh khuyết tật học tập ở các cấp mầm non và giáo dục phổ thông. Đến nay Trung tâm đã đào tạo tốt nghiệp 1 khóa gồm 8 sinh viên khuyết tật.
Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ giáo dục, dạy học học sinh khuyết tật, Trung tâm tham gia nghiên cứu khoa học, trong đó có 1 đề tài cấp nhà nước, 5 đề tài cấp Bộ, xuất bản 3 giáo trình, 2 sách chuyên khảo và 15 sách tham khảo phục vụ đào tạo giáo viên giáo dục đặc biệt; tham gia viết các tài liệu về giáo dục hòa nhập, phương pháp giáo dục học sinh khiếm thính cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, cung cấp nguồn ngôn ngữ kí hiệu môn học.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Lê Thị Thúy Hằng, với một mô hình giáo dục mới, trung tâm vẫn gặp một số khó khăn.
Cụ thể, hệ thống ngôn ngữ ký hiệu hiện nay chỉ đủ để giao tiếp tối thiểu, thông thường cho đối tượng học sinh cấp tiểu học, chưa có đủ ngôn ngữ ký hiệu để dạy cho các môn học ở các cấp học cao hơn.
Chương trình, sách giáo khoa, tài liệu, đồ dùng đặc thù, chuyên biệt phục vụ công tác dạy học cho học sinh khuyết tật còn chưa đầy đủ.
Từ năm 2020 đến nay, do có một số thay đổi về quy định cấp ngân sách nên Bộ Giáo dục và Đào tạo khó khăn trong việc bố trí nguồn ngân sách cho các hoạt động dạy và học cho học sinh khuyết tật của Trung tâm.
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập kiến nghị Chính phủ xem xét đầu tư, phát triển Trung tâm trở thành đơn vị đóng vai trò dẫn dắt, thực hiện thí điểm chương trình, phương pháp giáo dục tiên tiến; tham mưu cho Bộ trong việc chỉ đạo các hoạt động giáo dục học sinh khuyết tật tại các trung tâm trên cả nước.
Để đảm bảo nguồn kinh phí cho Trung tâm duy trì hoạt động lâu dài, đáp ứng nhu cầu giáo dục có chất lượng của người khuyết tật, Tiến sĩ Hằng mong muốn các cấp lãnh đạo có giải pháp tháo gỡ cũng như có các chính sách chung với các cơ sở giáo dục học sinh khuyết tật.
Chia sẻ với Thủ tướng và các đại biểu bằng ngôn ngữ ký hiệu, em Nguyễn Thị Nhật Lệ, học sinh của Trung tâm bày tỏ lòng cảm ơn đối với Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương đã cho các em có cơ hội được học tập hết các cấp học phổ thông và tiếp tục học lên trình độ cao đẳng.
Năm 2016, em đã hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học tại cơ sở giáo dục địa phương. Do bị điếc bẩm sinh, em gặp rất nhiều khó khăn và rào cản trong học tập, khi các thầy cô dạy bằng phương pháp nói nên hầu như em không nghe được, dẫn đến không hiểu bài và loay hoay, vật lộn với việc học tập.
Em Nguyễn Thị Nhật Lệ chia sẻ những tâm tư, tình cảm của mình trong buổi gặp mặt với Thủ tướng. |
Đến khi em được theo học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, các thầy cô có chuyên môn giỏi, sử dụng ngôn ngữ kí hiệu tốt đã giúp cho em học tập tiến bộ hơn. Đây là ngôi trường duy nhất ở Việt Nam mà học sinh được học chương trình giáo dục phổ thông bằng ngôn ngữ kí hiệu.
"Chúng con được Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm hỗ trợ, các thầy cô giáo của nhà trường yêu thương dang rộng vòng tay, mặc dù con biết nhà trường còn hết sức khó khăn. Ở đây, những thế hệ học sinh, sinh viên người điếc đã được rèn luyện và trưởng thành, đi làm, có thu nhập ổn định, đi dạy học, làm văn phòng, làm và giao dịch với người nước ngoài.
Con hạnh phúc và tự hào vì là một trong số rất ít người điếc Việt Nam hiện nay đã may mắn được học tập tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập đến hết lớp 12 bằng ngôn ngữ kí hiệu. Và cũng hết sức tự hào, hồi hộp chờ mong được tiếp tục học tập lên trình độ cao đẳng ngành thiết kế đồ họa tại Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương", em Nhật Lệ chia sẻ.
Theo Nhật Lệ, "ngôn ngữ kí hiệu rất đẹp", nhưng các trường học, giáo viên sử dụng ngôn ngữ kí hiệu để dạy còn chưa nhiều. Em bày tỏ mong muốn các cơ quan liên quan tiếp tục hỗ trợ Trung tâm và lan tỏa mô hình này rộng rãi hơn, trao cơ hội học tập đến nhiều hơn nữa các em học sinh điếc, để các em tự lo được cho bản thân, có ích cho gia đình và xã hội.
Thủ tướng gửi gắm mong muốn các em học sinh luôn lạc quan, tự tin, nuôi dưỡng đam mê, ước mơ. |
Chia sẻ với những tâm tư, nguyện vọng của thầy trò Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ ngành tổng kết mô hình, nghiên cứu, phát triển Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập thuộc Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương lớn mạnh, có vai trò dắt hệ thống các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập khác của các địa phương.
Thủ tướng mong muốn các thầy cô giáo của hệ thống các trường chuyên biệt nói chung và của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập nói riêng không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục chia sẻ, đồng cảm, thương yêu, dạy dỗ, chỉ bảo các cháu học sinh và tự lo được chính mình, trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội, cho gia đình.
Thủ tướng cũng mong muốn các em học sinh không mặc cảm mà phải luôn lạc quan, tự tin, nuôi dưỡng đam mê, ước mơ, hoài bão; quyết tâm vươn lên, vượt qua mọi nghịch cảnh, phấn đấu nhiều hơn nữa trong học tập, rèn luyện về trí tuệ, tinh thần, thể chất; đồng thời, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các bạn có hoàn cảnh tương tự.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. |
Các em học sinh cố gắng học giỏi, chăm ngoan, làm những điều tốt lành, yêu gia đình, yêu thầy cô, yêu bè bạn, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, thực hiện tốt 5 Điều Bác Hồ dạy.
Thủ tướng tin tưởng rằng, trong các cháu, có nhiều người sau này sẽ trở thành những bác sĩ, kỹ sư, doanh nhân, nghệ sĩ, vận động viên giỏi… hay những người thầy cô khuyết tật hết lòng vì học sinh thân yêu… Gia đình, thầy cô, bạn bè và xã hội luôn đồng hành, chia sẻ, mong đợi và tin tưởng ở các cháu.
Về các đề xuất, kiến nghị, Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận, tổng hợp, xử lý theo thẩm quyền và đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.