Dạy học sinh bình thường đã khó, dạy cho trẻ khuyết tật không kiểm soát được hành vi lại càng khó khăn gấp bội. Đồng cảm với nỗi vất vả của giáo viên, lãnh đạo một số trường chuyên biệt dạy trẻ khuyết tật luôn tập trung chăm lo đời sống giáo viên, nhất là khi Tết nguyên đán 2023 cận kề.
Mong có thêm hỗ trợ cho giáo viên dịp Tết
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Ngô Võ Thùy Linh, Phó Hiệu trưởng Trường Giáo dục chuyên biệt Khai Trí, cơ sở tại quận Bình Thạnh (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, thường thì các năm trước, ngành giáo dục quận Bình Thạnh có khoản hỗ trợ quà Tết cho giáo viên. Tuy nhiên, Tết năm 2022, do không có kinh phí nên giáo viên của trường không được nhận hỗ trợ. Trước thềm Tết năm 2023, các thầy cô rất mong ngành giáo dục tiếp tục quan tâm đến đời sống giáo viên trường tư thục dạy trẻ khuyết tật nhiều hơn.
“Về phía nhà trường, năm nào cũng cố gắng hỗ trợ 1 tháng lương thứ 13 cho giáo viên mua sắm đồ Tết, cùng với một số khoản thưởng khác như thưởng giáo viên dạy tốt… Dịp Tết năm 2023, trường cũng đang chờ thêm quyết định từ Phòng Giáo dục và Đào tạo, nếu có kinh phí từ ngành giáo dục quận thì giáo viên sẽ được hỗ trợ thêm”, cô Linh chia sẻ.
Còn thầy Nguyễn Duy Quy, Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt Tương Lai (quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng) tâm sự, qua ngày 15/1/2023, nhà trường mới tiến hành quyết toán các khoản hỗ trợ trên tinh thần nỗ lực cho giáo viên đón Tết đủ đầy.
“Tôi quan sát thấy rằng mong muốn của nhà trường và phụ huynh đều là dành sự quan tâm nhiều hơn cho trẻ khuyết tật. Nhưng vì rất nhiều nguyên nhân, trong đó có việc phải lo gánh nặng kinh tế, phải chăm lo cho cả những người con khác trong gia đình, nên phụ huynh dành trọn sự gửi gắm chăm sóc con khuyết tật cho thầy cô giáo chuyên biệt. Các thầy cô giáo ở những môi trường như thế này, ngoài chuyên môn, kiến thức sư phạm, thì tình yêu, sự kiên nhẫn với trẻ không có gì đo đếm được.
Vì thế, để ghi nhận, động viên tinh thần của các thầy cô, trường luôn cố gắng chăm lo đời sống giáo viên. Những ngày lễ, Tết, hội, trường sẽ tổ chức nhiều hoạt động chung, cố gắng có khoản hỗ trợ để giáo viên cảm thấy thoải mái, yên tâm công tác.
Tết năm 2023, tinh thần là trường sẽ hỗ trợ giáo viên tiền mặt, đủ để mua sắm, vui vẻ, đầm ấm hơn”, thầy Quy bộc bạch.
Hạ tiêu chí, vẫn khó tuyển giáo viên
Cô Linh cho biết, giáo viên theo ngành giáo dục đặc biệt ít, lực lượng ra trường hàng năm cũng không nhiều, áp lực công việc đặc thù khiến công tác tuyển dụng gặp khó.
“Hiện, Trường Giáo dục chuyên biệt Khai Trí có 110 học sinh, dao động từ 24 tháng – 10 tuổi. Trường chia lớp theo tuổi trí tuệ và tuổi đời chỉ cách 1- 2 tuổi. Ví dụ, một trẻ 5 tuổi đời, tuổi trí tuệ 24 tháng thì không thể ghép chung lớp với trẻ 10 tuổi đời, tuổi trí tuệ 24 tháng.
Trong điều kiện lý tưởng, 1 giáo viên chỉ nên chăm sóc từ 2 – 3 học sinh. Mức tiêu chuẩn theo quy định là 9 học sinh/giáo viên, tuy nhiên, hiện trường xếp 4 học sinh/giáo viên, ít hơn tiêu chuẩn quy định nhưng giáo viên đã rất vất vả vì mỗi trẻ có một mức độ hội chứng khuyết tật khác nhau.
Nhà trường chỉ tuyển giáo viên, không tuyển bảo mẫu. Vì chỉ giáo viên được đào tạo đúng chuyên ngành trực tiếp chăm sóc trẻ hàng ngày thì mới hiểu và dạy học cho trẻ.
Theo tôi được biết, chỉ tiêu đào tạo ngành giáo dục đặc biệt hàng năm không nhiều, trong đó, đã có cả người học là các Sơ học xong về phục vụ, nuôi dạy trẻ ở giáo xứ. Những sinh viên còn lại khi tốt nghiệp lại có xu hướng dạy cá nhân (kèm 1-1)”, cô Linh chia sẻ.
Thực tế hiện nay, để tuyển giáo viên, có trường dạy trẻ khuyết tật cho phép giáo viên “nợ” chuẩn, bồi dưỡng chứng chỉ sau.
Theo cô Linh, trước đây, trường chuyên biệt nơi cô công tác chỉ tuyển giáo viên tốt nghiệp đúng chuyên ngành giáo dục đặc biệt và hộ khẩu ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng hiện nay, những giáo viên tốt nghiệp ngành gần, hộ khẩu ở các tỉnh khác, trường vẫn tuyển dụng.
“Trường Giáo dục chuyên biệt Khai Trí là trường tư thục, hoạt động theo mô hình bán trú. Xu hướng hiện nay các giáo viên muốn dạy cá nhân, mở lớp giữ trẻ khuyết tật tự phát để giảm áp lực công việc, thu nhập cao hơn. Vì thế, giống như trường công, nhà trường cũng gặp khó trong tuyển giáo viên”, cô Linh cho biết.
Cùng chia sẻ về điều này, thầy Quy, cho biết, nhu cầu gửi trẻ khuyết tật rất cao nhưng nhà trường thiếu cơ sở phòng học, giáo viên. Kinh phí xây trường, mở phòng học rất lớn nên trường không thể tự lo. Còn với bài toán thiếu giáo viên, nhiều năm gần đây, trường tiến hành hạ tiêu chuẩn tuyển dụng.
“Trường tuyển giáo viên tiểu học, mầm non, giáo viên nào không đúng chuyên ngành giáo dục đặc biệt thì trường sẽ tổ chức lớp bồi dưỡng, mời giảng viên của cơ sở giáo dục đào tạo đại học sư phạm, chuyên ngành giáo dục đặc biệt về dạy.
Hiện tại, 70% giáo viên của trường có bằng đại học ngành giáo dục đặc biệt. Những thầy cô còn lại tiếp tục tham gia bồi dưỡng để được cấp chứng chỉ.
Trong nền kinh tế thị trường, mức sống nâng lên, giáo viên còn nhiều mối lo mang tên cơm, áo, gạo, tiền nên khó vượt qua áp lực đặc thù khi dạy trẻ khuyết tật. Trường xác định tạo văn hóa môi trường làm việc tốt, quan tâm nhiều đến đời sống cho giáo viên nên họ thoải mái và gắn bó lâu hơn với công việc. Đặc biệt, cũng có nhiều giáo viên vì yêu trẻ, mến trường nên họ tuyên truyền giáo viên ở các tỉnh xa cũng tìm về để ứng tuyển”, thầy Quy chia sẻ.
Thầy Nguyễn Duy Quy hướng dẫn học sinh sử dụng gậy dò đường. (Ảnh: website nhà trường). |
Năm học 2023, nhà trường có 260 học sinh, từ độ tuổi mầm non đến lớp 9, với 60 giáo viên. Dạy cho học sinh khuyết tật, bản thân giáo viên phải có tính kiên nhẫn, cập nhật kiến thức liên tục vì học sinh có biểu hiện chứng bệnh khác nhau.
“Trường nuôi dạy học sinh khuyết tật, trong đó, vất vả nhất là dạy trẻ khuyết tật trí tuệ, tăng động, tự kỷ vì các em không kiểm soát được hành vi nên nhiều khi hành hung lại giáo viên. Các em chậm nhớ, nhanh quên nên quá trình dạy kiến thức cũng nhiều khó khăn”, thầy Quy tâm sự.
Trăn trở làm sao tuyển đủ giáo viên
Với hơn 12 năm gắn bó nuôi dạy trẻ khuyết tật, ở vị trí là cán bộ quản lý, cô Linh luôn trăn trở làm thế nào tuyển đủ giáo viên để san sẻ công việc, hỗ trợ học sinh. Hiện trường có 45 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên y tế, văn phòng, trong đó có 32 giáo viên. Để đảm bảo chất lượng giảng dạy, tới đây, trường cần tuyển thêm 5 giáo viên.
“Tỷ lệ trẻ em khuyết tật ngày càng nhiều nhưng sinh viên theo học ngành giáo dục đặc biệt lại ít. Điều này không chỉ khiến cho tôi, lãnh đạo nhà trường mà những trường dạy trẻ khuyết tật khác rất lo lắng rằng không có nguồn để tuyển, thiếu giáo viên kéo dài, thầy cô cáng đáng thêm vất vả.
Cốt lõi của thiếu giáo viên là do chế độ tiền lương. So với mặt bằng chung ở địa bàn về dạy trẻ khuyết tật, trường hiện có mức học phí thấp nhất. Nhiều lần muốn tăng học phí để nâng lương, cải thiện đời sống giáo viên nhưng nhìn các em học sinh thì lại rất thương cảm nên không thể thu học phí cao.
Không tăng được học phí, trường hỗ trợ giáo viên tăng thu nhập bằng cách mở các lớp học ngoài giờ dành cho những phụ huynh đi làm về muộn, không đón con đúng giờ. Giáo viên nào muốn dạy, hoặc phụ huynh có nhu cầu để giáo viên trông, dạy thêm trẻ thì sẽ đăng ký, tiền hỗ trợ này sẽ do giáo viên và phụ huynh đó tự thỏa thuận.
Với mục đích cuối cùng là chăm lo cho đối tượng trẻ khuyết tật có cuộc sống tốt hơn, tôi hy vọng, xã hội sẽ có thêm nhiều trường dành cho trẻ khuyết tật, để san sẻ với các trường đang bị quá tải người học; xã hội thấy được tầm quan trọng của ngành giáo dục đặc biệt để tăng nguồn tuyển dụng”, cô Linh mong muốn.
Gợi ý cho các trường khó tuyển giáo viên, thầy Quy cho rằng nên linh động.
“Quy định là tuyển dụng giáo viên tốt nghiệp đại học chuyên ngành giáo dục đặc biệt, nhưng hiện sinh viên muốn học đại học ngành này chỉ có thể di chuyển ra các trường đào tạo ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... vậy thì người học ở xa đi học rất vất vả. Chưa kể, sinh viên ở Hà Nội có học xong cũng dễ gì di chuyển đến các địa phương khác để dạy trẻ khuyết tật.
Do đó, các trường có thể tuyển giáo viên tiểu học bình thường, sau đó tạo điều kiện cho họ đi học bồi dưỡng chứng chỉ về giáo dục đặc biệt, bằng cách nhà trường hỗ trợ giáo viên một phần học phí. Một khóa học bồi dưỡng 3 triệu đồng/3 tháng, hiện trường đang hỗ trợ 60% đối với một giáo viên đi học.
Trước đây, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng có mở ngành giáo dục đặc biệt, đào tạo được 3 khóa nhưng sau không đào tạo nữa. Một phần do nguồn nhân lực giảng viên cơ hữu không có, chủ yếu mời giảng viên ở Sài Gòn, Hà Nội giảng dạy nên khó ổn định đội ngũ.
Cá nhân tôi mong muốn các trường đại học sư phạm ở miền Trung và các trường sư phạm ở địa phương sớm chuẩn bị đội ngũ giảng viên, mở chuyên ngành đào tạo giáo dục đặc biệt để sinh viên muốn theo ngành giáo dục đặc biệt không phải đi học quá xa, cơ sở giáo dục chuyên biệt ở địa phương nhờ đó mà có thêm nguồn tuyển dụng”, thầy Quy nói.