Sáng 6/6, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội về thực trạng việc làm, nguồn nhân lực, quản lý quỹ Bảo hiểm xã hội...
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn sáng ngày 6/6. Ảnh: quochoi.vn. |
Tỉ lệ ra trường có việc làm rất cao, học sinh vẫn chưa mặn mà lựa chọn?
Nêu câu hỏi đầu tiên, Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (đoàn Quảng Ngãi) chất vấn: Giải pháp của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội giáo dục nghề nghiệp ra sao để có chính sách thu hút học sinh khá giỏi, cụ thể là chính sách gì? Khi nào giáo dục nghề nghiệp là giáo dục bậc học quốc dân chứ không phải không thi đỗ vào 10 thì mới đăng ký vào?
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (đoàn Quảng Ngãi). Ản: quochoi.vn. |
Trả lời câu hỏi đầu tiên của Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói, giáo dục nghề nghiệp là một bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân, cũng là sự liên thông giữa giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Quốc hội cũng đã hoàn thành chính sách pháp luật liên quan.
Quy mô đào tạo hiện tại là khoảng 2 triệu sinh viên đại học và học viên học nghề. Hiện, tỉ lệ người học cao đẳng là 56%.
Thực sự, giáo dục nghề nghiệp hiện tại cả về quy mô và chất lượng cũng vẫn cần tiếp tục đổi mới và cải thiện. Các chính sách, chế độ ưu đãi để khuyến khích học sinh học nghề cũng cần quan tâm nhiều.
Thực tế, phần đa sinh viên vào trường nghề thường rơi vào số không có điều kiện học lên, muốn nhanh chóng bước vào thị trường lao động, đi làm kiếm thu nhập. Bộ phận học sinh học nghề theo nguyện vọng chưa nhiều. Trong khi đó, phần đa học viên học nghề sau khi ra trường đều có việc làm ổn định, tỉ lệ tới 85%.
Về các giải pháp thu hút học sinh học nghề, trong đó điều quan trọng nhất là có sự ủng hộ của các bậc cha mẹ, bản thân người học; ra trường có việc làm, có thu nhập ổn định, có cuộc sống tương đối tốt; sau khi ra trường có nhu cầu học lên được học liên thông. Từ định hướng này, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ thiết kế chính sách cho sinh viên học nghề theo hướng này.
Có tình trạng học trường trung cấp chỉ để lấy bằng tốt nghiệp trung học phổ thông
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) quan tâm đến giải pháp khắc phục tình trạng lãng phí trong đào tạo trung cấp nghề.
Cụ thể, nữ đại biểu cho biết: “Thứ nhất, theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, phần lớn các trường cao đẳng, trung cấp trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp đều tuyển sinh đào tạo cho đối tượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương). Ảnh: quochoi.vn. |
Tuy nhiên, có một thực trạng là nhiều học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở lại không thi được vào các trường trung học phổ thông công lập.
Cho nên chọn học các trường trung cấp này chỉ với mục đích là có tấm bằng tốt nghiệp trung học phổ thông rồi lại tiếp tục thi vào các trường đại học. Như vậy là có sự lãng phí không hề nhỏ trong đào tạo trung cấp nghề”.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết có khảo sát cụ thể về vấn đề này chưa và giải pháp của Bộ để khắc phục trong thời gian tới.
“Thứ hai, trong những năm qua tỉ số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng rất nhanh. Tuy nhiên, số lao động bị lừa đi xuất khẩu lao động dưới nhiều hình thức cũng khá nhiều, gây rất nhiều hậu quả nghiêm trọng. Nguyên nhân của tình trạng vừa nêu theo Bộ trưởng là gì và những giải pháp khắc phục của Bộ trưởng trong thời gian tới?” - nữ đại biểu đặt câu hỏi.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhận định câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga là xác đáng, nhưng Bộ trưởng cho rằng việc thu hút học sinh vào trường nghề không phải dễ dàng, phần lớn học trường nghề 3 lý do đã nêu.
Số học trung cấp nghề tăng, do Việt Nam áp dụng phương pháp 9+ và mô hình Nhật Bản. Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào thẳng trường nghề, vừa học văn hoá, vừa học nghề, ra trường vừa có bằng nghề, lại tốt nghiệp trung học phổ thông theo đúng quy định.
“Chúng tôi đánh giá, việc này không hoàn toàn lãng phí. Mô hình này không chỉ riêng Việt Nam mà các nước đang phát triển áp dụng nhiều như Đức, Nhật, Canada. Chúng tôi sẽ lắng nghe và đánh giá hiệu quả đích thực là gì” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ.
Về số lao động Việt Nam đi nước ngoài bị lừa nhiều, Bộ trưởng cho biết năm 2022, lao động Việt đi làm việc nước ngoài là 142.000 người, chiếm 10% yêu cầu giải quyết việc làm. Số này đi theo Luật người Việt Nam đi lao động nước ngoài, do 482 doanh nghiệp được cấp phép đưa đi.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quả quyết, “đi theo diện này không bị lừa”.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quả quyết, “đi theo diện này không bị lừa”. Ảnh: quochoi.vn. |
“Số lao động bị lừa do đi qua công ty ma, công ty không được cấp phép. Thậm chí, các doanh nghiệp đã trá hình đưa người lao động đi làm việc nước ngoài. Những trường hợp này cùng cơ quan chức năng xử lý nhiều. Nhiều trường hợp công ty cấp phép lừa đảo cả 2 đầu đi và đến như thu tiền môi giới cao hơn, không đúng ngành nghề cuối cùng sang phải trả về hoặc làm việc không tốt.
Bộ cũng xử phạt nhiều với các doanh nghiệp vi phạm. Năm 2022, thanh tra xử lý 22 doanh nghiệp, 4 doanh nghiệp thu hồi giấy phép, phần lớn công ty ma không phải doanh nghiệp được cấp phép. Giải pháp để hạn chế tình trạng trên là tuyên truyền, xử lý vi phạm, thanh tra kiểm tra” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thêm.
Qan tâm đến chỉ số lao động qua đào tạo
Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) đặt vấn đề, lao động qua đào tạo yếu tố tạo năng suất lao động, đánh giá trên văn bằng chứng chỉ số % chưa cao. Nhiều lao động chưa qua trường lớp đào tạo nhưng lại có năng suất lao động. Họ được doanh nghiệp đào tạo, hoặc quá tình học hỏi của bản thân. Bộ trưởng nêu quan điểm gì về vấn đề này? Cần xây dựng trình độ đánh giá về vấn đề này không?
Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum). Ảnh: quochoi.vn. |
Về ý kiến của đại biểu Tô Văn Tám, Bộ trưởng cho là xác đáng. Thực tế, tỉ lệ lao động qua đào tạo của nước ta trên 70%, có chứng chỉ trên 26%. Cũng trên thực tiễn, đào tạo có chứng chỉ một nội dung, quan trọng nhất nghiệp vụ, kỹ năng, tinh thông nghề nghiệp, hiệu quả lao động.
Hiện tượng có thể thấy là nhiều lao động không có bằng cấp nhưng tay nghề cao, học truyền nghề như nghề đúc đồng ở Ý Yên, Nam Định.
“Chúng tôi tán thành với đại biểu, thấy rằng có cái nhìn toàn diện, đầy đủ vấn đề này. Có trường hợp tại sao có chuyên môn như vậy lại không tổ chức cho họ? Chúng tôi đã giao Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp phối hợp đề xuất vấn đề này với quan điểm cần có công cụ, tiêu chí đánh giá, xác định chất lượng lao động tiêu chuẩn đánh giá trong thời gian tới” - Bộ trưởng cho biết.