Kiểm soát quyền lực phải làm liên tục và toàn diện để phòng ngừa tham nhũng

20/07/2023 08:54
Thành An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Chúng ta thấy rõ, ở nơi nào có Trưởng Ban Chỉ đạo có tâm, có tầm, có những chỉ đạo cụ thể, quyết liệt, thì có những chuyển biến rõ rệt”, ĐH Nguyễn Thị Sửu nói.

Theo đánh giá tại Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thời gian qua, đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Các Ban Chỉ đạo đã tham mưu, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương, của Tổng Bí thư - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương được thực hiện nghiêm túc, kịp thời và hiệu quả hơn trước.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: “Qua sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, đã cho thấy hiệu quả của vai trò “cánh tay nối dài” một cách toàn diện trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Trung ương.

Những con số được thống kê cũng cho thấy, các lĩnh vực đều tiềm ẩn tham nhũng, tiêu cực. Chính vì vậy, điều quan trọng nhất là cần phải sàng lọc bộ máy một cách chính xác, kịp thời.

Từ những kết quả, bài học kinh nghiệm được báo cáo, đánh giá qua hội nghị, đã có những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong thời gian tới”.

Đánh giá về những kết quả sau một năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII cũng cho biết: “Việc thành lập các Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở các tỉnh, thành phố là rất cần thiết, và thực sự có hiệu quả trong giai đoạn vừa qua, để khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: NVCC.

Về cơ bản, các địa phương cũng đã chọn được bộ máy phù hợp để hoạt động, khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” tuy nhiên, không đồng đều trên 63 tỉnh thành, có nơi triển khai quyết liệt và thu được những kết quả nhất định.

Chúng ta thấy rõ, ở nơi nào có Trưởng Ban Chỉ đạo có tâm, có tầm, có những chỉ đạo cụ thể, quyết liệt, thì có những chuyển biến rõ rệt”.

Cần có sự “giám sát ngầm” để nâng cao hiệu quả thực chất

Về những yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới được đưa ra tại hội nghị, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu đánh giá: “Các giải pháp này thể hiện tính toàn diện và tiếp tục khẳng định những định hướng đã được đề ra trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Ban Chỉ đạo Trung ương, cũng như được tiếp tục đề ra trong định hướng lãnh đạo tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Câu chuyện “kiểm soát quyền lực” cần phải được kiểm soát một cách toàn diện. Bởi, phải xác định tham nhũng, tiêu cực như “giặc nội xâm” là vô cùng nguy hiểm...

Trong các giải pháp đề ra, Tổng Bí thư nhấn mạnh tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của các cấp, các ngành; đặc biệt đối với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, phải xây dựng được chương trình, kế hoạch hằng năm, từng giai đoạn... đồng thời phải có sự đánh giá, tổng kết hằng năm để nhìn nhận những khuyết điểm, hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện..., qua đó, đúc rút kinh nghiệm, để thực hiện tốt hơn, toàn diện hơn nhiệm vụ đó.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: quochoi.vn.

Cùng với đó, phải có sự giám sát, theo dõi, đôn đốc các tổ chức, cá nhân trong diện được phân công, các tổ chức liên quan trong quá trình tổ chức, thực hiện của đơn vị mình, của ngành mình... xem có thực sự hiệu quả hay không?

Với những địa phương chưa triển khai hiệu quả, cũng cần phải xem xét lại trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm của cá nhân được phân công ở các vị trí khác nhau trong Ban Chỉ đạo.

Thứ ba, bên cạnh việc áp dụng chế tài xử lý nghiêm, cũng cần có những có chính sách động viên lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kịp thời tuyên dương, khen thưởng những cá nhân làm tốt trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư...”.

“Ngoài ra, muốn thúc đẩy bộ máy chỉ đạo cũng như thúc đẩy công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả thực chất, rất cần có cơ chế bảo vệ những cá nhân, tổ chức dám đấu tranh, dám chỉ ra những khuyết điểm, sai sót, những hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân đứng đầu trong một tổ chức nào đó...” - nữ đại biểu nhấn mạnh.

Với Ban Chỉ đạo ở địa phương cũng cần có sự “giám sát ngầm”, để có thể phát hiện và có sự sàng lọc kịp thời, để bộ máy, tổ chức ngày càng đi lên "trên dưới đồng lòng” - nữ đại biểu nêu ý kiến.

Bên cạnh những phân tích trên, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng bày tỏ: “Một nội dung quan trọng nữa, là về bố trí nguồn lực. Theo tôi, muốn hoạt động tốt, phải có nguồn lực thực sự đủ mạnh và đủ đáp ứng; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, bổ túc kỹ năng như kỹ năng quan sát, kỹ năng đánh giá, kỹ năng nhận diện vấn đề, kỹ năng hấp thụ để nâng cao tư tưởng, phẩm chất, đạo đức...

Cần có quy chế, quy định cụ thể về bố trí kinh phí hoạt động này, mà theo tôi, đến nay vẫn chưa có được sự bố trí bài bản, toàn diện, sâu sắc... ”.

Ngoài ra, nữ đại biểu cũng cho rằng, cần xem lại các phương thức thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. “Sự hưởng ứng đồng tình của phần lớn người dân cho công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã và đang được thể hiện rõ, nhất là những người dân là cán bộ đã nghỉ hưu liêm khiết, mong muốn xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị, cống hiến những giải pháp tốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Công tác tuyên truyền phải được tăng cường hơn nữa, thường xuyên hơn nữa, cả những nội dung thuận và nghịch, để ngày càng đi sâu vào quần chúng” - Đại biểu Nguyễn Thị Sửu lý giải.

Phải chọn được các cán bộ thực sự có tâm, tầm

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An cũng nhấn mạnh: “Trong giai đoạn vừa qua, Ban Chỉ đạo cũng đã xử lý kỷ luật 15 tổ chức Đảng, gần 80 cán bộ, công chức các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực sai phạm về tham nhũng, tiêu cực.

Việc phát hiện những cá nhân được cơ cấu trong cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhưng lại mắc khuyết điểm, cho thấy vẫn còn có nơi chọn người chưa thực sự chuẩn, chưa đủ bản lĩnh, chưa thực sự trong sạch... Vì vậy, thời gian tới, phải chọn được các cán bộ đủ tầm, đủ tâm, không vướng víu lợi ích đến những khuyết điểm như vậy.

Những kết quả phòng, chống tham nhũng vừa qua làm cho lòng tin của dân được nâng lên rất nhiều, nhân dân thấy rằng, đã nói là làm, và đã làm là làm đến nơi đến chốn, thực hiện nghiêm chủ trương xử lý không có vùng cấm, không có trường hợp ngoại lệ”.

Thành An