Lương cơ sở điều chỉnh, khoảng cách thu nhập giữa các GV công lập càng lớn

22/07/2023 06:42
LÊ VĂN MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cùng một công việc, cùng một định mức giảng dạy như nhau nhưng mức chênh lệch về thu nhập của giáo viên có khi đến gần chục triệu đồng/ tháng.

Sau 4 năm chờ đợi vì nhiều nguyên nhân khác nhau, kể ngày 01/7 vừa qua, lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang…đã tăng từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng.

Lương cơ sở tăng, tất nhiên là những người đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước sẽ cảm thấy vui mừng vì đời sống của họ đã được cải thiện, vơi bớt những khó khăn hàng ngày. Niềm vui ấy còn được nhân lên nhiều hơn với nhiều thầy cô giáo trẻ, có thâm niên nghề còn ít.

Tuy nhiên, họ cũng cảm thấy những ngậm ngùi, hẫng hụt khi nhìn bảng lương trong đơn vị mình đang có một sự chênh lệch khá lớn. Cùng một công việc, cùng một định mức giảng dạy như nhau nhưng mức chênh lệch về thu nhập có khi đến gần chục triệu đồng/ tháng. Khoảng cách này thật đáng cho nhiều giáo viên trẻ cảm thấy băn khoăn về chế độ nhà giáo hiện nay.

Sự chênh lệch khoảng cách về thu nhập của giáo viên hiện nay đang khá lớn (Ảnh minh họa: VOV.vn)

Sự chênh lệch khoảng cách về thu nhập của giáo viên hiện nay đang khá lớn (Ảnh minh họa: VOV.vn)

Loay hoay bài toán lương giáo viên

Hàng chục năm qua, giáo viên các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông công lập được trả lương theo hệ số, bằng cấp, thâm niên công tác. Những giáo viên có bằng cao đẳng thì sẽ bắt đầu từ mức lương bậc 1, hệ số 2.10. Giáo viên có bằng đại học thì bắt đầu từ bậc 1, hệ số 2,34.

Hết năm tập sự đầu tiên, nếu được vào biên chế hoặc hợp đồng không xác định thời hạn thì cứ 3 năm (không bị kỉ luật, không có thành tích xuất sắc) sẽ nâng lên 1 bậc lương với hệ số 0,33 của lương cơ sở. Bắt đầu từ năm thứ 6 sẽ có thêm phụ cấp thâm niên, mỗi năm tương ứng với 1% lương. Vì vậy, giáo viên càng nhiều năm công tác thì sẽ có tổng thu nhập hàng tháng càng cao.

Hơn 2 năm về trước, vào ngày 02/2/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT về việc quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập và chùm Thông tư này có hiệu lực vào ngày 20/3/2021.

Tuy nhiên, ngay sau khi ban hành, chùm thông tư này đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều từ phía đội ngũ nhà giáo trên cả nước. Ngày 14/4/2023 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT ngày 02/02/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 31/5/2023.

Tuy nhiên, thời điểm ngày 1/7/2023- khi mà lương cơ sở được điều chỉnh thì gần như giáo viên ở các địa phương, trường học trên cả nước vẫn đang hưởng bảng lương cũ theo hướng dẫn của các Thông tư liên tịch 20-23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV từ năm 2015.

Việc xếp hạng, xếp lương mới theo hướng dẫn của các Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT và Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT vẫn chưa được triển khai. Vì thế, đa phần các nhà trường vẫn đang trả lương theo hệ số cũ, bảng lương trước đây. Và, hạng mới, lương mới của giáo viên theo hướng dẫn của Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT vẫn đang chờ các địa phương thực hiện.

Khoảng cách về thu nhập hàng tháng của giáo viên ngày càng lớn

Chính vì đa số các trường học hiện nay vẫn đang trả lương cho giáo viên theo bảng lương cũ nên khoảng cách về lương giữa các giáo viên trong từng đơn vị đang có một khoảng cách khá lớn.

Chẳng hạn, 1 giáo viên trung học cơ sở không kiêm nhiệm chức vụ (trình độ đại học) có thâm niên 30 năm trong nghề sẽ hưởng lương bậc 9, hệ số 4,98, cộng thêm hệ số vượt khung 0,50, cộng thêm phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên sẽ có tổng thu nhập hàng tháng là 15.768.000 đồng, sau khi trừ đi các loại bảo hiểm xã hội (8%), y tế (1,5%), thất nghiệp (1%) sẽ được nhận 14.442.000 đồng.

Cũng 1 giáo viên trung học cơ sở có trình độ đại học, có thâm niên 10 năm, lương bậc 4, hệ số 3,33, sau khi cộng, trừ các khoản tương ứng theo quy định chung thì mỗi tháng sẽ được nhận 7.696.000 đồng.

Đối với giáo viên trung học cơ sở đang hưởng lương bậc 1, hệ số 2,34 (có số năm công tác dưới 5 năm, chưa có phụ cấp thâm niên) sau khi cộng, trừ các khoản, mỗi tháng được nhận 5.475.000 đồng.

Như vậy, sự chênh lệch về thu nhập hàng tháng của những giáo viên đang dạy cùng cấp học, cùng đơn vị và có trình độ tương đương nhau hiện nay đang khá lớn.

Một giáo viên có thâm niên 30 năm (52-53 tuổi) và một giáo viên có thâm niên 10 năm công tác (32-33 tuổi) thì tổng thu nhập hàng tháng đang chênh lệch 6.746.000 đồng. Nếu so sánh giáo viên có 30 năm công tác với giáo viên có 5 năm công tác (27-28 tuổi) sẽ chênh lệch nhau là là 8.967.000 đồng.

Trong khi, giáo viên cùng cấp học nếu không kiêm nhiệm công tác khác, không phân biệt trình độ đào tạo đều được phân công giảng dạy như nhau, cùng một định mức chung. Giáo viên tiểu học 23 tiết/ tuần; giáo viên trung học cơ sở 19 tiết/ tuần; giáo viên trung học phổ thông 17 tiết/ tuần.

Hiệu quả giảng dạy cũng khó khẳng định giáo viên nào hơn giáo viên nào. Nhưng, nhìn tổng thể, giáo viên có thâm niên cao có kinh nghiệm hơn, nhưng bù lại giáo viên trẻ năng động, sử dụng công nghệ thông tin tốt hơn, tổ chức các hoạt động dạy học trên lớp sôi nổi nên học sinh thường thích thú hơn.

Phần nhiều những công việc khó, vất vả như: chủ nhiệm lớp (cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông); thao giảng chuyên đề các cấp; tổ chức các hoạt động ngoại khóa; tham gia các phong trào ôn thi học sinh giỏi; thi giáo viên dạy giỏi…nhà trường thường phân công cho những giáo viên ở độ tuổi 30-45- cái tuổi “chín” nhất của người thầy.

Những thầy cô có thâm niên cao hay lấy lý do lớn tuổi để “nhường” nhiệm vụ cho đội ngũ trẻ. Tất nhiên, vẫn có nhiều thầy cô lớn tuổi đang phát huy thế mạnh về kinh nghiệm giảng dạy và nhiệt huyết với nghề nhưng thực tế số này không nhiều.

Nhưng, rõ ràng chế độ đãi ngộ cho nhà giáo về lương, phụ cấp, phân công công việc, định mức giảng dạy của giáo viên công lập hiện nay còn tồn tại khá nhiều bất cập. Nếu khoảng cách này không được rút ngắn thì sẽ rất khó thu hút được các bạn trẻ đến với nghề sư phạm. Hoặc, có vào nghề rồi nhưng chế độ đãi ngộ chênh lệch quá nhiều như hiện nay cũng sẽ khó tạo ra những động lực để họ phấn đấu, đột phá cho ngành.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

LÊ VĂN MINH