Tại Hội nghị trao đổi, thảo luận giải pháp trong đào tạo nguồn nhân lực ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thuỷ sản diễn ra vào chiều ngày 14/7 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, các cơ sở giáo dục đại học trong khối ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thuỷ sản đã cùng nhau nhận diện khó khăn và nguyên nhân tại sao khối ngành này chưa có sức hấp dẫn đối với người học.
Các cơ sở giáo dục đại học trong khối ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thuỷ sản đã cùng nhau nhận diện nguyên nhân của những hạn chế, khó khăn trong đào tạo nguồn nhân lực ngành (Ảnh: Phạm Linh) |
Hiện nay, nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thuỷ sản đang thiếu hụt rất lớn so với nhu cầu của thị trường lao động trước mắt và lâu dài.
Theo số liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, khối đào tạo Nông nghiệp, Lâm nghiệp tuyển sinh chỉ đạt 0.86%; ngành Thú y đạt 0.51%.
Trong khi đó, nhu cầu của các đơn vị tuyển dụng đối với người lao động có trình độ từ Cao đẳng trở lên rất cao (xấp xỉ 46.000 người/năm).
Phát biểu tại hội nghị, Giáo sư Nguyễn Thế Hùng – Chủ nhiệm Câu lạc bộ khối ngành đào tạo Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thuỷ sản (trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) cho biết, khó khăn nhất hiện nay là đào tạo nguồn nhân lực để phát triển nông, lâm nghiệp là công tác tạo nguồn tuyển sinh.
GS.TS. Nguyễn Thế Hùng – Chủ nhiệm Câu lạc bộ khối ngành đào tạo Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thuỷ sản, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên nhận định khó khăn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thuỷ sản (Ảnh: Phạm Linh) |
Tại Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên hiện nay, đối tượng sinh viên theo học ngành nông, lâm nghiệp phần lớn đều là con em vùng sâu, vùng xa, gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn.
Mặt khác, có tình trạng sinh viên học nông, lâm nghiệp nhưng không muốn làm nông, lâm nghiệp mà muốn ra các khu công nghiệp làm việc.
Giáo sư Nguyễn Thế Hùng chia sẻ: “Khoảng 5 năm trở lại đây, đầu vào của tất cả các trường nông, lâm, thuỷ sản đều suy giảm. Ví dụ như Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên suy giảm đến 70% (trước đây mỗi năm tuyển sinh khoảng 2.000 – 2.200 sinh viên thì bây giờ tuyển không quá 500 sinh viên/năm).
Nhà trường rất nghiêm túc để xem xét lại tại sao học sinh lại không lựa chọn học tại trường và thực hiện hàng loạt các giải pháp như đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp dạy học, tăng cường gắn kết doanh nghiệp trong đào tạo, tổ chức hội chợ việc làm,…
Trường cũng thành lập trung tâm truyền thông tuyển sinh, có một đội ngũ cán bộ cùng truyền thông về công tác tuyển sinh.
Tuy nhiên, sau 5 năm, mức độ ổn định tuyển sinh của nhà trường trong khoảng 400 sinh viên/năm (tức là không có sự thay đổi).
Ngoài ra còn thực trạng người trẻ có xu hướng đổ dồn về các trường ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh mà không học trường ở tỉnh. Vì khi học ở thành phố lớn, sinh viên có nhiều cơ hội làm thêm, kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.
Hiện, đối tượng sinh viên theo học tại trường chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn”.
Từ thực trạng trên, các cơ sở giáo dục đại học nhận định nguyên nhân xuất phát từ việc hiện nay, học sinh có tâm lý sợ vất vả và dễ gặp rủi ro khi học ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp.
Thu nhập cho lao động ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản cũng đang ở mức thấp, chỉ bằng 50% các ngành công nghiệp, dịch vụ.
Bên cạnh đó, hiện chưa có chính sách hỗ trợ trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực khối ngành này. Chưa có chính sách đặt hàng đào tạo cho các ngành Nông - Lâm nghiệp truyền thống. Vấn đề học bổng và học phí chưa được quan tâm.
Theo đó, vấn đề tự chủ của các trường khối đào tạo Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản đang gặp nhiều khó khăn.
PGS.TS Phan Thị Tình – Phó Hiệu trường Trường Đại học Hùng Vương đóng góp ý kiến tại hội nghị (Ảnh: Phạm Linh) |
Đóng góp ý kiến tại hội nghị, Phó Giáo sư Phan Thị Tình – Phó Hiệu trường Trường Đại học Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) cho biết, hiện nhà trường có hơn 30 ngành đào tạo cùng 70 lĩnh vực trong đó có lĩnh vực nông nghiệp: “Khoảng 5, 6 năm trở lại đây, lĩnh vực nông nghiệp suy giảm nghiêm trọng về số lượng tuyển sinh đầu vào.
Chúng tôi đã nghiêm túc kiểm điểm lại điều gì đã khiến trường tuyển sinh không tốt và điều gì khiến học sinh không đến với Trường Đại học Hùng Vương để từ đó nhà trường thay đổi.
Thay đổi từ việc không dùng thuật ngữ quản sinh mà sẽ là chăm sóc và hỗ trợ người học, nhất là người học trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nhà trường chăm sóc từ công tác đào tạo gắn với thực tiễn của tỉnh Phú Thọ để tạo ra những sản phẩm có thể thương mại hoá được. Người học sẽ được học, được làm ra sản phẩm quảng bá địa phương.
Đồng thời, nhà trường cũng đưa công nghệ, đưa sự hiện đại hoá vào đào tạo nông nghiệp. Gắn kết với các doanh nghiệp để có sự tài trợ, hỗ trợ cho sinh viên về học phí, học bổng và việc làm. Tuy nhiên, nhà trường vẫn thu hút được người học đến với ngành nông nghiệp.
Chúng tôi cũng đã có sự trao đổi với nhau trong hệ thống các trường đào tạo nông nghiệp về việc tại sao tất cả các trường đều có tình trạng như vậy".
Chưa kể, Phó Hiệu trường Trường Đại học Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) thông tin, nhà trường làm một đề tài điều tra xã hội học cả Phú Thọ và các tỉnh, thành phố lân cận và đi đến tổng kết ở 2 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, tình cảm, nhận thức của nhân dân nói chung dành cho nông nghiệp chưa tốt. Thực tế, những người làm nông dân cũng không muốn cho con theo học nông nghiệp. Họ cho rằng xã hội 4.0 có biết bao nhiều ngành học về kinh tế tại sao phải chọn nông nghiệp.
Thứ hai là việc thực hiện hướng nghiệp khối ngành nông nghiệp ở các trường phổ thông chưa được coi trọng.