Tại hội nghị trao đổi, thảo luận giải pháp trong đào tạo nguồn nhân lực ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thuỷ sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ở Trường cấp III Nông nghiệp (tỉnh Nam Định), đại diện nhiều cơ sở giáo dục đại học đã nhận diện khó khăn và đưa ra nhiều giải pháp và kiến nghị, đề xuất với kỳ vọng mang “làn gió mới” tới công tác tuyển sinh khối ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thuỷ sản.
Theo Giáo sư Phạm Văn Điển – Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp, sau khi thăm quan và lắng nghe đại diện Trường cấp III Nông nghiệp (tỉnh Nam Định) giới thiệu khái quát về nhà trường cho thấy nếu nhân rộng mô hình này khắp cả nước sẽ góp phần tạo nguồn tuyển sinh cho khối ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thuỷ sản.
GS.TS. Phạm Văn Điển – Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Phạm Linh) |
Giáo sư Phạm Văn Điển cho biết: “Trường Đại học Lâm nghiệp cũng có Trường Trung học phổ thông Lâm nghiệp. Mặc dù hiện chưa đào tạo sớm về ngành lâm nghiệp nhưng đối tượng tuyển sinh của nhà trường có sự khác biệt lớn là có thể tuyển học sinh trên khắp cả nước.
Trường Trung học phổ thông Lâm Nghiệp dự kiến từ 1.500 em nộp hồ sơ sẽ tuyển sinh 500 thí sinh và có mức độ chọn lọc trong đó có thêm tiêu chí tuyển sinh liên quan đến ngành nông, lâm nghiệp.
Trường Đại học Lâm nghiệp có bộ môn Tin học và mới đây trường đã chuyển môn này sang một khoa mới để tụ hợp cùng các môn khác về cơ khí, ô tô, tự động.
Trường cũng đã có kế hoạch thành lập câu lạc bộ công nghệ thông tin trong thời gian tới để từng bước công nghệ hoá, thông tin hoá từng ngành, từng môn học.
Ví dụ trước đây khuyến nông là học trồng cây gì, nuôi con gì rồi cầm tay chỉ việc với nông dân. Sinh viên cũng được định hướng một là làm việc ở trung tâm khuyến nông quốc gia, hai là về các tỉnh.
Còn bây giờ khuyến nông đã có sự thay đổi khi sinh viên được định hướng có thể sử dụng công nghệ thông tin để bán hàng cho nông dân, kết nối với doanh nghiệp”.
Học sinh Trường cấp III Nông nghiệp trong giờ thực hành chế biến món ăn (Ảnh: CTV) |
Cũng tại hội nghị, Phó giáo sư Nguyễn Tất Toàn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: “Xét về góc độ người học, suy nghĩ và thị hiếu hiện tại đã thay đổi nhưng có thể các trường đại học chưa thay đổi để đáp ứng được mong muốn đó một cách trọn vẹn.
Mỗi trường sẽ tiếp cận theo cách thức riêng tuỳ theo đặc điểm, nội lực, nguồn lực của ngôi trường đấy.
Về công tác hướng nghiệp, bao lâu nay các trường đại học triển khai hướng nghiệp nhưng lại chưa tới và vẫn còn rất ít trường cấp ba có mô hình đào tạo như Trường cấp III Nông nghiệp Nam Định so với số trường đại học về ngành nông, lâm nghiệp
Chính vì đó, hạn chế cầu nối để học sinh trung học phổ thông có thể tiếp nối nghề nông, lâm nghiệp ở trình độ cao hơn. Đây là bài toán mà chúng ta phải suy nghĩ.
Vậy trong lúc chưa có được các mô hình trường cấp III như vậy, chính các trường phải liên kết với nhau làm sao để giúp cho học sinh trung học phổ thông hiểu được ngành nông, lâm nghiệp này như thế nào.
Đồng thời, bản thân các trường đại học trong khối ngành nông nghiệp mặc dù đã có những sản phẩm xuất khẩu nhưng những sản phẩm mang tính đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn rất thiếu.
Theo đó, các sản phẩm được đưa vào xã hội để người dân biết được trường đại học nông nghiệp, lâm nghiệp có những giá trị như vậy vẫn chưa đủ để thuyết phục phụ huynh cho con theo học.
Ngoài ra, hướng đi đặc thù của nhiều nhà trường vẫn chưa rõ nét nên việc thu hút nguồn nhân lực trong lĩnh vực này còn khó khăn.
Chính Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh cũng phải suy nghĩ để thay đổi, tạo sự hấp dẫn đối với người học”.
Phó giáo sư Nguyễn Tất Toàn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh đóng góp giải pháp và kiến nghị để phát triển nguồn nhân lực ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thuỷ sản |
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rằng: “Trong bối cảnh các cơ cở giáo dục đại học còn nhiều khó khăn, cần có những chính sách, hỗ trợ để tạo “men” xúc tác cho các trường có phản ứng hoá học mạnh mẽ hơn, tạo sự lan toả.
Một vấn đề nữa, truyền thông xã hội về khối ngành này hiện chưa thực sự tạo được hiệu ứng tích cực. Mặc dù bản thân tôi rất tâm huyết, gắn bó mấy chục năm với ngành nhưng để truyền lửa thì một mình tôi vẫn chưa đủ mà truyền thông xã hội mới tạo được sự lan toả lớn.
Tôi cũng mong muốn có sự kết hợp của các Bộ liên quan để giải quyết vấn đề chung là đào tạo nguồn nhân lực ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thuỷ sản”.
Trước đó, Câu lạc bộ khối đào tạo Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản cũng đã có kiến nghị gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, đề xuất với Chính phủ có chính sách tăng cường đầu tư cho giáo dục đại học, có chính sách đặt hàng đào tạo đối với những ngành nghề truyền thống thiết yếu và khó tuyển sinh như: Khoa học cây trồng. Khoa học đất, Lâm nghiệp, Chế biến lâm sản, Chăn nuôi, Thủy sản...
Kiến nghị với Chính phủ cần thành lập Quỹ học bổng kinh phí cấp bù ngân sách cho các trường đại học để hỗ trợ học phí và học bổng cho các sinh viên theo học nhóm ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản như ngành Sư phạm (theo Nghị định 116/NĐ-CP ngày 25/6/2020 về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm).
Kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm xây dựng đề án trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ, chính sách thu hút thí sinh vào học khối ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản và tăng cường năng lực cho một số trường trong khối đào tạo Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản (áp dụng cho các học viện, các trường đại học trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Theo số liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, khối đào tạo Nông nghiệp, Lâm nghiệp tuyển sinh chỉ đạt 0.86%; ngành Thú y đạt 0.51%. Trong khi đó, nhu cầu của các đơn vị tuyển dụng đối với người lao động có trình độ từ cao đẳng trở lên rất cao (xấp xỉ 46.000 người/năm). Theo đó, số lượng tuyển sinh hằng năm chỉ đáp ứng được khoảng 11,2% so với nhu cầu.