Bộ GD hướng dẫn bổ nhiệm từ hạng cũ sang mới không yêu cầu chứng chỉ CDNN

25/07/2023 06:38
Mỹ Tiên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo đó, khi bổ nhiệm CDNN chỉ căn cứ vào tiêu chuẩn trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng liền kề, không cần phải có chứng chỉ bồi dưỡng CDNN.

Sau khi Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập của Bộ Giáo dục và Đào tạo được ban hành và có hiệu lực từ 30/5/2023, các địa phương đang thực hiện các phương án để bổ nhiệm chuyển xếp lương mới cho giáo viên từ Thông tư 20-23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV sang Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn những băn khoăn, thắc mắc về thời gian giữ hạng, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ,...

Với Công văn 680/NGCBQLGD-CSNGCB ngày 22/6/2023 của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục gửi Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh [1] đã giải đáp gần như tất cả các điều này, giáo viên tỉnh Bắc Ninh và cả nước cám ơn Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những giải thích tường tận, chi tiết và mong các địa phương sớm áp dụng và chuyển xếp lương cho giáo viên.

Ảnh chụp màn hình Công văn 680: Mỹ Tiên

Ảnh chụp màn hình Công văn 680: Mỹ Tiên

Dưới đây là một số nội dung trong công văn 680 của Cục Nhà Giáo và Cán bộ quản lý giáo dục gởi Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh.

Khi bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới không cần có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp

Tại khoản 1 của Công văn 680 trả lời về yêu cầu chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên đã nêu:

Khi bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp từ các Thông tư liên tịch 20,21,22,23/TTLT-BGDĐT-BNV sang các chức danh nghề nghiệp tương ứng theo quy định tại các Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT: Việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học trung học cơ sở thực hiện theo Điều 7 các Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 9 Điều 1 Thông tư, khoản 7 Điều 2, khoản 8 Điều 3 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT.

Theo đó, khi bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp từ các Thông tư liên tịch 20,21,22,23/TTLT-BGDĐT-BNV sang các chức danh nghề nghiệp tương ứng theo quy định tại các Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT chỉ căn cứ vào tiêu chuẩn trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng liền kề, không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng được bổ nhiệm...

Như vậy, theo Công văn này, giáo viên khi bổ nhiệm từ các hạng cũ sang hạng mới không yêu cầu phải có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp.

Công văn 680 này cũng nêu, sau khi được bổ nhiệm, chuyển xếp chức danh nghề nghiệp, nếu giáo viên có nhu cầu đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo yêu cầu của hạng dự thi hoặc xét thăng hạng.

Như vậy, giáo viên không có nhu cầu thi, xét thăng hạng thì không cần có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp mà vẫn được bổ nhiệm hạng mới.

Ví dụ giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng II cũ chỉ cần đảm bảo thời gian giữ hạng đủ 9 năm sẽ được bổ nhiệm hạng II mới mà không cần có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng II hoặc chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học, trung học cơ sở mới.

Những giáo viên này sau khi bổ nhiệm hạng II mới nếu có nhu cầu thi, xét thăng hạng lên hạng I thì phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp (hiện nay là chức danh nghề nghiệp mới theo các quyết định 2001, 2002/QĐ-BGDĐT).

Bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới không phải là thăng hạng

Tại mục 2 trả lời về việc điều chỉnh bảng lương áp dụng đối với các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục trả lời như sau:

Quy định bổ nhiệm, chuyển xếp hạng chức danh nghề nghiệp từ Thông tư liên tịch 20,21,22,23/TTLT-BGDĐT-BNV sang các chức danh nghề nghiệp tương ứng theo quy định tại các Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT là bổ nhiệm sang hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng, không phải thăng hạng.

Việc điều chỉnh bảng lương áp dụng đối với từng hạng chức danh nghề nghiệp đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Chính phủ tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, phù hợp với yêu cầu về trình độ đào tạo và trình độ chuẩn được đào tạo giáo viên từng cấp học.

Bổ nhiệm hạng mới không yêu cầu có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học

Tại mục 3 giải đáp về yêu cầu khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số, Cục Nhà giáo giải đáp:

Như đã nêu tại mục 1, khi bổ nhiệm từ các Thông tư liên tịch 20,21,22,23/TTLT-BGDĐT-BNV sang các chức danh nghề nghiệp tương ứng theo quy định tại các Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT chỉ xét tiêu chuẩn về trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề, không yêu cầu giáo viên phải có minh chứng đối với các tiêu chuẩn khác bao gồm tiêu chuẩn về khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Tại mục 3 Công văn này cũng nêu rõ trường hợp tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp thì thực hiện theo hướng dẫn về minh chứng tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 34/2021/TT-BGDĐT ngày 30/11/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng, nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội được tính vào thời gian giữ hạng

Tại mục 4 giải đáp về thời gian giữ hạng, Cục Nhà giáo nêu:

Đối với trường hợp trước khi tuyển dụng đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì việc xác định thời gian giữ hạng tương đương thực hiện theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 32 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:

“Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu giữ chức danh nghề nghiệp hạng dưới liền kề theo yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng hạng.

Trường hợp viên chức trước khi được tuyển dụng, tiếp nhận đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đúng quy định của Luật bảo hiểm xã hội, làm việc ở vị trí việc làm có yêu cầu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp (nếu có thời gian công tác không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn) và thời gian đó được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng tính làm căn cứ xếp lương ở chức danh nghề nghiệp hiện giữ thì được tính là tương đương với hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ.

Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) giữ chức danh nghề nghiệp hạng dưới liền kề so với hạng chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.”

Đối với trường hợp chuyển chức danh nghề nghiệp thì thời gian giữ chức danh nghề nghiệp cũ được xác định tương đương thời gian giữ chức danh nghề nghiệp được chuyển.

Như vậy, nội dung này quy định, giáo viên công tác dù hợp đồng nhưng có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì được tính là thời gian giữ hạng để được bổ nhiệm hạng mới.

Ví dụ, giáo viên tiểu học, năm 2013 được hợp đồng giảng dạy có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, do có bằng đại học nên hưởng lương có hệ số 2,34-4,98, đến năm 2020 được tuyển dụng vào viên chức thì thời gian giữ hạng được tính là từ năm 2013 đến nay đủ thời gian giữ hạng để có thể được bổ nhiệm hạng II mới.

Theo Công văn 680, giáo viên được bổ nhiệm ra sao?

Theo Công văn 680 gửi Sở Nội vụ Bắc Ninh và quy định hiện hành của Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Thông tư 01-03/2021/TT-BGDĐT, giáo viên mầm non, phổ thông sẽ được bổ nhiệm, xếp lương mà không căn cứ tiêu chuẩn khác, cũng như không cần chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học như sau:

Giáo viên mầm non: Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III (mã số V.07.02.26) đối với giáo viên mầm non hạng IV (mã số V.07.02.06) đạt tiêu chuẩn về trình độ đào tạo của giáo viên mầm non hạng III (mã số V.07.02.26);

Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III (mã số V.07.02.26) đối với giáo viên mầm non hạng III (mã số V.07.02.05);

Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II (mã số V.07.02.25) đối với giáo viên mầm non hạng II (mã số V.07.02.04).

Giáo viên tiểu học: Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29) đối với giáo viên tiểu học hạng IV (mã số V.07.03.09) đạt tiêu chuẩn về trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29);

Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29) đối với giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.08) đạt tiêu chuẩn về trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29);

Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.28) đối với giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.07) có tổng thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.08) và hạng II (mã số V.07.03.07) hoặc tương đương từ đủ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự).

Giáo viên trung học cơ sở: Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32) đối với giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.12) đạt tiêu chuẩn về trình độ đào tạo của giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32);

Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31) đối với giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.11) có tổng thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.12) và hạng II (mã số V.07.04.11) hoặc tương đương đủ từ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự);

Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.30) đối với giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.10).

Tại mục 5 của Công văn 680 này cũng nêu: Nội dung quy định tại các Thông tư 01,02,03/2021/TT-BGDĐT và Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn hiện hành theo quy định của pháp luật, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và đã được Bộ Nội vụ thống nhất.

Bắc Ninh và các địa phương khác có thể tham khảo Công văn 680 này để sớm tiến hành bổ nhiệm, chuyển xếp lương mới cho giáo viên phù hợp quy định pháp luật hiện hành.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.bacninh.gov.vn/documents/57424/46431778/680.pdf

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Mỹ Tiên