Bổ nhiệm xếp lương theo Thông tư 08, GV bắt buộc phải có chứng chỉ CDNN không?

28/05/2023 07:44
Minh Khôi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vấn đề chứng chỉ chức danh nghề nghiệp luôn là vấn đề nóng được mọi người đặc biệt quan tâm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Thông tư này có hiệu lực từ 30/5/2023, Bộ Giáo dục yêu cầu việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập phải được hoàn thành và báo cáo kết quả về Bộ Giáo dục và Đào tạo trong vòng 06 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Thông tư 08/2023 về cơ bản đã giải quyết được nhiều bất cập, việc chuyển xếp lương theo Thông tư 08 sẽ được thống nhất cả nước, không còn việc bổ nhiệm mỗi nơi mỗi kiểu.

Vấn đề chứng chỉ chức danh nghề nghiệp luôn là vấn đề nóng được mọi người đặc biệt quan tâm.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bổ nhiệm lương mới có cần phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp không?

Thông tư 08/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu chuyển xếp lương giáo viên từ hạng cũ sang hạng mới có yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên.

Tại khoản 2 Điều 1 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 02 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập Sửa đổi điểm b khoản 3 Điều 3, điểm b khoản 3 Điều 4 và điểm b khoản 3 Điều 5 như sau:

“b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non.”

Tức, giáo viên mầm non từ hạng hạng I đến hạng III đều có chứng chỉ dùng chung là Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non.

Tại khoản 2 Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 02 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường tiểu học công lập, Sửa đổi điểm b khoản 3 Điều 3, điểm b khoản 3 Điều 4 và điểm b khoản 3 Điều 5 như sau:

“b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học.”

Tức, giáo viên tiểu học từ hạng hạng I đến hạng III đều có chứng chỉ dùng chung là Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học.

Tại khoản 2 Điều 3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 02 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học cơ sở công lập, Sửa đổi điểm b khoản 3 Điều 3, điểm b khoản 3 Điều 4 và điểm b khoản 3 Điều 5 như sau:

“b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở.”

Tức giáo viên trung học cơ sở từ hạng hạng I đến hạng III đều có chứng chỉ dùng chung là Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở.

Tại khoản 2 Điều 4. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2021/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 02 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học phổ thông công lập, Sửa đổi điểm b khoản 3 Điều 3, điểm b khoản 3 Điều 4 và điểm b khoản 3 Điều 5 như sau:

“b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông.”

Tức, giáo viên trung học phổ thông từ hạng hạng I đến hạng III đều có chứng chỉ dùng chung là Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông.

Tuy nhiên, tại điểm c khoản 5 Điều 5 Điều khoản thi hành của Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT quy định:

“5. Trường hợp giáo viên chưa được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đúng với cấp học đang giảng dạy hoặc thay đổi vị trí việc làm mà chức danh nghề nghiệp đang giữ không phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm mới thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định việc xét chuyển chức danh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và đảm bảo nguyên tắc:

“c) Khi chuyển chức danh nghề nghiệp không yêu cầu viên chức phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của vị trí việc làm được chuyển;"

Do đó, theo quan điểm người viết, từ sau 30/5/2023, nếu chuyển chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng cũ sang hạng mới ở bất kỳ hạng nào cũng phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Chỉ trường hợp không yêu cầu viên chức phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của vị trí việc làm được chuyển chỉ trong trường hợp giáo viên chưa được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đúng với cấp học đang giảng dạy (trường hợp giáo viên đang làm việc trường trung học cơ sở nhưng chức danh bổ nhiệm lại là giáo viên tiểu học, hoặc giáo viên trung học phổ thông,…) hoặc thay đổi vị trí việc làm mà chức danh nghề nghiệp đang giữ không phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm mới (trường hợp giáo viên được phân công giảng dạy nhưng chức danh nghề nghiệp đang là chuyên viên hoặc là công chức). Còn việc muốn chuyển xếp lương giáo viên từ hạng cũ sang hạng mới thì yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên.

Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp nào đáp ứng quy định theo Thông tư 08?

Tại khoản 3,4 Điều 5 của Thông tư 08/2023, quy định về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên như sau:

“3. Trường hợp giáo viên mầm non đã có một trong các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II, hạng III, hạng IV; giáo viên tiểu học đã có một trong các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II, hạng III, hạng IV; giáo viên trung học cơ sở đã có một trong các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I, hạng II, hạng III; giáo viên trung học phổ thông đã có một trong các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng I, hạng II, hạng III theo quy định của pháp luật trước ngày 30 tháng 6 năm 2022 được xác định là đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tương ứng với từng cấp học, được sử dụng khi tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và không phải học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tương ứng với từng cấp học quy định tại Thông tư này.”

Có thể hiểu, những giáo viên đã có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo bất kỳ hạng nào theo đúng cấp học trước ngày 30/6/2022 thì được xem là đã có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên được dùng để bổ nhiệm, thăng hạng,…

Những giáo viên có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo hạng cấp sau ngày 30/6/2022 thì không có giá trị, những giáo viên này sẽ gặp bất lợi lớn khi bổ nhiệm, chuyển xếp lương theo Thông tư 08/2023 bổ sung, sửa đổi chùm Thông tư 01-04/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bởi, như đã trình bày ở trên, khi bổ nhiệm, chuyển xếp lương giáo viên từ hạng cũ sang hạng mới theo Thông tư 08/2023 yêu cầu phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên theo đúng cấp học.

Nếu giáo viên có chứng chỉ theo hạng sau ngày 30/6/2022 hoặc chưa có chứng chỉ thì sẽ rất khó để bổ nhiệm hạng mới, khi đó có thể coi là thiếu tiêu chuẩn để được bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới.

Tuy nhiên, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên theo đúng cấp học này là chứng chỉ mới theo Nghị định 89/2021/NĐ-CP.

Theo tìm hiểu của người viết, đến thời điểm hiện nay chưa tìm thấy cơ sở nào được cấp phép, chiêu sinh chứng chỉ mới này.

Nếu không có điều chỉnh thì những giáo viên trên có thể không kịp học và không có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên theo đúng cấp học để được bổ nhiệm, chuyển xếp lương mới.

Tại khoản 4 Điều 5 quy định “Giáo viên tuyển dụng mới phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo quy định trong thời gian thực hiện chế độ tập sự. Giáo viên tuyển dụng mới nhưng không phải thực hiện chế độ tập sự thì phải bổ sung chứng chỉ trong thời hạn 01 (một) năm kể từ ngày được tuyển dụng. Tính đến ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, các trường hợp còn dưới 01 (một) năm thực hiện chế độ tập sự thì phải bổ sung chứng chỉ trong thời hạn 01 (một) năm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.”

Giáo viên tập sự hoặc thuộc trường hợp không tập sự ở bất kỳ cấp học, bậc học nào cũng phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo đúng cấp học.

Chỉ quy định mỗi giáo viên chỉ có duy nhất chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo đúng cấp học tuy có giảm so với trước đây nhưng tất cả giáo viên phải có chứng chỉ (trước đây ở Thông tư 01-04/2021 quy định một số trường hợp như giáo viên tiểu học hạng IV cũ sang III mới, giáo viên trung học cơ sở hạng III cũ sang III mới,…không cần chứng chỉ chức danh nghề nghiệp).

Giáo viên đã được đào tạo bài bản từ các trường sư phạm, khi giảng dạy đã được bồi dưỡng chuyên môn, pháp luật,…nên thêm chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo đúng cấp học khiến giáo viên tâm tư, băn khoăn, mong các cấp, các ngành xem xét lại. Bởi thời gian qua việc bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo hạng có nhiều ý kiến băn khoăn khi giáo viên tốn thời gian, kinh phí nhưng hiệu quả thực sự đến đâu thì rất khó đánh giá được.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khôi