Năm học 2023-2024 mới bắt đầu khoảng 1 tháng nhưng ở một số cơ sở giáo dục đã xuất hiện tình trạng lạm thu tiền quỹ. Trong đó, đặc biệt có trường dự chi tiền quỹ cha mẹ học sinh lên đến hơn nửa tỷ đồng.
Đơn cử, những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng lan truyền bảng thu kinh phí trong năm học của Trường Trung học cơ sở Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì, Hà Nội), trong đó có nhiều khoản thu, chi được cho rằng không hợp lý.
25 khoản chi cho các hoạt động của nhà trường trong năm học 2023-2024 được dự kiến khoảng 500 triệu đồng. (Ảnh: FBNV). |
Cụ thể, theo thông tin phản ánh, năm học 2023-2024, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Tứ Hiệp phải đóng quỹ để chi cho các hoạt động Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường.
Danh sách nội dung quỹ này xuất hiện những khoản thu “lạ” như: hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn được chi từ 18-20 triệu đồng; Chi bồi dưỡng cho học sinh tham gia thi thể dục thể thao như hỗ trợ học sinh thi từ 300-500 nghìn đồng/học sinh với tổng số tiền là 20-25 triệu đồng, hỗ trợ học sinh thi bóng đá 100-150 nghìn đồng/học sinh với tổng số tiền 10-13 triệu đồng… Đóng kinh phí cho học sinh học bồi dưỡng tại Chu Văn An từ 10-15 triệu đồng; Tri ân thầy cô giáo ngày Tết Nguyên đán 45-50 triệu đồng; Tri ân thầy cô giáo ngày 20/11 từ 45-50 triệu đồng;... [1]
Gần đây, dư luận cũng xôn xao trước thông tin phản ánh về tình trạng lạm thu quỹ cha mẹ học sinh ở lớp 12 Văn – Trường Trung học phổ thông Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội). Theo đó, ngay sau khi tổ chức họp phụ huynh đầu năm học mới 2023-2024, ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 12 Văn của Trường Trung học phổ thông Chu Văn An đã lên kế hoạch thu, chi trong năm học và thống nhất thu quỹ 4,5 triệu đồng/kỳ/học sinh. Một số phụ huynh của lớp 12 Văn đã đóng số tiền này, còn một số phụ huynh chưa đóng.
Ngay sau đó, hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chu Văn An đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm lớp, ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 12 Văn trả lại toàn bộ khoản thu này cho từng phụ huynh học sinh [2]
Điều đáng nói là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Thông tư 55/2021/TT-BGDĐT ngày 22/11/2021 Ban hành Điều lệ ban đại diện Cha mẹ học sinh; các Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo ở địa phương cũng có nhiều văn bản quy định, nhưng thực tế tình trạng lạm thu vào đầu năm học vẫn tái diễn.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) cho rằng: “Chúng ta dễ thấy, mỗi khi vào đầu năm học lại xuất hiện điệp khúc nhức nhối là tình trạng lạm thu ở nhiều cơ sở giáo dục, thậm chí xảy ra ở cả trường học có thương hiệu, uy tín, chất lượng cao của Hà Nội.
Với trường hợp ở Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, việc hiệu trưởng yêu cầu lớp 12 Văn trả lại tiền cho phụ huynh là đúng nhưng hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm, phải có hình thức kỷ luật đối với giáo viên chủ nhiệm lớp, các cá nhân làm sai quy định”.
Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội. (Ảnh: Cao Kim Anh). |
Tại Điều 96 Luật Giáo dục 2019 nêu: “Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu là 20% tổng chi ngân sách nhà nước”.
“Luật quy định 20% tổng chi ngân sách nhà nước dành cho giáo dục, chứ không phải khoản tiền nào cũng “bổ lên đầu” học sinh, phụ huynh đóng góp. Do đó, Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục nào bắt phụ huynh phải nộp những khoản tiền lớn, nằm ngoài quy định, tôi đề nghị thanh tra của Sở, thanh tra của Phòng Giáo dục và Đào tạo phải vào cuộc xử lý”, ông Lê Như Tiến chia sẻ.
Ông Lê Như Tiến cũng cho rằng, dứt khoát không được để phụ huynh khi cho con đi học lại phải oằn lưng ra để đóng góp các khoản thu nằm ngoài quy định Thông tư 55/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bởi, có gia đình chỉ có một con, nhưng nhiều gia đình đông con làm sao đủ kinh tế để đóng góp các khoản vô lý với trị giá hàng triệu đồng.
“Với những cơ sở giáo dục để xảy ra lạm thu, tôi đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu – hiệu trưởng nhà trường. Hiệu trưởng phải kiểm điểm trước cơ quan cấp trên là Sở Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo để không xảy ra tình trạng tương tự. Hơn nữa, không chỉ dừng lại ở kiểm điểm mà phải thi hành kỷ luật, thậm chí, nếu cần thiết có thể xem xét cách chức hiệu trưởng”, ông Tiến nói.
Theo ông Lê Như Tiến, phải xử lý mạnh một vài trường hợp để xảy ra tình trạng lạm thu, kể cả trường có uy tín, thương hiệu cũng không ngoại lệ nhằm cảnh báo chung cho toàn hệ thống giáo dục.
“Dù là trường có thương hiệu, một khi đã vi phạm quy định thì hiệu trưởng vẫn phải thi hành kiểm điểm, tùy vào mức độ, tính chất nghiêm trọng của sự việc có thể xem xét kỷ luật bằng hình thức tương xứng”, ông Lê Như Tiến nêu quan điểm.
Cùng bàn về trách nhiệm của hiệu trưởng khi để xảy ra tình trạng lạm thu trong trường, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo – nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục) cho biết, trước bất kỳ sai phạm nào trong trường, nhất là việc lạm thu quỹ lớp, người đứng đầu cơ sở giáo dục – hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm, có phương án giải quyết sai sót kịp thời, không được lơ mơ, bao che cho cá nhân vi phạm.
“Ngay từ khâu triển khai nhiệm vụ đầu năm học, hiệu trưởng nhà trường phải quán triệt tinh thần thực hiện các quy định của Bộ, Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo. Để một lớp, một tổ, hay một ban đại diện cha mẹ học sinh ở bất kỳ lớp nào trong trường thu những khoản tiền nằm ngoài quy định thông tư, hiệu trưởng phải là người chịu mọi trách nhiệm đầu tiên”, Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo chia sẻ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo – nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục). Ảnh: Phạm Minh. |
Theo Phó Giáo sư, để tránh được tình trạng lạm thu, cần thiết phải có một tổ giám sát trong mỗi cơ sở giáo dục. Tổ này thể hiện ý chí của hiệu trưởng, là cánh tay phải của hiệu trưởng trong công tác quản lý trường học. Tổ giám sát hoạt động với mục tiêu theo dõi các lớp về việc thực hiện quy định của Bộ, Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo, nội quy, quy định của trường; kịp thời phát hiện và có phương án giải quyết.
“Khi trong trường học xảy ra những việc “ngang tai trái mắt”, trước tiên, hiệu trưởng phải đứng ra xin lỗi, sửa sai bằng cách không để tái diễn sự việc tương tự. Giáo viên chủ nhiệm phải phổ biến và quán triệt lớp thực hiện nghiêm các quy định về thu, chi.
Nhằm triệt để tình trạng lạm thu, về phía cơ quan quản lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần gióng tiếng chuông cảnh báo, quy định hiệu trưởng phải là người đầu tiên chịu trách nhiệm khi trong trường học xuất hiện cá nhân, nhóm có hành vi vi phạm thu, chi”, Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo chia sẻ.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoduc.net.vn/quy-phu-huynh-thcs-tu-hiep-du-chi-den-nua-ty-phong-gd-thanh-tri-dang-xac-minh-post238241.gd
[2] https://laodong.vn/giao-duc/truong-thpt-chu-van-an-yeu-cau-tra-lai-45-trieu-dong-thu-sai-quy-dinh-cho-tung-phu-huynh-1246076.ldo?fbclid=IwAR3Ov20SIWq1OyM1P9gELxqBHo7aMixZ8gCZBgsjgC2hLgsyIRhIrq5EN6g