TPHCM: Hiệu trưởng THPT muốn tự chủ xếp thời khóa biểu, tổ chức thêm tiết học VH

11/10/2023 08:29
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lãnh đạo một số trường trung học phổ thông công lập tại Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất Sở Giáo dục giao cơ chế mở, tự chủ sắp xếp thời khóa biểu.

Ngày 10/10, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị giao ban hiệu trưởng các trường trung học phổ thông công lập trên địa bàn.

Nhiều hiệu trưởng đã bày tỏ tâm tư khi nếu sắp xếp thời khóa biểu đúng quy định, thì có thể sẽ làm khó cho cả phụ huynh và học sinh.

Nên có cơ chế mở, tự chủ cho các trường

Phát biểu tại hội nghị này, cô Hoàng Thị Hảo – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Đào Sơn Tây (thành phố Thủ Đức) cho hay, nếu đối với việc triển khai các hoạt động giáo dục trong nhà trường, ngoài việc đúng sai căn cứ theo các quy định, văn bản hiện hành, thì cũng cần cân nhắc thêm yếu tố nên hoặc không nên, làm thế nào để đáp ứng tốt các nhu cầu của phụ huynh và học sinh.

Cô Hoàng Thị Hảo phát biểu tại hội nghị (ảnh: V.D)

Cô Hoàng Thị Hảo phát biểu tại hội nghị (ảnh: V.D)

Nói thêm về điều này, thầy Lương Văn Định – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Thạnh Lộc (Quận 12) chia sẻ, trong tổng số hàng nghìn giáo viên chủ nhiệm đang làm công tác trên địa bàn thành phố, sẽ có người hiểu đúng và có người chưa hiểu đúng các tinh thần của văn bản chỉ đạo.

Theo thầy Lương Văn Định, đó là chưa kể có nơi làm đúng với quy định nhưng lại không phù hợp với tình hình thực tế. Hiện nay, theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, các trường sẽ phải rà soát, điều chỉnh thời khóa biểu không quá 8 tiết/ngày.

Thế nhưng, theo vị hiệu trưởng này, làm đúng theo quy định thì dễ, nhưng có đáp ứng với tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của học sinh trường mình hay không.

Còn với thầy Đỗ Đình Đảo – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Hữu Thọ, Quận 4 thì việc thực hiện các chương trình ngoại khóa, trong đó có việc ưu tiên thực hiện theo các Đề án dạy tin học theo chuẩn quốc tế dạy học ngoại ngữ, tăng cường thể dục luôn cần có sự đồng thuận của cha mẹ học sinh trong trường về các mức thu theo Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

“Tạo sự đồng thuận đã có, sắp xếp thời khóa biểu còn gian nan hơn” – thầy Đỗ Đình Đảo nhấn mạnh.

Thầy Đỗ Đình Đảo nêu đề xuất với Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, nên chăng nên giao quyền tự chủ, cơ chế mở cho các trường trong việc sắp xếp thời khóa biểu.

Thời khóa biểu một lớp tại Trường trung học phổ thông Gia Định, có 4 ngày học sinh học 9 tiết (ảnh: CTV)

Thời khóa biểu một lớp tại Trường trung học phổ thông Gia Định, có 4 ngày học sinh học 9 tiết (ảnh: CTV)

Dựa vào ý kiến của cha mẹ học sinh, các trường có thể tổ chức thêm các tiết học văn hóa, giúp học sinh có nhiều giờ hơn để ôn tập ở buổi 2 trong ngày.

Các trường cần hiểu rõ dung lượng bao nhiêu là đủ

Trưởng phòng Giáo dục trung học – Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Lê Duy Tân cho biết, một trong những phương án mà các trường có thể thực hiện trong việc giảm tải thời khóa biểu cho học sinh, đó là giảm hoạt động trong chương trình nhà trường đối với học sinh cuối cấp (lớp 12).

Nếu dạy quá tải, thì việc học cũng không mang lại hiệu quả. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì thời khóa biểu lớp học 2 buổi/ngày là không quá 8 tiết/ngày, mỗi tuần không quá 6 ngày.

Ông Lê Duy Tân khẳng định, những quy định này đã được nghiên cứu, nên các trường không nên tăng thêm tiết, khi đưa thêm các chương trình nhà trường.

Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu kết luận hội nghị (ảnh: V.D)

Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu kết luận hội nghị (ảnh: V.D)

Đối với các học sinh khối 12, các trường không nên đặt nặng việc thực hiện các chương trình nhà trường, bởi lộ trình thực hiện các đề án không áp đặt đối với các học sinh cuối cấp, để tránh quá tải.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, hàng chục năm về trước thì học sinh cũng chỉ học kiến thức từ sách giáo khoa.

Tuy nhiên, ngày nay, cùng với sự vận động và phát triển của xã hội, nhu cầu về bổ trợ kiến thức, các kỹ năng trên thực tế cho học sinh được đưa thêm vào các chương trình nhà trường.

Hiện Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều đề án quan trọng về nâng cao trình độ, năng lực ngoại ngữ, tin học cho học sinh phổ thông, chưa kể chỉ đạo từ các Bộ, ban ngành cũng tăng cường các hoạt động giáo dục về STEM, kỹ năng sống.

“Các trường cần cân đối, hiểu rõ cái gì cần làm, dung lượng bao nhiêu là đủ, và khi triển khai thì cần có sự đồng thuận của cha mẹ học sinh. Vì vậy, công tác tuyên truyền có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, làm sao cho đội ngũ giáo viên hiểu rõ, hiểu đúng chủ trương, chính sách, từ đó tiếp tục truyền thông cho phụ huynh” – ông Nguyễn Bảo Quốc kết luận.

Việt Dũng