Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ. Theo đó, tại Điều 6, Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu phải có ít nhất 01 giáo sư hoặc 02 phó giáo sư và 03 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu. Tuy nhiên, thực tế theo tìm hiểu của phóng viên, có một số cơ sở giáo dục đại học đang chưa đảm bảo yêu cầu này.
Theo nhiều chuyên gia, nhằm đảm bảo tính ổn định và quyền lợi của người học, đặc biệt với đào tạo tiến sĩ là đào tạo tinh hoa, các trường phải có kế hoạch nâng cao các điều kiện đảm bảo chất lượng theo đúng quy định.
Điều kiện mở ngành là chuẩn tối thiểu để đảm bảo chất lượng đào tạo
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: Mạnh Đoàn |
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, các quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành là những chuẩn tối thiểu để đảm bảo chất lượng đào tạo tiến sĩ. Do vậy, cơ sở đào tạo cần thực hiện nghiêm túc các quy định.
Việc không đảm bảo đầy đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định, đặc biệt vấn đề về đội ngũ giảng viên, theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh điều này sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo.
Do đó, nhằm đảm bảo quyền lợi người học, nâng cao chất lượng đào tạo bậc tiến sĩ, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho rằng các cơ sở giáo dục đã và đang đào tạo các ngành/chuyên ngành trình độ tiến sĩ phải rà soát, bổ sung các điều kiện đảm bảo chất lượng (giảng viên, cơ sở vật chất,...) theo đúng quy định tại Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT. Cơ sở đào tạo phải thực hiện công khai, giải trình minh bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng về đào tạo với người học và xã hội.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đào tạo, các điều kiện đảm bảo chất lượng của các cơ sở giáo dục; từ đó, có biện pháp nhắc nhở, chấn chỉnh những đơn vị đang thực hiện chưa đúng theo quy định.
Thiếu giáo sư, phó giáo sư trong đào tạo tiến sĩ là tình trạng chung của nhiều cơ sở đào tạo hiện nay
Cùng bàn về vấn đề này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh nhận định, việc đảm bảo đầy đủ các quy định tại Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT với các chương trình đào tạo tiến sĩ được mở ra trong khoảng 5 năm gần đây tại trường đại học là hết sức khó khăn.
Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: AN |
Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ giảng viên chức danh giáo sư hiện đang ở mức thấp, chưa đến 1% (tính đến tháng 12/2021), tỷ lệ giảng viên chức danh phó giáo sư cũng chỉ chiếm 6,21%. Trong khi đó, quy mô các trường đại học ngày một tăng lên khiến đội ngũ giáo sư, phó giáo sư tại các cơ sở đào tạo càng khan hiếm. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng đào tạo và nghiên cứu của các cơ sở giáo dục.
Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng chia sẻ, để đạt được chức danh giáo sư, phó giáo sư, các giảng viên phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức. Đa số, giảng viên đạt đến chức danh phó giáo sư đều đã ngoài 40, với chức danh giáo sư, không ít người trên dưới 60 tuổi mới đạt được.
Trong khi đó, Nghị định 50/2022/NĐ-CP quy định, trong đơn vị sự nghiệp công lập cho phép viên chức là giáo sư, phó giáo sư công tác thêm tối đa 5 năm (60 tháng), ít hơn 3-5 năm so với quy định cũ. (Theo quy định cũ tại Nghị định 141/2013/NĐ-CP ban hành năm 2013, đối với giảng viên đủ tuổi nghỉ hưu, giáo sư được kéo dài thời gian làm việc tối đa không quá 10 năm; phó giáo sư được kéo dài thời gian làm việc tối đa không quá 7 năm).
Hiện tại, tuổi nghỉ hưu năm 2023 đối với lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 9 tháng đối với nam và đủ 56 tuổi đối với nữ; sau đó tăng dần lên 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Theo Nghị định 50/2022/NĐ-CP, viên chức là giáo sư, phó giáo sư được làm việc tới 65 tuổi 6 tháng đến 67 tuổi (đối với nam) và 60 tuổi 8 tháng đến 65 tuổi (đối với nữ).
Đội ngũ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư sau khi nghỉ hưu, dù được trường đại học tiếp tục ký hợp đồng lao động nhưng chỉ được tính theo dạng thỉnh giảng, không được tính là giảng viên cơ hữu (trong các cơ sở giáo dục đại học công lập). Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều cơ sở đã khan hiếm giáo sư, phó giáo sư nay càng thêm khó khăn.
Bên cạnh đó, việc bổ sung đội ngũ giáo sư, phó giáo sư theo thầy Dũng, là điều không hề dễ dàng vì số lượng đội ngũ này vốn không có nhiều; chưa kể, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa trường tư và trường công trong chính sách thu hút nhân lực.
Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích các cơ sở đào tạo linh hoạt trong chia sẻ nguồn lực về con người, cơ sở vật chất nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đồng thời tạo không khí và sự đa dạng học thuật trong đào tạo tiến sĩ.
Tuy nhiên, thầy Dũng cũng cho rằng, để đảm bảo sự phát triển bền vững, yêu cầu đảm bảo đầy đủ số lượng giáo sư, phó giáo sư cơ hữu là điều cần thiết. Do đó, các trường phải có kế hoạch thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt các ngành đào tạo trình độ tiến sĩ đang thiếu giáo sư, phó giáo sư.
Ngoài ra, Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng đề xuất Bộ Nội vụ xem xét kéo dài độ tuổi làm việc của giáo sư, phó giáo sư cho các trường công lập.
Hiện nay, đối với các trường tư thục, việc kí kết hợp đồng giảng viên toàn thời gian không tính đến yếu tố trong độ tuổi lao động; trong khi đó, các giảng viên cơ hữu công tác tại trường công lập lại bị giới hạn về độ tuổi lao động. Do đó, với những giáo sư, phó giáo sư không còn được kéo dài thời gian làm việc, trường tư thục vẫn có thể tuyển dụng họ trở thành giảng viên cơ hữu, còn trường công lập thì không. Theo thầy Dũng, điều này đang tạo ra sự bất công nhất định giữa trường công lập và trường tư thục trong thu hút giảng viên là giáo sư, phó giáo sư.
"Có ít nhất 01 giáo sư hoặc 02 phó giáo sư và 03 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu (các ngành đào tạo giáo viên tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, ngành đào tạo Ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam, ngành đào tạo Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài, ngành đào tạo Thể dục, thể thao, ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Nghệ thuật, phải có ít nhất 01 giáo sư hoặc 01 phó giáo sư và 02 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu), trong đó có một giáo sư hoặc phó giáo sư có kinh nghiệm quản lý đào tạo hoặc giảng dạy đại học tối thiểu từ 03 năm trở lên (không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ của các ngành khác), chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo".