Năm 2023, các đơn vị trực thuộc Hiệp hội có nhiều cố gắng, đạt kết quả tốt

05/12/2023 15:00
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các hoạt động của các đơn vị tập trung vào lĩnh vực thuộc chức năng riêng biệt/mang tính đặc thù của tổ chức xã hội nghề nghiệp về GD đại học, cao đẳng.

Ngày 05/12, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã tổ chức cuộc họp các đơn vị trực thuộc nhằm đánh giá kết quả hoạt động trong năm 2023, dự kiến kế hoạch hoạt động năm 2024 của các đơn vị, cũng như trao đổi kinh nghiệm, thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai công việc.

Tham dự và chỉ đạo cuộc họp có Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội.

Tham dự chương trình còn có Nhà báo Nguyễn Tiến Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam; Tiến sĩ Võ Thanh Bình – Trưởng ban Tổ chức Hiệp hội; Tiến sĩ Văn Đình Ưng – Trưởng ban Truyền thông và Sinh viên của Hiệp hội cùng lãnh đạo các Viện, Trung tâm trực thuộc Hiệp hội.

Cuộc họp với các đơn vị trực thuộc Hiệp hội được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Cuộc họp với các đơn vị trực thuộc Hiệp hội được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Phát biểu chỉ đạo, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chia sẻ: Trong năm vừa qua, các đơn vị trực thuộc Hiệp hội đã có nhiều cố gắng vượt bậc và đạt được nhiều kết quả tốt.

Tuy nhiên, vẫn có một số đơn vị chưa gửi báo cáo tổng kết về cho Hiệp hội. Các đơn vị cần có trách nhiệm thường xuyên duy trì gửi báo cáo kết quả làm việc, chia sẻ những khó khăn đang gặp phải để Hiệp hội nắm bắt được các hoạt động chung, đồng thời có hỗ trợ cho các đơn vị.

Cuộc họp này, cần tập trung thảo luận, trao đổi những vướng mắc, khó khăn trong hoạt động một năm qua, để từ đó có hướng giải quyết, phối hợp cùng nhau hoạt động hiệu quả hơn.

Tiến sĩ Võ Thanh Bình – Trưởng ban Tổ chức đã báo cáo hoạt động của các đơn vị trực thuộc Hiệp hội năm 2023.

Thông tin tổng quan về các đơn vị trực thuộc, Tiến sĩ Võ Thanh Bình cho biết, tính đến cuối tháng 11 năm 2023, cùng với 2 Tạp chí (Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam, Tạp chí Giáo dục và Xã hội) và Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thì Hiệp hội có 24 pháp nhân trực thuộc hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo (trong đó có 16 Viện và 08 Trung tâm).

Chia sẻ hoạt động năm 2023 của các đơn vị trực thuộc Hiệp hội, Tiến sĩ Võ Thanh Bình đánh giá, năm 2023 là năm hoạt động khởi sắc của các đơn vị trực thuộc Hiệp hội. Các hoạt động tập trung vào lĩnh vực thuộc chức năng riêng biệt/mang tính đặc thù của tổ chức xã hội nghề nghiệp về giáo dục đại học.

Các đơn vị có nhiều hoạt động khởi sắc, đóng góp cho sự phát triển chung

Cụ thể, về lĩnh vực báo chí truyền thông, hoạt động của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đạt được nhiều kết quả quan trọng và ý nghĩa.

Đặc biệt, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thực hiện các bài viết tuyên truyền, góp ý, phản biện chính sách, đặc biệt là việc thúc đẩy chủ trương tự chủ đại học theo tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW; Luật Giáo dục đại học sửa đổi; Nghị định 99/2019/NĐ-CP; góp ý về hoạt động của Hội đồng trường; nguồn lực đầu tư cho đại học; hoạt động giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội liên quan việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; các Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nguyên, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Bộ Giáo dục và Đào tạo mời… Các tuyến bài về báo cáo ba công khai tại các cơ sở giáo dục đại học; góp ý liên quan đến việc thực hiện Nghị định 116; ghi nhận ý kiến của các cơ sở giáo dục đại học nêu thực trạng tuyển sinh một số ngành khó khăn....

Về hoạt động truyền thông ở các đơn vị khác: Viện Truyền thông và Phát triển nhân lực đã ký kết hợp tác với Hãng phim Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, Đài Truyền Thành phố Hồ Chí Minh để sản xuất phát sóng mùa một - 50 tập phim ký sự “Đất nước nhìn từ biển”. Kết quả: Đã hoàn thành việc sản xuất và phát sóng 50 tập phim trên kênh HTV7 Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh.

Về khoa học sư phạm, các đơn vị trực thuộc Hiệp hội cũng gặt hái được nhiều thành quả ý nghĩa.

Cụ thể là thực hiện nghiên cứu và biên soạn chương trình cấp song bằng (một bằng do đại học Việt Nam cấp, một bằng do đại học nước ngoài cấp), trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học.

Đã gửi cho Đại học London Met (UK) 08 chương trình đào tạo do Viện Nghiên cứu giáo dục và Kinh Tế Quốc Tế biên soạn, trong đó 4 chương trình trình độ đại học, 4 chương trình trình độ sau Đại học đã được Đại học London Met (UK) thẩm định và xác nhận bằng văn bản đạt chuẩn UK và đồng ý cấp song bằng cho người học nếu chương trình được triển khai tại các trường đại học Việt Nam.

Hợp tác với tổ chức FIBAA (Foundation for International Business Administration Accreditation) tổ chức tọa đàm trực tuyến về đánh giá chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn FIBAA.

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất các nội dung nghiên cứu về giáo dục vì sự phát triển bền vững để triển khai cho giáo viên các trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh;

Phát triển nhóm nghiên cứu các chương trình đào tạo nghề theo các tiêu chuẩn nghề trong khu vực ASEAN....

Về hoạt động của Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục: Tính đến 30/11/2023 Trung tâm đã kiểm định chất lượng được 98 chương trình đào tạo và kiểm định chất lượng 17 cơ sở giáo dục đại học; Đã đào tạo bồi dưỡng cho 7 cơ sở giáo dục đại học về tự đánh giá chương trình đào tạo và tự đánh giá cơ sở giáo dục.

Cùng với đó, đã triển khai Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định viên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và cấp Chứng nhận hoàn thành Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định viên cho 82 kiểm định viên là cán bộ lãnh đạo và quản lý của các cơ sở giáo dục đại học.

Đã tham gia các tổ công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo Quyết định của Lãnh đạo Bộ để dự thảo thông tư liên quan đến kiểm định chất lượng giáo dục.

Về hợp tác quốc tế, Trung tâm đã ký kết văn bản hợp tác với tổ chức kiểm định chất lượng của Australia: THE-ICE và tổ chức để các cơ sở giáo dục tham dự hội thảo quốc tế về kiểm định chất lượng giáo dục tại Australia; Là thành viên chính thức của tổ chức quốc tế đảm bảo chất lượng giáo dục đại học INQAAHEE - Đây là tổ chức đảm bảo chất lượng quốc tế với các thành viên chính thức là hầu hết các tổ chức kiểm định chất lượng trong các quốc gia trên toàn cầu tham gia.

Dự kiến đến 31/12/2023, Trung tâm sẽ hoàn thành xong kế hoạch của năm 2023 là đánh giá ngoài được tổng số là 102 chương trình đào tạo và đánh giá ngoài được 18 cơ sở giáo dục đại học.

Về liên kết đào tạo ngoại ngữ, đơn vị trực thuộc cũng đã có nhiều hoạt động với kết quả ý nghĩa.

Cụ thể đã phối hợp với nhiều đơn vị để nghiên cứu mô hình giảng dạy tiếng Anh; tổ chức bồi dưỡng, khảo thí Tiếng Anh theo khung tham chiếu chung Châu Âu; liên kết đào tạo ngoại ngữ,...

Về khoa học, kỹ thuật và công nghệ: Thực hiện Dự án Hỗ trợ các cơ sở đơn vị thực hiện Kiểm toán năng lượng.

Một số đơn vị hợp tác thực hiện Đề tài chuyển giao công nghệ và phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên cơ sở kết quả nghiên cứu về đổi mới quản trị nhân lực.

Tư vấn, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Thông tin, tư vấn, chuyển giao công nghệ, tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn trong lĩnh vực nghiên cứu nêu trên.

Nghiên cứu nhân giống và phát triển vùng trồng cây Sâm Ngọc Linh, Trà hoa vàng và các giống Địa sâm Việt Nam.

Phối hợp với các đối tác tại Nhật Bản thực hiện dự án Vitamin trường học; đã triển khai thí điểm tại một số điểm trường tại Hà Nội.

Phối hợp với đối tác Nhật Bản và Bệnh viện K thực hiện chương trình thí điểm sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư cho các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện K Tân Triều.

Về chuyển đổi số, thư việntài nguyên giáo dục mở, khoa học mở đạt được nhiều kết quả quan trọng. Viện Nghiên cứu và Phát triển Tri thức số và Viện Nghiên cứu, đào tạo và phát triển Tài nguyên giáo dục mở đã có nhiều hoạt động ý nghĩa.

Cụ thể, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Tri thức số đã trao đổi và hỗ trợ các đơn vị, tổ chức về việc tham gia Trung tâm kết nối Tri thức số.

Đồng thời, tham dự và đóng góp tham luận tại nhiều Hội thảo liên quan đến chuyển đổi số và mô hình thư viện số.

Viện Nghiên cứu, đào tạo và phát triển Tài nguyên giáo dục mở đã thực hiện nghiên cứu đề tài Đề xuất khung năng lực tài nguyên giáo dục mở cho giảng viên và sinh viên các trường đại học khu vực Thành phố Hồ Chí Minh; Triển khai viết giáo trình: “Cơ bản về tài nguyên giáo dục mở - OER”;

Tham gia và trình bày các tham luận về tài nguyên giáo dục mở trong các cuộc họp do Vụ Giáo dục Đại học - Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức cũng như tại các trường đại học/cao đẳng;

Bên cạnh đó, các đơn vị trực thuộc cũng có nhiều hoạt động đóng góp về liên kết tuyển sinh đào tạo đại học, cao đẳng và về dịch vụ xã hội.

Cùng những kết quả đã đạt được, một số đơn vị vẫn còn những hạn chế nhất định. Điểm hạn chế của các đơn vị là quy mô nhỏ, vốn, nhân lực hạn chế. Hoạt động nghiên cứu ít, chưa rõ tác động, hoạt động liên kết đào tạo, bồi dưỡng còn bị phụ thuộc vào đối tác.

Chưa nhận được đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị dưới hình thức đấu thầu cạnh tranh theo Luật Khoa học và Công nghệ.

Việc liên kết giữa một số đơn vị trực thuộc với các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng còn chưa được nhiều, cam kết trách nhiệm hai bên thiếu chặt chẽ nên hiệu quả chưa được như mong muốn.

Ngân sách hoạt động hạn chế do khó tìm nguồn, chật vật trong việc lo tài chính để duy trì mọi hoạt động của cơ sở.

Một số đơn vị chưa duy trì mối quan hệ hợp tác thường xuyên với Hiệp hội. Còn có những đơn vị hoạt động kém hiệu quả, lúng túng khi triển khai các nhiệm vụ.

Về phía Hiệp hội do thiếu nhân lực và các điều kiện khác, cùng với đó chưa có quy định chặt chẽ về giám sát chất lượng các đơn vị trực thuộc nên hạn chế đến khâu quản lý.

Quản lý chặt chẽ để các đơn vị trực thuộc hoạt động hiệu quả

Thảo luận tại cuộc họp, Nhà báo Nguyễn Tiến Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội đề nghị các đơn vị trực thuộc cần phát huy tinh thần, trách nhiệm cao, và có nhiều đóng góp đối với Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng cần có sự quản lý chặt chẽ hơn đối với các đơn vị trực thuộc, tránh để tình trạng vì một đơn vị hoạt động không hiệu quả, vi phạm pháp luật mà ảnh hưởng các đơn vị khác cũng như ảnh hưởng chung đến toàn Hiệp hội.

Các đại biểu tham dự cuộc họp trực tiếp tại văn phòng Hiệp hội.

Các đại biểu tham dự cuộc họp trực tiếp tại văn phòng Hiệp hội.

Đồng quan điểm với Nhà báo Nguyễn Tiến Bình, Tiến sĩ Văn Đình Ưng cũng cho rằng, cần xem xét dừng hoạt động đối với những đơn vị hoạt động không hiệu quả, phải đảm bảo để các đơn vị trực thuộc đi đúng hướng và hoạt động có hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Hồng Loan- Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục và Kinh tế quốc tế cũng cho rằng, hoạt động của mỗi đơn vị trực thuộc có ảnh hưởng tới uy tín của Hiệp hội, vì vậy, các đơn vị cần có báo cáo hoạt động với Hiệp hội, chia sẻ những khó khăn để được trao đổi, chia sẻ.

Ông Đỗ Văn Mạnh (Viện Khoa học Quản lý giáo dục) đề xuất, Hiệp hội cần có quy chế hoạt động cho các đơn vị trực thuộc, nếu đơn vị nào không tham gia báo cáo, đóng góp thì cần có biện pháp, hướng tới mục tiêu phát triển chung.

Phát biểu kết luận, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến bày tỏ kỳ vọng, bước sang năm 2024, các đơn vị trực thuộc sẽ đón nhận được nhiều thành tích mới, đóng góp vào thành tích chung và cùng nhau phát triển mạnh mẽ hơn.

“Hiện nay, nhiều đơn vị đang gặp khó khăn về nguồn lực, đây là khó khăn chung của toàn ngành giáo dục. Chúng ta không bi quan mà phải tìm giải pháp, tìm kiếm thêm các nguồn lực mới, cùng với đó, đổi mới quản lý, đổi mới quản trị nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp cả hệ thống, để từ đó chúng ta cùng phát triển đi lên”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.

Một số nhiệm vụ sắp tới đối với các đơn vị trực thuộc:

Thúc đẩy công việc của các đơn vị trực thuộc để đưa các hoạt động của các viện, trung tâm và Tạp chí tiếp tục là một khâu quan trọng có đóng góp đáng kể cho việc thực hiện nhiệm vụ năm 2024 của Hiệp hội. Tiếp tục duy trì và phát triển các đơn vị trực thuộc được ổn định và hoạt động có hiệu quả, năm tới cần tập trung hoàn thành một số nhiệm vụ sau đây:

Xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động khả thi, sát với chức năng nhiệm vụ của đơn vị đã đăng ký, đáp ứng nhu cầu xã hội và phù hợp lĩnh vực chuyên môn của Hiệp hội;

Củng cố tổ chức, tăng cường nhân lực (toàn thời gian, bán thời gian), nâng cao thực lực của đơn vị về tài chính, cơ sở hạ tầng;

Duy trì liên lạc với Văn phòng Hiệp hội thường xuyên, phản ánh, đề xuất với thường trực Hiệp hội khi thấy cần và có nhu cầu phải hỗ trợ, chia sẻ, thấu hiểu, hợp tác góp phần củng cố để các đơn vị trực thuộc cùng Hiệp hội ngày một phát triển;

Huy động đóng góp của các viện, trung tâm để Hiệp hội tổ chức thành công Hội thảo Quốc gia năm 2024;

Về phía thường trực Hiệp hội sẽ nghiên cứu đầy đủ các đề xuất từ các đơn vị để tìm giải pháp hiệu quả tác động đến các cơ sở giáo dục đại học là hội viên, gắn kết, xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các viện, trung tâm trực thuộc Hiệp hội, đồng thời rà soát, xem xét các đơn vị không hoạt động hoặc hoạt động yếu kém, không đảm bảo tiêu chí và các cam kết đề ra khi thành lập để củng cố, hỗ trợ nếu hết năm 2024 không phát triển được thì đề nghị dừng hoặc chấm dứt hoạt động; mặt khác kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền tạo môi trường thuận lợi khuyến khích các pháp nhân trực thuộc Hiệp hội hoạt động ngày một hiệu quả hơn./.

Phạm Minh