Năm 2023, các câu lạc bộ thuộc Hiệp hội phát triển cả số lượng và chất lượng

06/12/2023 16:37
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm 2023, các câu lạc bộ thuộc Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam đã tổ chức được 35 tọa đàm, hội thảo, triển lãm, giao lưu sinh viên bổ ích và thiết thực.

Sáng ngày 06/12, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã tổ chức cuộc họp trực tuyến Chủ nhiệm và Thư ký của các câu lạc bộ nhằm đánh giá kết quả hoạt động trong năm 2023 và kế hoạch triển khai hoạt động năm 2024 của các câu lạc bộ thuộc Hiệp hội.

Tham dự cuộc họp, về phía Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội; ông Nguyễn Tiến Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ; Giáo sư, Tiến sĩ Hà Thanh Toàn – Phó Chủ tịch Hiệp hội; Tiến sĩ Lê Trường Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học FPT; ông Phạm Ngọc Lan - Trưởng Ban Công tác Hội viên cùng Chủ nhiệm và Thư ký của 26 Câu lạc bộ thuộc Hiệp hội.

Quang cảnh cuộc họp.

Quang cảnh cuộc họp.

Trình bày dự thảo Báo cáo tổng kết, ông Phạm Ngọc Lan - Trưởng Ban Công tác Hội viên, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, tính đến ngày 05/12/2023, có 26 câu lạc bộ thuộc Hiệp hội với 983 thành viên.

Trong năm 2023, các câu lạc bộ đã tổ chức được 35 tọa đàm, hội thảo, triển lãm, giao lưu sinh viên bổ ích và thiết thực; thành lập mới 02 câu lạc bộ: Câu lạc bộ Các cơ sở đào tạo và bồi dưỡng tiếng Anh miền Bắc (Đã ra mắt), Câu lạc bộ Mạng lưới đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Việt Nam (sắp ra mắt).

Theo đó, hoạt động của các câu lạc bộ thuộc Hiệp hội đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng.

Qua tọa đàm, hội thảo của một số câu lạc bộ đã có nhiều kiến nghị chuyển đến Hiệp hội để kiến nghị với các cơ quan liên quan; tổ chức các khóa bồi dưỡng chuyên môn cho các thành viên trong câu lạc bộ; tổ chức hội thảo quốc tế trong năm 2023 thu hút nhiều chuyên gia quốc tế, tổ chức trên thế giới trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ; kết nối được nhiều doanh nghiệp tham gia trong các hội thảo và tọa đàm của câu lạc bộ;

Không những vậy, có câu lạc bộ đã kết nối được với các Bộ, ban, ngành để cùng tham gia tổ chức hội thảo, tọa đàm; các câu lạc bộ có nhiều hoạt động phong phú đa dạng thông qua các tọa đàm, hội thảo của câu lạc bộ tại các trường. Các hoạt động này đã phản ánh được thực tế của các trường đại học địa phương trong tình hình hiện nay từ đó có những kiến nghị cụ thể với các quan liên quan; kết nối các doanh nghiệp du lịch đào tạo nguồn nhân lực...

Về việc khen thưởng các câu lạc bộ và các cá nhân năm 2023 đã có thành tích, đóng góp hiệu quả, hiện, Hội đồng thi đua khen thưởng của Hiệp hội đang tập hợp danh sách đề nghị tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục, đại học cao đẳng Việt Nam cho cá nhân ở các Câu lạc bộ thuộc Hiệp hội và ra quyết định tặng Kỷ niệm chương cho 10 cá nhân có nhiều đóng góp hoạt động của Hiệp hội nói chung và Câu lạc bộ nói riêng năm 2023.

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng chỉ ra một số hạn chế của hoạt động các câu lạc bộ năm 2023.

Thứ nhất, một số câu lạc bộ chưa kịp thời củng cố, bổ sung kịp thời thành viên của Ban chủ nhiệm khi có sự biến động về nhân sự làm ảnh hưởng đến hoạt động.

Thứ hai, hoạt động của các câu lạc bộ chưa trải đều các khoảng thời gian.

Thứ ba, một số câu lạc bộ chưa phân biệt hoạt động của câu lạc bộ và hoạt động của trường đại học hoặc học viện. Hoạt động câu lạc bộ phải có kế hoạch, được ban chủ nhiệm câu lạc bộ nhất trí và do ban chủ nhiệm chủ trì. Hoạt động trường thành viên do trường chủ trì mời các thành viên của câu lạc bộ tham dự.

Thứ tư, một số ban chủ nhiệm các câu lạc bộ chưa quan tâm đến việc tổ chức các cuộc họp, hội ý, thống nhất các hoạt động trong năm cũng như trước một hoạt động của câu lạc bộ,…

Tuy nhiên, các hạn chế trong hoạt động của các câu lạc bộ trong năm 2023 chỉ là tạm thời, có thể khắc phục được trong năm 2024.

Quang cảnh cuộc họp.

Quang cảnh cuộc họp.

Trước những tồn tại, hạn chế trên, về định hướng hoạt động của các câu lạc bộ năm 2024, báo cáo nhấn mạnh, cần đa dạng, phong phú hình thức hoạt động như hội thảo, tọa đàm, tham quan thực tế, học tập kinh nghiệm, liên kết đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ....nâng cao chất lượng của các hội thảo, tọa đàm của các câu lạc bộ làm cho các buổi sinh hoạt đó thực sự bổ ích. Mỗi năm câu lạc bộ nên tổ chức sinh hoạt trực tiếp ít nhất một lần.

Quan trọng nhất, các thành viên câu lạc bộ kết nối được thường xuyên các thành viên thông qua đó học tập chuyển giao, giúp đỡ lẫn nhau để cùng giải quyết vấn đề cụ thể mà thực tiễn đặt ra.

Bên cạnh đó, thông qua các hội thảo, tọa đàm, các câu lạc bộ đưa ra được những kiến nghị gửi về Hiệp hội để làm cơ sở Hiệp hội đề xuất, kiến nghị với các cơ quan liên quan tháo gỡ các vướng mắc (nếu có).

Ngoài ra, các câu lạc bộ cần đẩy mạnh việc tổ chức các khóa bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho các thành viên của mình; đẩy mạnh các diễn đàn sinh viên về các ngành nghề khác nhau, tổ chức thi trao giải khi có điều kiện; Mở rộng quan hệ hợp tác với nước ngoài, tổ chức cho các đoàn câu lạc bộ thăm quan thực tế nước ngoài khi điều kiện cho phép.

Năm 2024, phấn đấu trong nhiệm kỳ, hầu hết các trường đại học, cao đẳng là hội viên của Hiệp hội đều tham gia từ một đến nhiều câu lạc bộ khác nhau để câu lạc bộ thực sự trở thành sân chơi bổ ích cho các trường hội viên; các câu lạc bộ và các thành viên cần tích cực và thường xuyên viết bài, trả lời phỏng vấn đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam và trang tin của Hiệp hội.

Đặc biệt, 12 nội dung chuyên môn các câu lạc bộ cần tập trung trong các hội thảo, tọa đàm năm 2024 như sau: Triết lý của giáo dục đại học – Các tiền đề cho đổi mới/cải cách giáo dục đại học; Nhu cầu và cơ cấu nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Hệ thống giáo dục định hướng mở - Quy hoạch Mạng lưới các cơ sở Giáo dục đại học và Giáo dục nghề nghiệp; Quản trị và quản lý nhà trường; Tự chủ đại học và Trách nhiệm giải trình Hội đồng trường; Quan hệ đào tạo, nghiên cứu và dịch vụ cộng đồng; Quan hệ giữa nhà trường và công giới; Phát triển đội ngũ giảng viên và viên chức quản lý giáo dục đại học; Phát triển chương trình giáo dục đại học - Khung trình độ quốc gia – Chuẩn đầu ra và chuẩn chương trình; Đa dạng hóa các phương thức dạy và học đại học; Huy động nguồn lực, cải cách chính sách tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực - Xã hội hóa giáo dục; Chất lượng và bảo đảm chất lượng giáo dục đại học; Quốc tế hóa – Hiện đại hóa giáo dục đại học – Chuyển đổi số trong giáo dục đại học

Về công tác tổ chức của các câu lạc bộ, năm 2024, Hiệp hội sẽ kiện toàn ban chủ nhiệm các câu lạc bộ theo nhiệm kỳ của Hiệp hội 2020 – 2025; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động các câu lạc bộ….

Trong năm 2024, Hiệp hội dự kiến thành lập 02 câu lạc bộ: Câu lạc bộ khối đào tạo đại học sư phạm (bao gồm các trường đại học sư phạm, các khoa sư phạm các trường đại học đa ngành); Câu lạc bộ Kế toán trưởng trường đại học, cao đẳng.

Đánh giá về kết quả thực hiện năm 2023 tại cuộc họp, Tiến sĩ Lê Trường Tùng – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khối trường đại học, cao đẳng tư thục, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh, so với cách đây 10 năm, khối trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đã có sự tăng trưởng khá tốt, số lượng trường cũng gấp rưỡi so với trước kia. Tuy nhiên, thực tế, hoạt động của câu lạc bộ mới tập trung vào hoạt động của khối trường đại học, do đó, trong năm 2024, Câu lạc bộ sẽ cải thiện vấn đề này.

Tiến sĩ Lê Trường Tùng cũng mong rằng, các hội thảo của các câu lạc bộ sẽ được tổ chức nhiều hơn, có những nội dung bám sát hơn thực tiễn để đóng góp hiệu quả cho các chiến lược phát triển giáo dục.

Trao đổi tại cuộc họp, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các trường đại học địa phương cho hay, trong năm qua, câu lạc bộ đã có nhiều hoạt động kết nối giữa các trường đại học địa phương với nhau để chia sẻ công tác quản trị và những khó khăn để cùng nhau tháo gỡ.

Bên cạnh những khó khăn chung như các trường đại học, cao đẳng trên cả nước, các trường đại học địa phương vẫn có những khó khăn riêng. Bởi, các trường đại học địa phương phải trông chờ nguồn lực đầu tư của các địa phương. Khi đầu tư về cơ sở vật chất của các tỉnh còn hạn hẹp, nhất là một số năm qua, do ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế của một số địa phương còn thấp nên một số trường đã gặp phải nhiều khó khăn.

Không những vậy, thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ, việc đào tạo sư phạm tại các trường đại học địa phương do ủy ban nhân dân địa phương đặt hàng. Một số nơi với điều kiện kinh tế khó khăn đã không giao chỉ tiêu sư phạm, dẫn tới đội ngũ giảng viên và nhà trường gặp nhiều vướng mắc; các trường đại học địa phương cũng gặp hạn chế trong việc được cấp kinh phí nghiên cứu khoa học công nghệ,…

Chính vì vậy, năm 2024, Câu lạc bộ các trường đại học địa phương sẽ tổ chức Hội thảo Chính quyền địa phương và sự phát triển của các trường đại học trực thuộc. Thầy Dũng mong rằng, sớm được tổ chức cuộc Hội thảo cấp Bộ về vai trò, nhiệm vụ của các trường đại học địa phương, từ đó giao nhiệm vụ là thế mạnh cho các trường đại học địa phương để giúp cho sự phát triển nguồn nhân lực của mỗi địa phương.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phát biểu tại cuộc họp.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phát biểu tại cuộc họp.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh, cuộc họp này nhằm đánh giá kết quả hoạt động trong năm 2023 và kế hoạch triển khai hoạt động năm 2024. Ngoài việc tổng kết những công việc mà các câu lạc bộ đã làm để từ đó rút ra kinh nghiệm, bài học, đưa ra hướng đi cho các câu lạc bộ hoạt động tốt hơn. Cùng với đó, có nhiều ý kiến, đóng góp, đề xuất thiết thực cho hoạt động của Hiệp hội, và thông qua Hiệp hội đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Chính phủ về các chính sách, chiến lược để góp phần phát triển giáo dục

Tường San