Khóa 1 chỉ tuyển được 345 chỉ tiêu, lãnh đạo Trường Đại học CMC nêu lý do

28/12/2023 06:24
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm học 2022-2023, chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 725 nhưng chỉ tuyển được 345 sinh viên trên tổng số hơn 7.000 hồ sơ xét tuyển. 

Ngày 26/7/2022, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Á Châu chính thức được Thủ tướng Chính phủ cho phép đổi tên thành Trường Đại học CMC. Đây là trường đại học thuộc Tập đoàn Công nghệ CMC do Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan là Chủ tịch danh dự hội đồng trường; ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghệ CMC là Chủ tịch Hội đồng trường; Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bình là Hiệu trưởng.

Nhà trường bắt đầu tuyển sinh khóa 1 vào năm 2022. Hiện, trụ sở chính của trường tọa lạc ở số 11 Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.

Có ngành chỉ tuyển được 28% chỉ tiêu

Theo đề án tuyển sinh năm 2023 của Trường Đại học CMC được công bố ngày 27/1/2023 có tổng hợp chỉ tiêu tuyển sinh và số sinh viên trúng tuyển nhập học 2 năm gần nhất cho thấy năm học 2022-2023, tất cả các ngành của nhà trường đều không tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Cụ thể:

Năm học 2022-2023, chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học CMC là 725 nhưng chỉ có 345 sinh viên trúng tuyển nhập học trên tổng số hơn 7.000 hồ sơ xét tuyển. Theo đó, ngành Công nghệ thông tin chỉ tiêu nhà trường được phê duyệt là 250 nhưng chỉ có 129 thí sinh trúng tuyển nhập học (thiếu 121 chỉ tiêu, tương đương 48,4%).

Ngành Quản trị kinh doanh chỉ tiêu của trường là 250 nhưng chỉ có 97 thí sinh trúng tuyển nhập học (thiếu 153 chỉ tiêu, tương đương 61,2%).

Ngành Thiết kế đồ họa chỉ tiêu của trường là 75 nhưng chỉ có 44 thí sinh trúng tuyển nhập học (thiếu 31 chỉ tiêu, tương đương 41,3%).

Năm học 2022-2023, tất cả các ngành của nhà trường đều không tuyển sinh đủ chỉ tiêu. (Ảnh chụp màn hình)

Năm học 2022-2023, tất cả các ngành của nhà trường đều không tuyển sinh đủ chỉ tiêu. (Ảnh chụp màn hình)

Ngành Ngôn ngữ Nhật chỉ tiêu của trường là 75 nhưng chỉ có 21 thí sinh trúng tuyển nhập học (thiếu 54 chỉ tiêu, tương đương 72%).

Ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc chỉ tiêu của trường là 75 nhưng chỉ có 54 thí sinh trúng tuyển nhập học (thiếu 21 chỉ tiêu, tương đương 28%).

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hồ Như Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học CMC cho hay: Về đào tạo, ngay từ khóa 1, nhà trường xác định chất lượng đào tạo là mục tiêu quan trọng nhất và đảm bảo chất lượng đào tạo là nhiệm vụ quan trọng nhất.

Điều đó thể hiện ở việc, một mặt duy trì các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục cao hơn các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, về cả đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ đào tạo. Mặt khác ưu tiên tuyển chọn thí sinh đầu vào ở mức khá giỏi trở lên, đặc biệt là đối với các ngành công nghệ kỹ thuật.

“Trong những năm đầu, nhà trường sẵn sàng chấp nhận tuyển sinh dưới chỉ tiêu, tức là tuyển dưới năng lực đào tạo, để không thỏa hiệp hay đánh đổi chất lượng. Minh chứng là trường nằm trong top đầu về điểm chuẩn trong cả 2 kỳ xét tuyển vào đại học năm 2022 và năm 2023. Nói cách khác, vì mục tiêu chất lượng mà trường chấp nhận một số ngành có kết quả tuyển sinh dưới chỉ tiêu công bố”, thầy Hải bày tỏ.

Cũng theo thầy Hải, nhằm thu hút sinh viên giỏi, nhà trường tập trung vào 3 yếu tố bao gồm: chính sách học bổng toàn khóa, chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế và học kỳ thực tập theo mô hình On-the-Job-Training tại các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Công nghệ CMC, Samsung...

“Nói thêm về chính sách học bổng toàn khóa, đó là chương trình học bổng “CMC - Vì bạn xứng đáng” với giá trị lên đến 92 tỷ đồng, được tài trợ bởi Tập đoàn Công nghệ CMC. Theo đó, các thí sinh có thành tích học tập xuất sắc, đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi và kỳ thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh/thành phố, quốc gia, quốc tế có cơ hội giành các suất học bổng có giá trị tương đương 50, 70, 100% học phí toàn khóa học.

Ngoài ra, trong năm học 2022-2023 và 2023-2024, xét bối cảnh kinh tế khó khăn hậu covid-19, nhà trường đã ban hành chính sách ưu đãi giảm 30% học phí, được tài trợ bởi Tập đoàn Công nghệ CMC. Đây là một trong những chính sách thu hút và hỗ trợ sinh viên của Tập đoàn Công nghệ CMC và Trường Đại học CMC”, thầy Hải thông tin.

Thầy Hồ Như Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học CMC. (Ảnh: website nhà trường)

Thầy Hồ Như Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học CMC. (Ảnh: website nhà trường)

Quy mô đào tạo tăng khá nhanh

Năm học 2023-2024, Trường Đại học CMC được phê duyệt tuyển sinh 1.300 sinh viên (tăng 575 chỉ tiêu, tương đương tăng 79,3%). Trong đó, ngành Quản trị kinh doanh (500 chỉ tiêu), ngành Công nghệ thông tin (550 chỉ tiêu), ngành Thiết kế đồ họa (100 chỉ tiêu), ngành Ngôn ngữ Nhật (75 chỉ tiêu) và ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc (75 chỉ tiêu).

Theo báo cáo 3 công khai từ năm học 2022-2023 đến năm học 2023-2024, quy mô đào tạo của trường tăng khá nhanh ở tất cả các khối ngành. Trong đó khối ngành V tăng nhanh nhất.

Quy mô đào tạo của nhà trường 2 năm học gần nhất.

Quy mô đào tạo của nhà trường 2 năm học gần nhất.

Căn cứ vào bảng số liệu trên có thể thấy nếu như năm học 2022-2023, khối ngành V chỉ có 129 sinh viên thì đến năm 2023-2024 số sinh viên của khối ngành này đã tăng lên 541 sinh viên (tăng 412 sinh viên, tương đương tăng 319,4%).

Chia sẻ về tình hình tuyển sinh năm học 2023-2024 của Trường Đại học CMC, thầy Hải cho hay: "Năm 2023, Trường Đại học CMC tuyển sinh được 947 sinh viên với 6 ngành đào tạo, tăng gần gấp 3 lần so với 2022 và tăng mạnh ở nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin (ngành Công nghệ thông tin và ngành Khoa học máy tính).

Điều này hoàn toàn phù hợp với thế mạnh về công nghệ của Tập đoàn Công nghệ CMC và Trường Đại học CMC. Đối với một trường đại học mới, đây là một tín hiệu đáng mừng, thể hiện niềm tin của xã hội dành cho trường".

Cũng theo thầy Hải, năm 2024 nhà trường dự kiến tuyển sinh 1.300 chỉ tiêu với 8 ngành đào tạo bao gồm: Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, Quản trị kinh doanh, Thiết kế đồ họa, Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Hàn Quốc, Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông (định hướng đào tạo theo chuẩn quốc tế về thiết kế vi mạch bán dẫn hay IC Design) và Marketing (tập trung vào Digital Marketing), trong đó hai ngành sau là hai ngành mới, tuyển sinh từ năm học 2024.

"Chúng tôi cũng tin tưởng rằng trong năm 2024 Trường Đại học CMC sẽ có sự tăng trưởng đột phá đối với nhóm ngành công nghệ. Việc ký kết hợp tác với các đối tác lớn như Synopsys (Tập đoàn chip khổng lồ của Mỹ) hay KCG (Tập đoàn giáo dục có trụ sở tại Kyoto, là nơi đầu tiên đào tạo Công nghệ thông tin tại Nhật Bản từ năm 1963) đã khẳng định tầm nhìn và cam kết của trường về đào tạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ.

Đối với các lĩnh vực khác, nhà trường đều áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế vào thiết kế chương trình đào tạo, như ACBSP đối với các ngành Quản trị kinh doanh và Marketing; AUN-QA đối với các ngành khác.

Cho đến thời điểm hiện tại Trường Đại học CMC đã dừng nhận hồ sơ tuyển sinh cho năm 2023 và đang trong công tác chuẩn bị cho các đợt tuyển sinh năm 2024", thầy Hải thông tin

Mô hình đại học số đầu tiên của Việt Nam

Cũng theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học CMC, với vai trò là mô hình đại học số đầu tiên của Việt Nam, Trường Đại học CMC đã và đang triển khai hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, phục vụ công tác dạy và học, quản trị nhà trường và nghiên cứu khoa học.

100% các hệ thống được triển khai trên nền điện toán đám mây. Các nhóm sáng kiến đại học số giúp cho sinh viên có những trải nghiệm trọn vẹn trong thế giới số, ứng dụng công nghệ mới trong giảng dạy như e-learning, phòng thực hành lập trình ảo hóa… cung cấp các dịch vụ số cho sinh viên bao gồm quy trình thủ tục, thi cử đánh giá, điểm danh trực tuyến, hệ thống học liệu điện tử và tra cứu trực tuyến, hệ thống mượn trả sách hoàn toàn tự động (thư viện không thủ thư).

Môi trường học tập được trang bị các tiện ích công nghệ hiện đại như: hệ thống nhận diện khuôn mặt, đo thân nhiệt, phát hiện hành vi bất thường, camera 360 tự động quét và cảnh báo an toàn trong các tòa nhà, giảng đường.

Trường Đại học CMC hoạt động theo mô hình đại học số đầu tiên tại Việt Nam. (Ảnh: website nhà trường)

Trường Đại học CMC hoạt động theo mô hình đại học số đầu tiên tại Việt Nam. (Ảnh: website nhà trường)

Hệ thống thẻ sinh viên thông minh không chạm sử dụng công nghệ NFC với bộ nhận diện thương hiệu CMC University. Cổng thông tin giảng đường thời gian thực cho phép giảng viên, sinh viên có thể tra cứu tình trạng của các phòng học hiện thời. Ứng dụng EMS sinh viên trên điện thoại thông minh, máy tính bảng cho phép sinh viên tra cứu được thông tin học tập mọi lúc mọi nơi.

Bên cạnh đó, Trường Đại học CMC đang ứng dụng các công cụ học máy, trí tuệ nhân tạo và internet vạn vật để triển khai các hệ thống hỗ trợ người học như trợ lý ảo AI chat bot, hệ thống phân tích dữ liệu học tập để cá nhân hóa người học nhằm tăng tính hiệu quả cho hoạt động dạy học và tăng chất lượng đào tạo.

Ngoài ra, hệ thống phòng học thực hành tiêu chuẩn quốc tế hỗ trợ đắc lực cho sinh viên các ngành công nghệ thông tin, điện tử viễn thông thực hành với các thiết bị thiết kế chip, vi mạch tiên tiến, có bản quyền của hãng Synopsys.

Theo quy định phân chia khối ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các khối ngành đào tạo của Trường Đại học CMC như sau:

Khối ngành II: Thiết kế đồ họa, Thiết kế thời trang.

Khối ngành III: Quản trị kinh doanh.

Khối ngành V: Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính.

Khối ngành VII: Ngôn ngữ Nhật Bản, Ngôn ngữ Hàn Quốc.

Nhật Lệ