Học viện Hàng không Việt Nam: Có năm tuyển vượt, có năm tuyển không đủ chỉ tiêu

09/11/2023 06:38
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm học 2022-2023, tổng chỉ tiêu của học viện là 2120 nhưng chỉ có 1696 sinh viên trúng tuyển nhập học. Tất cả các ngành trường đều không tuyển đủ chỉ tiêu.

Học viện Hàng không Việt Nam là cơ sở giáo dục đại học đầu ngành trong hệ thống giáo dục đại học của cả nước về lĩnh vực hàng không dân dụng, giữ vai trò quan trọng trong việc đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực cho ngành hàng không Việt Nam.

Học viện Hàng không Việt Nam thực hiện sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học, tư vấn và chuyển giao công nghệ ngành hàng không và các ngành kinh tế kỹ thuật khác đạt tiêu chuẩn quốc tế cho Việt Nam và các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, theo đề án tuyển sinh của Học viện Hàng không Việt Nam được công bố ngày 7/2/2023, có sự chênh lệch khá lớn giữa chỉ tiêu tuyển sinh và số sinh viên trúng tuyển nhập học (số liệu thống kê 2 năm gần nhất).

Học viện Hàng không Việt Nam. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Học viện Hàng không Việt Nam. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Năm tuyển vượt, năm tuyển không đủ chỉ tiêu

Năm học 2021-2022, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 960 sinh viên. Trong đó, chỉ tiêu tập trung chủ yếu ở khối ngành III với 440 sinh viên (chiếm 45,8%). Cũng tại năm học này, có khá nhiều ngành học viện tuyển sinh vượt chỉ tiêu như:

Ngành Công nghệ thông tin chỉ tiêu của trường được phê duyệt là 100 nhưng có tới 111 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 11 sinh viên, tương đương vượt 11%).

Ngành Kỹ thuật hàng không, chỉ tiêu của trường được phê duyệt là 50 nhưng có 56 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 6 sinh viên, tương đương 12%).

Ngành Ngôn ngữ Anh chỉ tiêu của trường được phê duyệt là 100 nhưng có 114 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 14 sinh viên, tương đương 14%).

Ngành Quản lý hoạt động bay chỉ tiêu của trường là 50 nhưng có 53 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 3 sinh viên, tương đương 6%).

Một số ngành Học viện Hàng không Việt Nam tuyển sinh vượt chỉ tiêu ở năm học 2021-2022.
Một số ngành Học viện Hàng không Việt Nam tuyển sinh vượt chỉ tiêu ở năm học 2021-2022.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Minh Tùng - Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Học viện Hàng không Việt Nam cho hay:

Năng lực đào tạo được xác định theo văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT, ngày 12/06/2023 về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, dựa vào các tiêu chí như số lượng giảng viên, trình độ giảng viên, diện tích sàn xây dựng, cơ sở vật chất… được quy đổi sang số lượng sinh viên tối đa trên 1 giảng viên quy đổi (20 sinh viên/ giảng viên hoặc 25 sinh viên/ giảng viên tùy theo từng ngành), diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo không thấp hơn 2,8m2/ sinh viên.

"Chỉ tiêu tuyển sinh mà trường xác định dựa trên nhu cầu xã hội thông qua khảo sát thị trường lao động và ý kiến phản hồi của các doanh nghiệp cũng như căn cứ vào các tiêu chí trên.

Thực tế, năng lực đào tạo của Học viện Hàng không Việt Nam đối với các ngành này cao hơn rất nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh đã đề ra trong năm học 2021-2022. Cho nên dù trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu nhưng chỉ tiêu ấy vẫn thấp hơn nhiều so với năng lực đào tạo của cơ sở. Vì thế, việc tuyển vượt chỉ tiêu không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo", thầy Tùng thông tin.

Bên cạnh nhiều ngành tuyển sinh vượt chỉ tiêu thì năm học 2021-2022, ngành Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa nhà trường chỉ tuyển được hơn một nửa chỉ tiêu. Cụ thể, chỉ tiêu của trường được phê duyệt là 180 nhưng chỉ có 91 sinh viên trúng tuyển nhập học (chiếm 50,5%).

Đến năm học 2022-2023, tổng chỉ tiêu của Học viện Hàng không Việt Nam là 2.120 nhưng chỉ có 1.696 sinh viên trúng tuyển nhập học. Đáng chú ý, năm học này tất cả các ngành, nhà trường đều không tuyển sinh đủ chỉ tiêu theo đề án được phê duyệt.

Một số ngành học viện tuyển sinh thiếu chỉ tiêu khá nhiều phải kể đến như: Quản trị kinh doanh chỉ tiêu của trường là 440 nhưng chỉ có 365 sinh viên trúng tuyển nhập học (thiếu 75 chỉ tiêu, tương đương 17,5%).

Ngành Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa chỉ tiêu của trường là 180 nhưng chỉ có 107 sinh viên trúng tuyển nhập học (thiếu 73 chỉ tiêu, tương đương 40,5%).

Ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành chỉ tiêu của trường là 180 nhưng chỉ có 113 sinh viên trúng tuyển nhập học (thiếu 67 chỉ tiêu, tương đương 37,2%).

Năm học 2022-2023, tất cả các ngành của Học viện Hàng không Việt Nam đều không tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Ảnh chụp màn hình

Năm học 2022-2023, tất cả các ngành của Học viện Hàng không Việt Nam đều không tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Ảnh chụp màn hình

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến việc tuyển sinh thiếu chỉ tiêu ở tất cả các ngành, thầy Tùng cho hay: Những năm gần đây, xu hướng chung của xã hội là người học ít đăng ký xét tuyển lĩnh vực kỹ thuật, đặc biệt là các ngành: Xây dựng, Điện tử, Tự động hóa… do thời gian học kéo dài hơn, chương trình học khó hơn, thu nhập sau khi tốt nghiệp thấp hơn và điều kiện làm việc vất vả hơn.

"Chính vì thế, việc tuyển sinh không đủ chỉ tiêu đối với các ngành này xảy ra ở tất cả các trường đại học có đào tạo những ngành đó chứ không riêng gì Học viện Hàng không Việt Nam.

Học viện luôn duy trì điểm trúng tuyển ở mức đảm bảo chất lượng đầu vào. Từ đó có thể đảm bảo chất lượng sinh viên tốt nghiệp đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao. Do vậy, số lượng sinh viên trúng tuyển nhập học ở các ngành này thường ít hơn chỉ tiêu tuyển sinh”, thầy Tùng bày tỏ.

Học sinh Thành phố Hồ Chí Minh tới học viện trải nghiệm làm nhân viên hàng không. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Học sinh Thành phố Hồ Chí Minh tới học viện trải nghiệm làm nhân viên hàng không. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Ngoài ra, theo thầy Tùng một nguyên nhân khác khiến Học viện Hàng không Việt Nam không tuyển sinh đủ chỉ tiêu ở tất cả các ngành là tỷ lệ thí sinh ảo rất cao. Do vậy, nhà trường khó kiểm soát đúng chỉ tiêu tuyển sinh và số sinh viên trúng tuyển nhập học.

“Theo Nghị định số 04/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, các trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu 3% sẽ bị phạt hành chính kèm theo biện pháp khắc phục hậu quả là buộc giảm số lượng tuyển sinh năm sau tối thiểu bằng số lượng đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Bên cạnh đó, trường sẽ bị tước quyền tự chủ xác định chỉ tiêu trong vòng 5 năm.

Do vậy, chủ trương của trường đề ra trong năm 2022 là chỉ cần tuyển sinh đạt từ 80% trở lên. Vì thế, trường chỉ gọi thí sinh trúng tuyển vượt từ 5 - 10% chỉ tiêu đã đăng ký. Nhưng do tỉ lệ nhập học ảo khá cao (trường không thể kiểm soát được con số này) nên tất cả các ngành đều không tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Đây cũng là bất cập trong quy trình tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay”, thầy Tùng nhận định.

Cũng theo Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Học viện Hàng không Việt Nam, năm học 2023-2024, chỉ tiêu đại học chính quy của trường là 3.000 sinh viên cho 11 ngành. Học viện đã tuyển được 2.640 sinh viên, đạt tỉ lệ 88%.

Đẩy mạnh công tác thu hút sinh viên

Cũng theo thầy Tùng, học viện đang đẩy mạnh công tác truyền thông, thu hút sinh viên. Cụ thể:

Đối với nhóm ngành hàng không (Quản lý hoạt động bay, Kỹ thuật hàng không) hiện nay học viện luôn tuyển sinh đủ và mức điểm đầu vào khá cao, đảm bảo đáp ứng nhu cầu xã hội trong tương lai gần.

Đối với nhóm ngành hỗ trợ cho ngành hàng không (Xây dựng, Điện tử, Tự động hóa), học viện đã có kế hoạch tuyển sinh sớm, tăng cường truyền thông trực tiếp đến địa phương và người học, tuyển sinh đủ số lượng phù hợp với nhu cầu xã hội trong thời gian tới.

Ngoài ra, học viện tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức cho các em học sinh tham quan trải nghiệm các phòng thực hành thực tập; tăng cường tổ chức các buổi gặp mặt giữa người học và đại diện doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không để sinh viên hiểu hơn về ngành nghề, các vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp…

Công tác hợp tác quốc tế của học viện ngày càng được mở rộng, phát triển đa dạng và thu được hiệu quả thiết thực, góp phần tạo dựng uy tín, thương hiệu của học viện trong cộng đồng các trường đào tạo chuyên ngành hàng không tại khu vực.

Ngoài ra, học viện đã chủ động, tích cực tham gia các hoạt động xã hội hướng về cộng đồng thông qua các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên cơ sở và hội sinh viên như: Hỗ trợ giáo dục vùng sâu, vùng xa; Xây dựng quỹ học bổng cho học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; Tham gia tích cực trong việc xây và tặng các nhà tình thương, tình nghĩa cho những gia đình nghèo và những gia đình có công với cách mạng; Quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt và bị tai nạn rủi ro; Hiến máu nhân đạo và tổ chức các phong trào thanh niên tình nguyện...

Nhà trường cũng hi vọng thông qua nỗ lực này, tỷ lệ sinh viên trúng tuyển nhập học sẽ cao hơn, đảm bảo đủ chỉ tiêu được phê duyệt.

Theo quy định phân chia khối ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các khối ngành đào tạo của Học viện Hàng không Việt Nam như sau:

Khối ngành III: Quản trị kinh doanh, Quản trị nhân lực (thêm 2021-2022)

Khối ngành V: Kỹ thuật hàng không; Công nghệ kỹ thuật điện tử, viễn thông; Công nghệ kỹ thuật điều khiển & Tự động hóa; Công nghệ thông tin.

Khối ngành VII: Quản lý hoạt động bay, Ngôn ngữ Anh, thêm 2021-2022 Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Kinh tế vận tải.

Nhật Lệ