Lệ phí thi VSTEP rẻ, phù hợp với điều kiện kinh tế của người Việt Nam
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, áp dụng cho kỳ thi năm 2024 với một số điểm mới đáng chú ý.
Theo dự thảo, thí sinh có 17 loại chứng chỉ ngoại ngữ thuộc 6 thứ tiếng có thể được miễn thi và được công nhận đạt điểm 10 môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024. Đặc biệt, bên cạnh những chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, năm 2024, thí sinh có chứng chỉ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (VSTEP) dự kiến cũng sẽ được miễn thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ.
Trước điểm mới trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Quỳnh Trang - nguyên Phó Trưởng bộ môn chất lượng cao Khoa Sư phạm Tiếng Anh - Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) bày tỏ, chứng chỉ VSTEP có thể phản ánh phần nào khả năng giao tiếp và đọc hiểu tiếng Anh của thí sinh, thúc đẩy sự đa dạng trong phương pháp giảng dạy và học tập.
Ảnh minh họa: Ngọc Mai |
Theo cô Quỳnh Trang, việc công nhận chứng chỉ tiếng Anh "nội" như VSTEP trong việc miễn thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ có thể mang lại nhiều lợi ích.
Trước hết, việc học tập, ôn luyện để thi chứng chỉ này tiết kiệm chi phí hơn cho người học so với việc tham gia các khóa học tiếng Anh quốc tế vốn có chi phí không hề rẻ, nên sẽ giảm áp lực tài chính cho người học và gia đình.
Bên cạnh đó, việc công nhận chứng chỉ VSTEP trong việc miễn thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ cũng góp phần khuyến khích học sinh học tiếng Anh nhiều hơn. Bởi, việc có một mục tiêu rõ ràng để đạt được số điểm yêu cầu của chứng chỉ VSTEP có thể là động lực lớn để các em nỗ lực hơn trong việc học tiếng Anh.
“Bằng kinh nghiệm giảng dạy của mình, tôi nhận thấy rõ áp lực tài chính đối với học sinh khi có nhu cầu học tập, ôn luyện để thi đạt được các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.
Do đó, nếu chứng chỉ VSTEP được công nhận như trong dự thảo, học sinh sẽ tránh được việc phải chi trả mức chi phí cao của các khóa học tiếng Anh quốc tế, điều này không chỉ giúp các em tiết kiệm tài chính mà còn tạo điều kiện cho việc học tiếng Anh trở nên phổ biến hơn", cô Quỳnh Trang nhấn mạnh.
Cùng đồng tình với quan điểm trên, thầy Ngô Huy Tâm - Chủ nhiệm Chương trình Quốc tế, Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa cho rằng, kỳ thi VSTEP đánh giá năng lực tiếng Anh vốn có nhiều thuận lợi đối với các thí sinh tham gia bởi tính phù hợp với người Việt Nam.
Cụ thể, kỳ thi này được thiết kế dựa trên Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam từ kết quả nghiên cứu về nhu cầu sử dụng tiếng Anh của người Việt trong các lĩnh vực khác nhau (giáo dục, đào tạo, công việc, đời sống).
Các thang bậc đánh giá cũng được đề xuất cụ thể cho các nhóm đối tượng, ngành nghề cần thiết phải sử dụng ngôn ngữ Anh.
Chính việc được xây dựng và quản lý bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo theo các tiêu chuẩn quốc tế; các tiêu chí đánh giá rõ ràng và minh bạch; quy trình tổ chức thi và chấm thi thực hiện nghiêm túc đã giúp VSTEP đảm bảo về tính tin cậy và chính xác của kết quả thi.
Bên cạnh đó, kỳ thi này cũng đánh giá cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, đáp ứng nhu cầu sử dụng tiếng Anh của người học trong nhiều lĩnh vực khác nhau; được tổ chức thường xuyên, với nhiều địa điểm thi thuận lợi cho người học tại các đơn vị tổ chức giáo dục uy tín là các trường đại học đã giúp thí sinh có nhiều cơ hội để tham gia thi, đánh giá trình độ tiếng Anh của bản thân trên phạm vi toàn quốc; tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại.
Ngoài ra, với mức lệ phí thi chỉ dao động từ 1.200.000 đến 1.800.000 đồng là tương đối hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế của người Việt Nam so với các kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh khác như IELTS, TOEFL,…
Hơn nữa, việc sử dụng chứng chỉ VSTEP để miễn thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ cũng thể hiện sự quan tâm của xã hội nhiều hơn đối với việc học tiếng Anh.
Còn theo thầy Phạm Quang Tú - nhà sáng lập Nền tảng luyện thi Prep, đây sẽ là xu hướng tích cực khi nội địa có kỳ thi ngoại ngữ tốt để thí sinh có thêm một lựa chọn sao cho phù hợp với hoàn cảnh, tài chính và điều kiện ôn luyện của bản thân. Đặc biệt là độ “sẵn có” về tài liệu ôn tập, lượng đề thi thử, số lượng giáo viên, trung tâm tổ chức ôn luyện,... ở từng tỉnh thành và khu vực của VSTEP sẽ là thuận lợi rất lớn cho người các thí sinh tham gia.
Cần đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong quá trình thi, đánh giá của VSTEP
Bên cạnh những thuận lợi mang lại, cô Quỳnh Trang cho rằng, để đảm bảo tính công bằng, minh bạch, cần phải chú ý đến các nhược điểm có thể phát sinh, đặc biệt là về chất lượng của chứng chỉ VSTEP.
Theo đó, nếu dự thảo trên được thông qua, cần đảm bảo chứng chỉ VSTEP thực sự đo lường đúng khả năng của thí sinh cũng như đáp ứng được các tiêu chí chất lượng quốc gia.
Để làm được việc này, cần đảm bảo trong các khâu ra đề, kiểm định chất lượng, tổ chức thi, quá trình đánh giá,... của chứng chỉ VSTEP đạt chuẩn chất lượng, có sự minh bạch và minh chứng từ cộng đồng giáo dục.
Thầy Ngô Huy Tâm cũng bày tỏ, ngành giáo dục cần kiện toàn, xây dựng cơ chế giám sát hoạt động tổ chức thi để giữ được tính minh bạch và đạt các tiêu chuẩn cao nhất của các khâu tổ chức, quản trị bảo mật dữ liệu đối với kỳ thi VSTEP.
Để tạo bước đột phá, cần tránh những thiếu sót từ kinh nghiệm lịch sử về việc cấp các chứng chỉ ngoại ngữ để VSTEP được thực sự liêm chính và tạo được uy tín, niềm tin trong cộng đồng, xã hội.
"Việc đưa một kỳ thi chuẩn hóa làm thang đo chính thức trong một chính sách giáo dục nào đó tất yếu sẽ tạo ra một thị trường dịch vụ giáo dục luyện thi.
Đây là điều mà các nhà quản lý, các nhà giáo dục cần lưu tâm để đảm bảo các tiêu chuẩn đào tạo, ôn luyện cho học sinh trên toàn quốc tương tự như đối các kỳ thi chuẩn hóa quốc tế khác", thầy Tâm chia sẻ.