Có VSTEP, học sinh được miễn thi ngoại ngữ: Lãnh đạo trường THPT chuyên nói gì?

26/12/2023 06:24
Kim Minh Châu
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đưa chứng chỉ VSTEP vào danh mục các chứng chỉ được xét miễn thi tốt nghiệp của học sinh giúp khẳng định được vị thế của chứng chỉ trong nước.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố Dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, áp dụng cho kỳ thi năm 2024. Dự thảo sửa đổi, bổ sung này ban hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 5 năm 2020, được sửa đổi bổ sung bởi thông tư 05/2021/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 3 năm 2021 và Thông tư 06/2023/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 3 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chứng chỉ “nội” ngày càng khẳng định được vị thế

Tại Điều 3 về “Bài thi” của dự thảo sửa đổi, bổ sung có quy định như sau: “Thí sinh được đăng ký dự thi môn Ngoại ngữ khác với môn Ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông; thí sinh là học viên giáo dục thường xuyên được đăng ký dự thi bài thi ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh đại học, cao đẳng”. Trong đó, các môn Ngoại ngữ mà thí sinh có thể lựa chọn là tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức, tiếng Nhật và tiếng Hàn.

Theo bản Dự thảo, thí sinh có chứng chỉ VSTEP sẽ được miễn thi ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông.

Theo bản Dự thảo, thí sinh có chứng chỉ VSTEP sẽ được miễn thi ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thủy – Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) cho biết: “Từ năm học 2023, việc tự chọn đăng ký dự thi môn ngoại ngữ khác với môn ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông đã được áp dụng (theo Công văn 1515/BGDĐT-QLCL năm 2023 hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023).

Cá nhân tôi thấy đây là quy định tốt và phù hợp trong bối cảnh thực tế. Bởi hiện nay, ngoài tiếng Anh là môn ngoại ngữ được giảng dạy trong chương trình học tại bậc trung học phổ thông, nhu cầu về việc học thêm các môn ngoại ngữ khác của học sinh là có thật và ngày càng lớn.

Nhu cầu học ngoại ngữ này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhằm đáp ứng nhiều mục tiêu khác nhau của học sinh như đi thi lấy chứng chỉ, đăng ký học bổng đi du học, đi xuất khẩu lao động,… Vì vậy, ngoài tiếng Anh, việc học sinh chủ động học tập thêm các môn Ngoại ngữ khác hay đăng ký môn ngoại ngữ khác này làm môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là điều hợp lý và là một động lực để thúc đẩy khả năng tự học ngoại ngữ của các em”.

Nghiên cứu dự thảo, thầy Bùi Văn Đường – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Hoàng Văn Thụ (tỉnh Hòa Bình) cũng nhận định: “Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, vai trò của việc học ngoại ngữ ngày càng được chú trọng và nâng cao, giúp học sinh có thể tiếp cận được với nhiều nền văn hóa cũng như cơ hội việc làm, ứng dụng được vào công việc, cuộc sống...”.

Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa được công bố này, thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ Tiếng Anh bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (VSTEP) sẽ được miễn thi ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông.

Đây là lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa chứng chỉ VSTEP – một chứng chỉ “nội” vào danh mục chứng chỉ xét miễn thi môn ngoại ngữ cho học sinh. Trong khi trước đó, danh mục các chứng chỉ được công nhận để miễn thi môn ngoại ngữ chỉ có chứng chỉ quốc tế.

Thầy Bùi Văn Đường – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Hoàng Văn Thụ ủng hộ việc công nhận chứng chỉ VSTEP để thí sinh được miễn thi môn ngoại ngữ. Ảnh: NVCC

Thầy Bùi Văn Đường – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Hoàng Văn Thụ ủng hộ việc công nhận chứng chỉ VSTEP để thí sinh được miễn thi môn ngoại ngữ. Ảnh: NVCC

Thầy Bùi Văn Đường nêu quan điểm, dù là chứng chỉ trong nước hay nước ngoài, miễn là chứng chỉ này đã được các cơ sở kiểm định, cấp phép nhằm đảm bảo đúng tiêu chuẩn chất lượng thì chứng chỉ đó đều có giá trị.

Chứng chỉ Ngoại ngữ Tiếng Anh bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (VSTEP) cũng hoàn toàn có thể đánh giá được đúng trình độ năng lực của người học, không thua kém gì chứng chỉ của nước ngoài. Vì vậy, nếu đưa được chứng chỉ này vào danh sách thì là một điều tốt, tạo cơ hội nhiều hơn cho các em học sinh.

Đồng ý kiến với thầy Đường, cô Nguyễn Thị Thanh Thủy khẳng định: “Hiện nay học sinh có điều kiện được tiếp cận với nhiều chứng chỉ nước ngoài, điển hình là IELTS. Tuy nhiên, quá trình học tập, ôn luyện chứng chỉ này sẽ rất vất vả, mất nhiều thời gian và kinh phí lớn. Hơn nữa, khả năng đạt được thang điểm cao sẽ rất khó khăn.

Việc đưa chứng chỉ ngoại ngữ Tiếng Anh bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (VSTEP) vào là phù hợp với năng lực, trình độ của học sinh trung học phổ thông. Đồng thời, đây cũng là một điều kiện thuận lợi cho học sinh trong quá trình học tập ngoại ngữ.

Đặc biệt, việc đưa chứng chỉ VSTEP vào danh mục các chứng chỉ được xét miễn thi tốt nghiệp của học sinh còn ngày càng khẳng định được vị thế của chứng chỉ trong nước”.

Dạy và học ngoại ngữ - vẫn còn nhiều thách thức

Bên cạnh những mặt tích cực trong việc thúc đẩy khả năng tự học ngoại ngữ của học sinh, các thầy/cô giáo cũng có chung nhận định về những khó khăn, thách thức trong việc dạy và học ngoại ngữ.

Chia sẻ về tình trạng học ngoại ngữ ở địa phương, cô giáo Nguyễn Thị Thúy – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) cho biết, hiện nay, hơn 80% học sinh theo học tại trường là con em vùng dân tộc thiểu số, nên môn Tiếng Anh là một môn học khá khó so với các em. Hàng năm, mặc dù trường đã tổ chức đón các tình nguyện viên về thúc đẩy hoạt động học Tiếng Anh của học sinh, nhưng tình trạng này vẫn chưa có nhiều cải thiện.

Phong trào học ngoại ngữ của học sinh ở đây chưa cao, học sinh cũng ít điều kiện học các môn ngoại ngữ nào khác ngoài học tiếng Anh theo chương trình ở trường. Vì vậy, khả năng sẽ không có học sinh lựa chọn môn học ngoại ngữ khác.

“Đây là tình trạng chung của nhiều trường ở địa phương hiện nay. Các trường thường chỉ dạy môn ngoại ngữ duy nhất là Tiếng Anh. Còn những trường dạy thêm các môn ngoại ngữ khác phần lớn là những trường trung học phổ thông chuyên của tỉnh/thành phố. Số lượng các trường này cũng không nhiều, mỗi tỉnh, thành phố chỉ có 1 – 2 trường” – cô Thúy nói.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, Trường Trung học phổ thông Chuyên Hoàng Văn Thụ là trường đang giảng dạy nhiều lớp chuyên Ngoại ngữ như: Chuyên tiếng Anh, Chuyên tiếng Pháp, Chuyên tiếng Trung Quốc, Chuyên tiếng Nga.

Theo chia sẻ của thầy Bùi Văn Đường, so với các ngoại ngữ khác, việc giảng dạy và học tập môn tiếng Anh của trường có nhiều điều kiện thuận lợi hơn. Vì trong chương trình giáo dục hiện nay, học sinh đã được tiếp cận với môn học này từ những cấp học trước đó. Việc đã có nền tảng từ những cấp học trước sẽ giúp học sinh khi học nâng cao lên cũng đỡ vất vả hơn. Bên cạnh đó, vì đây cũng là môn học khá thông dụng, nên đội ngũ giáo viên cũng có nhiều thuận lợi hơn.

Còn những môn như tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp hay tiếng Nga,… lại không phải là những môn học ngoại ngữ phổ biến được giảng dạy ở các cấp học Việt Nam. Học sinh khi bước chân vào trường (nếu không đi học thêm ở ngoài trước đó) gần như sẽ bắt đầu lại từ đầu.

“Bên cạnh đó, số lượng giáo viên để đáp ứng hết nhu cầu lựa chọn học ngoại ngữ (Tiếng Pháp, Tiếng Nga, Tiếng Hàn…) còn nhiều thiếu, thậm chí là không có. Đặc biệt, ở nhiều địa phương trong cả nước, số lượng học sinh lựa chọn học những lớp chuyên ngoại ngữ này là không nhiều. Việc thu hút giáo viên ở các thành phố lớn về giảng dạy ngoại ngữ ở những địa phương này còn gặp nhiều khó khăn bởi lẽ thầy cô cho rằng về quê không có nhiều cơ hội phát triển”, thầy Hiệu trưởng cho hay.

Kim Minh Châu