Lương 20 triệu nhưng ngành Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan vẫn ít người học

18/01/2024 06:24
Phạm Thi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo đánh giá của doanh nghiệp, số sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan.

Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan (hay Cảnh quan và kỹ thuật hoa viên) là ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Nông nghiệp. Mặc dù cơ hội công việc triển vọng nhưng hiện nay trường đại học vẫn gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh ngành học này. Doanh nghiệp, nhà trường lo ngại tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của lĩnh vực này.

Nhu cầu nhân lực cao, mức lương có thể đạt 20 triệu đồng/ tháng

Ông Bùi Minh Lắm - cựu sinh viên ngành Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan, Trường Đại học Cần Thơ, hiện là Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kiến An Lộc Đáo cho biết, nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngành học này rất rộng mở. Tuy nhiên để tìm được ứng viên được đào tạo bài bản, đúng chuyên ngành không phải là điều dễ dàng bởi hiện tại, số sinh viên tốt nghiệp vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng thực tế.

Ông Bùi Minh Lắm - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kiến An Lộc Đáo. Ảnh: NVCC.

Ông Bùi Minh Lắm - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kiến An Lộc Đáo. Ảnh: NVCC.

Theo ông Lắm, người trẻ chưa thật sự hiểu hết về ngành học Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan, nhiều em không xác định được mục tiêu nghề nghiệp, một số khác có tư tưởng rời khỏi các ngành nông nghiệp vì sợ vất vả, sợ "chân lấm tay bùn" nên việc đảm bảo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này lại càng khó.

"Nếu các em có tư tưởng học xong ra trường chỉ để làm quản lý thì sẽ rất khó để theo đuổi được ngành này. Với vị trí công việc liên quan đến Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan các em phải thật sự yêu nghề, chịu khó, kiên trì, sẵn sàng "dầm mưa dãi nắng". Tôi đánh giá đây là lĩnh vực rất tiềm năng, không thiếu việc làm nhưng chưa được chú trọng nhiều nên vẫn thiếu nhân lực.

Mức lương khởi điểm đối với sinh viên mới ra trường sẽ dao động từ 7-8 triệu đồng/ tháng, các em sẽ được công ty đào tạo thêm các kỹ năng cần thiết để đáp ứng yêu cầu công việc. Khi đã có kinh nghiệm, tay nghề vững thì mức thu nhập có thể tăng lên, đạt 20 triệu đồng/ tháng. Bên cạnh đó, lĩnh vực này cũng có nhiều cơ hội cho các em làm thêm để tăng thu nhập ngoài mức lương chính", ông Bùi Minh Lắm cho hay.

Chia sẻ về ngành học, Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang - Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Cần Thơ nhận định: "Khi đời sống xã hội càng tăng thì nhu cầu hưởng thụ càng cao, trong đó hoa kiểng và cảnh quan môi trường là một trong những yếu tố tinh thần được mọi người lựa chọn để tăng mức hưởng thụ của mình. Để đáp ứng nhu cầu đó mà hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp về hoa kiểng và cảnh quan công trình ra đời làm cho nhu cầu tuyển dụng nhân lực trình độ cao về hoa kiểng và cảnh quan tăng lên đáng kể".

Theo thầy Khang, sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan, người học có khả năng chọn, lai tạo giống, chăm sóc và bảo dưỡng cây xanh, hoa kiểng, thiết kế cảnh quan nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, đáp ứng yêu cầu về thẩm mỹ và trang trí. Do đó, đây là ngành học có phổ việc làm rất phong phú và đa dạng, đặc biệt là rất dễ khởi nghiệp trong lĩnh vực hoa kiểng và thiết kế cảnh quan nội thất, ngoại thất.

Theo thống kê của Trường Đại học Cần Thơ, trong những năm qua hơn 95% sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp. Tuy nhiên, để thành công theo đuổi lĩnh vực này với mức lương cao, ngoài kiến thức chuyên môn tốt còn đòi hỏi người học phải có niềm đam mê với thiên nhiên, có khả năng về thẩm mỹ, có năng khiếu về mỹ thuật và sự sáng tạo để tạo ra được những sản phẩm về hoa kiểng, cảnh quan độc lạ cho xã hội. Tạo ra được những giống hoa kiểng độc lạ, công trình cảnh quan có giá trị nghệ thuật càng cao thì thu nhập càng cao.

Tại Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2021 ngành Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan được đổi tên thành Cảnh quan và kỹ thuật hoa viên. Tiến sĩ Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh lý giải: "Năm 2002, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 2080/QĐ-BGD&ĐT-ĐH ngày 20/5/2002 cho phép trường mở ngành Cảnh quan và kỹ thuật hoa viên.

Năm 2011, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc sắp xếp tên gọi các ngành học, ngành Cảnh quan và kỹ thuật hoa viên đã đổi tên thành Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan. Đến năm 2021, do tăng cường tính tự chủ của các trường đại học, ngành học này trở về với tên gọi ban đầu".

Tiến sĩ Trần Đình Lý. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Trần Đình Lý. Ảnh: NVCC

Thầy Lý cho rằng, đây là ngành học “thời thượng” phù hợp với xu hướng đô thị xanh của thế giới và Việt Nam. Xã hội đang rất cần những kỹ sư ngành Cảnh quan và kỹ thuật hoa viên để góp phần xây dựng những những đô thị xanh thông minh, hiện đại, thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, khi nhu cầu đời sống của người dân ngày càng nâng cao, nhu cầu về cảnh quan, nhà ở, công viên, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cũng theo đó gia tăng mạnh mẽ. Chính vì vậy, sinh viên tốt nghiệp ngành này có rất nhiều cơ hội việc làm tại các đơn vị nhà nước, các doanh nghiệp, tập đoàn bất động sản...

Thầy Lý cho biết thêm, chương trình đào tạo của ngành này tại Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh được thiết kế hướng tới mục tiêu đào tạo nhân lực chất lượng cao, vững lý thuyết, giỏi chuyên môn để có thể đảm nhận các vị trí quản lý trong các đơn vị quản lý nhà nước và các loại hình doanh nghiệp khác chuyên về quy hoạch, thiết kế, thi công, quản lý, bảo dưỡng cảnh quan và sản xuất hoa kiểng.

Thầy Lý chia sẻ: "Các kỹ sư ngành Cảnh quan và kỹ thuật hoa viên không những giỏi chuyên môn mà còn đảm bảo đạo đức nghề nghiệp, có lòng yêu nghề, có kỹ năng làm việc sáng tạo, linh hoạt, thích nghi tốt với sự thay đổi của kỹ thuật và công nghệ cũng như nhu cầu của xã hội".

Công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn

Có thể thấy mặc dù nhu cầu tuyển dụng nhiều và cơ hội việc làm rộng mở nhưng ngành học vẫn chưa thu hút được sinh viên. Về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang cho rằng: "Hiện nay, thông tin chính xác, đầy đủ về ngành học chưa đến được nhiều em học sinh và phụ huynh, khiến cho việc tuyển sinh gặp khó khăn và nguồn nhân lực còn một khoảng cách với nhu cầu xã hội.

Bên cạnh đó, lĩnh vực nông nghiệp không còn là xu hướng lựa chọn của người học, do đó càng ít người học lựa chọn ngành Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan. Thực tế trong những năm qua, số sinh viên trúng tuyển nhập học thường thấp hơn chỉ tiêu tuyển sinh".

Theo số liệu thầy Khang cung cấp, trong 2 năm (2022 và 2023) Trường Đại học Cần Thơ tuyển 80 chỉ tiêu ngành Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan; số sinh viên trúng tuyển nhập học có xu hướng giảm, lần lượt là 64 và 48.

Còn Tiến sĩ Trần Đình Lý cho biết bên cạnh những thuận lợi trong công tác tuyển sinh, đào tạo ngành Cảnh quan và kỹ thuật hoa viên vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc.

"Chương trình đào tạo của ngành được thiết kế có sự phân bổ các tín chỉ học thực hành thực tập hợp lý với mục đích giúp sinh viên tiếp cận với thực tế công việc sau khi ra trường. Chúng tôi cũng nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ của các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức… trong quá trình đào tạo, tạo điều kiện để sinh viên đến tham quan, học tập, thực hành.

Tuy nhiên, nhà trường cũng gặp nhiều khó khăn do ngành học chưa được xã hội, phụ huynh và đặc biệt là các em học sinh nhìn nhận một cách đúng đắn. Nhiều phụ huynh, học sinh hiểu nhầm ngành này tốt nghiệp để trồng rau và trồng hoa. Trên thực tế, kỹ sư Cảnh quan và kỹ thuật hoa viên được đào tạo một cách bài bản để kiến tạo không gian sống xanh, tiện nghi cho cộng đồng, người dân thông qua việc quy hoạch thiết kế không gian đô thị, nhà ở, công trình văn hóa, thi công và bảo dưỡng cảnh quan, hoa viên tạo nên không gian sống hài hòa giữa các yếu tố tự nhiên - nhân tạo đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của xã hội.

Vì vậy, công tác thông tin truyền thông về ngành học vẫn đang là mấu chốt để thay đổi toàn cảnh công tác tuyển sinh và nguồn nhân lực của ngành này", thầy Lý bộc bạch.

Trường đại học nỗ lực tìm giải pháp giải bài toán "ế" chỉ tiêu

Bàn về các giải pháp giúp khắc phục tình trạng "ế" chỉ tiêu, Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang cho hay, Trường Đại học Cần Thơ sẽ tăng cường giới thiệu, quảng bá ngành học. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các hội thảo để kết nối doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, giúp sinh viên tham gia hội thảo để có góc nhìn thực tiễn về nghề nghiệp, tác động đến động lực học tập của các em. Trên cơ sở của hội thảo, nhà trường điều chỉnh chương trình đào tạo gắn với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của xã hội đối với lĩnh vực hoa kiểng và cảnh quan.

Sinh viên Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NTCC.

Sinh viên Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NTCC.

Nhắc đến việc đảm bảo về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giảng viên đào tạo ngành Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan tại Trường Đại học Cần Thơ, thầy Khang bày tỏ: "Nhà trường có đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn và kỹ thuật cao, trong đó có 1 giáo sư, 2 phó giáo sư, 10 tiến sĩ và 5 thạc sĩ. Ngoài ra, trường cũng có 5 phòng thí nghiệm: Sinh lý thực vật, Kỹ thuật rau hoa quả và cảnh quan, Sinh hóa, Sinh hóa tiên tiến, Công nghệ mô và tế bào với trang thiết bị hiện đại, phục vụ cho nhu cầu học tập và nghiên cứu".

Phía Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Trần Đình Lý cho hay, trong thời gian tới, nhà trường sẽ đầu tư tăng cường công tác thông tin truyền thông bằng nhiều cách khác nhau, đẩy mạnh thực hiện các kế hoạch truyền thông. Đồng thời, tiếp tục tham gia quảng bá ngành học trong các ngày hội tuyển sinh và giới thiệu thông tin đến các trường trung học phổ thông.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên của nhà trường hoàn toàn đảm bảo việc đào tạo ngành Cảnh quan và kỹ thuật hoa viên đáp ứng tốt nhu cầu xã hội.

"Trường có không gian xanh rộng lớn được thiết kế bởi chính đội ngũ giảng viên của ngành Cảnh quan và Kỹ thuật hoa viên, hệ thống giảng đường khang trang rộng rãi được trang bị đầy đủ trang thiết bị giảng dạy. Bên cạnh đó là hệ thống thư viện với hàng ngàn đầu sách tham khảo hữu dụng, phòng thí nghiệm hiện đại và vườn ươm rộng phục vụ hoạt động giảng dạy, thực hành, thực tập. Ngoài ra, nhà trường cũng tăng cường hợp tác, liên kết với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ngoài trường trong hoạt động kiến tập của sinh viên", thầy Lý chia sẻ thêm.

Phạm Thi