Quyết định 78/QĐ-TTg ngày 14/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022 - 2030” nêu rõ: Giám sát và đánh giá hoạt động của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục theo đúng quy định của pháp luật.
Thực hiện nhiệm vụ trên, mới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 13/2023/TT-BGDĐT ngày 26/6/2023 quy định việc giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm (sau đây gọi là Thông tư 13).
Trước đó, Dự thảo Thông tư này được công bố từ tháng 10/2021 để lấy ý kiến rộng rãi và từ đó đã được xem xét, tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện để được ban hành và công bố chính thức.
Hiển nhiên đây là một bước tiến quan trọng trên hành trình từng bước khắc phục các bất cập để phát triển và hoàn thiện hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam.
Ảnh minh hoạ: Baochinhphu.vn |
Nhận diện bất cập trong phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam
Một trong những bất cập là ở chỗ cơ sở giáo dục đại học phải tuân theo các quy định về bảo đảm chất lượng bên trong và kiểm định chất lượng bên ngoài; trong khi đó các trung tâm kiểm định chất lượng cho đến nay chỉ phải tuân theo các quy định về điều kiện để được thành lập và hoạt động.
Vấn đề giám sát và đánh giá chất lượng của các trung tâm kiểm định chất lượng chỉ được thực hiện thông qua cơ chế kiểm tra, thanh tra.
Như vậy nếu cách tiếp cận của Việt Nam trong quản lý chất lượng đối với các cơ sở giáo dục đại học đã theo kịp thông lệ quốc tế thì cách tiếp cận của Việt Nam trong quản lý chất lượng các trung tâm kiểm định chất lượng lại không được như vậy.
Đó là vì theo thông lệ quốc tế, việc quản lý chất lượng đối với các trung tâm kiểm định chất lượng cũng phải được thực hiện như đối với các cơ sở giáo dục đại học.
Nghĩa là các trung tâm kiểm định chất lượng cũng phải tuân theo các quy định về bảo đảm chất lượng bên trong đối với trung tâm và các quy định về đánh giá ngoài đối với trung tâm.
Chỉ có thông qua việc thực hiện các quy định này thì trung tâm kiểm định chất lượng mới có cơ sở để thực hiện trách nhiệm giải trình, điều mà Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (Luật số: 34/2018/QH14) đã yêu cầu tại khoản 1 Điều 52 về tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.
Vì vậy vấn đề đặt ra là cần hoàn thiện các quy định đối với trung tâm kiểm định chất lượng để bảo đảm rằng việc quản lý chất lượng đối với các trung tâm này tiếp cận thông lệ quốc tế, qua đó nâng cao niềm tin của các cơ sở giáo dục đại học và các bên có liên quan đối với các quyết định của trung tâm kiểm định chất lượng.
Thông lệ quốc tế đối với việc bảo đảm chất lượng của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục
Về nguyên tắc, các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục cũng phải tuân theo những quy định về bảo đảm chất lượng bên trong và đánh giá ngoài đối với tổ chức đó.
Tuy nhiên, từ những quy định mang tính nguyên tắc đó đến việc tổ chức thực hiện là khá nhiều thách thức.
Đó là các thách thức liên quan đến chính sách; cơ chế và cơ cấu bảo đảm chất lượng bên trong của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục cần được hiểu và thực hiện như thế nào khi mà tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục thường chỉ là các tổ chức với quy mô nhỏ; bên cạnh đó là các thách thức về tiêu chuẩn chất lượng và quy trình đánh giá ngoài phải được xây dựng và thực hiện như thế nào khi tiến hành kiểm định chất lượng các tổ chức này.
Những thách thức trên về cơ bản đã có hướng giải quyết trên phạm vi quốc tế.
Chẳng hạn, trong phạm vi các nước thuộc Liên minh châu Âu thì đó là quy định trong Khung bảo đảm chất lượng châu Âu, viết tắt là ESG 2015.
Theo các quy định này, có 7 tiêu chuẩn đánh giá các tổ chức bảo đảm chất lượng, bao gồm: Hoạt động, chính sách và quy trình bảo đảm chất lượng; Tư cách pháp nhân; Tính độc lập; Phân tích chuyên đề (gồm hoạt động sơ kết, tổng kết để cải thiện, nâng cao chất lượng kiểm định chất lượng); Nguồn lực; Bảo đảm chất lượng bên trong và hoạt động chuyên môn; Định kỳ đánh giá ngoài.
Trong phạm vi các nước ASEAN, đó là các quy định trong Khung bảo đảm chất lượng ASEAN, viết tắt là AQAF.
Theo các quy định này thì việc đánh giá các tổ chức bảo đảm chất lượng trong khu vực ASEAN cần tuân theo 10 nguyên tắc, bao gồm:
1) Sứ mệnh và mục đích của tổ chức bảo đảm chất lượng;
2) Tư cách pháp nhân;
3) Tính độc lập trong hoạt động, đánh giá và ra quyết định;
4) Hệ thống bổ nhiệm Ban Giám đốc chuẩn mực và minh bạch;
5) Các chính sách và thực tế quản lý dựa trên quản trị tốt, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình;
6) Có hệ thống không ngừng cải thiện bên trong theo kịp bước tiến và những đổi mới trong bảo đảm chất lượng;
7) Có nguồn lực đầy đủ và phù hợp;
8) Phối hợp với các bên có liên quan chủ chốt, trong và ngoài nước;
9) Có hệ thống đáng tin cậy trong kiểm soát, kiểm tra và đánh giá mọi quá trình hoạt động;
10) Công khai về các chính sách, quy trình, tiêu chí, tiêu chuẩn và kết quả đánh giá.
Đối sánh với các tiêu chuẩn đánh giá của Việt Nam
Theo Thông tư 13, có 5 tiêu chuẩn đánh giá các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, bao gồm: Tổ chức và quản lý; Đội ngũ lãnh đạo, kiểm định viên, hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục; Cơ sở vật chất trang thiết bị; Hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục; Công khai, minh bạch hoạt động.
Đi sâu vào nội dung cụ thể của các tiêu chuẩn đánh giá có thể thấy bộ tiêu chuẩn đánh giá các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam tương hợp với các tiêu chuẩn đánh giá của ESG 2015 cũng như các nguyên tắc đánh giá của AQAF, như được trình bày trong các Bảng 1 và 2 dưới đây:
Bảng 1: Sự tương hợp giữa các tiêu chuẩn đánh giá của Việt Nam và ESG 2015
Bộ tiêu chuẩn đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng theo ESG2015 |
||||||||
Bộ tiêu chuẩn Việt Nam |
T/T |
TC1 |
TC2 |
TC3 |
TC4 |
TC5 |
TC6 |
TC7 |
TC1 |
ɤ |
ɤ |
ɤ |
ɤ |
Có quy định riêng trong Thông tư 13 |
|||
TC2 |
ɤ |
ɤ |
||||||
TC3 |
ɤ |
ɤ |
||||||
TC4 |
ɤ |
ɤ |
ɤ |
ɤ |
||||
TC5 |
ɤ |
ɤ |
Bảng 2: Sự tương hợp giữa các tiêu chuẩn đánh giá của Việt Nam và AQAF
Các nguyên tắc đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng theo AQAF |
|||||||||||
Bộ tiêu chuẩn Việt Nam |
T/T |
NT1 |
NT2 |
NT3 |
NT4 |
NT5 |
NT6 |
NT7 |
NT8 |
NT9 |
NT10 |
TC1 |
ɤ |
ɤ |
ɤ |
ɤ |
ɤ |
||||||
TC2 |
ɤ |
ɤ |
ɤ |
ɤ |
|||||||
TC3 |
ɤ |
||||||||||
TC4 |
ɤ |
ɤ |
ɤ |
ɤ |
ɤ |
||||||
TC5 |
ɤ |
ɤ |
ɤ |
ɤ |
ɤ |
Qua các bảng đối sánh trên có thể thấy bộ tiêu chuẩn đánh giá các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam tương hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Hiển nhiên đó là một bước tiến quan trọng trong chính sách, pháp luật Việt Nam về bảo đảm chất lượng, qua đó có những tác động tích cực đến sự phát triển của hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học.
Đánh giá các tác động tiềm năng
Việc tổ chức thực hiện thành công Thông tư 13 sẽ đem lại những tác động tích cực, gồm:
Thứ nhất, hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học tiếp cận với trình độ tiến tiến của khu vực và thế giới.
Thứ hai, niềm tin của các bên có liên quan vào chất lượng bảo đảm và kiểm định chất lượng được tăng cường.
Thứ ba, kết quả kiểm định chất lượng đối với cơ sở giáo dục đại học cũng như đối với chương trình đào tạo sẽ có giá trị gia tăng, chí ít ở tầm khu vực.
Thứ tư, vị thế và uy tín của trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục được nâng cao cả trong nước và trong khu vực; trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đạt mức đánh giá cao có thể tham gia đánh giá ngoài trong phạm vi khu vực.
Tuy nhiên, cần chú ý rằng việc thực hiện đánh giá theo Thông tư 13 không đơn giản bởi lẽ dù rằng 5 tiêu chuẩn đều được cụ thể hóa thành 25 tiêu chí, nhưng nếu không được hướng dẫn cụ thể thì có những tiêu chí vẫn rất khó đánh giá như tiêu chí 1.6 (làm thế nào để đánh giá được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đóng góp tích cực với Bộ Giáo dục và Đào tạo), tiêu chí 3.1 (làm thế nào để đánh giá được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục bảo đảm và phát triển về cơ sở vật chất cho hoạt động của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục theo lộ trình và sự phát triển của tổ chức),…
Cuối cùng việc đánh giá các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục theo Thông tư 13 vẫn được thực hiện theo quy tắc (rules-based), tức là dựa trên các tiêu chí được soạn thảo chính xác, cụ thể, cứng nhắc, không ngoại lệ mà đối tượng đánh giá phải tuân theo để đạt được tiêu chuẩn về chất lượng.
Ưu điểm của cách đánh giá theo quy tắc là dễ vận dụng, có tác động thúc đẩy nhanh các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đạt chuẩn chất lượng.
Nhưng nhược điểm là dễ tạo nên văn hóa tuân thủ, khiến các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thiếu động lực cải tiến chất lượng một khi đã được đánh giá và công nhận.
Vì vậy, rất cần xem xét để có lộ trình cải tiến việc đánh giá theo hướng chuyển từ đánh giá theo quy tắc sang đánh giá theo nguyên tắc (principle-based), qua đó tạo động lực để trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục phát huy quyền tự chủ và tính độc lập trong việc cải tiến và nâng cao chất lượng, nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đối số trong giáo dục đại học.
Kết luận
Ở bất kỳ nước nào trên thế giới, hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đều được coi là công trình đang tiến triển.
Đó là vì hệ thống này phải luôn vận động, tu chỉnh và hoàn thiện để theo kịp sự chuyển đổi của hệ thống giáo dục đại học trong một môi trường kinh tế-xã hội đầy biến động và bất định.
Điều đó càng đúng đối với hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục Việt Nam.
Theo đánh giá trong khối ASEAN thì hệ thống của Việt Nam mới chỉ được coi là hệ thống đang phát triển.
Suốt thời gian qua, hệ thống này tập trung chủ yếu vào việc hoàn thiện một thành phần là hệ thống bảo đảm chất lượng bên ngoài và vì thế Quyết định 78 của Thủ tướng Chính phủ đặt trọng tâm từ nay vào hai thành phần còn lại là hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong và các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.
Mục tiêu đặt ra đến năm 2025 đối với các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục là 100% các tổ chức này được đánh giá đạt tiêu chuẩn đánh giá theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; 10% các tổ chức này được đánh giá đạt theo tiêu chuẩn đánh giá của tổ chức bảo đảm chất lượng quốc tế.
Hiện chúng ta có 7 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong nước, vì thế mục tiêu đến 2025 tất cả các trung tâm này được đánh giá đạt theo tiêu chuẩn trong nước chắc sẽ thực hiện được.
Riêng mục tiêu 10% các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được đánh giá đạt theo tiêu chuẩn quốc tế thì vẫn đang chờ có quy định.