Báo chí phải thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân

15/03/2024 13:16
Theo Nhandan.vn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Các tác phẩm báo chí cần bảo đảm về tính định hướng, tính chuyên biệt, tính hấp dẫn và tính cá nhân hóa.

Sáng 15/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì Sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân”.

Dự Lễ khai mạc có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

dc-nghia-1-6024.jpg
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh trống khai mạc Hội Báo toàn quốc 2024.

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Lại Xuân Môn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông; Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các địa phương, các nhà báo lão thành, cùng đông đảo người làm báo, công chúng báo chí cả nước.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tham dự Lễ khai mạc Hội Báo toàn quốc 2024.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tham dự Lễ khai mạc Hội Báo toàn quốc 2024.

Điểm nhấn về hoạt động nghiệp vụ

Phát biểu khai mạc Hội báo, đồng chí Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết: Hội Báo toàn quốc là ngày hội lớn của báo giới và công chúng cả nước, là hoạt động chào mừng thành tựu đổi mới và phát triển của đất nước và Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024), 74 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950-21/4/2024); là hoạt động thiết thực kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024); 48 năm ngày Thành phố Sài Gòn-Gia Định chính thức vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh (2/7/1976-2/7/2024); thông qua đó tiếp tục thực hiện Chương trình hoạt động toàn khóa Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI (nhiệm kỳ 2020 -2025).

Hội Báo toàn quốc 2024 có phương thức tổ chức mới, với nhiều hoạt động phong phú hấp dẫn, thu hút 120 gian trưng bày các ấn phẩm báo chí đặc sắc, tiêu biểu của hàng trăm cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, các cấp Hội Nhà báo Việt Nam tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có 1 khu vực trưng bày về lịch sử báo chí Việt Nam; 112 gian trưng bày báo chí đặc sắc của những tờ báo, tạp chí từ phổ biến đến chuyên ngành, bao gồm các mặt đời sống chính trị-xã hội của đất nước; 8 gian trưng bày đặc biệt của Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Khối Báo chí Quân đội, Khối Báo chí Công an, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Văn phòng Quốc hội.

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc Hội Báo toàn quốc 2024.

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc Hội Báo toàn quốc 2024.

Điều đặc biệt là, song song với hệ thống các gian trưng bày cho thấy bức tranh tổng quan về báo chí Việt Nam đương đại theo hướng chuyên nghiệp-nhân văn-hiện đại là gian trưng bày chuyên đề "Báo chí Cách mạng Việt Nam 1925-2024: 99 CHUYỆN NGHỀ”.

Đây sẽ là câu chuyện lịch đại 99 năm báo chí cách mạng Việt Nam, với những câu chuyện cống hiến và hy sinh, lao động và sáng tạo của các thế hệ người làm báo-chiến sĩ.

Trong 3 ngày (15-17/3), Hội Báo toàn quốc 2024 sẽ mang đến cho công chúng và các nhà báo, hội viên nhiều hoạt động nghiệp vụ chất lượng, quy mô lớn, tính chuyên sâu và tính thực tiễn cao; các hoạt động triển lãm, trưng bày, các chương trình văn hóa văn nghệ đặc sắc, phong phú.

Cũng theo đồng chí Lê Quốc Minh, trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc năm 2024, lần đầu tiên Diễn đàn Báo chí toàn quốc sẽ được tổ chức với 10 phiên thảo luận về các chủ đề trọng yếu, có tính cấp bách của nền báo chí cách mạng Việt Nam trong thời kỳ chuyển đổi số, như: nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí; xây dựng môi trường văn hóa báo chí; báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội; năng lực cạnh tranh của truyền hình trong thời đại AI; phát thanh năng động trong môi trường số; đa dạng hóa nguồn thu các cơ quan báo chí, vấn đề bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số…

Hội Báo toàn quốc tôn vinh những thành tựu to lớn, sự phát triển mạnh mẽ, tinh thần đổi mới của báo chí Việt Nam

Với sự tham dự của hơn 60 diễn giả là các nhà báo dày dạn kinh nghiệm trong nước cùng các chuyên gia truyền thông quốc tế uy tín, Diễn đàn sẽ có tầm ảnh hưởng mạnh và tác động đa chiều đến các cơ quan báo chí, các nhà báo, hội viên trong cả nước.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, mối tương tác nhằm tạo khối đoàn kết thúc đẩy sự cộng tác cùng phát triển giữa nhà báo-công chúng-doanh nghiệp chính là một sáng kiến thể hiện đậm nét tính "Tiên phong, Đổi mới vì Sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân" của báo giới Việt Nam trong Hội Báo 2024.

Hội Báo toàn quốc cũng là cơ hội để báo giới gặp gỡ để hiểu rõ hơn nhu cầu thông tin, thị hiếu độc giả, khán giả để có những sản phẩm báo chí bám sát thực tiễn đời sống, từ đó thông tin các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, phản ánh thực trạng đời sống mọi mặt, lắng nghe, phân tích, khơi nguồn, điều hướng dư luận xã hội, từ đó góp phần cho sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước.

Đồng chí Lê Quốc Minh cho biết, sự góp mặt của 64 gian hàng sản phẩm OCOP, phiên thảo luận Diễn đàn Báo chí với chủ đề "Mô hình hợp tác hiệu quả giữa báo chí, doanh nghiệp và đại lý quảng cáo"; Giải Bóng đá Cúp Báo Nhà báo & Công luận, chương trình “Thanh niên Việt Nam-Khát vọng hùng cường” và các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc của các đơn vị, đối tác đến từ các địa phương… sẽ góp phần tăng thêm sự gắn bó giữa báo chí với công chúng và doanh nghiệp, tạo không gian văn hóa mở cho các hoạt động giao lưu, quảng bá và hợp tác cùng phát triển.

"Hội Báo toàn quốc là dịp tôn vinh những thành tựu to lớn và sự phát triển mạnh mẽ, tinh thần đổi mới sáng tạo, nghị lực vươn lên mạnh mẽ, tinh thần cống hiến và tính trách nhiệm cao của báo chí Việt Nam, giáo dục truyền thống, khích lệ niềm tự tôn, lòng tự hào về truyền thống 99 năm lịch sử báo chí cách mạng và khơi dậy khát vọng sáng tạo, đổi mới và cống hiến của đội ngũ nhà báo-hội viên; đồng thời biểu dương, động viên những cống hiến lớn lao của các đơn vị, cá nhân, các tổ chức, doanh nghiệp có nhiều đóng tích cực vào sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam", Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh.

Báo chí phải thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân

Phát biểu tại Hội Báo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao sự chuẩn bị, tinh thần đổi mới, sáng tạo và các hoạt động tiên phong của báo giới trong năm qua, cách làm mới đem lại hiệu quả thiết thực của Ban Tổ chức và các cơ quan tham dự Hội Báo 2024.

Đồng chí nêu rõ, năm 2024 là năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, cũng là năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 11 Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025; năm chuẩn bị quan trọng hướng tới 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025).

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Lễ khai mạc Hội Báo toàn quốc 2024.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Lễ khai mạc Hội Báo toàn quốc 2024.

Để xứng đáng với vai trò, sứ mệnh vẻ vang của mình, các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, tổ chức triển khai có hiệu quả các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là Chỉ thị số 43-CT/TW, ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới; các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, về Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, các Quy định đạo đức nghề nghiệp và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.

Hội Nhà báo Việt Nam, hội nhà báo các cấp phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí để triển khai tốt, hiệu quả những nội dung trên; phải sâu sắc trong nhận thức; phải quyết liệt trong hành động; phải sáng tạo, linh hoạt trong vận dụng để tập hợp, thúc đẩy sự đoàn kết, sự thống nhất, đồng lòng trong triển khai thực hiện các chủ trương, định hướng đó.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và người làm báo văn hóa; đặc biệt, cần hạn chế việc hô hào hình thức mà phải đưa nội dung này đi vào chiều sâu, trở thành thói quen văn hoá hàng ngày của từng nhà báo, từng hội viên trong quá trình sáng tạo các sản phẩm báo chí có chất lượng, giàu giá trị văn hóa tốt đẹp, khơi dậy, định hướng những dòng chảy văn hóa tích cực trong đời sống xã hội.

Các đại biểu dự Lễ khai mạc Hội Báo toàn quốc 2024.

Các đại biểu dự Lễ khai mạc Hội Báo toàn quốc 2024.

Đề cập những thách thức mà các cơ quan báo chí và các nhà báo đang phải đối mặt hiện nay như nguy cơ tin giả, tin sai lệch do trí tuệ nhân tạo, bị sử dụng trái phép “vốn dữ liệu", bản quyền báo chí trên môi trường số…, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị giới báo chí cần chủ động, đoàn kết tìm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ bản quyền, đấu tranh chống tin giả, đẩy lùi thông tin xấu độc, thông tin sai lệch, xuyên tạc, để thông tin báo chí chính thống trở thành dòng thông tin chủ lưu quan trọng nhất trong không gian số, góp phần xây dựng một xã hội thông tin lành mạnh, phục vụ từng độc giả, khán thính giả, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh đó, báo chí cần tích cực chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa, tăng cường đào tạo nhân lực về chuyên môn nghiệp vụ, quan tâm nghiên cứu công chúng và xu hướng báo chí truyền thông hiện đại.

Các tác phẩm báo chí cần bảo đảm về tính định hướng, tính chuyên biệt, tính hấp dẫn và tính cá nhân hóa.

Mỗi người làm báo phải luôn tự ý thức học tập, nghiên cứu, tự rèn mình để có bản lĩnh chính trị, nền tảng văn hóa, kỹ năng công nghệ và tinh thần tận hiến, nhân văn vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì sự phồn vinh, hạnh phúc của nhân dân.

“Báo chí vừa phải nghiên cứu lý luận, vừa phải tổng kết thực tiễn, truyền thông chính sách, vừa tiếp tục giám sát và phản biện xã hội, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; báo chí phải thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là người tuyên truyền, hướng dẫn, cổ vũ nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời là diễn đàn xã hội rộng rãi để phát huy dân chủ, phát huy những giá trị văn hóa tiến bộ, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc; diễn đàn để nhân dân tham gia các công việc của đất nước…”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Theo Nhandan.vn