Ngành Công nghệ đa phương tiện ở PTIT có gì đặc biệt để thu hút nhiều thí sinh?

06/04/2024 08:04
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo chia sẻ của lãnh đạo CDIT, ngành Công nghệ đa phương tiện được coi là một trong những ngành "xương sống" tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

Ngành Công nghệ đa phương tiện tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) gồm có 2 chuyên ngành là Phát triển ứng dụng đa phương tiện và Thiết kế đa phương tiện với mã ngành là 7329001 và khối lượng chương trình là 152 tín chỉ. Nhiều năm qua, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm của ngành này ở cơ sở đào tạo ở phía Bắc và phía Nam đều trên 95% đến gần 98%.

Được biết, tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, ngành Công nghệ đa phương tiện được coi là một trong những "ngành xương sống", ngành này sẽ không xét tuyển theo chuyên ngành mà khi vào học, sinh viên sẽ tự chọn chuyên ngành.

Để thí sinh và phụ huynh có thêm thông tin về ngành này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Cao Minh Thắng - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông (CDIT), Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, người gắn bó với ngành từ khi chuẩn bị mở ngành này tại học viện.

GDVN_cong trương.jpg
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông được biết đến là cơ sở giáo dục đại học công lập ở Việt Nam tiên phong mở ngành Công nghệ đa phương tiện. Ảnh: Trung Dũng

Tiến sĩ Thắng cho hay: "Tôi vốn là cựu sinh viên của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông của khóa 3 từ năm 1999, sau khi tốt nghiệp tôi có may mắn là được ở lại trường công tác nên lợi thế lớn nhất là tôi khá am hiểu về hiện trạng của trường và cơ hội mở ngành ra sao.

Chúng ta có thể hiểu, viễn thông chính là nền tảng, là hạ tầng của thông tin, dễ hình dung hơn thì chúng ta vẫn gọi là internet. Và trong công nghệ thông tin sẽ cần phải có những giải pháp để giải quyết những vấn đề của nó. Người học công nghệ thông tin chính là những người tạo ra những giải pháp đó.

Thời điểm đó tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông chỉ có các ngành đào tạo về điện tử viễn thông và công nghệ thông tin. Trong khi xu thế phát triển của các nước trên thế giới và khu vực đã khá mạnh về nghề làm nội dung số, rất cần có một ngành đào tạo để có nhân lực phục vụ nghề đó".

Cũng theo vị Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và truyền thông, lợi thế lớn nhất khi ngành Công nghệ đa phương tiện ra đời chính là nội tại nhân lực công tác trong ngành tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông vốn dĩ là những con người am hiểu về công nghệ.

Vị này cho rằng, điểm đặc biệt của ngành này chính là nó tổng hòa các yếu tố cơ bản của các ngành khác được hội tụ lại. Vì thế, có thể người học chỉ cần nắm vững kiến thức của ngành Công nghệ đa phương tiện thì ra trường họ đã có thể tự kiếm sống được với nghề.

"Nếu mọi người tìm hiểu thì có thể biết rằng, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là một đơn vị tự chủ ngay từ thời điểm thành lập. Vì thế, chính Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông cũng là một cơ quan tự chủ trong học viện này.

Với nhu cầu bức thiết để tồn tại khi phải tự chủ thì nhất thiết những con người trong viện này cũng cần có sự năng động và đổi mới. Lúc đó cần có những cá nhân biết tiên phong và tìm ra những cái mà nơi khác họ chưa làm hoặc không dám làm.

Năm 2010, ngành Công nghệ đa phương tiện đã ra đời trong bối cảnh như thế và đến nay nó vẫn được coi là một trong những ngành "xương sống" tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông", Tiến sĩ Cao Minh Thắng thông tin thêm.

Chia sẻ thêm về việc chuẩn bị đội ngũ giảng viên đối với một ngành mới ở Việt Nam thời điểm đó, vị lãnh đạo Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông cho hay: "Khi ấy, lợi thế là trong trường đã có Khoa Công nghệ thông tin và Khoa Viễn thông. Những con người trong đó là lực lượng khá am hiểu về công nghệ. Đó là điểm mạnh.

Tuy nhiên, cái chúng tôi đang thiếu lúc đó chính là nhân sự có chuyên môn sâu theo từng lĩnh vực của ngành. Để giải quyết điều này, chúng tôi đã lên kế hoạch là phải mời những người am hiểu và có năng lực theo từng lĩnh vực nhằm hoàn thiện nó.

Ví dụ, về phần kịch bản thì chúng tôi phải sang Trường Đại học Sân khấu điện ảnh để mời giảng viên, quay phim thì mời nhân sự ở Đài Truyền hình Việt Nam, lĩnh vực mỹ thuật thì chúng tôi phải sang Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp để mời.v.v.

Tất nhiên những người được mời phải là người có tên tuổi, thâm niên kinh nghiệm. Những con người được mời ấy chính là những mảnh ghép quan trọng mà chúng tôi còn thiếu để ngành Công nghệ đa phương tiện có được những bước đi vững chắc từ ban đầu".

Nói về một số bước phát triển của ngành ngay từ thời điểm được thành lập, vị này cho biết, may mắn lớn nhất chính là uy tín và thương hiệu của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã có sẵn nên từ lúc ngành được mở đã khá thu hút người học.

Tuy nhiên vị này cũng bày tỏ rằng, bất cứ một ngành nào mới được mở ra cũng không thể tránh khỏi những khó khăn nhất định ban đầu.

Về việc này Tiến sĩ Cao Minh Thắng đề cập: "Vào thời điểm trong nước chưa một cơ sở giáo dục nào mở ngành Công nghệ đa phương tiện cùng với việc mình chưa có nhiều kinh nghiệm thì câu hỏi "tôi phải làm như thế nào?" luôn khiến tôi và các cộng sự đau đầu.

Những người mình mời về cộng tác họ cũng sẽ có sự tư vấn để giải quyết các vấn đề nhưng chỉ là trên góc nhìn của họ. Những ý kiến góp ý đó chúng tôi vẫn cần phải tinh lọc, sau đó kết hợp lại để tạo thành một sản phẩm mà có thể phục vụ được cho công việc.

Vượt qua được những khó khăn đó, thành quả chúng tôi nhận về là trong suốt hơn 10 năm từ khi mở ngành, có những lúc chúng tôi phải "hãm" lại vì số lượng sinh viên đăng ký theo học rất nhiều.

Điều chúng tôi phải "hãm" ở đây không phải bởi vì năng lực giảng dạy không đảm bảo mà chính là chúng tôi lo ngại, cùng một lúc đào tạo quá nhiều sinh viên, khi ra trường các em sẽ gặp khó khăn khi cạnh tranh cơ hội nghề nghiệp.

Với cái tâm làm nghề thì không ai mong muốn sinh viên theo học ngành của mình sau này ra trường phải thất nghiệp cả", vị Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và truyền thông cho hay.

xet-tuyen-cong-nghe-da-phuong-tien-tai-ptit.png
Sinh viên theo học ngành Công nghệ đa phương tiện tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Ảnh: website nhà trường

Về triển vọng nghề nghiệp, sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ đa phương tiện tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sinh viên có thể đảm nhận tốt các vị trí như sau:

Vị trí 1: Các vị trí việc làm thuộc nhóm thiết kế đa phương tiện như: Chuyên gia phát triển nội dung số, Chuyên viên thiết kế đồ hoạ, chuyên viên thiết kế hình động (Animator), chuyên viên thiết kế trải nghiệm người dùng( UX research-UX design), chuyên viên thiết kế giao diện người dùng (UI designer), chuyên viên thiết kế kỹ xảo hình ảnh ( VFX designer), chuyên viên thiết kế đồ hoạ Game ( Game artist), chuyên viên thiết kế quảng cáo, chuyên viên thiết kế ấn phẩm điện tử, chuyên viên vẽ minh hoạ.

Vị trí 2: Các vị trí việc làm thuộc nhóm Quản lý dự án; Giám đốc sáng tạo; Đạo diễn hình ảnh; Trưởng nhóm thiết kế.

Vị trí 3: Các vị trí việc làm thuộc nhóm phát triển ứng dụng đa phương tiện như: Chuyên gia phát triển website; Lập trình viên phát triển Games; Chuyên gia xử lý dữ liệu Text/ Image/Audio/Video; Chuyên gia phát triển sản phẩm mô phỏng 3D, sản phẩm thực tại ảo (VR), thực tại tăng cường (AR), thực tại hỗn hợp (MR), thực tại mở rộng (XR); Chuyên gia mô hình hóa, số hóa; Chuyên gia phát triển các ứng dụng di động (App); Chuyên gia quản lý dự án phát triển ứng dụng đa phương tiện; Chuyên gia tích hợp hệ thống đa phương tiện theo mô hình Metaverse.

Vị trí 4: Viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm các chức danh: chuyên viên thiết kế và phát triển sản phẩm nội dung số, hệ thống đa phương tiện; cán bộ giảng dạy tại các Trung tâm nghiên cứu và các cơ sở đào tạo.

Vị trí 5: Nghiên cứu viên: trở thành cán bộ nghiên cứu, có khả năng tiếp tục học tập nâng cao trình độ ở các bậc học cao hơn như thạc sĩ, tiến sĩ để phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy về thiết kế và phát triển ứng dụng đa phương tiện tại các viện, trung tâm và cơ sở đào tạo.

Theo tìm hiểu của phóng viên, điểm chuẩn ngành này năm 2023 tại cơ sở đào tạo phía Bắc của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là 25,89; cơ sở phía Nam là 24,05.

Trung Dũng