Học lĩnh vực công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, cơ khí: Cơ hội việc làm rộng mở

14/04/2024 06:39
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Các khu công nghiệp tại Thái Bình đang được triển khai nên nhu cầu về nhân lực trong lĩnh vực Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, cơ khí cũng tăng cao.

Trường Đại học Thái Bình hiện đang tổ chức đào tạo đối với 08 ngành trình độ đại học gồm: Luật; Kinh tế; Kế toán; Quản trị kinh doanh; tài chính ngân hàng; Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; Công nghệ thông tin; Công nghệ kỹ thuật cơ khí.

Theo Tiến sĩ Hà Văn Đổng - Trưởng phòng Đào tạo và Học sinh, sinh viên (Trường Đại học Thái Bình), Khoa Công nghệ và Kỹ thuật đào tạo 3 ngành trình độ đại học, gồm: Công nghệ kỹ thuật cơ khí; Công nghệ thông tin; Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử. Đây là những ngành học được đánh giá là những ngành hot, thu hút đông đảo sinh viên theo học tại Trường Đại học Thái Bình.

gdvn-tu-van-tuyen-sinh-1-9069.jpg
Đông đảo học sinh trung học phổ thông tìm hiểu thông tin các ngành học tại Trường Đại học Thái Bình (Ảnh: Lã Tiến)

Nhu cầu cao về nhân lực về Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử

Xã hội phát triển, hiện đại hoá năng suất lao động là nhu cầu cần thiết, đòi hỏi sự chuyên môn hoá của thiết bị tự động, yêu cầu máy móc cần phải gọn nhẹ hơn, linh động hơn, uyển chuyển hơn và thông minh hơn. Ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sản xuất và đời sống.

Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử là một ngành then chốt có mặt trong mọi lĩnh vực của đời sống an sinh xã hội, được nhiều quốc gia chú trọng trong việc phát triển kinh tế; trong đó có Việt Nam, đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhu cầu sản xuất công nghiệp ngày càng cao.

Tiến sĩ Hà Văn Đổng cho rằng, ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử là một ngành có tính phức tạp, cần sự chính xác cao nên đòi hỏi ở các kỹ sư phải có chuyên môn vững chắc để có thể thực hiện những thao tác kỹ thuật.

Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử bao gồm rất nhiều mảng chuyên môn khác nhau với các ngành như lắp ráp, sản xuất điện, thiết kế mạng lưới điện, vận hành hệ thống mạng lưới điện, hệ thống điều khiển, dây chuyền tự động hóa… tạo ra nhiều cơ hội để người học có thể lấn sang những lĩnh vực khác nhau.

Ngoài ra, không chỉ ở Việt Nam, mà các nước công nghiệp phát triển như Hàn, Nhật,… cũng đang có nhu cầu cao về nhân lực ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử.

Với xu thế nghề nghiệp hiện nay, các cơ sở giáo dục, các trường đại học, cao đẳng đổi mới và phát triển hệ thống đào tạo giúp cho các sinh viên Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử được trang bị kiến thức một cách tốt nhất trước khi tốt nghiệp, cung ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.

Ngoài những kiến thức cơ bản và kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực ngành, các sinh viên còn phải được rèn luyện cách sử dụng thành thạo các phần mềm ứng dụng trong chuyên ngành để mô phỏng, tính toán, thiết kế, triển khai, xây dựng, vận hành và bảo trì hệ thống cùng với các kỹ năng chuyên môn nhất định, đảm bảo phần nào vững chắc tay nghề trước khi tốt nghiệp.

nganh-co-khi-4.png
Sinh viên của Khoa Công nghệ và Kỹ thuật được được thực hành tại các doanh nghiệp lớn (Ảnh: NTCC)

Tiến sĩ Trần Công Thức - Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Công nghệ và Kỹ thuật cho biết, ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử có 30 phòng thực hành cho các chuyên ngành với trang thiết bị thực hành, thí nghiệm đầy đủ, hiện đại.

Các tài liệu nghiên cứu liên quan đến ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử gồm nhiều giáo trình tài liệu tham khảo của các trường, các giáo sư, tiến sĩ có tên tuổi trong cả nước như các giáo trình, tài liệu của Đại học bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Giao thông Vận tải...

Hệ thống thư viện điện tử hiện đại; tài liệu học tập, tham khảo, nghiên cứu tương đối đầy đủ; bố trí nhiều phòng tự học, học nhóm; phòng đọc thoáng mát, ánh sáng đầy đủ.

Bên cạnh đó, ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử có 100% đội ngũ giáo viên đạt trình độ thạc sĩ trở lên, có kinh nghiệm và chuyên môn tốt. Nhiều giảng viên thỉnh giảng có trình độ phó giáo sư, tiến sĩ đến từ nhiều trường có thương hiệu như: Trường Đại học Thuỷ lợi, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Thái Nguyên .... và các chuyên gia về lĩnh vực kỹ thuật như Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh Thái Bình.

Tiến sĩ Trần Công Thức cho biết, sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, có thể làm việc tại các tập đoàn, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực điện - điện tử; Các nhà máy sản xuất, phân phối và tiêu thụ điện, tham gia công tác trực tiếp hoặc tư vấn thiết kế, các nhà máy, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, ...

Thực hiện các công việc trên thiết bị điện dân dụng và công nghiệp đạt yêu cầu về tiêu chuẩn và an toàn như: Thiết kế, lắp đặt và đấu nối các hệ thống dây chuyền công nghiệp; Lắp đặt, đấu nối, lập trình và vận hành thiết bị lập trình PLC, các bộ vi điều khiển.…

Ngoài ra, sinh viên có thể xin vào các đơn vị, đảm nhiệm việc thiết kế, thi công các hệ thống truyền tải điện, đảm bảo hoạt động ổn định trên toàn hệ thống, đưa điện vào hệ thống sản xuất, vận hành các máy điện công nghiệp và các hệ thống sử dụng điện khác.

“Hiện nay, các khu công nghiệp đang phát triển rộng khắp, nhu cầu về nhân lực trong lĩnh vực Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử theo đó cũng tăng cao. Nhiều doanh nghiệp đã đưa ra giải pháp ký hợp đồng với một số trường “đào tạo kép”, sinh viên vừa học tại trường vừa được làm việc tại doanh nghiệp”, Tiến sĩ Trần Công Thức nhấn mạnh.

Công nghệ kỹ thuật cơ khí “hút” sinh viên

Lĩnh vực cơ khí luôn là một trong những ngành then chốt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trên toàn thế giới và là trái tim của quá trình công nghiệp hóa đang phát triển nhanh chóng.

Hiện nay, tất cả các máy móc vận hành trong các dây chuyền sản xuất, hoạt động ở mọi nơi từ mặt đất, biển đảo và bầu trời đều có sự đóng góp lớn của các nhà khoa học, các tổng công trình sư, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, nhân viên của ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí.

Trong tương lai, nhu cầu nhân lực ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí này sẽ tăng cao, tạo nhiều cơ hội việc làm cho người học.

nganh-co-khi-1.jpg
Đội ngũ giảng viên ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí (Ảnh: NTCC)

Ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí tại Khoa Công nghệ và Kỹ thuật (Trường Đại học Thái Bình) là một trong những ngành mạnh và tự hào sở hữu đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm và tay nghề cao.

Theo Tiến sĩ Trần Công Thức - Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Công nghệ và Kỹ thuật, hiện nay 89% đội ngũ giảng viên của khoa có trình độ thạc sĩ trở lên. Cơ sở vật chất được nhà trường trang bị đầy đủ, tiện nghi, hiện đại.

Các phòng thí nghiệm và xưởng thực hành của Khoa Công nghệ và Kỹ thuật được trang bị đa dạng máy móc và thiết bị hiện đại, nhằm hỗ trợ tối đa quá trình học tập và nghiên cứu của sinh viên.

"Chúng tôi vui và tự tin khi đã tổ chức thành công 12 khóa đào tạo, với sự tham gia tích cực của sinh viên và giảng viên. Những khóa đào tạo này không chỉ mang lại kiến thức chuyên môn sâu rộng mà còn tập trung vào áp dụng thực tiễn và phát triển kỹ năng thực hành cho sinh viên, giúp họ vận dụng những kiến thức đã học vào thực tế.

Với nền tảng kiến thức vững chắc và môi trường thực hành hiện đại, chúng tôi tin rằng sinh viên sẽ có cơ hội phát triển toàn diện, trở thành những cử nhân giỏi, đóng góp tích cực cho ngành cơ khí trong tương lai tại khoa cũng như trên toàn quốc", Tiến sĩ Trần Công Thức nói.

Tiến sĩ Thức cho biết, ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí tập trung vào việc nghiên cứu, thiết kế, phát triển, sản xuất và vận hành các hệ thống, thiết bị cơ khí phục vụ đa dạng các lĩnh vực như giao thông vận tải, năng lượng, xây dựng, chế tạo máy và nhiều lĩnh vực khác.

Với phạm vi hoạt động rộng lớn, công nghệ kỹ thuật cơ khí kết hợp nhiều lĩnh vực chuyên môn chuyên sâu, mang đến nhiều điểm mạnh và điểm nổi bật cho ngành học này.

Điểm mạnh đầu tiên của ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí là tính ứng dụng cao và vai trò thiết yếu trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa của xã hội. Các sản phẩm và hệ thống cơ khí đóng vai trò cốt lõi trong hầu hết các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, từ giao thông đến năng lượng, xây dựng, chế tạo máy móc và nhiều lĩnh vực khác.

Nhờ sự phát triển của kỹ thuật cơ khí, con người đã có thể chế tạo ra những máy móc, thiết bị hiện đại, giúp tự động hóa và nâng cao năng suất lao động, mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống.

 nganh-co-khi-3.jpg
Hệ thống máy thực hành Tiện - Phay - Bào (Ảnh: NTCC)

Thứ hai, công nghệ kỹ thuật cơ khí là một ngành học tích hợp nhiều lĩnh vực chuyên môn, mang tính liên ngành cao. Ngoài kiến thức cơ bản về cơ học chất lỏng, nhiệt động lực học, vật liệu cơ khí, sinh viên ngành này còn được trang bị kiến thức về điện tử, tự động hóa, công nghệ chế tạo, thiết kế máy và nhiều lĩnh vực khác.

Tính liên ngành giúp sinh viên có cái nhìn toàn diện, hiểu rõ mối liên hệ giữa các hệ thống khác nhau trong một dây chuyền sản xuất, từ đó có thể đưa ra những giải pháp kỹ thuật hiệu quả và tối ưu.

Bên cạnh đó, ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí còn nổi bật với tính sáng tạo và đổi mới công nghệ cao. Để phát triển và cải tiến các hệ thống, sản phẩm cơ khí hiệu quả hơn, cử nhân cơ khí luôn phải nghiên cứu, ứng dụng những công nghệ mới, những vật liệu mới, những giải pháp thiết kế tiên tiến nhất.

Đây chính là môi trường lý tưởng để những người có tư duy sáng tạo, ham học hỏi và đam mê công nghệ được phát huy tài năng. Các dự án nghiên cứu về động cơ hiệu suất cao, vật liệu nano, robot y sinh hay các hệ thống cơ điện tử tiên tiến luôn có nhu cầu cao về nguồn nhân lực kỹ thuật cơ khí có tư duy mới, sáng tạo.

Một điểm nổi bật khác của ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí là khả năng thích ứng cao, cơ hội nghề nghiệp rộng mở. Với nền tảng kiến thức đa dạng và khả năng ứng dụng cao, sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau như lập trình máy tính, quản lý sản xuất, dịch vụ kỹ thuật, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới.

Theo các chuyên gia nghiên cứu nhân lực của Mỹ, cử nhân cơ khí có khả năng đáp ứng được hơn 60% các vị trí việc làm kỹ thuật hiện nay. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra, cử nhân cơ khí sẽ có nhiều cơ hội làm việc trong các lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo, sản xuất thông minh, công nghệ năng lượng sạch, công nghệ vật liệu mới...

Tiến sĩ Trần Công Thức cho rằng, điểm mạnh lớn nhất của ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí chính là tính năng động và khả năng đáp ứng nhu cầu không ngừng thay đổi của xã hội.

Với nền tảng kiến thức vững chắc về nguyên lý cơ bản và tính linh hoạt cao, các cử nhân cơ khí có thể dễ dàng học hỏi, nâng cao trình độ để thích ứng với những công nghệ mới, đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường lao động.

Nhờ vậy, những con người làm công nghệ kỹ thuật cơ khí luôn giữ vững được vị trí vững chắc của mình, vươn lên dẫn dắt các ngành công nghiệp mới, đón đầu những làn sóng đổi mới công nghệ của nhân loại.

Chính nhờ sự kết hợp đa dạng các yếu tố nổi bật từ tính ứng dụng cao, tính liên ngành, tính sáng tạo, khả năng thích ứng và tính năng động mà công nghệ kỹ thuật cơ khí xứng đáng được xem là một trong những ngành học mũi nhọn của kỷ nguyên công nghệ 4.0. Ngành học này không chỉ mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn mà còn hứa hẹn một triển vọng phát triển bền vững trong tương lai.

Tiến sĩ Trần Công Thức cho biết, sinh viên theo học ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí được thực tập kết hợp trải nghiệm tại doanh nghiệp như: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Canon Việt Nam; Công ty Trách nhiệm hữu hạn YAZAKI Hải Phòng Việt Nam; Công ty Honda Việt Nam; Công ty Cổ phần Thái Bình Hưng Thịnh; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp và Thương mại 30/6 (Nhà máy đóng tàu, Dương Liễu 3, xã Minh Tân, Kiến Xương, Thái Bình); Công ty Cổ phần dịch vụ và thương mại Toàn Cầu (Hải Phòng)...

LÃ TIẾN