Với diện tích đất có hạn và nhu cầu sử dụng đất ngày càng tăng, việc quản lý đất đai đóng vai trò vô cùng quan trọng để đảm bảo sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên đất.
Hiện nay, ở một số cơ sở giáo dục đại học đã và đang đào tạo ngành Quản lý đất đai, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Thị Thanh Thủy, Trưởng khoa Quản lý đất đai, Trường Đại học Nông lâm, Đại học Thái Nguyên cho biết, sinh viên ngành Quản lý đất đai được trang bị các kiến thức nền tảng để thực hiện công tác quản lý Nhà nước về đất đai.
Một số kiến thức như đo đạc lập bản đồ; đăng ký, thống kê, kiểm kê đất đai; lập hồ sơ địa chính; cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân; lập quy hoạch – kế hoạch sử dụng đất các cấp; thanh tra, giải quyết tranh chấp đất đai; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; định giá đất và quản lý bất động sản; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, hệ thống thông tin đất đai…
Sinh viên tốt nghiệp ngành Quản lý đất đai có cơ hội việc làm đa dạng. Đơn cử, có thể công tác tại các cơ quan Nhà nước có chức năng quản lý đất đai. Bên cạnh đó, sinh viên cũng có thể làm trong các ngân hàng, tổ chức tín dụng; trung tâm tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng; trung tâm định giá đất, môi giới nhà đất, sàn giao dịch bất động sản.
Ngoài ra, sinh viên cũng có thể trở thành giảng viên ngành Quản lý đất đai, Địa chính tại trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.
Tiến sĩ Vũ Thị Thanh Thuỷ đánh giá, nhu cầu nhân lực ngành Quản lý đất đai hiện nay rất cao. Nhiều sinh viên vừa tốt nghiệp đã được các cơ quan, doanh nghiệp “săn đón” và tuyển vào làm việc.
Địa phương “khát” nhân lực ngành Quản lý đất đai
Anh Kiều Quang Khánh - Giám đốc văn phòng đăng ký đất đai - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên cho biết, văn phòng đăng ký đất đai là đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về đất đai, do vậy nhân sự ngành Quản lý đất đai là hết sức cần thiết.
Để quản lý, thực hiện tốt khối lượng công việc “khổng lồ” theo chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng đăng ký đất đai, đặc biệt là công tác giải quyết thủ tục hành chính (mỗi năm giải quyết trên 120.000 thủ tục hành chính), hằng năm Văn phòng đăng ký đất đai liên tục rà soát, bổ sung nhân sự ở một số vị trí còn thiếu.
Một số thời điểm theo yêu cầu, tiến độ của công việc, Văn phòng gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng nhân sự ngành Quản lý đất đai.
Anh Hoàng Văn Cường - Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện nay, Trung tâm quỹ đất huyện Hiệp Hòa đang rất thiếu nhân sự ngành Quản lý đất đai.
Trung tâm phát triển quỹ đất cũng tuyển dụng một số nhân sự ngành khác như xây dựng, luật, kế toán, kinh tế….Tuy nhiên, những ngành khác khi được tuyển vào sẽ phải tiếp tục học thêm về nghiệp vụ thì mới đáp ứng được yêu cầu công việc. Cơ quan cũng mất thêm thời gian để đào tạo về nghiệp vụ cho nhân sự không học đúng ngành quản lý đất đai.
Còn đối với nhân sự tốt nghiệp đúng chuyên ngành, khi về công tác tại địa phương, họ được đào tạo đúng ngành, đúng chuyên môn nên sẽ không mất quá nhiều thời gian đào tạo, có thể sử dụng nhân sự luôn.
Trung tâm phát triển quỹ đất cũng như các cơ quan trong ngành đất đai khác luôn ưu tiên tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp ngành Quản lý đất đai. Cơ quan cũng liên hệ với các trường đại học có đào tạo ngành này để có thể giới thiệu các sinh viên nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn. Vì số lượng đào tạo mỗi năm của các trường tương đối ít không đủ số lượng cho các cơ quan.
Nhiều người chưa nhận thức đúng vai trò quan trọng của ngành học
Thạc sĩ Đậu Khắc Tài, Phó viện trưởng Viện Nông nghiệp và Tài nguyên, Trường Đại học Vinh cho hay, những năm trở lại đây số lượng sinh viên đăng ký học ngành Quản lý đất đai ngày càng giảm, điều này tạo nên sự thiếu hụt nhân lực ngành Quản lý đất đai.
Bắt đầu từ tháng 8 năm 2009, Trường Đại học Vinh bắt đầu tuyển sinh và đào tạo ngành Quản lý đất đai. Đến nay, ngành học này của trường đã tuyển sinh và đào tạo khoảng 1500 sinh viên.
Những khoá đầu, số lượng học sinh đăng ký vào ngành Quản lý đất đai tương đối đông. Bắt đầu từ năm 2015 đến nay, số lượng tuyển sinh của ngành này giảm xuống rõ rệt.
Năm 2022 và năm 2023, nhà trường đã rút chỉ tiêu từ 50 xuống còn 35 chỉ tiêu nhưng số lượng sinh viên nhập học cũng không đủ chỉ tiêu tuyển sinh.
Tương tự, Thạc sĩ Vũ Thị Thanh Thuỷ cho biết, Trường Đại học Nông lâm, Đại học Thái Nguyên trong giai đoạn 2019 - 2020, số lượng sinh viên đăng ký và theo học ngành Quản lý đất đai sụt giảm, có những khóa chỉ có 25 - 30 sinh viên.
Từ năm 2022 trở lại đây, số lượng sinh viên theo học ngành Quản lý đất đai đã có dấu hiệu tăng trở lại.
Lý giải về tình trạng khó tuyển sinh và nhu cầu của người học giảm đối với ngành Quản lý đất đai giảm trong những năm gần đây, Phó viện trưởng Viện Nông nghiệp và Tài nguyên, Trường Đại học Vinh nêu ra một số nguyên nhân.
Thứ nhất là do giai đoạn 4-5 năm trước, nhu cầu học ngành Quản lý đất đai cao, một thời gian khiến số lượng sinh viên vào học ngành Quản lý đất đai tại tất cả các trường có đào tạo ngành này trở nên đông, dẫn đến việc nghẽn đầu ra.
Nhiều bạn ra trường làm đúng ngành nghề, đúng chuyên môn của mình nhưng cũng có nhiều bạn phải bẻ lái sang ngành nghề lĩnh vực khác. Điều này là một yếu tố tác động đến tâm lý của phụ huynh và học sinh.
Thứ hai, trước đây, con đường vào đại học được xem là mơ ước của nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp lớp 12. Nhưng hiện nay, nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp lớp 12 có xu hướng đi xuất khẩu lao động, học nghề, đi làm công nhân tại các khu công nghiệp, đi làm tự do… để có thu nhập ngay.
Thứ ba, nhiều người vẫn chưa nhận thức đúng vai trò quan trọng của ngành Quản lý đất đai trong tình hình phát triển kinh tế xã hội cũng như cơ hội việc làm, phát triển bản thân sau khi ra trường.
Thứ tư là về thu nhập, nếu học ngành Quản lý đất đai ra làm công chức nhà nước; mức lương của công chức thấp hơn so với lao động phổ thông bên ngoài. Điều này làm cho phụ huynh và học sinh không “mặn mà” trong việc học ngành này. Phụ huynh và học sinh chưa thấy được về lâu dài công việc sẽ bền vững và ổn định.
Theo khảo sát mức lương của sinh viên ngành Quản lý đất đai của Trường Đại học Vinh, nếu sinh viên lựa chọn làm ở các sàn giao dịch thì mức thu nhập bình quân từ 15 đến 20 triệu đồng/tháng.
Nếu làm công chức nhà nước thu nhập thấp, nhưng nếu năng động và hoàn thành tốt công việc, mức lương bình quân từ 10 đến 13 triệu đồng/tháng.
Nếu sinh viên làm trong lĩnh vực đo đạc đất đai, sau khi ra trường 3-4 năm, thu nhập bình quân từ 15 đến 22 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, theo thầy Tài, hiện nay có nhiều ngành nghề mới xuất hiện, sinh viên chạy theo xu hướng, chọn các ngành đang “hot” cũng khiến nhu cầu học ngành Quản lý đất đai càng giảm.
“Thực tế hiện nay, người học Quản lý đất đai đang giảm trong khi nhu cầu về nhân lực trong lĩnh vực quản lý đất đai, về quản lý nhà nước cũng như những mảng làm việc ngoài nhà nước lại tăng.
Nhu cầu nhân lực được đào tạo đúng ngành Quản lý đất đai tăng là cơ hội để sinh viên học ngành này tìm kiếm việc làm khi ra trường dễ dàng hơn”, thầy Tài nhận định.
Còn Tiến sĩ Vũ Thị Thanh Thủy cho rằng, sinh viên thường có xu hướng ở lại làm việc tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,... điều này khiến cho các cơ quan, doanh nghiệp ở các tỉnh thiếu nhân lực.
Học Quản lý đất đai cần những kỹ năng gì?
Tiến sĩ Vũ Thị Thanh Thủy chia sẻ thêm, ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên ngành Quản lý đất đai sẽ được đi trải nghiệm thực tế, kiến tập, thực tập tại các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến mảng đất đai.
Các em được tiếp xúc thực tế, được làm quen với nghề, tích lũy kinh nghiệm từ sớm. Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp được giữ lại ngay tại cơ quan, doanh nghiệp mà các em từng thực tập, kiến tập.
Theo thầy Tài, sinh viên học ngành Quản lý đất đai cần trau dồi kiến thức chuyên ngành, kiến thức pháp lý bên cạnh đó cần phải có một số kỹ năng như kỹ năng xử lý trong lĩnh vực tranh chấp đất đai, kỹ năng tiếp xúc dân.
Các kỹ năng này rất quan trọng để tư vấn và trao đổi, phân tích với người dân, để người dân hiểu về yêu cầu pháp lý trong lĩnh vực quản lý đất đai.
Đất đai là tài sản có giá trị nên việc tranh chấp đất đai xảy ra tương đối phổ biến. Thế nhưng người dân có thể chưa hiểu về mặt quy trình xử lý hồ sơ pháp lý, các căn cứ pháp lý để giải quyết mà họ chỉ tranh chấp theo suy nghĩ và quan điểm cá nhân của họ.
Người làm trong lĩnh vực quản lý đất đai phải có kỹ năng để trao đổi, và giải thích và làm việc với dân một cách nhẹ nhàng, uyển chuyển và nắm bắt tâm lý của người dân.
Anh Nguyễn Văn Thành - cựu sinh viên ngành Quản lý đất đai, Trường Đại học Nông lâm, Đại học Thái Nguyên, hiện đang làm việc tại Công ty Cổ phần ứng dụng công nghệ Tài nguyên và Môi trường thành phố Lai Châu (tỉnh Lai Châu) chia sẻ, mỗi ngành nghề sẽ có áp lực riêng, riêng Quản lý đất đai lại càng áp lực và căng thẳng.
Vì đất đai là vấn đề nhạy cảm, phải trực tiếp làm việc với người dân, đôi khi sẽ có tranh chấp căng thẳng. Ngoài ra, nghề cũng yêu cầu sự tỉ mỉ, độ chính xác cao, nếu sai sót rất dễ gây ra hậu quả liên đới.
Chính những yêu cầu cao trong nghề, cũng như những khó khăn sẽ giúp bản thân người làm nghề được rèn luyện và phát triển hơn.
Theo anh Thành, đối với một sinh viên mới ra trường, lương thấp hay cao không quan trọng, quan trọng là những bài học thực tế và trải nghiệm nghề nghiệp khi mới vào nghề.
Đối với ngành quản lý đất đai, khi đã có kinh nghiệm, trải nghiệm và kiến thức, cứng cáp nhiều hơn thì sẽ có rất nhiều cơ hội phát triển cả về mức lương, cơ hội thăng tiến, chức vụ, có thể vào cơ quan nhà nước để phát triển hơn.